Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Ru-tơ

Những điểm nổi bật trong sách Ru-tơ

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Ru-tơ

ĐÓ LÀ một câu chuyện có thật rất ấm lòng về sự gắn bó mật thiết giữa hai người phụ nữ, một điển hình về lòng tôn kính Đức Giê-hô-va và tin cậy nơi sự sắp đặt của Ngài, một kinh nghiệm cho thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Đức Giê-hô-va đến dòng dõi sinh ra Đấng Mê-si, và một lời tường thuật đầy xúc động về những niềm vui và nỗi buồn của một gia đình. Tất cả những điều đó và nhiều điều khác nữa được gói gọn trong sách Ru-tơ của Kinh Thánh.

Sách Ru-tơ kể về khoảng 11 năm “trong đời các quan xét” của xứ Y-sơ-ra-ên. (Ru-tơ 1:1) Những sự kiện được ghi lại hẳn đã xảy ra vào đầu thời kỳ này vì ông chủ đất Bô-ô, một nhân vật trong câu chuyện, là con của Ra-háp, người sống vào thời Giô-suê. (Giô-suê 2:1, 2; Ru-tơ 2:1; Ma-thi-ơ 1:5) Câu chuyện này có lẽ đã được nhà tiên tri Sa-mu-ên viết vào năm 1090 TCN. Đây là sách duy nhất trong Kinh Thánh mang tên một phụ nữ không phải người Y-sơ-ra-ên. Thông điệp chứa đựng trong đó là “lời sống và linh-nghiệm”.—Hê-bơ-rơ 4:12.

“MẸ ĐI ĐÂU, TÔI SẼ ĐI ĐÓ”

(Ru-tơ 1:1–2:23)

Khi về tới Bết-lê-hem, Na-ô-mi và Ru-tơ trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Nhìn thấy họ, những người đàn bà trong thành ai cũng hỏi: “Ấy có phải Na-ô-mi chăng?” Na-ô-mi đáp: “Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn-năng đã đãi tôi cách cay-đắng lắm. Tôi đi ra được đầy-dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không”.—Ru-tơ 1:19-21.

Khi gia đình bà rời Bết-lê-hem đến xứ Mô-áp để lánh nạn đói, Na-ô-mi được “đầy-dẫy” theo nghĩa là chồng và hai con trai bà vẫn còn sống. Tuy nhiên, sau khi ổn định cuộc sống ở Mô-áp một thời gian thì chồng bà, Ê-li-mê-léc, qua đời. Hai người con trai sau đó kết hôn với hai phụ nữ Mô-áp tên là Ọt-ba và Ru-tơ. Khoảng mười năm sau, hai người con trai cũng lần lượt qua đời khi chưa có con, để lại ba người phụ nữ góa bụa. Khi Na-ô-mi quyết định trở về xứ Giu-đa, hai nàng dâu góa của bà cũng đi theo. Trên đường đi, Na-ô-mi khuyên hai con dâu quay lại Mô-áp để tái hôn với người cùng quê hương. Ọt-ba làm theo lời khuyên, còn Ru-tơ cứ một mực đòi đi theo mẹ chồng. Nàng nói: “Mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi”.—Ru-tơ 1:16.

Hai góa phụ, Na-ô-mi và Ru-tơ, về tới Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch. Tận dụng những quy định trong Luật Pháp của Đức Chúa Trời, Ru-tơ liền đi mót lúa trong một cánh đồng, không ngờ đó lại là ruộng của một người bà con của Ê-li-mê-léc—một người Do Thái lớn tuổi tên là Bô-ô. Ru-tơ có được cảm tình của Bô-ô và được phép tiếp tục mót lúa trong ruộng ông “cho đến hết mùa gặt lúa mạch và mùa gặt lúa mì”.—Ru-tơ 2:23.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:8 —Tại sao Na-ô-mi nói với các dâu mình rằng: “Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình”, chứ không nói trở về nhà cha mình? Lúc đó cha của Ọt-ba còn sống hay không, Kinh Thánh không cho biết nhưng cha của Ru-tơ thì vẫn còn. (Ru-tơ 2:11) Dù vậy, Na-ô-mi nhắc đến “nhà mẹ” có lẽ vì muốn họ nghĩ tới tình thương trìu mến của người mẹ. Điều đó sẽ đặc biệt an ủi họ trong lúc buồn rầu vì phải chia tay với mẹ chồng yêu quý. Bà có lẽ cũng có ý nói rằng mẹ của họ có cơ ngơi hẳn hoi, chứ không phải ở trong tình cảnh như bà.

