Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lợi ích của việc làm hòa

Lợi ích của việc làm hòa

Lợi ích của việc làm hòa

ÔNG Ed đang hấp hối, nhưng Bill căm ghét ông. Hai mươi năm trước đây, Bill đã mất việc vì một quyết định của Ed, và điều đó cắt đứt tình bạn của hai người từng một thời thân thiết. Giờ đây, Ed cố tìm cơ hội xin lỗi để ông có thể thanh thản nhắm mắt. Nhưng, Bill từ chối.

Gần 30 năm sau, khi sắp lìa đời, Bill giải thích tại sao ông đã không tha thứ. Ông cho biết: “Không gì buộc Ed phải làm cái điều mà ông đã làm cho người bạn thân nhất. Sau hai mươi năm, đơn giản là tôi không muốn làm hòa.... Có thể là tôi sai, nhưng đó là cảm nghĩ của tôi”. *

Không phải lúc nào những bất đồng cá nhân cũng dẫn đến hậu quả đáng buồn như thế, nhưng chúng thường để lại cảm giác đau đớn hoặc cay đắng cho người trong cuộc. Hãy xem xét vấn đề từ góc độ của những người có cùng cảm xúc như Ed. Ý thức rằng quyết định của mình đã gây tai hại, họ sống với mặc cảm tội lỗi và cảm thấy mất mát thật nhiều. Thế nhưng, họ cũng đau đớn khi nghĩ rằng sao người bạn cố tri lại nỡ vứt bỏ tình bằng hữu như là rơm rác.

Tuy nhiên, những người có cùng cảm xúc với Bill thì nghĩ mình là nạn nhân vô tội, có thể cảm thấy vô cùng cay đắng và phẫn uất. Theo họ, người bạn xưa đã không hành động vô tình mà có thể còn chủ tâm hãm hại. Thường, khi có sự bất đồng giữa hai người, mỗi bên đều cho rằng mình đúng và bên kia chịu trách nhiệm về mọi sai trái. Vì vậy, hai người trước kia từng là bạn nay trở thành đối thủ của nhau.

Họ tiến hành cuộc chiến bằng những vũ khí thầm lặng—người này quay lưng khi người kia đi ngang, và họ cố tình lờ nhau khi chạm mặt trong một nhóm. Từ xa, họ quan sát nhau bằng những cái liếc trộm hoặc chằm chằm nhìn nhau bằng ánh mắt lạnh lùng, đầy căm ghét. Khi phải nói chuyện với nhau, họ dùng những từ cộc lốc hoặc những lời sỉ nhục sắc như dao.

Song, trong khi dường như họ hoàn toàn đối nghịch nhau, có lẽ họ đồng ý về một số điểm. Có thể họ nhận ra là mình đang có vấn đề nghiêm trọng, và việc cắt đứt quan hệ với người bạn thân là điều đáng buồn. Hẳn mỗi bên đều cảm nhận nỗi đau của vết thương mưng mủ, cả hai đều biết rằng nên làm một điều gì đó để chữa lành. Nhưng ai sẽ là người chủ động đi bước trước để hàn gắn mối quan hệ bị tổn thương và làm hòa? Không ai sẵn lòng làm thế.

Hai ngàn năm trước đây, các sứ đồ của Chúa Giê-su đôi khi cũng giận dữ cãi lẫy nhau. (Mác 10:35-41; Lu-ca 9:46; 22:24) Một lần, sau khi họ cãi nhau kịch liệt, Chúa Giê-su hỏi: “Lúc đi đường, các ngươi nói chi với nhau?” Im lặng vì xấu hổ, không một người nào trả lời. (Mác 9:33, 34) Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su đã giúp họ hòa thuận lại. Đến nay, lời khuyên của ngài và của một số môn đồ ngài vẫn giúp người ta giải quyết những mâu thuẫn và hàn gắn lại tình bạn tan vỡ. Chúng ta hãy xem.

Nỗ lực làm hòa

“Tôi không thèm nói với người đó nữa. Đến chết, tôi cũng không muốn gặp mặt con người đó”. Nếu bạn đã từng nói những lời như thế về một người nào, bạn cần hành động, như những đoạn Kinh Thánh sau đây cho thấy.

Chúa Giê-su dạy: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã”. (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Ngài cũng nói: “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người”. (Ma-thi-ơ 18:15) Dù bạn xúc phạm ai, hoặc một người nào đó xúc phạm bạn, lời của Chúa Giê-su nhấn mạnh điểm cần thiết là chính bạn nên sớm nói ra vấn đề với người kia. Bạn nên làm điều này với “lòng mềm-mại”, tức tinh thần ôn hòa. (Ga-la-ti 6:1) Mục tiêu của cuộc nói chuyện là làm hòa, chứ không phải vì bạn muốn giữ thể diện bằng cách bào chữa cho mình, hoặc vì muốn ép đối phương phải xin lỗi. Lời khuyên này của Kinh Thánh có hiệu nghiệm không?

