Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách 1 Sa-mu-ên

Những điểm nổi bật trong sách 1 Sa-mu-ên

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách 1 Sa-mu-ên

ĐÓ LÀ năm 1117 TCN. Khoảng ba trăm năm đã trôi qua kể từ khi Giô-suê hoàn tất cuộc chinh phục Đất Hứa. Những trưởng lão trong dân Y-sơ-ra-ên đến gặp nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va với một lời yêu cầu khác thường. Nhà tiên tri trình sự việc lên Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và Ngài đã chấp thuận nguyện vọng của họ. Điều này đánh dấu sự kết thúc thời kỳ các Quan Xét và bắt đầu thời kỳ có vua loài người cai trị. Sách 1 Sa-mu-ên trong Kinh Thánh tả những biến cố sống động liên quan đến khúc quanh lịch sử đó của nước Y-sơ-ra-ên.

Sách 1 Sa-mu-ên do Sa-mu-ên, Na-than và Gát viết. Sách thuật lại những sự kiện xảy ra trong thời kỳ dài 102 năm—từ 1180 đến 1078 TCN. (1 Sử-ký 29:29) Sách kể lại về bốn người lãnh đạo của dân Y-sơ-ra-ên. Hai người làm quan xét, hai người là vua; hai người vâng lời Đức Giê-hô-va còn hai người thì không. Chúng ta cũng được biết đến hai phụ nữ gương mẫu và một chiến sĩ dũng cảm nhưng lại hiền hòa. Các gương ấy chứa đựng những bài học giá trị về thái độ và hành động nên bắt chước cũng như cần tránh. Như thế nội dung sách 1 Sa-mu-ên có thể tác động đến tư tưởng và hành động của chúng ta.—Hê-bơ-rơ 4:12.

SA-MU-ÊN LÀM QUAN XÉT NỐI TIẾP HÊ-LI

(1 Sa-mu-ên 1:1–7:17)

Đó là vào Lễ Mùa Gặt, An-ne là người sống tại thành Ra-ma cảm thấy vô cùng vui mừng. * Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu nguyện của bà, và bà đã sinh được một trai. Giữ sự hứa nguyện, An-ne dâng con trai là Sa-mu-ên để phục vụ tại “đền của Đức Giê-hô-va”. Nơi đó đứa trẻ “phục-sự Đức Giê-hô-va trước mặt Hê-li, thầy tế-lễ”. (1 Sa-mu-ên 1:24; 2:11) Khi Sa-mu-ên hãy còn nhỏ, Đức Giê-hô-va nói với Sa-mu-ên về sự đoán xét đối với gia đình Hê-li. Khi Sa-mu-ên khôn lớn, cả Y-sơ-ra-ên đều nhìn nhận ông là tiên tri của Đức Giê-hô-va.

Rồi thì dân Phi-li-tin dàn trận đánh dân Y-sơ-ra-ên. Họ cướp lấy hòm giao ước của Đức Giê-hô-va và giết hai con trai của Hê-li. Khi hay tin đó Hê-li ngã xuống chết, sau ‘bốn mươi năm làm quan xét cho Y-sơ-ra-ên’. (1 Sa-mu-ên 4:18) Chiếm giữ hòm giao ước đưa đến tai họa cho dân Phi-li-tin, nên họ giao trả lại cho dân Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ Sa-mu-ên làm quan xét ở Y-sơ-ra-ên, và xứ được hòa bình.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:10—Tại sao An-ne lại cầu xin Đức Giê-hô-va “ban thế-lực cho Vua Ngài” trong khi không có vua loài người cai trị dân Y-sơ-ra-ên? Luật Pháp Môi-se đã nói trước về việc dân Y-sơ-ra-ên sẽ có một vua trên đất. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:14-18) Lúc gần chết, Gia-cốp đã nói lời tiên tri: “Cây phủ-việt [vương trượng] chẳng hề dời khỏi Giu-đa”. (Sáng-thế Ký 49:10) Hơn nữa, Đức Giê-hô-va đã nói về Sa-ra, tổ mẫu của người Y-sơ-ra-ên, như sau: “Những vua của các dân-tộc sẽ do nơi nàng mà ra”. (Sáng-thế Ký 17:16) Vì vậy, An-ne đã cầu xin về một vua tương lai.

