Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự hướng dẫn khôn ngoan cho những cặp vợ chồng

Sự hướng dẫn khôn ngoan cho những cặp vợ chồng

Sự hướng dẫn khôn ngoan cho những cặp vợ chồng

“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình”.—Ê-phê-sô 5:22, 25.

1. Quan điểm đúng về hôn nhân là gì?

CHÚA Giê-su nói hôn nhân là việc Đức Chúa Trời phối hiệp người đàn ông và người đàn bà để họ trở nên “một thịt”. (Ma-thi-ơ 19:5, 6) Hôn nhân liên quan đến hai người có nhân cách khác biệt nhưng đều học tập để có cùng sở thích, và cùng nhau làm việc để tiến tới những mục tiêu chung. Hôn nhân là một cam kết suốt đời chứ không phải tạm thời, có thể hủy bỏ dễ dàng. Tại nhiều quốc gia, việc ly dị không khó khăn, nhưng đối với người tín đồ Đấng Christ, mối quan hệ hôn nhân được xem là điều thiêng liêng, chỉ chấm dứt khi có lý do rất nghiêm trọng.—Ma-thi-ơ 19:9.

2. (a) Sự giúp đỡ nào sẵn có cho những cặp vợ chồng? (b) Tại sao cố gắng làm cho hôn nhân thành công là điều quan trọng?

2 Một cố vấn về hôn nhân nói: “Một hôn nhân thành công là một tiến trình thay đổi liên tục trước những vấn đề mới, xử lý những khó khăn phát sinh, và tận dụng những nguồn giúp đỡ sẵn có trong mỗi giai đoạn của cuộc đời”. Đối với những người hôn phối là tín đồ Đấng Christ, những nguồn giúp đỡ ấy gồm lời khuyên khôn ngoan từ Kinh Thánh, sự hỗ trợ của anh em cùng đạo và mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Một hôn nhân thành công thì bền vững, và trải qua những năm tháng, nó mang lại hạnh phúc và thỏa nguyện cho cả hai vợ chồng. Điều quan trọng hơn là nó đem lại sự tôn vinh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng sáng lập hôn nhân.—Sáng-thế Ký 2:18, 21-24; 1 Cô-rinh-tô 10:31; Ê-phê-sô 3:15; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17.

Noi gương Chúa Giê-su và hội thánh của ngài

3. (a) Hãy tóm tắt lời khuyên của Phao-lô cho những cặp vợ chồng? (b) Chúa Giê-su đã nêu gương tuyệt hảo nào?

3 Hai ngàn năm trước đây, sứ đồ Phao-lô đã đưa ra lời khuyên khôn ngoan cho những cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ khi ông viết: “Như Hội-thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn-bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh”. (Ê-phê-sô 5:24, 25) Sự so sánh được miêu tả ở đây thật hay! Những người vợ tín đồ Đấng Christ khiêm nhường phục tùng chồng noi theo gương của hội thánh khi họ nhận biết và chấp nhận nguyên tắc làm đầu. Những người chồng tin kính tiếp tục yêu vợ mình, dù trong lúc thuận lợi hay khó khăn, cho thấy họ theo sát gương của Chúa Giê-su, đấng yêu thương và chăm sóc hội thánh.

4. Những người chồng có thể noi theo gương Chúa Giê-su như thế nào?

4 Người chồng tín đồ Đấng Christ là đầu của gia đình, nhưng họ cũng có đấng làm đầu là Chúa Giê-su. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Vì vậy, như Chúa Giê-su chăm sóc hội thánh của ngài, cũng thể ấy những người chồng chăm lo cách yêu thương cho gia đình về thiêng liêng và vật chất, dù điều đó đòi hỏi họ hy sinh quyền lợi cá nhân. Họ đặt hạnh phúc của gia đình lên trên ước muốn và sở thích cá nhân. Chúa Giê-su nói: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Nguyên tắc đó đặc biệt áp dụng cho hôn nhân. Phao-lô cho thấy điều này khi ông nói: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình.... Chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó”. (Ê-phê-sô 5:28, 29) Một người đàn ông nên siêng năng nuôi nấng và trìu mến vợ như chính bản thân.

