Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nếu bạn ‘bị bắt đi làm phu’

Nếu bạn ‘bị bắt đi làm phu’

Nếu bạn ‘bị bắt đi làm phu’

“Ê TÊN KIA! Bỏ việc đó đi, đến đây vác bao này, mau lên!” Bạn nghĩ người Do Thái đang bận tay, sống vào thế kỷ thứ nhất, phản ứng ra sao khi người lính La Mã nói những lời trên với ông? Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su khuyên: “Ai bắt ngươi làm phu đi một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm”. (Ma-thi-ơ 5:41, Nguyễn Thế Thuấn) Những người nghe Chúa Giê-su nói đã hiểu lời ấy như thế nào? Ngày nay lời ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Để có câu trả lời, chúng ta cần biết về lệ cưỡng bách làm phu hoặc làm xâu thời xưa. Việc này rất quen thuộc với người Do Thái vào thời Chúa Giê-su.

Cưỡng bách làm phu

Bằng chứng về lệ cưỡng bách làm phu có từ thế kỷ thứ 18 TCN ở vùng Cận Đông. Các hồ sơ hành chánh từ cổ thành Alalakh của Syria có đề cập đến những đội làm phu bị chính quyền bắt làm công tác nhà nước. Tại Ugarit, vùng ven biển Syria, những tá điền cũng phải làm phu giống như thế ngoại trừ trường hợp được vua cho miễn.

Dĩ nhiên là những người tù binh hay nô dịch thường bị cưỡng bách làm phu. Các kẻ đầu xâu xứ Ê-díp-tô bắt dân Y-sơ-ra-ên nô lệ làm gạch cho họ. Về sau, người Y-sơ-ra-ên bắt những người Ca-na-an ở trong Đất Hứa làm xâu, chính sách đó cũng được Vua Đa-vít và Vua Sa-lô-môn áp dụng.—Xuất Ê-díp-tô Ký 1:13, 14; 2 Sa-mu-ên 12:31; 1 Các Vua 9:20, 21.

Khi người Y-sơ-ra-ên xin lập vua cai trị họ, nhà tiên tri Sa-mu-ên cho biết vua có quyền đòi hỏi những gì. Vua có quyền bắt người dân đánh xe, làm lính kị, cày ruộng, gặt mùa màng, chế tạo binh khí, v.v... (1 Sa-mu-ên 8:4-17) Tuy nhiên, trong thời gian xây cất đền thờ Đức Giê-hô-va, những người ngoại bị cưỡng bách làm xâu, nhưng “Sa-lô-môn không bắt dân Y-sơ-ra-ên làm tôi-mọi; song họ làm binh-chiến, tôi-tớ, quan-trưởng, quan-tướng, quan cai xe, và lính-kị của ngươi”.—1 Các Vua 9:22.

Đề cập đến những người Y-sơ-ra-ên được sử dụng trong công trình xây cất, 1 Các Vua 5:13, 14 ghi: “Vua Sa-lô-môn chiêu-mộ trong cả Y-sơ-ra-ên những người làm xâu, số là ba vạn người, sai họ đi đến Li-ban, thay phiên mỗi tháng mười ngàn người; họ ở một tháng tại Li-ban và hai tháng nơi nhà mình”. Một học giả nói: “Hẳn là những vua Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đã dùng việc cưỡng bách làm xâu để tận dụng nguồn lao động không lương này nhằm thực hiện những công trình kiến trúc hay làm việc trên những khu đất thuộc nhà vua”.

Ách làm xâu này là một gánh nặng dưới thời Vua Sa-lô-môn. Hà khắc đến độ khi Vua Rô-bô-am dọa tăng thêm gánh nặng, thì dân Y-sơ-ra-ên đã nổi dậy và ném đá viên cai khổ dịch. (1 Các Vua 12:12-18; NTT) Tuy nhiên, chính sách này không bị bãi bỏ. Vua A-sa, cháu nội Vua Rô-bô-am, nhóm lại những người Giu-đa, “không trừ một ai”, để xây Ghê-ba và Mích-ba.—1 Các Vua 15:22.

Dưới sự đô hộ của La Mã

Bài Giảng trên Núi cho thấy những người Do Thái thời thế kỷ thứ nhất cũng biết là họ có thể bị ‘cưỡng bách làm phu’. Cụm từ này dịch từ chữ Hy Lạp ag·ga·reuʹo, có nghĩa gốc liên quan đến công việc của người đưa thư ở Ba Tư. Họ có quyền trưng tập người, ngựa, tàu bè hay bất cứ điều gì cần để xúc tiến việc công.

