Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em đã được chuộc bằng giá cao”

“Anh em đã được chuộc bằng giá cao”

“Anh em đã được chuộc bằng giá cao”

“Anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy... làm sáng danh Đức Chúa Trời”.​—1 Cô-rinh-tô 6:20.

1, 2. (a) Theo Luật Pháp Môi-se, những nô lệ người Y-sơ-ra-ên phải được đối xử như thế nào? (b) Người nô lệ thương chủ có thể quyết định điều gì?

MỘT tự điển Kinh Thánh (Holman Illustrated Bible Dictionary) viết: “Chế độ nô lệ rất phổ biến và được chấp nhận ở khắp nơi trong thế giới cổ xưa”. Sách này nói thêm: “Nền kinh tế của Ai Cập, Hy Lạp và La Mã dựa trên sức lao động của nô lệ. Trong thế kỷ thứ nhất CN, cứ ba người ở Ý thì có một người làm nô lệ và tỷ lệ ở nơi khác là một trên năm”.

2 Mặc dù ở xứ Y-sơ-ra-ên thời xưa cũng có chế độ nô lệ, nhưng Luật Pháp Môi-se bảo đảm những nô lệ người Hê-bơ-rơ có được sự bảo vệ. Chẳng hạn, Luật Pháp quy định rằng một người Y-sơ-ra-ên chỉ có thể bị làm nô lệ tối đa sáu năm. Năm thứ bảy, người đó phải “được thả ra”. Tuy nhiên, vì những quy định liên quan đến cách đối xử với nô lệ cũng rất công bằng và nhân đạo, nên Luật Pháp Môi-se có điều khoản sau đây: “Nếu kẻ tôi-mọi nói rằng: Tôi thương chủ, vợ và con tôi, không muốn ra được tự-do, thì người chủ sẽ dẫn nó đến trước mặt Đức Chúa Trời, biểu lại gần cửa hay là cột, rồi lấy mũi dùi xỏ tai; nó sẽ hầu việc người chủ đó trọn đời”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 21:2-6; Lê-vi Ký 25:42, 43; Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:12-18.

3. (a) Tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã chấp nhận làm tôi tớ dưới hình thức nào? (b) Điều gì thúc đẩy chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời?

3 Sự sắp đặt về việc tự nguyện làm tôi mọi cho thấy trước về hình thức nô lệ hoặc tôi tớ mà người tín đồ thật của Đấng Christ sẽ chấp nhận. Chẳng hạn, bốn trong số những người viết Kinh Thánh là Phao-lô, Gia-cơ, Phi-e-rơ và Giu-đe, đã gọi mình là tôi tớ của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su. (Tít 1:1; Gia-cơ 1:1; 2 Phi-e-rơ 1:1; Giu-đe 1) Phao-lô nhắc các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca rằng họ “đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình-tượng đặng thờ [“làm tôi”, Nguyễn Thế Thuấn] Đức Chúa Trời hằng sống và chân-thật”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9) Điều gì thúc đẩy các tín đồ đó sẵn sàng làm tôi cho Đức Chúa Trời? Vậy, điều gì là động cơ thúc đẩy trong trường hợp người nô lệ Y-sơ-ra-ên từ bỏ quyền tự do cá nhân? Chẳng phải đó là lòng thương mến đối với chủ hay sao? Việc tín đồ Đấng Christ làm tôi tớ là dựa trên lòng thương mến đối với Đức Chúa Trời. Khi học biết và yêu thương Đức Chúa Trời hằng sống và có thật, chúng ta cảm thấy được thúc đẩy phụng sự Ngài “hết lòng hết ý”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13) Nhưng việc trở thành tôi tớ cho Đức Chúa Trời và Đấng Christ bao hàm điều gì? Việc này ảnh hưởng thế nào đến đời sống hàng ngày của chúng ta?

“Hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”

4. Làm thế nào chúng ta trở thành tôi tớ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ?

4 Nô lệ được định nghĩa là “người thuộc quyền sở hữu của người khác và phải tuyệt đối vâng lời chủ”. Chúng ta thuộc quyền sở hữu của Đức Giê-hô-va khi dâng đời sống mình cho Ngài và làm báp têm. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi”. (1 Cô-rinh-tô 6:19, 20) Giá đó tất nhiên là sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ, vì dựa trên cơ sở đó Đức Chúa Trời chấp nhận chúng ta làm tôi tớ Ngài, dù chúng ta là các tín đồ xức dầu hay bạn đồng hành của họ, là những người có hy vọng sống trên đất. (Ê-phê-sô 1:7; 2:13; Khải-huyền 5:9) Vì thế, từ lúc làm báp têm, “chúng ta... đều thuộc về Chúa”. (Rô-ma 14:8) Vì đã được chuộc bằng huyết báu của Chúa Giê-su Christ, chúng ta cũng trở thành tôi tớ của ngài và có bổn phận vâng giữ các điều răn của ngài.—1 Phi-e-rơ 1:18, 19.

5. Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta có bổn phận chính yếu nào, và có thể chu toàn như thế nào?

5 Nô lệ phải vâng lời chủ. Đời sống phụng sự của chúng ta là tự nguyện và bắt nguồn từ lòng yêu mến đối với Chủ. Câu 1 Giăng 5:3 nói: “N ầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. Vậy thì đối với chúng ta, việc vâng lời chứng tỏ tình yêu thương và sự phục tùng. Điều này thể hiện qua bất cứ việc gì chúng ta làm. Phao-lô nói: “Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Trong đời sống hàng ngày, ngay cả trong việc nhỏ, chúng ta muốn cho thấy rõ là mình “hầu việc Chúa”.—Rô-ma 12:11.

6. Làm tôi tớ Đức Chúa Trời ảnh hưởng thế nào đến những quyết định của chúng ta trong đời sống? Hãy đưa ra thí dụ để minh họa.

6 Thí dụ, khi quyết định điều gì, chúng ta cẩn thận xem xét ý muốn của Chủ mình ở trên trời là Đức Giê-hô-va. (Ma-la-chi 1:6) Những điều khó quyết định có thể thử thách lòng vâng phục của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Liệu chúng ta có nghe lời khuyên của Ngài thay vì làm theo khuynh hướng của lòng “dối-trá” và “rất là xấu-xa” của mình không? (Giê-rê-mi 17:9) Melisa, một tín đồ độc thân, làm báp têm chỉ một thời gian ngắn thì được một thanh niên chú ý. Anh ta có vẻ đàng hoàng, và đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Tuy nhiên, một trưởng lão nói chuyện với Melisa về sự khôn ngoan làm theo điều răn của Đức Giê-hô-va là chỉ kết hôn “theo ý Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 7:39; 2 Cô-rinh-tô 6:14) Melisa nhìn nhận: “Vâng theo lời khuyên đó quả không phải là điều dễ. Nhưng tôi quyết định là sẽ vâng theo chỉ thị rõ ràng của Đức Chúa Trời vì đã dâng mình để làm theo ý muốn Ngài”. Suy nghĩ về những gì xảy ra sau đó, chị nói: “Tôi rất mừng là mình đã nghe lời khuyên. Chẳng bao lâu sau người thanh niên đó đã ngưng học. Nếu theo đuổi quan hệ tình cảm với anh ta, thì bây giờ tôi đã lấy phải người ngoại đạo”.

7, 8. (a) Tại sao chúng ta không nên quá quan tâm về việc làm đẹp lòng người ta? (b) Hãy minh họa cho thấy chúng ta có thể vượt qua việc sợ người ta như thế nào.

7 Là tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta chớ trở nên tôi mọi của người ta. (1 Cô-rinh-tô 7:23) Quả thật không ai trong chúng ta muốn bị người khác khinh ghét, nhưng phải nhớ rằng tín đồ Đấng Christ có tiêu chuẩn khác người thế gian. Phao-lô hỏi: “Tôi muốn đẹp lòng loài người chăng?” Ông kết luận: “Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi-tớ của Đấng Christ”. (Ga-la-ti 1:10) Chúng ta không thể nào nhượng bộ trước áp lực của người đồng lứa chỉ để làm đẹp lòng người ta. Vậy chúng ta có thể làm gì khi đương đầu với áp lực như thế?