5. Những người vợ theo gương hội thánh tín đồ Đấng Christ như thế nào?

5 Những người vợ tin kính xem hội thánh đạo Đấng Christ như một gương mẫu. Khi Chúa Giê-su sống trên đất, các môn đồ vui lòng bỏ những công việc trước kia của họ và đi theo ngài. Sau khi ngài chết, họ tiếp tục vâng phục ngài, và gần 2.000 năm qua, hội thánh thật của đạo Đấng Christ vẫn tiếp tục vâng phục Chúa Giê-su và theo sự lãnh đạo của ngài trong mọi việc. Tương tự thế, những người vợ tín đồ Đấng Christ không khinh rẻ chồng hoặc xem thường sự sắp đặt về quyền làm đầu trong hôn nhân theo Kinh Thánh. Thay vì vậy, họ ủng hộ, phục tùng và hợp tác với chồng, như thế họ khuyến khích người chồng. Khi cả hai vợ chồng cư xử theo đường lối yêu thương như thế, hôn nhân của họ sẽ thành công và cả hai sẽ tìm thấy niềm vui.

Tiếp tục “ăn-ở” với nhau

6. Phi-e-rơ đã khuyên các người chồng như thế nào, và tại sao điều đó là quan trọng?

6 Sứ đồ Phi-e-rơ cũng khuyên những cặp vợ chồng, và ông đặc biệt nhấn mạnh với người làm chồng: “Hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính-nể họ, hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em”. (1 Phi-e-rơ 3:7) Tính chất nghiêm trọng trong lời khuyên của Phi-e-rơ được thấy rõ nơi những từ ở cuối câu. Nếu người chồng không “kính-nể”, tức quý trọng vợ mình, mối quan hệ của người đó với Đức Giê-hô-va sẽ bị ảnh hưởng. Lời cầu nguyện của họ sẽ bị “rối-loạn”, hay ngăn trở.

7. Người chồng nên quý trọng vợ như thế nào?

7 Vậy, những người chồng có thể tỏ lòng quý trọng vợ như thế nào? Quý trọng vợ có nghĩa là đối xử yêu thương, tôn trọng nhân phẩm của nàng. Cách đối xử tử tế với vợ như thế dường như là điều lạ đối với nhiều người. Một học giả về tiếng Hy Lạp viết: “Dưới luật pháp La Mã, người phụ nữ không có quyền nào cả. Chiếu theo luật, người phụ nữ mãi là một đứa trẻ.... Bà phải hoàn toàn phục tùng chồng, và tuyệt đối ở dưới quyền ông”. Thật là trái ngược với những dạy dỗ của đạo Đấng Christ! Người chồng là tín đồ Đấng Christ quý trọng vợ mình. Cách anh đối xử với vợ dựa trên những nguyên tắc của đạo Đấng Christ chứ không tùy hứng cá nhân. Đồng thời anh cũng ân cần quan tâm đến vợ theo “điều khôn-ngoan”, ý thức rằng nàng là giống yếu đuối hơn.

“Giống yếu-đuối hơn” trên phương diện nào?

8, 9. Người nữ có sự bình đẳng với người nam trên phương diện nào?

8 Khi nói người phụ nữ là “giống yếu-đuối hơn”, Phi-e-rơ không có ý cho rằng người phụ nữ yếu hơn nam giới về mặt trí tuệ hoặc thiêng liêng. Đúng, nhiều nam tín đồ có đặc ân trong hội thánh mà các chị không mong có được, và trong gia đình các chị phải phục tùng chồng. (1 Cô-rinh-tô 14:35; 1 Ti-mô-thê 2:12) Tuy nhiên, tất cả mọi người, dù nam hay nữ, đều phải có đức tin, sự nhịn nhục, và những tiêu chuẩn đạo đức cao như nhau. Và như Phi-e-rơ nói, cả chồng lẫn vợ đều được “hưởng phước sự sống”. Về sự cứu rỗi, họ bình đẳng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 3:28) Phi-e-rơ viết những điều này cho tín đồ Đấng Christ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất. Vì thế, lời của ông nhắc những người chồng nhớ rằng ở vị thế “đồng kế-tự với Đấng Christ”, họ và vợ họ có cùng một hy vọng ở trên trời. (Rô-ma 8:17) Một ngày kia, cả hai sẽ phụng sự với tư cách là thầy tế lễ và vua trong Nước Đức Chúa Trời!—Khải-huyền 5:10.