Vào thời Chúa Giê-su, xứ Y-sơ-ra-ên bị người La Mã đô hộ và họ cũng áp đặt một hệ thống tương tự. Ở các tỉnh phía đông, ngoài thuế má thông thường, người dân còn bị cưỡng bách làm phu một cách thường xuyên hoặc trong những trường hợp đặc biệt. Những công tác đó không ai thích cả. Ngoài ra, trưng dụng trái phép thú vật, người đánh xe, hay xe ngựa để chuyên chở cho nhà nước là điều rất thông thường. Theo sử gia Michael Rostovtzeff, những người cầm quyền “cố điều hành và hệ thống hóa [chính sách], nhưng không thành công, vì ngày nào chính sách này còn được áp dụng, thì nó tiếp tục gây ra hệ quả xấu. Các thái thú ban hành hết sắc lệnh này đến sắc lệnh khác, họ thành thật cố gắng chận đứng tính chuyên quyền và sự áp bức vốn có trong hệ thống làm phu... Nhưng chính sách này vẫn mang tính áp bức”.

“Bất cứ ai cũng có thể bị bắt khiêng bao quân trang đi một đoạn đường”, một học giả Hy Lạp nói, và “bất cứ người nào cũng có thể bị bắt buộc làm một công tác mà người đô hộ áp đặt”. Điều đó đã xảy ra cho Si-môn, người thành Sy-ren, ông đã bị lính La Mã “bắt” vác cây khổ hình của Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 27:32.

Sách vở của các thầy ra-bi cũng nói đến chính sách không được ưa thích này. Thí dụ, một thầy ra-bi bị bắt chuyển vận cây sim đến cung điện. Những người làm phu có thể bị trưng tập từ những người chủ và giao cho những việc khác trong khi người chủ vẫn phải trả lương. Thú vật thồ hay bò có thể bị trưng dụng. Nếu được trả về, ít khi nào chúng còn có thể làm việc được nữa. Bạn có thể thấy tại sao trưng dụng là đồng nghĩa với tịch thu. Vì lý do đó, một câu châm ngôn của người Do Thái xác nhận: “Angareia cũng giống như là chết”. Một sử gia ghi: “Một ngôi làng có thể bị điêu tàn khi những con bò kéo cày bị trưng dụng cho việc angareia thay vì những con vật chuyên kéo nặng”.

Bạn có thể tưởng tượng là người ta không ưa những công tác đó đến độ nào, nhất là vì thường bị áp đặt một cách ngạo mạn và bất công. Sẵn căm thù thế lực dân ngoại đô hộ họ, người Do Thái càng phẫn nộ thêm trước nỗi nhục bị cưỡng bức làm lao dịch. Không có luật nào hiện nay cho chúng ta biết rõ người dân có thể bị bắt mang một gánh nặng đi bao xa. Chắc rằng nhiều người không sẵn lòng đi hơn luật định dù là một bước.

Dù thế, đó là chính sách mà Chúa Giê-su đề cập đến khi ngài nói: “Ai bắt ngươi làm phu đi một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm”. (Ma-thi-ơ 5:41, NTT) Khi nghe điều đó, một số người có lẽ cho rằng ngài đòi hỏi quá đáng. Nhưng ngài muốn nói gì?

Tín đồ Đấng Christ nên phản ứng như thế nào?

Nói một cách đơn giản, Chúa Giê-su phán cùng thính giả của ngài là nếu một người có thẩm quyền bắt họ phải làm một việc nào đó theo luật định, họ nên tuân theo một cách sẵn lòng và không bực tức. Như vậy họ phải ‘trả lại cho Sê-sa vật chi của Sê-sa’ nhưng không quên ‘trả lại cho Đức Chúa Trời vật chi của Đức Chúa Trời’.—Mác 12:17. *

Hơn nữa, sứ đồ Phao-lô khuyên những tín đồ Đấng Christ: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ-định. Cho nên ai chống-cự quyền-phép, tức là đối-địch với mạng-lịnh Đức Chúa Trời đã lập... Nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ”.—Rô-ma 13:1-4.

Như vậy, Chúa Giê-su và sứ đồ Phao-lô nhìn nhận là vua hay chính phủ có thẩm quyền phạt những ai bất tuân lệnh của họ. Hình phạt là gì? Triết gia Hy Lạp Epictetus, sống vào thế kỷ thứ nhất và thứ hai CN, đưa ra một câu trả lời: “Nếu tài sản bất ngờ bị trưng tập, người lính lấy đi con lừa con của bạn, thì đừng cản lại. Chớ nên kháng cự, cũng đừng kêu ca, e rằng bạn vừa bị đánh đòn mà còn bị mất lừa”.

Tuy nhiên, vào thời xưa cũng như ngày nay, có trường hợp tín đồ Đấng Christ cảm thấy rằng lương tâm mình không cho phép làm theo những đòi hỏi của chính quyền. Đôi khi hậu quả rất nghiêm trọng. Một số tín đồ Đấng Christ bị tử hình. Những người khác thì bị bỏ tù nhiều năm vì từ chối tham gia vào những việc mà họ cho là vi phạm lập trường trung lập. (Ê-sai 2:4; Giăng 17:16; 18:36) Trong những trường hợp khác, tín đồ Đấng Christ cảm thấy họ có thể tuân theo những gì chính quyền đòi hỏi. Chẳng hạn, một số tín đồ Đấng Christ cảm thấy lương tâm họ cho phép làm những công tác dưới sự điều hành của một cơ quan dân sự, liên quan đến việc chung, có ích cho cộng đồng như việc giúp đỡ những người lớn tuổi hoặc tàn tật, chữa cháy, dọn sạch bãi biển, làm việc tại công viên, rừng cây, hay thư viện, v.v...