8 Hãy xem trường hợp của một tín đồ trẻ ở Tây Ban Nha tên là Elena. Em có một số bạn học hay đi hiến máu. Họ biết rằng Elena vì là một Nhân Chứng Giê-hô-va nên không hiến máu hoặc nhận truyền máu. Khi có cơ hội để giải thích lập trường của mình, Elena tình nguyện thuyết trình cho cả lớp nghe. “Thú thật em rất hồi hộp về việc này”, Elena giải thích. “Nhưng em chuẩn bị kỹ, và kết quả đáng ngạc nhiên. Em được nhiều bạn học tôn trọng, và thầy giáo bảo rằng rất khâm phục công việc rao giảng mà em làm. Trên hết, em cảm thấy thỏa nguyện là mình đã bênh vực danh Đức Giê-hô-va và có cơ hội giải thích rõ những lý do về lập trường theo Kinh Thánh của em”. (Sáng-thế Ký 9:3, 4; Công-vụ 15:28, 29) Đúng thế, là tôi tớ Đức Chúa Trời và Đấng Christ, chúng ta khác biệt với người chung quanh. Tuy nhiên, chúng ta rất có thể sẽ được người khác tôn trọng nếu chuẩn bị để bênh vực niềm tin của mình cách lễ độ.—1 Phi-e-rơ 3:15.

9. Chúng ta học được điều gì từ vị thiên sứ hiện ra với sứ đồ Giăng?

9 Luôn nhớ chúng ta là tôi tớ Đức Chúa Trời cũng có thể giúp chúng ta giữ thái độ khiêm nhường. Có lần sứ đồ Giăng quá cảm kích trước sự hiện thấy huy hoàng về Giê-ru-sa-lem trên trời, ông sấp mình thờ lạy dưới chân vị thiên sứ phát ngôn viên của Đức Chúa Trời. “Chớ làm vậy!” vị thiên sứ bảo ông. “Ta là bạn tôi-tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên-tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ-phượng Đức Chúa Trời!” (Khải-huyền 22:8, 9) Vị thiên sứ quả đã nêu một gương tốt cho tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời! Một số tín đồ có thể giữ những trách nhiệm đặc biệt trong hội thánh. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói: “Kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi”. (Ma-thi-ơ 20:26, 27) Là môn đồ Chúa Giê-su, tất cả chúng ta đều là tôi mọi.

‘Điều chúng ta đã làm là điều chắc phải làm’

10. Hãy đưa ra những gương trong Kinh Thánh cho thấy các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời không luôn cảm thấy dễ làm theo ý muốn Ngài.

10 Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng dễ đối với con người bất toàn. Tiên tri Môi-se đã ngần ngại khi Đức Giê-hô-va sai ông đi đến Ai Cập để giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi vòng nô lệ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10, 11; 4:1, 10) Khi được giao phó sứ mệnh công bố thông điệp phán xét cho dân thành Ni-ni-ve, Giô-na “chỗi dậy đặng trốn qua Ta-rê-si, để lánh khỏi mặt Đức Giê-hô-va”. (Giô-na 1:2, 3) Ba-rúc, thư ký của tiên tri Giê-rê-mi, than thở mệt nhọc. (Giê-rê-mi 45:2, 3) Chúng ta nên phản ứng thế nào khi nguyện vọng hoặc sở thích riêng mâu thuẫn với việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời? Một minh họa của Chúa Giê-su sẽ cho chúng ta câu trả lời.

11, 12. (a) Hãy kể vắn tắt minh họa của Chúa Giê-su ghi nơi Lu-ca 17:7-10. (b) Chúng ta rút ra được bài học nào từ minh họa này của Chúa Giê-su?

11 Chúa Giê-su kể về một người đầy tớ đi chăn bầy của chủ suốt ngày ngoài đồng. Khi người đầy tớ về nhà, mệt mỏi sau 12 giờ làm lụng vất vả, chủ không mời người đó ngồi xuống để dùng một bữa ăn ngon. Thay vì thế, chủ nói: “Hãy dọn cho ta ăn, thắt lưng hầu ta, cho đến chừng nào ta ăn uống xong, rồi sau ngươi sẽ ăn uống”. Đầy tớ chỉ có thể lo cho mình sau khi đã phục vụ chủ. Kết thúc minh họa này, Chúa Giê-su nói: “Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy-tớ vô-ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm”.—Lu-ca 17:7-10.

12 Chúa Giê-su đưa ra minh họa này không phải để nói rằng Đức Giê-hô-va không xem trọng những gì chúng ta làm trong việc phụng sự Ngài. Kinh Thánh nói rõ: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”. (Hê-bơ-rơ 6:10) Đúng hơn, chuyện ví dụ của Chúa Giê-su đưa ra bài học là một tôi tớ không thể thích làm gì thì làm hoặc chỉ chú tâm vào sự an nhàn cá nhân. Khi dâng mình phụng sự Đức Chúa Trời và quyết định làm tôi tớ cho Ngài, chúng ta bằng lòng đặt ý muốn Ngài lên trên ý riêng của mình. Chúng ta phải xem ý muốn của Đức Chúa Trời là quan trọng hơn.