9 Những người vợ là tín đồ Đấng Christ được xức dầu chắc chắn không thấp kém hơn những người chồng được xức dầu. Cùng một nguyên tắc trên, những người có hy vọng sống trên đất cũng vậy. Cả nam lẫn nữ thuộc đám đông “vô-số người” giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con. Cả nam lẫn nữ đồng cất tiếng ca ngợi Đức Giê-hô-va “ngày đêm” trên khắp đất. (Khải-huyền 7:9, 10, 14, 15) Cả nam lẫn nữ đều trông đợi có được “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”, khi họ sẽ vui hưởng “sự sống thật”. (Rô-ma 8:21; 1 Ti-mô-thê 6:19) Dù là người xức dầu hay chiên khác, tất cả tín đồ Đấng Christ cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va như “một bầy” dưới “một người chăn”. (Giăng 10:16) Thật là một lý do mạnh mẽ để người chồng và người vợ tín đồ Đấng Christ biểu lộ lòng quý trọng lẫn nhau!

10. Người phụ nữ là “giống yếu-đuối hơn” theo nghĩa nào?

10 Vậy, người nữ là “giống yếu-đuối hơn” như thế nào? Có lẽ Phi-e-rơ muốn nói đến sự kiện thông thường là người nữ nhỏ nhắn và yếu sức hơn người nam. Thêm vào đó, vì sự bất toàn của chúng ta mà đặc ân tuyệt vời của việc sinh con làm cho người phụ nữ kém sức về thể chất. Người phụ nữ ở độ tuổi sinh con thường có những ngày bị khó chịu về thể chất. Chắc chắn họ cần sự săn sóc và quan tâm đặc biệt trong những ngày như thế hoặc lúc kiệt sức chịu đựng những khó khăn khi mang thai và sinh nở. Một người chồng tỏ lòng quý trọng vợ, ý thức được người vợ cần sự nâng đỡ về cảm xúc, sẽ góp phần rất lớn vào việc xây dựng một hôn nhân thành công.

Trong một gia đình không cùng tôn giáo

11. Theo nghĩa nào hôn nhân vẫn có thể thành công ngay cả khi vợ chồng không cùng tôn giáo?

11 Nói gì nếu những người hôn phối có quan niệm khác nhau về tôn giáo vì một người đã nhận lẽ thật của đạo Đấng Christ sau khi kết hôn, còn người kia thì không? Một hôn nhân như thế có thể thành công được không? Qua kinh nghiệm của nhiều người, câu trả lời là có. Người chồng và người vợ khác tôn giáo vẫn có thể thành công trong hôn nhân theo nghĩa là hôn nhân có thể tồn tại lâu dài và mang lại hạnh phúc cho cả hai. Ngoài ra, hôn nhân của họ vẫn có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va; hai người vẫn là “một thịt”. Vì thế, người tín đồ Đấng Christ được khuyên chung sống với người hôn phối không tin đạo nếu người đó bằng lòng ở đời với mình. Nếu họ có con cái, chúng sẽ được lợi ích từ sự trung thành của người cha hoặc mẹ tín đồ Đấng Christ.—1 Cô-rinh-tô 7:12-14.

12, 13. Theo lời khuyên của Phi-e-rơ, làm thế nào những người vợ tín đồ Đấng Christ có thể giúp chồng không cùng đạo?

12 Phi-e-rơ đã đưa ra những lời khuyên chân thành cho các nữ tín đồ Đấng Christ sống trong gia đình bị chia rẽ về tôn giáo. Lời của ông cũng áp dụng theo nguyên tắc cho người chồng trong trường hợp tương tự. Phi-e-rơ viết: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính”.—1 Phi-e-rơ 3:1, 2.

