Chúa Giê-su Christ ảnh hưởng đến cá nhân bạn như thế nào?
Chúa Giê-su Christ ảnh hưởng đến cá nhân bạn như thế nào?
VỚI những gì chúng ta đã xem trong bài trước, lẽ nào còn có lý do để nghi ngờ về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su đã ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới? Tuy nhiên, mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Những dạy dỗ của Chúa Giê-su ảnh hưởng đến cá nhân tôi như thế nào?”
Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su bao hàm nhiều đề tài. Những bài học quý giá nằm trong sự dạy dỗ của ngài có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống bạn. Chúng ta hãy tập trung vào lời dạy của Chúa Giê-su về việc lập ưu tiên trong cuộc sống, vun trồng tình bạn với Đức Chúa Trời, tạo mối quan hệ tốt với người khác, giải quyết những khó khăn, và tránh hành vi bạo động.
Lập ưu tiên trong cuộc sống
Thế giới hối hả ngày nay làm chúng ta mất nhiều thời giờ và sức lực đến độ không còn
chỗ cho sự quan tâm về thiêng liêng. Hãy xem trường hợp của một thanh niên ngoài 20 tuổi mà chúng ta gọi là Jerry. Dù thích nói chuyện về các đề tài Kinh Thánh và xem trọng những gì học được, anh vẫn than: “Tôi không có thời giờ để thường xuyên chú tâm vào việc này. Tôi làm việc sáu ngày một tuần. Chủ Nhật là ngày nghỉ duy nhất của tôi. Rồi sau khi làm xong những việc phải làm, tôi quá mệt mỏi”. Nếu thấy mình trong tình trạng tương tự, những lời dạy của Chúa Giê-su trong Bài Giảng trên Núi có thể đem lại lợi ích cho bạn.Chúa Giê-su nói với đám đông nhóm lại nghe ngài: “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí-trọng hơn đồ ăn sao, thân-thể há chẳng quí-trọng hơn quần-áo sao? Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu-trữ vào kho-tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao?... Ấy vậy, các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:25-33) Chúng ta học được gì từ điều này?
Chúa Giê-su không có ý nói chúng ta không nên quan tâm đến việc chăm lo cho nhu cầu vật chất của mình cũng như của gia đình. Kinh Thánh nói: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. (1 Ti-mô-thê 5:8) Tuy nhiên, Chúa Giê-su hứa là nếu chúng ta biết đặt thứ tự ưu tiên, để các việc thiêng liêng lên hàng đầu, Đức Chúa Trời sẽ lo sao cho chúng ta có những gì mình cần. Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học về việc thiết lập ưu tiên. Làm theo lời khuyên này sẽ được hạnh phúc vì “phước cho những người có ý thức về nhu cầu thiêng liêng”.—Ma-thi-ơ 5:3, NW.
Vun trồng tình bạn với Đức Chúa Trời
Những ai ý thức về nhu cầu thiêng liêng thấy cần phải vun trồng một mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời. Làm thế nào để tạo mối quan hệ tốt với người khác? Lẽ nào chúng ta không cố gắng để hiểu rõ hơn về người đó sao? Chúng ta phải dành ra thời giờ để tìm hiểu quan điểm, thái độ, khả năng, thành tích của người đó, những điều người đó thích và không thích. Chúng ta cũng phải làm như vậy nếu muốn vun trồng tình bạn với Đức Chúa Trời. Hiểu biết chính xác về Ngài là điều cần thiết. Khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời về các môn đồ, Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Đúng vậy, việc vun trồng tình thân với Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải biết về Ngài. Nguồn hiểu biết duy nhất là Kinh Thánh, Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. (2 Ti-mô-thê 3:16) Chúng ta phải dành ra thời giờ để học hỏi Kinh Thánh.
Tuy nhiên, chỉ sự hiểu biết thôi thì chưa đủ. Cũng trong lời cầu nguyện trên, Chúa Giê-su nói: “Họ [môn đồ ngài] đã giữ lời Cha”. (Giăng 17:6) Chúng ta không chỉ thâu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời nhưng còn hành động phù hợp với sự hiểu biết đó. Còn cách nào khác hơn để chúng ta trở thành bạn Đức Chúa Trời? Làm sao có thể kỳ vọng tình bạn được thân thiết hơn nếu cố tình làm ngược lại với nguyên tắc và ý nghĩ của người bạn đó? Vậy, hãy để quan điểm và nguyên tắc của Đức Chúa Trời hướng dẫn các bước đường của chúng ta trong cuộc sống. Hãy xem xét hai nguyên tắc của Ngài áp dụng thế nào trong mối quan hệ của chúng ta với người khác.