13, 14. (a) Trong những trường hợp nào chúng ta phải khắc phục khuynh hướng tự nhiên của mình? (b) Tại sao chúng ta phải đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu?

13 Đều đặn học hỏi Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm của “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” có thể đòi hỏi phải nỗ lực. (Ma-thi-ơ 24:45) Chúng ta càng cần phải cố gắng khi chưa có thói quen đọc sách hoặc khi ấn phẩm bàn về “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 2:10) Nhưng chẳng phải chúng ta cần dành thì giờ để học hỏi riêng hay sao? Có thể cần phải tự khép mình vào kỷ luật để ngồi xuống và dành ra đủ thì giờ để học. Nếu không thì làm sao chúng ta có thể tập ưa thích ‘đồ-ăn đặc dành cho kẻ thành-nhân’?—Hê-bơ-rơ 5:14.

14 Còn những lúc chúng ta đi làm về mệt mỏi thì sao? Chúng ta có thể phải gắng sức để đến dự các buổi họp hội thánh. Hoặc rao giảng cho người lạ có lẽ không hợp với tính tự nhiên của mình. Chính sứ đồ Phao-lô nhìn nhận có những lúc chúng ta công bố tin mừng nhưng “không vui lòng”. (1 Cô-rinh-tô 9:17) Tuy nhiên, chúng ta làm những điều này vì Đức Giê-hô-va—Chủ của chúng ta ở trên trời, Đấng mà chúng ta rất yêu mến—bảo chúng ta làm. Và chẳng phải chúng ta luôn cảm thấy thỏa nguyện và khoan khoái sau khi ra sức để học hỏi, tham dự các buổi họp và rao giảng hay sao?—Thi-thiên 1:1, 2; 122:1; 145:10-13.

Đừng “ngó lại đằng sau”

15. Chúa Giê-su nêu gương nào trong việc phục tùng Đức Chúa Trời?

15 Chúa Giê-su Christ chứng tỏ cách tuyệt hảo lòng phục tùng đối với Cha trên trời. “Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến”, Chúa Giê-su đã nói như thế với các môn đồ. (Giăng 6:38) Trong nỗi thống khổ ở vườn Ghết-sê-ma-nê, ngài cầu nguyện: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý-muốn Con, mà theo ý-muốn Cha”.—Ma-thi-ơ 26:39.

16, 17. (a) Chúng ta nên có quan điểm nào về những gì mình đã bỏ lại? (b) Hãy cho thấy Phao-lô thực tế như thế nào khi xem các triển vọng trong thế gian là “rơm-rác”.

16 Chúa Giê-su Christ muốn chúng ta trung thành với quyết định làm tôi tớ cho Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng-đáng với nước Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 9:62) Cứ nghĩ về những gì chúng ta đã bỏ lại đằng sau chắc chắn không thích đáng khi phụng sự Đức Chúa Trời. Thay vì thế, chúng ta cần trân quý những gì mình đạt được nhờ đã chọn làm tôi tớ Đức Chúa Trời. Phao-lô viết cho người Phi-líp: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận-biết Đức Chúa Jêsus-Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều-bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm-rác, hầu cho được Đấng Christ”.—Phi-líp 3:8.

17 Hãy nghĩ về những điều mà Phao-lô xem là rơm rác và đã từ bỏ để có được những phần thưởng thiêng liêng với tư cách là tôi tớ Đức Chúa Trời. Ông không những từ bỏ những tiện nghi trong thế gian này mà còn cả triển vọng trở thành một người lãnh đạo tương lai của Do Thái Giáo. Nếu đã tiếp tục thực hành đạo Do Thái, rất có thể Phao-lô cũng đạt đến địa vị như Si-mê-ôn, con trai của người thầy dạy Phao-lô là Ga-ma-li-ên. (Công-vụ 22:3; Ga-la-ti 1:14) Si-mê-ôn trở thành một người lãnh đạo của người Pha-ri-si và giữ một vai trò quan trọng—tuy ông đã có phần nghi ngại—trong cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại La Mã năm 66-70 CN. Ông chết trong cuộc xung đột đó, dưới tay của những người Do Thái cực đoan hoặc của quân La Mã.