13 Nếu người vợ có thể tế nhị giải thích niềm tin của mình cho chồng, điều đó là tốt. Nói gì nếu ông không muốn nghe? Đó là quyền của ông. Nhưng, đừng thất vọng, vì hạnh kiểm của người tín đồ Đấng Christ cũng là một sự làm chứng mạnh mẽ. Nhiều người chồng lúc đầu không thích hoặc thậm chí còn chống đối niềm tin của vợ, sau khi thấy hạnh kiểm tốt của vợ đã trở nên người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu”. (Công-vụ 13:48, Bản Diễn Ý) Ngay cả nếu người chồng không chấp nhận lẽ thật của đạo Đấng Christ ông vẫn có thể cảm kích vì hạnh kiểm của vợ, và như thế có lợi ích cho hôn nhân. Một người chồng có vợ là Nhân Chứng Giê-hô-va thừa nhận rằng ông không bao giờ có thể sống đúng theo những tiêu chuẩn cao của họ. Nhưng, ông tự nhận mình là “người chồng hạnh phúc có người vợ dễ thương” và nồng nhiệt khen vợ và các bạn Nhân Chứng của chị trong lá thư gửi cho một tờ báo.

14. Những người chồng có thể giúp vợ không cùng đạo như thế nào?

14 Tương tự, người chồng tín đồ Đấng Christ đã áp dụng các nguyên tắc theo như lời của Phi-e-rơ cũng cảm hóa được vợ qua hạnh kiểm của mình. Những người vợ không cùng đạo đã thấy chồng có được tinh thần trách nhiệm, không phung phí tiền bạc vào việc hút thuốc lá, nhậu nhẹt, bài bạc và không nói năng thô tục nữa. Một số người vợ nói trên đã quen biết các anh em khác trong hội thánh. Họ cảm kích về tình yêu thương giữa đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ, và những gì họ thấy được nơi anh em đã thu hút họ đến với Đức Giê-hô-va.—Giăng 13:34, 35.

“Sự trang-sức bề trong giấu ở trong lòng”

15, 16. Loại hạnh kiểm nào của người vợ tín đồ Đấng Christ có thể cảm hóa được người chồng không cùng đạo?

15 Loại hạnh kiểm nào có thể cảm hóa được người chồng? Thật vậy, đó là hạnh kiểm mà các người nữ tín đồ Đấng Christ đều muốn vun trồng. Phi-e-rơ nói: “Chớ tìm-kiếm sự trang-sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe-loẹt; nhưng hãy tìm-kiếm sự trang-sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh-sạch chẳng hư-nát của tâm-thần dịu-dàng im-lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời. Vì các bà thánh xưa kia, trông-cậy Đức Chúa Trời, vâng-phục chồng mình, đều trau-giồi mình dường ấy; như Sa-ra vâng-phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình; nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy”.—1 Phi-e-rơ 3:3-6.

16 Phi-e-rơ khuyên người nữ tín đồ Đấng Christ chớ ỷ vào vẻ đẹp bề ngoài. Thay vì thế, chị nên để chồng nhận thấy những dạy dỗ của Kinh Thánh ảnh hưởng tới con người bề trong của chị. Hãy để chồng thấy chị đã có nhân cách mới. Có lẽ ông sẽ so sánh với nhân cách mà vợ ông đã có trước đây. (Ê-phê-sô 4:22-24) Chắc chắn ông sẽ tìm thấy nơi chị “tâm-thần dịu-dàng im-lặng” thu hút ông và khiến ông thoải mái. Tâm thần như thế không những làm hài lòng người chồng mà còn là “giá quí trước mặt Đức Chúa Trời”.—Cô-lô-se 3:12.