1:13, 21—Phải chăng Đức Giê-hô-va đã khiến cho cuộc đời Na-ô-mi trở nên cay đắng và làm cho bà khốn khổ ? Không, và Na-ô-mi cũng không hề trách cứ Đức Chúa Trời bất công. Tuy nhiên, với tất cả những gì đã trải qua, bà nghĩ Ngài không hài lòng với mình. Bà cảm thấy cay đắng và thất vọng. Hơn nữa, vào thời đó bông trái của tử cung được xem là sự ban cho của Đức Chúa Trời, còn son sẻ là sự rủa sả. Vì thế, khi cả hai con trai đều chết và không có cháu nối dõi, Na-ô-mi cảm thấy có lý do để nghĩ rằng Đức Giê-hô-va giáng họa cho bà.

2:12—Ru-tơ đã được Đức Giê-hô-va ‘thưởng cách trọn-vẹn’ ra sao? Ru-tơ sinh hạ một con trai và được đặc ân trở thành một mắt xích trong dòng tộc có vị thế quan trọng nhất lịch sử nhân loại—dòng tộc sinh ra Chúa Giê-su Christ.—Ru-tơ 4:13-17; Ma-thi-ơ 1:5, 16.

Bài học cho chúng ta:

1:8; 2:20. Dù gặp nhiều bi kịch trong đời sống, Na-ô-mi vẫn tin cậy nơi lòng yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng nên làm thế, đặc biệt là khi chịu nhiều thử thách khắc nghiệt.

1:9. Mái ấm gia đình không nên chỉ là nơi ăn chốn ở, mà còn phải là nơi nghỉ ngơi an bình và thoải mái cho mọi người trong nhà.

1:14-16. Ọt-ba ‘trở về quê-hương và thần của mình’. Nhưng Ru-tơ thì không. Nàng từ bỏ tiện nghi cũng như sự an cư ở quê nhà và tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va. Vun đắp lòng yêu thương trung thành với Đức Chúa Trời và bày tỏ tinh thần hy sinh sẽ giúp chúng ta không chiều theo các ham muốn ích kỷ và “lui đi cho hư-mất”.—Hê-bơ-rơ 10:39.

2:2. Ru-tơ đã tận dụng những quy định về việc cho phép khách lạ và người khốn khó mót lúa. Điều đó cho thấy nàng có lòng khiêm nhường. Một tín đồ Đấng Christ nghèo khó không nên vì sĩ diện mà khước từ sự giúp đỡ của anh em đồng đức tin hoặc những chương trình trợ giúp của chính phủ mà họ có quyền nhận lãnh.

2:7. Dù có quyền mót lúa, Ru-tơ vẫn xin phép trước khi làm. (Lê-vi Ký 19:9, 10) Đó là biểu hiện của lòng nhu mì. Chúng ta cũng nên khôn ngoan “tìm-kiếm sự nhu-mì” vì “người hiền-từ [“khiêm nhu”, Bản Diễn Ý ] sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Sô-phô-ni 2:3; Thi-thiên 37:11.

2:11. Đối với Na-ô-mi, Ru-tơ không chỉ là một người dâu hiếu thảo, mà còn hơn thế nữa, một người bạn đích thực. (Châm-ngôn 17:17) Tình bạn của họ vững chắc vì dựa trên những đức tính tốt đẹp như yêu thương, trung thành, thông cảm, nhân từ và hy sinh. Quan trọng hơn nữa là nó được xây dựng trên căn bản thiêng liêng tính của họ, tức ước muốn được phụng sự Đức Giê-hô-va và sống giữa những người thờ phượng Ngài. Chúng ta cũng có cơ hội tốt để xây đắp tình bạn chân thật với những người thờ phượng thật.