3:3—Sa-mu-ên có thực sự ngủ tại nơi Chí Thánh không? Không, Sa-mu-ên không ngủ tại đó. Sa-mu-ên là người Lê-vi con cháu Kê-hát, không thuộc gia đình làm chức tế lễ. (1 Sử-ký 6:33-38) Do đó Sa-mu-ên không được “vào đặng xem những vật thánh”. (Dân-số Ký 4:17-20) Hành lang là nơi duy nhất trong đền thánh mà Sa-mu-ên được phép vào. Đó chắc là nơi mà Sa-mu-ên đã nằm ngủ. Dường như Hê-li cũng ngủ một nơi nào đó tại hành lang đền tạm. Nhóm từ “nơi có cái hòm thánh” hẳn là muốn nói đến khu vực thuộc đền tạm.

7:7-9, 17—Tại sao Sa-mu-ên dâng của-lễ thiêu tại Mích-ba và lập một bàn thờ tại Ra-ma, mà lẽ ra những của-lễ chỉ được đều đặn dâng tại nơi mà Đức Giê-hô-va chọn? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:4-7, 13, 14; Giô-suê 22:19) Sau khi hòm giao ước được dời khỏi đền tạm ở Si-lô, không còn gì cho thấy Đức Giê-hô-va hiện diện tại đó. Cho nên với tư cách là người đại diện của Đức Chúa Trời, Sa-mu-ên đã dâng của-lễ thiêu tại Mích-ba và lập một bàn thờ tại Ra-ma. Dường như Đức Giê-hô-va chấp thuận những việc này.

Bài học cho chúng ta:

1:11, 12, 21-23; 2:19. Thái độ sùng kính thường xuyên cầu nguyện, tính khiêm nhường và lòng biết ơn của An-ne đối với sự nhân từ của Đức Giê-hô-va cũng như tình mẫu tử sâu đậm của bà là gương sáng cho những người nữ kính sợ Đức Chúa Trời.

1:8. Ên-ca-na quả là một gương tốt về việc dùng lời nói để khích lệ người khác! (Gióp 16:5) Lúc thấy An-ne buồn rầu, ông trước tiên hỏi mà không có ý trách móc: “Cớ sao... lòng buồn-bực dường ấy?” Điều đó gợi cho nàng bày tỏ nỗi niềm trong lòng. Sau đó Ên-ca-na trấn an nàng bằng tình thương qua câu nói: “Ta há chẳng đáng cho nàng hơn mười đứa con trai ư?”

2:26; 3:5-8, 15, 19. Bằng cách bền lòng làm công việc mà Đức Chúa Trời giao phó, tận dụng sự huấn luyện về thiêng liêng và với tính lễ độ, chúng ta sẽ “làm đẹp lòng” cả Đức Chúa Trời và người ta.

4:3, 4, 10. Ngay cả hòm giao ước là một vật rất thánh nhưng cũng không phải là một bùa hộ mạng. Chúng ta cần phải “giữ mình về hình-tượng”.—1 Giăng 5:21.

VUA Y-SƠ-RA-ÊN ĐẦU TIÊN​—THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI?

(1 Sa-mu-ên 8:1–15:35)

Nhà tiên tri Sa-mu-ên trọn đời trung thành với Đức Giê-hô-va, nhưng các con trai ông không sống theo đường lối tin kính. Khi các trưởng lão Y-sơ-ra-ên xin lập vua cai trị họ, Đức Giê-hô-va đã cho phép họ lập vua. Sa-mu-ên làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, xức dầu cho một người Bên-gia-min đẹp trai là Sau-lơ để làm vua. Sau-lơ củng cố địa vị ông sau khi chiến thắng người Am-môn.