17. Sa-ra là một gương tốt cho những người vợ tín đồ Đấng Christ như thế nào?

17 Sa-ra được xem là một mẫu mực, và bà là gương quý giá cho các người vợ tín đồ Đấng Christ dù có chồng tin đạo hay không. Không nghi ngờ gì, Sa-ra xem Áp-ra-ham là đầu của bà. Ngay cả trong lòng, bà cũng xem ông là “chúa”. (Sáng-thế Ký 18:12) Nhưng điều đó không làm giảm phẩm giá của bà. Rõ ràng bà là một phụ nữ mạnh về thiêng liêng với một đức tin vững chắc nơi Đức Giê-hô-va. Thật vậy, bà là một trong “nhiều người chứng kiến... như đám mây rất lớn”, những người này là gương về đức tin thúc đẩy chúng ta “lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”. (Hê-bơ-rơ 11:11; 12:1) Khi noi gương của Sa-ra, người vợ tín đồ Đấng Christ không làm giảm giá trị của mình.

18. Những nguyên tắc nào nên được áp dụng trong một gia đình bị chia rẽ về tôn giáo?

18 Trong một gia đình bị chia rẽ về tôn giáo, người chồng vẫn là người làm đầu. Nếu chồng là người tin đạo, anh sẽ tôn trọng niềm tin của vợ nhưng đồng thời cương quyết giữ vững đức tin của mình. Nếu vợ là người tin đạo, chị cũng sẽ trung thành giữ đức tin của mình. (Công-vụ 5:29) Nhưng, chị sẽ không coi thường quyền làm đầu của chồng. Chị sẽ tôn trọng địa vị của chồng và vẫn ở dưới “luật-pháp đã buộc mình với chồng”.—Rô-ma 7:2.

Sự hướng dẫn khôn ngoan của Kinh Thánh

19. Một số áp lực nào làm căng thẳng hôn nhân, nhưng làm thế nào có thể chịu đựng được những áp lực ấy?

19 Ngày nay, nhiều điều có thể khiến cho hôn nhân căng thẳng. Một số đàn ông không gánh vác trách nhiệm. Một số đàn bà không thừa nhận quyền làm đầu của chồng. Trong một số cuộc hôn nhân, người hôn phối bị người kia đối xử tồi tệ. Đối với tín đồ Đấng Christ, những áp lực về kinh tế, sự bất toàn của con người, và tinh thần thế gian với sự vô luân và những tiêu chuẩn bị bóp méo của nó có thể thử thách lòng trung kiên của họ. Nhưng, những tín đồ Đấng Christ, nam hay nữ, theo sát nguyên tắc của Kinh Thánh, dù ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, cũng nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va. Ngay cả nếu chỉ một người hôn phối áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh, mọi chuyện cũng tốt hơn là không ai áp dụng cả. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va yêu thương và giúp đỡ những tôi tớ trung thành với lời nguyện ước hôn nhân ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Ngài không quên lòng trung kiên của họ.—Thi-thiên 18:25; Hê-bơ-rơ 6:10; 1 Phi-e-rơ 3:12.

20. Phi-e-rơ đã cho tất cả tín đồ Đấng Christ lời khuyên nào?

20 Sau khi khuyên nhủ những người đã kết hôn, sứ đồ Phi-e-rơ kết luận bằng những lời nồng ấm đầy khích lệ. Ông nói: “Rút lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhân-từ và đức khiêm-nhượng. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa-sả trả rủa-sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành”. (1 Phi-e-rơ 3:8, 9) Đây thật là lời khuyên khôn ngoan cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những cặp vợ chồng!

Bạn có nhớ không?

• Người chồng tín đồ Đấng Christ noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

• Người vợ tín đồ Đấng Christ theo gương hội thánh như thế nào?

• Người chồng quý trọng vợ như thế nào?

• Đường lối nào tốt nhất cho người vợ tín đồ Đấng Christ có chồng không tin đạo?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Người chồng tín đồ Đấng Christ yêu thương và chăm sóc vợ mình

Người vợ tín đồ Đấng Christ kính trọng chồng mình

[Hình nơi trang 17]

Không giống như luật pháp La Mã, những dạy dỗ của đạo Đấng Christ đòi hỏi người chồng phải quý trọng vợ mình

[Hình nơi trang 18]

Cả đàn ông lẫn đàn bà thuộc đám đông “vô-số người” trông chờ đời sống vĩnh cửu trong Địa Đàng

[Hình nơi trang 20]

Sa-ra xem Áp-ra-ham là chúa của bà