Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khẩu chiến—Tại sao gây tổn thương?

Khẩu chiến—Tại sao gây tổn thương?

Khẩu chiến—Tại sao gây tổn thương?

“Những điều chiến-đấu tranh-cạnh trong anh em bởi đâu mà đến?”—GIA-CƠ 4:1.

MÔN ĐỒ Gia-cơ, một trong những người viết Kinh Thánh, không nhằm đặt câu hỏi này cho những người lính thuộc quân đoàn La Mã đang tiến hành các cuộc chinh phục; cũng không nhằm tìm hiểu động lực của nhóm du kích Do Thái Sicarii, tức nhóm người mang dao găm, vào thế kỷ thứ nhất CN. Gia-cơ muốn nói đến mối bất hòa nảy sinh giữa vài người—đôi khi chỉ hai người. Tại sao vậy? Giống như các cuộc chiến, những mối bất hòa cá nhân gây tổn thất nghiêm trọng. Hãy lưu ý những lời tường thuật sau đây trong Kinh Thánh.

Các con trai của tộc trưởng Gia-cốp căm ghét em trai mình là Giô-sép đến nỗi họ bán chàng làm nô lệ. (Sáng-thế Ký 37:4-28) Mấy thế kỷ sau, Sau-lơ, vua của Y-sơ-ra-ên, tìm cách giết Đa-vít. Vì sao? Bởi vì ông ganh tị với Đa-vít. (1 Sa-mu-ên 18:7-11; 23:14, 15) Vào thế kỷ thứ nhất, những cuộc cãi lẫy giữa hai nữ tín đồ Đấng Christ là Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ đã làm mất hòa khí của cả hội thánh.—Phi-líp 4:2.

Trong những thời kỳ gần đây hơn, người ta giải quyết mối bất đồng bằng những cuộc đấu kiếm hoặc đọ súng tay đôi. Thường thì một trong hai đối thủ bị giết hoặc mang thương tật suốt đời. Ngày nay, vũ khí của những người thù hận nhau thường là lời lẽ cay đắng, sắc như dao. Dù không đổ máu, những cuộc tấn công bằng lời nói làm tổn thương cảm xúc và hủy hoại thanh danh. Những người vô tội thường chịu đau khổ trong các cuộc “chiến-đấu” này.

Hãy xem xét trường hợp xảy ra vài năm trước đây, một mục sư Anh Giáo cáo buộc một mục sư khác về tội quản lý tồi ngân quỹ của nhà thờ. Dần dần, mọi người đều biết về những cuộc cãi lẫy của họ, và hội thánh mà họ coi sóc chia thành phe phái. Một số giáo dân không chịu dự buổi lễ nào do mục sư của phe đối phương làm lễ. Giáo dân hai bên khinh miệt nhau đến mức làm ngơ lẫn nhau khi đến nhà thờ. Rồi khi chính ông mục sư nguyên cáo lại trở thành bị cáo về tội tình dục bất chính thì mối bất hòa trở nên gay gắt hơn.

Tổng Giám Mục của địa phận Canterbury khẩn khoản kêu gọi hai mục sư làm hòa, ông gọi mối bất hòa của họ là “ung nhọt” và là “một vụ tai tiếng bôi nhọ danh của Chúa chúng ta”. Năm 1997, một trong hai mục sư đồng ý về hưu. Người kia vẫn khư khư giữ nhiệm vụ cho đến tuổi buộc phải nghỉ hưu. Không những thế, ông đã cố trụ lại cho đến tận phút chót, và chỉ về hưu vào lần sinh nhật thứ 70, ngày 7-8-2001. Tờ The Church of England Newspaper (Báo Anh Giáo) cho biết ngày ông về hưu trùng với ngày lễ của “Thánh” Victricius. “Thánh” Victricius là ai? Ông là một giám mục sống vào thế kỷ thứ tư và theo người ta tin, ông đã bị quất bằng roi vì từ chối chiến đấu trong quân đội. Nêu lên sự tương phản trong hai thái độ, tờ báo viết: “Từ chối tham gia cuộc tranh cạnh trong nhà thờ không phải là đặc tính của [vị mục sư về hưu]”.

Những mục sư đó có thể tránh được việc làm tổn thương chính mình và người khác nếu họ áp dụng lời khuyên nơi Rô-ma 12:17, 18: “Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”.

Còn bạn thì sao? Nếu bị một ai đó xúc phạm, sự oán giận có xui giục bạn cãi lẫy không? Hay là bạn tránh nói những lời gay gắt để còn có thể làm hòa? Nếu bạn làm mếch lòng ai, bạn có lánh mặt người đó với hy vọng rằng thời gian sẽ làm lắng dịu vấn đề và người ấy sẽ quên? Hay là bạn nhanh chóng đến xin lỗi? Dù bạn xin lỗi hay tha thứ cho người khác, cố gắng làm hòa sẽ góp phần mang lại hạnh phúc cho bạn. Lời khuyên trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta giải quyết ngay cả những mâu thuẫn lâu dài như bài tiếp theo sẽ cho thấy.