Người con dũng cảm của Sau-lơ là Giô-na-than đánh tan một đồn quân Phi-li-tin. Những người Phi-li-tin với một đội quân đông đảo đến đánh dân Y-sơ-ra-ên. Vua Sau-lơ sợ hãi và không vâng lời, tự mình dâng của-lễ thiêu. Chỉ đem theo một người vác binh khí, Giô-na-than can đảm tấn công một đồn quân khác của người Phi-li-tin. Lời thề hấp tấp của Vua Sau-lơ làm cho cuộc chiến thắng không trọn vẹn. Ông “giao-chiến cùng kẻ thù-nghịch mình tứ-phía”. (1 Sa-mu-ên 14:47) Nhưng khi chiến thắng dân A-ma-léc, Sau-lơ không vâng lời Đức Giê-hô-va vì đã tha mạng những người và vật lẽ ra “đã bị phú cho Đức Giê-hô-va”. (Lê-vi Ký 27:28, 29) Hậu quả là Đức Giê-hô-va phế bỏ Sau-lơ.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

9:9—Câu “người mà thiên-hạ ngày nay gọi là tiên-tri, ngày xưa gọi là người tiên-kiến” có gì đáng chú ý? Những lời này có thể cho thấy khi các tiên tri có vai trò quan trọng hơn vào thời Sa-mu-ên cũng như vào thời các vua Y-sơ-ra-ên, thì chữ “tiên tri” đã được dùng thay cho chữ “tiên kiến”. Sa-mu-ên được xem là nhà tiên tri đầu tiên trong số các tiên tri.—Công-vụ 3:24.

14:24-32, 44, 45—Giô-na-than có bị mất ân huệ của Đức Chúa Trời vì đã phạm lời thề của Vua Sau-lơ khi ăn mật ong không? Hành động này dường như không làm cho Giô-na-than mất ân huệ của Đức Chúa Trời. Trước hết Giô-na-than không biết về lời thề của cha ông. Hơn nữa, lời thề đó phát ra từ sự sốt sắng sai lầm hoặc từ quan niệm không đúng về vương quyền nên đã gây khó khăn cho dân chúng. Làm sao một lời thề như thế lại được Đức Chúa Trời chấp nhận? Dù rằng Giô-na-than đã sẵn lòng nhận chịu hậu quả vì đã phạm lời thề, nhưng ông đã được thoát chết.

15:6—Vì sao dân Kê-nít được Vua Sau-lơ đối xử đặc biệt nhân từ? Dân Kê-nít là con cháu của cha vợ Môi-se. Họ giúp dân Y-sơ-ra-ên sau khi rời Núi Si-na-i. (Dân-số Ký 10:29-32) Có một thời gian dân Kê-nít sống trong đất Ca-na-an giữa những người Giu-đa. (Các Quan Xét 1:16) Dù rằng sau này họ sống giữa những người A-ma-léc và nhiều dân khác, dân Kê-nít vẫn giữ tình thân hữu với người Y-sơ-ra-ên. Vậy Vua Sau-lơ có lý do chính đáng để tha mạng cho dân Kê-nít.

Bài học cho chúng ta:

9:21; 10:22, 27. Tính khiêm tốn và khiêm nhường mà Sau-lơ có lúc đầu khi lên ngôi đã giúp ông tránh hành động dại dột khi những “người phỉ-đồ [“tên vô lại”, Tòa Tổng Giám Mục]” không công nhận ông là vua. Thái độ như thế quả là một sự che chở để tránh làm những điều phi lý!