2:15-17. Ngay cả khi Bô-ô tạo điều kiện để nàng bớt vất vả, Ru-tơ vẫn “mót trong ruộng cho đến chiều tối”. Nàng có đức tính cần mẫn. Các tín đồ Đấng Christ nên có tiếng là người làm việc cần mẫn.

2:19-22. Tối tối, Na-ô-mi và Ru-tơ trò chuyện vui vẻ với nhau, người lớn tuổi hơn quan tâm lắng nghe những sinh hoạt trong ngày của người trẻ, cả hai đều thoải mái bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Chẳng phải gia đình tín đồ Đấng Christ cũng cần có bầu không khí như thế hay sao?

2:22, 23. Không giống như Đi-na, con gái của Gia-cốp, Ru-tơ kết bạn với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Thật là một gương tốt cho chúng ta noi theo!—Sáng-thế Ký 34:1, 2; 1 Cô-rinh-tô 15:33.

NA-Ô-MI TRỞ NÊN “ĐẦY-DẪY”

(Ru-tơ 3:1– 4:22)

Na-ô-mi đã quá tuổi sinh con. Vì thế bà hướng dẫn Ru-tơ cách thay bà kết hôn với người có quyền chuộc sản nghiệp, tức với anh em họ hàng của chồng bà. Theo chỉ bảo của Na-ô-mi, Ru-tơ cầu xin Bô-ô làm người chuộc sản nghiệp cho mình. Bô-ô sẵn lòng chấp nhận. Tuy nhiên, có một người họ hàng gần hơn được ưu tiên làm điều này.

Không để mất thời gian, Bô-ô giải quyết ngay vấn đề. Ngay sáng hôm sau, ông sắp xếp gặp người họ hàng đó trước sự chứng kiến của mười trưởng lão trong thành Bết-lê-hem và hỏi ông ta có muốn làm người chuộc sản nghiệp không. Vì người đó từ chối, nên Bô-ô có quyền thực hiện điều đó và kết hôn với Ru-tơ. Hôn nhân của họ cho ra đời một bé trai được đặt tên là Ô-bết, và đó chính là ông nội của Vua Đa-vít sau này. Giờ đây các phụ nữ ở Bết-lê-hem nói với Na-ô-mi: “Đáng ngợi-khen Đức Giê-hô-va... Nó [đứa con trai này] sẽ an-ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai”. (Ru-tơ 4:14, 15) Người phụ nữ trở về Bết-lê-hem với “tay không” nay đã lại “đầy-dẫy”!—Ru-tơ 1:21.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

3:11—Vì sao Ru-tơ có tiếng là “người đàn bà hiền-đức”? Nàng được khen ngợi không phải vì “gióc tóc” hay “đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe-loẹt”, mà là do “sự trang-sức bề trong”—lòng yêu thương và trung thành, tính khiêm nhường và nhu mì, cùng tính cần mẫn và hy sinh. Những người nữ kính sợ Đức Chúa Trời muốn có danh tiếng như Ru-tơ phải cố gắng vun trồng những đức tính đó.—1 Phi-e-rơ 3:3, 4; Châm-ngôn 31:28-31.

3:14 —Tại sao Ru-tơ và Bô-ô thức dậy trước khi trời sáng? Đó không phải là vì họ đã làm điều vô luân và sợ bị phát hiện. Hành động của Ru-tơ đêm đó phù hợp với tập tục thời bấy giờ, khi một phụ nữ muốn được kết hôn với anh em họ hàng của người chồng quá cố. Nàng đã làm theo đúng chỉ dẫn của Na-ô-mi. Hơn nữa, phản ứng của Bô-ô rõ ràng cho thấy ông không nghĩ cách cư xử của Ru-tơ có gì sai. (Ru-tơ 3:2-13) Rất có thể Ru-tơ và Bô-ô thức dậy sớm để người khác không có cớ đàm tiếu.

3:15—Việc Bô-ô ban cho Ru-tơ sáu đấu lúa mạch có ý nghĩa gì? Hành động này có thể hàm ý là cũng như sau sáu ngày làm việc khó nhọc là ngày nghỉ, thì ngày nghỉ của Ru-tơ đã gần. Bô-ô sẽ lo sao cho nàng có “một chỗ an-thân”, “bình-yên” trong nhà chồng. (Ru-tơ 1:9; 3:1) Cũng có thể đơn giản là do Ru-tơ chỉ khiêng nổi sáu đấu lúa trên đầu mình mà thôi.

