Một “pim” minh chứng cho tính xác thực của Kinh Thánh về lịch sử
Một “pim” minh chứng cho tính xác thực của Kinh Thánh về lịch sử
TỪ “PIM” chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Kinh Thánh. Vào thời Vua Sau-lơ, dân Y-sơ-ra-ên phải mướn thợ rèn người Phi-li-tin mài dụng cụ kim loại của họ. “Người ta phải trả bảy tiền [“pim”, cước chú] để chuốt lưỡi cày, lưỡi dao, ba tiền để mài lại cái rìu, liếc lại cái gậy giong bò”.—1 Sa-mu-ên 13:21, Nguyễn Thế Thuấn.
Pim là gì? Câu trả lời nằm trong vòng bí ẩn mãi cho đến năm 1907 CN. Năm ấy quả cân đá pim đầu tiên được khai quật tại thành Ghê-xe xưa. Trước lúc ấy các dịch giả Kinh Thánh đã gặp khó khăn khi dịch từ “pim”. Bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội thì dịch câu 1 Sa-mu-ên 13:20, 21 như sau: “Hết thảy Y-sơ-ra-ên... đi xuống nơi Phi-li-tin đặng mướn rèn... lưỡi cày, cuốc, chĩa ba, hay là rìu bị mẻ-sứt, thì đi xuống đặng mài và sửa cái đót lại”.
Ngày nay các học giả biết rằng pim là một đơn vị đo lường, trung bình nặng 7,82 gram, tức tương đương với khoảng hai phần ba của một siếc-lơ, là đơn vị đo lường căn bản của người Hê-bơ-rơ. Một pim bạc vụn là tiền công mài dụng cụ mà người Y-sơ-ra-ên phải trả cho người Phi-li-tin. Sau khi vương quốc Giu-đa và thủ phủ là Giê-ru-sa-lem sụp đổ vào năm 607 TCN, hệ đo lường bằng siếc-lơ đã không còn được sử dụng nữa. Vậy làm sao đơn vị đo lường pim có thể chứng minh cho tính xác thực của Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ về phương diện lịch sử?
Một số học giả biện luận rằng các văn bản Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, kể cả sách 1 Sa-mu-ên đã được viết vào thời Hy-La (Hy Lạp-La Mã), hay cũng có thể vào khoảng thế kỷ thứ hai đến thứ nhất TCN. Vì vậy, người ta cho rằng “các văn bản này... ‘phi lịch sử’, không có giá trị chứng thực lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên dựa theo Kinh Thánh hay lịch sử thế tục của dân đó, cả hai chẳng qua chỉ là tạo tác của văn học Do Thái hiện đại hoặc của tín đồ Đấng Christ”.
Tuy nhiên, nói về đơn vị đo lường pim đề cập nơi 1 Sa-mu-ên 13:20, 21, William G. Dever, giáo sư khảo cổ và nhân loại học vùng Cận Đông bình luận: “Các văn sĩ thời Hy-La không thể ‘bịa đặt’ [điều đó] nhiều thế kỷ sau khi những đơn vị đo lường này đã biến mất và chìm vào quên lãng. Sự thật là mãi cho đến đầu thế kỷ 20 CN chi tiết nhỏ này trong đoạn Kinh Thánh nói trên... mới được sáng tỏ nhờ những hiện vật đầu tiên có chữ pîm bằng tiếng Hê-bơ-rơ được đào xới”. Giáo sư Dever nói tiếp: “Nếu cho rằng những lời tường thuật trong Kinh Thánh hoàn toàn là ‘tác phẩm văn học’ của thời Hy-La, làm sao câu chuyện này lại được ghi trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ? Tuy nhiên một số người có thể viện lẽ rằng chuyện cân pîm ‘chỉ là một chi tiết nhỏ’. Đúng thế, nhưng chúng ta biết rằng ‘lịch sử là sự góp nhặt của những chi tiết nhỏ’ ”.
[Hình nơi trang 29]
Một pim nặng bằng khoảng hai phần ba một siếc-lơ