Anh Ernest là trưởng phòng tại một cơ quan lớn. * Trong nhiều năm, công việc đòi hỏi anh phải xử lý những vấn đề tế nhị với mọi hạng người và giữ cho tốt mối quan hệ làm việc với họ. Anh thấy những mâu thuẫn rất dễ nảy sinh. Anh nói: “Đôi khi tôi có bất đồng với người khác. Nhưng khi điều này xảy ra, tôi tìm đến người đó để nói chuyện. Tôi trực tiếp đến gặp họ. Thẳng thắn trao đổi với mục tiêu làm hòa. Làm như thế, không thất bại bao giờ”.

Chị Alicia có bạn từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Chị nói: “Khi lỡ nói một điều gì, và rồi cảm thấy có lẽ mình đã xúc phạm đến người khác thì tôi đến xin lỗi họ. Có lẽ tôi đã xin lỗi nhiều hơn mức cần thiết, bởi vì có những trường hợp người kia không mếch lòng, nhưng việc xin lỗi vẫn làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Làm vậy, tôi có thể chắc là không có sự hiểu lầm”.

Vượt qua những chướng ngại

Tuy nhiên trong những mối bất hòa cá nhân, con đường dẫn đến việc làm hòa thường bị cản trở bởi những chướng ngại. Bạn có bao giờ nói: “Tại sao người chủ động làm hòa lại là tôi, lỗi tại người kia mà”? Hoặc có bao giờ bạn đến gặp một người để làm sáng tỏ vấn đề nhưng chỉ nghe người đó nói: “Tôi không có gì để nói với anh cả”? Một số người có phản ứng như thế vì tình cảm của họ đã bị tổn thương. Châm-ngôn 18:19 nói: “Một anh em bị mếch lòng lấy làm khó được lòng lại hơn là chiếm thủ cái thành kiên-cố; sự tranh-giành dường ấy khác nào những chốt cửa đền”. Vậy, hãy nghĩ đến cảm xúc của người đó. Nếu người đó cự tuyệt, bạn hãy đợi một thời gian ngắn và thử lại lần nữa xem sao. Biết đâu lúc đó “thành kiên-cố” sẽ mở và “chốt cửa” được tháo ra, dẫn đến việc hòa giải.

Lòng tự trọng có thể cũng là một chướng ngại khác trên đường dẫn đến hòa thuận. Đối với một số người, xin lỗi hoặc ngay cả việc nói chuyện với đối phương cũng là bẽ mặt. Giữ lòng tự trọng là đúng, nhưng việc từ chối làm hòa sẽ nâng cao hay hạ thấp lòng tự trọng của một người? Có thể nào điều chúng ta tưởng là lòng tự trọng thực ra là tính tự cao không?

Môn đồ Gia-cơ, một trong những người viết Kinh Thánh, cho thấy mối liên quan giữa tinh thần tranh cạnh và tính tự cao. Sau khi vạch trần những cuộc “chiến-đấu” và “tranh-cạnh” xảy ra giữa một số tín đồ Đấng Christ, ông nói tiếp: “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. (Gia-cơ 4:1-3, 6) Làm thế nào tính kiêu ngạo, hay tự cao gây trở ngại cho việc làm hòa?

Tính tự cao đánh lừa người ta, làm cho họ tin rằng mình hơn người. Người kiêu ngạo cảm thấy mình có quyền đánh giá người khác. Như thế nào? Khi nảy sinh những bất đồng, họ thường nghĩ đối thủ là người vô phương cứu chữa, không có hy vọng cải thiện. Tính tự cao khiến một số người cho rằng những ai bất đồng với họ là không đáng chú ý, nói gì đến việc nhận được lời xin lỗi chân thành. Vì vậy, những người bị thúc đẩy bởi tính tự cao thường để cho những mâu thuẫn tồn tại hơn là giải quyết chúng một cách thích đáng.

Giống như rào chắn cản trở lưu thông trên xa lộ, tính tự cao thường làm dừng lại bước tiến dẫn đến việc làm hòa. Vì vậy, nếu thấy mình cưỡng lại ý nghĩ làm hòa với người khác, có thể là bạn đang vật lộn với tính tự cao. Làm thế nào bạn có thể khắc phục tính ấy? Bằng cách vun trồng một đức tính ngược lại—tính khiêm nhường.