3:16—Tại sao Na-ô-mi hỏi Ru-tơ: “Có phải con gái ta chăng?” Bà không thể nhận ra con dâu mình sao? Rất có thể là vậy vì khi Ru-tơ trở về gặp Na-ô-mi, trời có lẽ vẫn còn tối. Tuy nhiên, câu hỏi đó cũng có thể hàm ý hỏi về thân phận mới của Ru-tơ liên quan đến việc nàng được chuộc.

4:6—Khi chuộc lại sản nghiệp của người khác, một người có thể “hủy-hoại” gia sản mình như thế nào? Trước hết, nếu người bà con vì sa cơ đã bán hết đất đai sản nghiệp, thì người chuộc phải bỏ tiền ra mua lại với giá tính theo số năm từ lúc mua cho đến Năm Hân Hỉ tới. (Lê-vi Ký 25:25-27) Tài sản họ vì thế bị suy suyển. Ngoài ra, nếu Ru-tơ sinh con trai thì con trai đó, chứ không phải những người thân hiện tại của người chuộc, sẽ được thừa kế phần đất đai sản nghiệp mới chuộc lại.

Bài học cho chúng ta:

3:12; 4:1-6. Bô-ô đã cẩn thận làm đúng theo sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có theo sát các thủ tục thần quyền không?—1 Cô-rinh-tô 14:40.

3:18. Na-ô-mi tin tưởng nơi Bô-ô. Chẳng phải chúng ta cũng nên có sự tin tưởng như thế nơi anh em đồng đức tin sao? Ru-tơ sẵn sàng theo sự sắp đặt về việc kết hôn với người chuộc lại, một người mà nàng không hề quen biết và thậm chí cũng không được nêu tên trong Kinh Thánh. (Ru-tơ 4:1) Tại sao? Bởi vì nàng tin tưởng nơi sự sắp đặt trong luật pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ta có lòng tin chắc như thế không? Chẳng hạn khi tìm người hôn phối, chúng ta có vâng theo lời khuyên chỉ kết hôn “theo ý Chúa”, hay trong Chúa, không?—1 Cô-rinh-tô 7:39.

4:13-16. Dù là một phụ nữ Mô-áp từng thờ thần Kê-mốt, Ru-tơ được nhận đặc ân tuyệt vời thay! Kinh nghiệm này cho thấy rõ nguyên tắc sau: “Điều đó chẳng phải bởi người nào ao-ước hay người nào bôn-ba mà được, bèn là bởi Đức Chúa Trời thương-xót”.—Rô-ma 9:16.

“Đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên”

Sách Ru-tơ cho thấy Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương nhân từ và luôn trợ giúp các tôi tớ trung thành của Ngài. (2 Sử-ký 16:9) Khi suy ngẫm về cách Ru-tơ được ban phước, chúng ta thấy rõ giá trị của việc hoàn toàn tin cậy nơi Ngài, tin chắc rằng “có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.—Hê-bơ-rơ 11:6.

Ru-tơ, Na-ô-mi, và Bô-ô hoàn toàn tin theo sự sắp đặt trong luật pháp của Đức Giê-hô-va và nhờ đó công việc họ đã được thạnh lợi. Thật thế, Đức Chúa Trời cho “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu-mến [Ngài], tức là cho kẻ được gọi theo ý-muốn Ngài đã định”. (Rô-ma 8:28) Do đó, chúng ta hãy luôn ghi nhớ lời khuyên sau của sứ đồ Phi-e-rơ: “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên; lại hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

[Hình nơi trang 26]

Bạn có biết tại sao Ru-tơ đã không bỏ rơi Na-ô-mi?

[Hình nơi trang 27]

Vì sao Ru-tơ có tiếng là “người đàn bà hiền-đức”?

[Hình nơi trang 28]

Ru-tơ đã được Đức Giê-hô-va ‘thưởng cách trọn-vẹn’ ra sao?