Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lên đỉnh Saba

Lên đỉnh Saba

Lên đỉnh Saba

ĐẢO Saba, một thuộc địa của Hà Lan, từng là sào huyệt của bọn hải tặc vùng Biển Caribbean. Ngày nay, tại hòn đảo nhỏ bé này nằm cách Puerto Rico 240 kilômét về hướng đông, có khoảng 1.600 dân sinh sống, trong đó có 5 Nhân Chứng Giê-hô-va. Những người truyền giáo này tìm kiếm những điều có giá trị lớn lao. Họ nỗ lực tìm những người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu”.—Công-vụ 13:48, Bản Diễn Ý.

Vào ngày 22-6-1952, lần đầu tiên chiếc thuyền buồm Sibia dài 18 mét của Nhân Chứng Giê-hô-va cập bến, đem tin mừng đến cho đảo Saba. (Ma-thi-ơ 24:14) Hai giáo sĩ Gust Maki và Stanley Carter đi trên con đường The Ladder gồm hơn 500 bậc đá lên đến The Bottom, thủ đô của Saba. * Trong nhiều thế kỷ, con đường nhỏ hẹp này là con đường duy nhất người ta phải đi qua để gặp được cư dân trên đảo.

Bản báo cáo chính thức đầu tiên về công việc làm chứng của tín đồ Đấng Christ ở Saba được đăng trong cuốn 1996 Yearbook of Jehovah’s Witnesses (Niên giám 1996 của Nhân Chứng Giê-hô-va). Theo báo cáo thì lúc đó ở trên đảo chỉ có một Nhân Chứng hoạt động mà thôi. Thời gian sau, một gia đình từ Canada đến rao truyền tin mừng nhiều năm tại đây. Cách nay không lâu, hai vợ chồng về hưu là Russel và Kathy từ Hoa Kỳ đến Saba rao giảng. Hãy theo dõi câu chuyện của họ.

Đến thăm Saba

Tôi và vợ tôi đến đảo bằng máy bay, chúng tôi là khách mời của anh Ronald. Trong nhiều năm của thập niên 1990, anh là Nhân Chứng duy nhất sống trên đảo. Anh Ronald đón chúng tôi tại phi trường. Anh rất thích hộp rau quả nhỏ mà chúng tôi tặng, lý do là vì ở trên đảo không có công nghiệp nông sản. Chúng tôi leo lên một chiếc xe tải nhỏ rồi xe từ từ lăn bánh lên triền núi Mount Scenery ngoằn ngoèo để lên đến đỉnh ngọn núi lửa đã tắt này.

Xe dừng lại ở làng Hell’s Gate, anh Ronald xuống kiểm lại bảng thông tin công cộng xem tờ giấy mời dự bài giảng công cộng vẫn còn dán trên đó không. Chúng tôi mừng khi thấy nó vẫn còn đó. Anh lên xe và chúng tôi tiếp tục đi đến thôn lớn nhất của đảo là Windwardside (có nghĩa là ở phía có gió). Như tên gọi, thôn làng thơ mộng này nằm về phía có gió và ở trên mực nước biển khoảng 400 mét. Khi xe tiến vào sân nhà của anh Ronald, chúng tôi thấy một tấm biển nhiều màu sắc trên hiên cửa trước, ghi là “Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va”.

Lúc ăn trưa, tôi hỏi anh: “Làm thế nào mà anh đã trở thành một người công bố Nước Trời ở Saba?” Thắc mắc này chính là lý do đưa đẩy chúng tôi đến đây thăm anh.

Anh trả lời: “Khi công việc xây dựng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Puerto Rico kết thúc vào năm 1993, tôi và vợ tôi vẫn muốn tiếp tục phục vụ ở hải ngoại. Trước đó, vợ chồng tôi và một cặp vợ chồng tiên phong khác đã đến Saba và được biết là tại đây có đến 1.400 dân nhưng chẳng có một Nhân Chứng nào cả. Thế nên chúng tôi xin phép Ủy Ban Chi Nhánh Puerto Rico cho chúng tôi dọn đến đây.

“Mọi việc diễn tiến tốt đẹp, cuối cùng chúng tôi được sự chấp thuận dọn đến Saba. Nhưng hai năm sau, chuyện đau buồn đã xảy ra: vợ tôi lâm bệnh nặng nên chúng tôi phải trở về California. Sau khi vợ tôi qua đời, tôi lại dọn về Saba. Như anh chị thấy đấy, tôi không thích bắt đầu việc gì rồi bỏ lỡ nửa chừng”.

Rao giảng từng nhà tại Saba

Phòng khách của căn nhà đã 100 năm của anh Ronald cũng là Phòng Nước Trời. * Chúng tôi đang dùng điểm tâm và chuẩn bị đi rao giảng thì một cơn mưa thoáng qua thấm ướt căn nhà bếp ngoài trời. Sau khi ăn xong, chúng tôi rời khỏi nhà dưới bầu trời thoáng đãng hơn. Sáng nay chúng tôi đi rao giảng từng nhà tại The Bottom. Tại mỗi nhà, anh Ronald chào hỏi chủ nhà bằng tên của họ. Trong cuộc thảo luận, chúng tôi hướng sự chú ý đến những tin tức mới tại địa phương. Phần đông người ta đều quen thuộc với công việc rao giảng của anh, vì vậy nhiều người sẵn sàng nhận ấn phẩm Kinh Thánh.

Việc ghi lại danh sách những người chú ý thông điệp Nước Trời không phải là điều dễ nếu bạn không quen biết dân làng. Tại sao? Vì “luật ở đây quy định tất cả mọi nhà đều phải được sơn cùng màu”, anh Ronald nói. Thật thế, tôi đảo mắt nhìn quanh thấy nhà nào ở Saba cũng được sơn trắng với mái ngói đỏ.

Sau cuộc thảo luận Kinh Thánh, chúng tôi mời người chủ nhà đến Phòng Nước Trời nghe bài giảng công cộng vào ngày Chủ Nhật. Những lúc ở trên đảo, tuần nào anh cũng nói bài giảng công cộng. Hiện nay ở Saba có 17 cuộc học hỏi Kinh Thánh. Vào năm 2004 có 20 người dự Lễ Tưởng Niệm sự chết Đấng Christ. Nghe qua thì con số này dường như không có gì đáng kể nhưng thật ra đó là một phần trăm của dân số Saba!

Thật vậy, Nhân Chứng Giê-hô-va nỗ lực tối đa trong việc mang thông điệp cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho thật nhiều người. Dù trên một hòn đảo nhỏ bé hay trong cả một lục địa, Nhân Chứng Giê-hô-va trung thành thi hành sứ mệnh đi “dạy-dỗ muôn-dân”.—Ma-thi-ơ 28:19.

Tiếc là đã đến lúc chúng tôi đã phải chia tay anh Ronald. Bước lên máy bay, chúng tôi vẫy chào tạm biệt anh. Chúng tôi sẽ nhớ mãi chuyến thăm viếng Saba và cuộc hành trình đến The Bottom.

[Chú thích]

^ đ. 3 Dường như những người cướp biển đã đặt tên vùng này là The Bottom (cái đáy) vì họ nghĩ rằng nó nằm ở đáy miệng núi lửa.

^ đ. 12 Vào ngày 28-9-2003, những người tình nguyện từ Florida, Hoa Kỳ, đã đến tu sửa lại một tòa nhà gần Saba, dùng làm Phòng Nước Trời.

[Bản đồ nơi trang 10]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

PUERTO RICO

[Nguồn tư liệu nơi trang 10]

Nền: www.sabatourism.com