Làm điều ngược lại

Kinh Thánh khuyến khích rất nhiều về đức tính khiêm nhường. “Phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”. (Châm-ngôn 22:4) Đọc Thi-thiên 138:6, chúng ta biết quan điểm của Đức Chúa Trời đối với những người khiêm nhường và những kẻ tự cao: “Dầu Đức Giê-hô-va cao-cả, thì cũng đoái đến những người hèn-hạ; còn kẻ kiêu-ngạo, Ngài nhận-biết từ xa”.

Nhiều người nghĩ khiêm nhường tương đương với việc bị bẽ mặt. Các nhà cầm quyền trên thế giới dường như nghĩ theo cách này. Dù nắm quyền trên cả dân chúng, những nhà lãnh đạo chính trị thối lui trước việc khiêm nhường thừa nhận những sai lầm của mình. Nghe một nhà lãnh đạo nói câu “xin lỗi”, điều đó đáng đưa lên mặt báo. Gần đây, khi một cựu viên chức chính phủ xin lỗi về thất bại của ông trong việc ngăn một thảm họa nghiêm trọng, lời xin lỗi của ông được dùng làm dòng tít trên báo.

Hãy lưu ý cách một tự điển định nghĩa về tính khiêm nhường: “Khiêm tốn trong quan hệ đối xử”. Còn tính khiêm tốn được định nghĩa là: “Có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người”. Vậy nên, sự khiêm nhường là cách chúng ta đánh giá bản thân, chứ không phải là cách người khác đánh giá chúng ta. Do đó, khiêm nhường thừa nhận sai lầm của mình và chân thành xin được tha thứ không làm cho một người bị bẽ mặt; ngược lại, việc này nâng cao phẩm giá của người đó. Kinh Thánh nói: “Trước khi sự bại-hoại, lòng người vẫn tự cao; song sự khiêm-nhượng đi trước sự tôn-trọng”.—Châm-ngôn 18:12.

Nói về những chính khách không chịu xin lỗi về những sai lầm của họ, một quan sát viên nói: “Điều đáng buồn là dường như họ cho rằng thú nhận như thế là dấu hiệu của sự nhu nhược. Những người thiếu nghị lực và thiếu tự tin hiếm khi nói ‘xin lỗi’. Chính người nhân hậu và can đảm mới không bị mất lòng tự trọng khi nói: ‘Tôi đã phạm sai lầm’ ”. Điều ấy cũng đúng đối với những người không phải là nhà chính trị. Nếu nỗ lực thay thế tính tự cao bằng tính khiêm nhường, triển vọng giải quyết mối bất hòa cá nhân được cải tiến rất nhiều. Hãy lưu ý đến cách một gia đình đã nhận ra lẽ thật này.

Một sự hiểu lầm đã gây căng thẳng giữa Julie và em trai là William. Anh William giận vợ chồng Julie và Joseph đến nỗi cắt đứt mọi liên lạc với họ. Thậm chí anh gửi trả lại tất cả các món quà mà chị gái và anh rể đã tặng trong nhiều năm qua. Nhiều tháng trôi qua, tình cảm thân mật một thời giữa hai chị em giờ đây thay thế bằng nỗi đắng cay.

Tuy nhiên, Joseph đã quyết định áp dụng Ma-thi-ơ 5:23, 24. Anh cố tiếp xúc với em vợ bằng tinh thần ôn hòa và nhiều lần gửi thư xin lỗi vì đã làm mất lòng William. Anh khuyến khích vợ tha thứ cho em trai. Với thời gian, William nhận thấy Julie và Joseph chân thành muốn làm hòa, thái độ của anh dịu xuống. Vợ chồng William đến gặp Julie và Joseph; họ đã xin lỗi nhau, ôm hôn nhau, và nối lại tình thân.

Nếu bạn mong mỏi giải quyết mâu thuẫn với người nào đó, hãy kiên nhẫn áp dụng những dạy dỗ của Kinh Thánh và cố gắng làm hòa với người đó. Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn. Điều mà Ngài đã nói với dân Y-sơ-ra-ên xưa sẽ đúng trong trường hợp của bạn: “Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông”.—Ê-sai 48:18.

[Chú thích]

^ đ. 3 Dựa trên The Murrow Boys—Pioneers on the Front Lines of Broadcast Journalism, của Stanley Cloud và Lynne Olson.

^ đ. 12 Một số tên đã được đổi.

[Các hình nơi trang 7]

Lời xin lỗi thường giúp nối lại những mối quan hệ hòa thuận trước kia