Tạo mối quan hệ tốt với người khác
Vào một dịp nọ, Chúa Giê-su kể câu chuyện ngắn nhằm dạy một bài học quý giá về mối quan hệ với người khác. Ngài nói đến một vị vua kia tính sổ nợ với các tôi tớ ông. Một tôi tớ nợ ông một món tiền khổng lồ và không thể trả. Vị vua ra lệnh bán người ấy, vợ và con y để trả nợ. Người đầy tớ sấp mình xuống và van nài: “Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết!” Vua động lòng thương xót tha nợ cho. Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp người đầy tớ đồng bạn thiếu mình một số tiền nhỏ, ông đòi phải trả. Mặc dù người đầy tớ mắc nợ van xin lòng thương xót, người đầy tớ chủ nợ vẫn đòi tống giam cho đến khi trả hết nợ. Vua nổi giận khi hay được sự việc. Vua hỏi: “Ngươi há lại chẳng nên thương-xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương-xót ngươi sao?” Vua liền tống tên đầy tớ không biết tha thứ ấy vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Dùng câu chuyện này, Chúa Giê-su đưa ra bài học: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy”.—Ma-thi-ơ 18:23-35.
Là những người bất toàn, chúng ta phạm nhiều lỗi. Chúng ta không bao giờ trả được cho Đức Chúa Trời món nợ chồng chất bởi vô vàn tội lỗi chúng ta phạm cùng Ngài. Chúng ta không làm được gì ngoại trừ việc xin Ngài tha thứ. Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẵn lòng tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta với điều kiện chúng ta tha lỗi cho anh em. Thật là một bài học mạnh mẽ! Chúa Giê-su dạy môn đồ cầu nguyện: “Xin tha tội-lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi”.—Ma-thi-ơ 6:12.
Đi vào gốc rễ của vấn đề
Chúa Giê-su tinh thông trong việc hiểu biết bản chất của con người. Lời khuyên của ngài giúp giải quyết tận gốc vấn đề. Hãy xem xét hai thí dụ sau đây.
Chúa Giê-su nói: “Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa-án xử-đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa-án xử-đoán”. (Ma-thi-ơ 5:21, 22) Ở đây, Chúa Giê-su cho thấy cội rễ của việc giết người không phải ở hành vi giết người mà ở mức độ sâu xa hơn. Đó là thái độ cưu mang trong lòng kẻ sát nhân. Một khi không nuôi lòng thù hận, thì mưu tính dùng hành vi hung bạo sẽ biến mất. Nếu áp dụng sự dạy dỗ này thì người ta sẽ tránh được biết bao vụ đổ máu!
Hãy lưu ý cách Chúa Giê-su đi thẳng vào gốc rễ của một vấn đề khác vốn tạo ra nhiều đau buồn. Ngài nói với đám đông: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà-dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi. Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi”. (Ma-thi-ơ 5:27-29) Chúa Giê-su cho thấy hành động vô luân chỉ là bề mặt. Ngài cho biết nguyên nhân khiến đưa đến hành động này—ham muốn vô luân. Nếu cương quyết không tập trung vào ham muốn xấu và ‘móc nó ra’ tức đẩy lui nó khỏi tâm trí thì sẽ thắng được nguy cơ có một hành động vô luân sau này.
“Hãy nạp gươm vào vỏ”
Vào đêm Chúa Giê-su bị phản bội và bị bắt, một trong các môn đồ ngài rút gươm ra bảo vệ ngài. Chúa Giê-su ra lệnh: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm”. (Ma-thi-ơ 26:52) Sáng hôm sau, Chúa Giê-su nói với Bôn-xơ Phi-lát: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ-giới”. (Giăng 18:36) Phải chăng sự dạy dỗ này không thiết thực?
Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã có thái độ nào đối với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su về việc không dùng đến bạo lực? Sách The Early Christian Attitude to War (Thái độ của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đối với chiến tranh) viết: “Vì [những dạy dỗ của Chúa Giê-su] coi tất cả hình thức bạo động và làm thương tổn người khác là bất hợp pháp, nên rõ ràng điều này hàm ý rằng việc tham gia vào chiến tranh là không thể chấp nhận được... Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu theo sát lời dạy của Chúa Giê-su, và hiểu rằng sự dạy dỗ đó có nghĩa là họ phải hiền hòa và không chống cự theo nghĩa đen. Họ liên kết chặt chẽ tôn giáo của họ với hòa bình và cực lực lên án những cuộc chiến tranh làm đổ máu”. Nếu những người tự nhận mình theo Đấng Christ thật sự vâng theo lời dạy dỗ này thì lịch sử sẽ khác đi biết bao!
Bạn có thể được lợi ích từ sự dạy dỗ của Chúa Giê-su
Những dạy dỗ của Chúa Giê-su như chúng ta đã xem thật hay, giản dị và mạnh mẽ. Nhân loại có thể nhận được lợi ích khi hiểu và áp dụng những dạy dỗ của ngài. *
Nhân Chứng Giê-hô-va ở địa phương sẵn lòng giúp bạn thấy cách bạn có thể được lợi ích từ những lời dạy dỗ khôn ngoan nhất chưa từng có. Chúng tôi nhiệt thành mời bạn tiếp xúc với họ hoặc viết về địa chỉ liệt kê nơi trang 2 của tạp chí này.
[Chú thích]
^ đ. 22 Để hiểu một cách có hệ thống toàn thể sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, xem sách Người vĩ đại nhất đã từng sống, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Hình nơi trang 5]
“Cha các ngươi trên trời nuôi nó”
[Hình nơi trang 7]
Những dạy dỗ của Chúa Giê-su có thể tác động tốt trên đời sống bạn