Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phép lạ—Có thật hay bịa đặt?

Phép lạ—Có thật hay bịa đặt?

Phép lạ—Có thật hay bịa đặt?

HÀNG chữ trên tấm nhãn dán sau một chiếc xe đang đi qua: “Phép lạ có thật—Thử hỏi thiên sứ” đập vào mắt một người đàn ông sùng đạo nọ. Nhưng ông không chắc hàng chữ ấy có nghĩa gì. Phải chăng nó cho biết người lái xe tin có phép lạ? Hay đó là cách đùa giỡn cho thấy không tin phép lạ và thiên sứ?

Có lẽ bạn chú ý đến lời nhận xét sau đây của Manfred Barthel, một tác giả người Đức: “Phép lạ là một từ lập tức chia người đọc ra làm hai phe”. Những người tin vào phép lạ thì chắc chắn rằng phép lạ có và có lẽ thường xuyên xảy ra nữa. * Chẳng hạn, người ta đồn rằng ở Hy Lạp trong vài năm gần đây, nhiều người tin vào phép lạ đã quả quyết là phép lạ xảy ra khoảng một lần mỗi tháng. Điều này khiến một giám mục Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp cảnh báo: “Những người tin vào phép lạ có khuynh hướng nhân tính hóa Đức Chúa Trời, Đức Mẹ Maria và các thánh. Họ không nên đi quá xa”.

Niềm tin vào phép lạ không mấy phổ biến tại một số quốc gia khác. Theo một cuộc thăm dò của Viện Allensbach được công bố ở Đức vào năm 2002, có 71% công dân nước này xem phép lạ là bịa đặt chứ không có thật. Tuy nhiên, trong số ít hơn một phần ba những người tin có phép lạ, có ba phụ nữ khẳng định đã nhận được thông điệp từ Nữ Đồng Trinh Maria. Vài tháng sau khi “Đức Mẹ hiện ra” với họ—theo sau là các thiên sứ và một chim bồ câu—tờ báo Đức Westfalenpost tường thuật: “Cho đến nay khoảng 50.000 người hành hương, những người muốn được chữa bệnh cũng như những người tò mò, đã nhiệt tình chú ý đến sự hiện ra mà những phụ nữ ấy đã thấy”. Người ta ước lượng có thêm 10.000 người nữa sẽ kéo đến ngôi làng để chứng kiến những sự hiện ra khác. Các sự hiện ra tương tự của Nữ Đồng Trinh Maria mà người ta nói là đã xảy ra ở Lourdes, nước Pháp, vào năm 1858, và ở Fátima, Bồ Đào Nha, vào năm 1917.

Còn các đạo không theo Đấng Christ thì sao?

Hầu hết các tôn giáo đều tin có phép lạ. Sách The Encyclopedia of Religion (Bách khoa tự điển tôn giáo) giải thích rằng những người sáng lập đạo Đấng Christ, Hồi Giáo và Phật Giáo có quan điểm khác nhau về phép lạ, nhưng sách ghi nhận: “Lịch sử sau này của các tôn giáo này rõ ràng cho thấy các phép lạ và các câu chuyện về phép lạ ăn sâu vào đời sống tôn giáo của người ta”. Tài liệu tham khảo trên nói rằng “chính Phật Thích Ca thỉnh thoảng cũng làm phép lạ”. Sau này, khi “Phật Giáo lan đến Trung Quốc, những nhà truyền giáo thường phải dùng đến việc biểu lộ quyền phép này”.

Sau khi nói đến một số phép lạ mà người ta tin, sách bách khoa đó kết luận: “Một người có thể không sẵn sàng chấp nhận toàn thể các câu chuyện về các phép lạ do các tiểu sử gia sùng đạo viết ra, nhưng những câu chuyện đó chắc chắn được kể lại nhằm tôn vinh Phật Thích Ca, và cho thấy Phật có khả năng ban cho đệ tử nhiệt thành của ông quyền phép đó”. Sách tham khảo này cũng nói về Hồi Giáo: “Đa số người Hồi Giáo lúc nào cũng trông chờ phép lạ. Muhammad được miêu tả theo truyền thống (hadīths) là đã làm phép lạ trước công chúng nhiều lần.... Người ta cho là ngay cả sau khi chết, các thánh còn làm phép lạ nơi mồ mả của họ để làm ơn cho người sùng kính đạo và được nhiều người nhờ để cầu thay”.