18. Hãy đưa ra một trường hợp cho thấy làm thế nào những gì đạt được về thiêng liêng đem lại phần thưởng.

18 Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đã noi theo gương Phao-lô. Chị Jean nói: “Vài năm sau khi ra trường, tôi tìm được việc thư ký điều hành cho một luật sư nổi tiếng ở Luân Đôn. Tôi rất thích công việc và làm được nhiều tiền, nhưng trong lòng vẫn biết mình có thể làm nhiều hơn để phụng sự Đức Giê-hô-va. Cuối cùng tôi xin nghỉ việc và làm tiên phong. Tôi mừng là mình đã quyết định điều đó gần 20 năm trước đây! Thánh chức trọn thời gian làm đời sống tôi phong phú hơn rất nhiều so với bất cứ công việc thư ký nào. Không gì mang lại sự thỏa lòng bằng việc thấy được cách mà Lời Đức Giê-hô-va có thể thay đổi đời sống một người. Được đóng góp một phần trong quá trình đó thật là thích thú. Những điều chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va không nghĩa lý gì so với những điều mình nhận được”.

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì, và tại sao?

19 Với thời gian, hoàn cảnh chúng ta có thể thay đổi. Tuy nhiên, việc dâng mình cho Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Chúng ta vẫn là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, và Ngài cho phép chúng ta quyết định cách nào là tốt nhất để dùng thì giờ, năng lực, tài năng và những điều quý giá khác của mình. Vì thế, những quyết định của chúng ta về điều này có thể phản ánh lòng yêu mến đối với Đức Chúa Trời. Chúng cũng cho thấy chúng ta sẵn lòng hy sinh đến mức độ nào. (Ma-thi-ơ 6:33) Dù ở trong hoàn cảnh nào, chẳng phải chúng ta cũng muốn quyết tâm dâng những gì tốt nhất cho Đức Giê-hô-va hay sao? Phao-lô viết: “Nếu mình lấy lòng tốt mà làm, thì được đẹp ý theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có”.—2 Cô-rinh-tô 8:12.

“Anh em được... kết-quả”

20, 21. (a) Tôi tớ Đức Chúa Trời sinh kết quả nào? (b) Đức Giê-hô-va ban thưởng như thế nào cho những người làm hết sức để phụng sự Ngài?

20 Làm tôi tớ Đức Chúa Trời không phải là gánh nặng. Ngược lại, việc đó giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ nguy hại cướp đi hạnh phúc của mình. Phao-lô viết: “[Anh em] đã được buông-tha khỏi tội-lỗi và trở nên tôi-mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết-quả, và sự sống đời đời làm cuối-cùng”. (Rô-ma 6:22) Làm tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta được kết quả là nên thánh, nghĩa là chúng ta được lợi ích nhờ có hạnh kiểm thánh sạch, tức trong sạch về đạo đức. Thêm vào đó, việc này dẫn đến sự sống đời đời trong tương lai.

21 Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào cho tôi tớ Ngài. Khi chúng ta làm hết sức mình trong thánh chức, Ngài sẽ “mở các cửa-sổ trên trời” và “đổ phước xuống cho [chúng ta] đến nỗi không chỗ chứa”. (Ma-la-chi 3:10) Thật là điều vui sướng khi được tiếp tục làm tôi tớ phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến mãi mãi!

Bạn có nhớ không?

• Tại sao chúng ta trở thành tôi tớ của Đức Chúa Trời?

• Làm thế nào chúng ta chứng tỏ mình phục tùng ý muốn Đức Chúa Trời?

• Vì sao chúng ta phải sẵn sàng đặt ý muốn Đức Giê-hô-va lên trên ý riêng của mình?

• Tại sao chúng ta không nên “ngó lại đằng sau”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16, 17]

Sự sắp đặt về việc tự nguyện làm nô lệ ở Y-sơ-ra-ên cho thấy trước về vai trò làm tôi tớ của tín đồ Đấng Christ

[Hình nơi trang 17]

Chúng ta trở thành tôi tớ Đức Chúa Trời khi làm báp têm

[Các hình nơi trang 17]

Tín đồ Đấng Christ đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu

[Hình nơi trang 18]

Môi-se đã ngần ngại đón nhận sứ mệnh