Tất nhiên là mỗi nơi mỗi khác, vì thế để quyết định nên hay không nên tuân hành những gì luật pháp đòi hỏi, mỗi người tín đồ Đấng Christ cần phải làm theo lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện.

Đi thêm dặm thứ hai

Nguyên tắc Chúa Giê-su dạy là sẵn lòng làm theo những đòi hỏi thích đáng, không chỉ áp dụng đối với những đòi hỏi của chính quyền mà còn trong quan hệ hàng ngày với người khác. Thí dụ như khi một người có thẩm quyền yêu cầu bạn làm một điều mà bạn không thích làm, nhưng điều đó không vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời thì bạn sẽ làm gì? Bạn có thể phản ứng một cách tức tối vì cảm thấy đòi hỏi đó quá đáng làm bạn mất thì giờ và năng lực. Điều đó có thể đưa đến hiềm thù. Mặt khác, nếu miễn cưỡng làm theo, bạn có thể mất bình an nội tâm. Giải pháp là gì? Làm theo lời Chúa Giê-su đề nghị—đi dặm thứ hai. Không chỉ làm những gì đòi hỏi nơi mình, mà còn sẵn lòng làm hơn thế nữa. Với tinh thần đó, bạn sẽ không còn cảm thấy mình bị lợi dụng, nhưng vẫn cảm thấy làm chủ được hành động của mình.

“Nhiều người sống trên đời chỉ làm những gì bị bắt buộc làm”, một văn sĩ nói thế. “Đối với họ cuộc sống là một kinh nghiệm chán chường, và họ lúc nào cũng mỏi mệt. Những người khác thì làm hơn những gì đòi hỏi nơi họ và sẵn sàng hiến thân phục vụ”. Thực tế, trong nhiều tình huống người ta có quyền lựa chọn là đi chỉ một dặm như đòi hỏi—hay đi hai dặm. Trong trường hợp thứ nhất, có lẽ người đó muốn quyền lợi mình phải được tôn trọng. Trong trường hợp thứ hai, người đó có thể nhận được những kinh nghiệm rất quý báu. Bạn là người nào? Có lẽ bạn sẽ hạnh phúc hơn và đạt nhiều kết quả hơn nếu bạn xem những gì mình làm, không chỉ là trách nhiệm hoặc việc cần làm, mà là những gì bạn muốn làm.

Nhưng nếu bạn là người có quyền hành thì sao? Rõ ràng là thiếu yêu thương và cũng không phù hợp với tư cách của người tín đồ Đấng Christ để dùng quyền hành bắt buộc người khác làm ngược với ý muốn của họ. Chúa Giê-su nói: “Các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế mà trị dân”. Nhưng đó không phải là đường lối làm việc của người tín đồ Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 20:25, 26) Dù lối làm việc độc đoán có thể đạt được kết quả, nhưng mối quan hệ giữa những người trong cuộc sẽ tốt hơn biết bao khi được yêu cầu một cách tử tế, thích hợp và được đáp ứng bằng sự tôn trọng và vui vẻ! Đúng vậy, thái độ sẵn lòng đi hai dặm, thay vì chỉ đi một dặm, quả có thể làm cho đời bạn phong phú!

[Chú thích]

^ đ. 18 Để biết đầy đủ ý nghĩa của câu “vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời” đối với tín đồ Đấng Christ, xem Tháp Canh ngày 1-5-1996, trang 15-20.

[Khung nơi trang 25]

LẠM DỤNG CHÍNH SÁCH CƯỠNG BÁCH LÀM PHU THỜI XƯA

Qua những điều lệ nhằm kiểm soát sự lạm dụng, chúng ta thấy người ta đã thường dựa vào lệ cưỡng bách làm phu để lấy cớ bóc lột sức lao động của người khác. Vào năm 118 TCN, Ptolemy Euergetes II của Ai Cập ra chỉ dụ rằng các quan “không được cưỡng bách lao động người dân trong nước để làm việc riêng tư, cũng không trưng tập (aggareuein) gia súc của họ để dùng vào mục tiêu cá nhân”. Hơn nữa: “Không ai được trưng tập... tàu bè để dùng cho cá nhân mình vì bất cứ một lý do gì”. Trong một câu khắc tại Đền Great Oasis, Ai Cập, ghi năm 49 CN, viên thái thú La Mã Vergilius Capito nhìn nhận là những người lính đã trưng thu bất hợp pháp, và ông ra lệnh rằng “không ai được lấy hoặc trưng tập... một điều gì, ngoại trừ trường hợp có giấy phép của ta”.

[Hình nơi trang 24]

Si-môn ở Sy-ren đã bị cưỡng bức làm phu

[Hình nơi trang 26]

Nhiều Nhân Chứng đã bị bỏ tù vì giữ lập trường của người tín đồ Đấng Christ