Nói gì về những phép lạ trong đạo Đấng Christ?

Nhiều người đã chấp nhận đạo Đấng Christ nhưng lại khác biệt ý kiến. Một số tin các phép lạ của Chúa Giê-su Christ hoặc của các tôi tớ Đức Chúa Trời trước thời Đấng Christ được ghi lại trong Kinh Thánh là có thật. Thế nhưng, nhiều người lại đồng ý với Nhà Cải Cách Tin Lành Martin Luther. Sách The Encyclopedia of Religion nói về ông: “Cả Luther lẫn Calvin đều viết rằng thời đại phép lạ đã chấm dứt, và không ai nên trông đợi điều đó xảy ra nữa”. Tài liệu tham khảo này cũng nói rằng Giáo Hội Công Giáo vẫn tin có phép lạ nhưng lại “không giải thích phép lạ xảy ra như thế nào”. Tuy nhiên, “giới trí thức Tin Lành cho rằng việc thực hành đạo Đấng Christ chủ yếu là ở đạo đức, và Đức Chúa Trời cũng như thế giới thần linh đều không dính dáng hay ảnh hưởng đáng kể trên đời sống thực tế của con người”.

Những người khác tự nhận là tín đồ Đấng Christ, kể cả một số thuộc hàng giáo phẩm, nghi ngờ các phép lạ trong Kinh Thánh. Chẳng hạn câu chuyện về bụi gai cháy tường thuật nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1-5. Sách What the Bible Really Says (Những gì Kinh Thánh thật sự nói) giải thích rằng một số nhà thần học người Đức không xem lời tường thuật về phép lạ này là theo nghĩa đen. Thay vì thế, họ thông giải đó là “một biểu tượng nói lên tâm trạng của Môi-se, bị lương tâm dằn vặt và day dứt như thể bị lửa đốt”. Sách nói thêm: “Ngọn lửa cũng có thể được xem là những bông hoa phụt nở dưới ánh sáng mặt trời của sự hiện diện của Đức Chúa Trời”.

Bạn có thể thấy sự giải thích như thế không thỏa đáng. Vậy bạn nên tin gì? Tin phép lạ từng xảy ra thì có thực tế không? Vậy còn các phép lạ thời nay thì sao? Vì không thể hỏi thiên sứ, chúng ta có thể hỏi ai?

Quan điểm của Kinh Thánh

Không ai có thể phủ nhận là Kinh Thánh có nói về việc Đức Chúa Trời trong quá khứ đã thỉnh thoảng can thiệp bằng hành động vượt quá khả năng loài người. Chúng ta đọc về Ngài: “Ngài đã dùng phép lạ, dấu kỳ, tay hùng, cánh mạnh, khủng khiếp mà dẫn Ít-ran dân riêng ra khỏi nước Ai-cập”. (Giê-rê-mi 32:21, Trần Đức Huân, chúng tôi viết nghiêng). Hãy tưởng tượng cường quốc mạnh nhất của thời đó đã bị hạ nhục qua việc Đức Chúa Trời giáng xuống mười tai vạ, trong đó có tai vạ hành hại các con trai đầu lòng. Đây quả là những phép lạ!—Xuất Ê-díp-tô Ký, chương 7 đến 14.

Nhiều thế kỷ sau, bốn người viết sách Phúc Âm kể lại khoảng 35 phép lạ của Chúa Giê-su. Thật ra, họ cho thấy ngài còn làm nhiều phép lạ khác mà không được kể lại. Những lời tường thuật này có thật hay bịa đặt? *Ma-thi-ơ 9:35; Lu-ca 9:11.

Nếu Kinh Thánh đúng là Lời lẽ thật của Đức Chúa Trời, thì bạn có những lý do vững chắc để tin các phép lạ được tường thuật trong sách đó. Kinh Thánh tường thuật rõ ràng những phép lạ đã xảy ra trong quá khứ như phép lạ chữa bệnh, làm sống lại và những phép lạ tương tự khác. Nhưng Kinh Thánh cũng giải thích rõ ràng rằng các phép lạ như thế không còn xảy ra nữa. (Xem khung “Tại sao một số phép lạ không còn xảy ra nữa?” nơi trang 4). Vậy phải chăng điều này có nghĩa là ngay cả những người tin Kinh Thánh cũng coi các phép lạ thời nay là viển vông? Bài kế tiếp sẽ trả lời câu hỏi này.

[Chú thích]

^ đ. 3 Từ “phép lạ” trong bài này được dùng theo nghĩa trong tự điển Kinh Thánh là: “Những tác động trong thế giới vật chất vượt khỏi lý trí, và vượt quá mọi quyền lực của con người hoặc thiên nhiên, và do đó được qui cho quyền lực siêu nhiên”.

^ đ. 14 Bạn có thể xem xét những bằng chứng cho thấy Kinh Thánh đáng tin cậy trong sách Kinh Thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung nơi trang 4]

TẠI SAO MỘT SỐ PHÉP LẠ KHÔNG CÒN XẢY RA NỮA?

Nhiều phép lạ khác nhau được nói đến trong Kinh Thánh. (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:19-21; 1 Các Vua 17:1-7; 18:22-38; 2 Các Vua 5:1-14; Ma-thi-ơ 8:24-27; Lu-ca 17:11-19; Giăng 2:1-11; 9:1-7) Nhiều phép lạ này có mục đích giúp nhận diện Chúa Giê-su là Đấng Mê-si và chứng tỏ rằng ngài được Đức Chúa Trời ủng hộ. Các môn đồ ban đầu của Chúa Giê-su cho thấy họ được các ơn mầu nhiệm như nói được nhiều thứ tiếng và hiểu biết sâu sắc về các lời được soi dẫn. (Công-vụ 2:5-12; 1 Cô-rinh-tô 12:28-31) Các sự ban cho mầu nhiệm đó hữu ích cho hội thánh tín đồ Đấng Christ lúc còn phôi thai. Tại sao vậy?

Một lý do là thời đó không có nhiều bản Kinh Thánh. Thường thì chỉ những người giàu mới có được các cuộn hay các sách. Trong các xứ dân ngoại, không ai biết đến Kinh Thánh hoặc Tác Giả của Kinh Thánh là Đức Giê-hô-va. Sự dạy dỗ của đạo Đấng Christ phải được truyền đạt bằng lời nói. Những sự ban cho mầu nhiệm giúp chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời dùng hội thánh tín đồ Đấng Christ.

Nhưng sứ đồ Phao-lô giải thích rằng những sự ban cho này sẽ chấm dứt một khi không còn cần thiết nữa. “Các lời tiên-tri sẽ hết, sự ban-cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông-biết hầu bị bỏ. Vì chưng chúng ta hiểu-biết chưa trọn-vẹn, nói tiên-tri cũng chưa trọn-vẹn; song lúc sự trọn-lành đã đến, thì sự chưa được trọn-lành sẽ bị bỏ”.—1 Cô-rinh-tô 13:8-10.

Ngày nay, người ta có Kinh Thánh, cũng như sách liệt kê các từ Kinh Thánh và bách khoa tự điển. Hơn sáu triệu tín đồ Đấng Christ được huấn luyện để giúp đỡ người khác nhận được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời dựa trên Kinh Thánh. Vì vậy, phép lạ không còn cần thiết để minh chứng Chúa Giê-su Christ là Đấng Giải Cứu được Đức Chúa Trời bổ nhiệm hoặc để đưa ra bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va đang hỗ trợ các tôi tớ Ngài.