12:20, 21. Đừng bao giờ để cho “những hình-tượng hư-không [“những cái hư không”, TTGM]” như sự tin cậy vào loài người, vào quân đội của những nước hùng mạnh hay hình tượng, khiến bạn lìa bỏ việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

12:24. Điều chính yếu để giữ lòng kính sợ Đức Giê-hô-va và hết lòng phụng sự Ngài là “xem những việc lớn-lao mà Ngài làm” cho dân Ngài thời xưa cũng như ngày nay.

13:10-14; 15:22-25, 30. Hãy coi chừng để tránh có thái độ vượt quyền—thể hiện qua hành động bất tuân hay qua thái độ tự phụ.—Châm-ngôn 11:2.

NGƯỜI CHĂN CHIÊN TRẺ ĐƯỢC CHỌN LÀM VUA

(1 Sa-mu-ên 16:1–31:13)

Sa-mu-ên xức dầu cho Đa-vít là người thuộc chi phái Giu-đa để làm vua trong tương lai. Ít lâu sau, Đa-vít giết được người khổng lồ Gô-li-át của dân Phi-li-tin với chỉ một viên đá. Tình bằng hữu nẩy sinh giữa Đa-vít và Giô-na-than. Vua Sau-lơ đặt Đa-vít làm người chỉ huy các chiến sĩ của ông. Ca ngợi những chiến công của Đa-vít, các người nữ Y-sơ-ra-ên hát: “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn!” (1 Sa-mu-ên 18:7) Với đầy lòng ghen tị, Vua Sau-lơ tìm cách giết Đa-vít. Sau ba lần bị Sau-lơ giết hụt, Đa-vít phải chạy trốn.

Trong những năm trốn chạy đó, hai lần Đa-vít tha mạng cho Vua Sau-lơ. Đa-vít cũng gặp rồi sau đó cưới người phụ nữ A-bi-ga-in xinh đẹp. Khi dân Phi-li-tin đến giao chiến cùng dân Y-sơ-ra-ên, Vua Sau-lơ cầu vấn Đức Giê-hô-va, nhưng Ngài đã lìa bỏ ông. Sa-mu-ên cũng đã qua đời. Tuyệt vọng, Sau-lơ tìm đến một người đàn bà cầu vong, và bà cho biết ông sẽ bị giết trong trận chiến với dân Phi-li-tin. Trong lúc chiến đấu, Sau-lơ bị trọng thương, còn các con ông thì bị giết. Câu chuyện kết thúc với việc Sau-lơ bị chết như một kẻ thất bại. Trong lúc đó Đa-vít đang còn lẩn trốn.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

16:14—“Ác-thần” nào đã khuấy khuất Vua Sau-lơ? “Ác-thần” đã cướp đi sự bình an nội tâm của Vua Sau-lơ ám chỉ khuynh hướng xấu trong tâm trí ông—sự thúc đẩy làm điều xấu từ bên trong. Khi thánh linh của Đức Giê-hô-va lìa khỏi ông, Vua Sau-lơ mất sự che chở của thánh linh và bị khuynh hướng xấu của chính mình chế ngự. Vì Đức Chúa Trời đã để cho tinh thần này thay thế thánh linh Ngài, khuynh hướng đó được nói đến như là “ác-thần” mà Đức Giê-hô-va khiến đến khuấy khuất người.

17:55-58—Xét theo đoạn 1 Sa-mu-ên 16:17-23, vì sao Vua Sau-lơ lại hỏi Đa-vít là con trai của ai? Vua Sau-lơ không chỉ nhằm hỏi tên cha của Đa-vít. Hẳn là vua muốn biết cha của chàng thanh niên này là người như thế nào mà đã sinh được một người con lập được chiến tích giết người khổng lồ như thế.

Bài học cho chúng ta:

16:6, 7. Thay vì bị thu hút bởi vẻ bề ngoài của người khác hoặc nhanh chóng xét đoán họ, chúng ta cần phải cố xem họ theo cách của Đức Giê-hô-va.

17:47-50. Chúng ta có thể can đảm đương đầu với chống đối hay bắt bớ từ kẻ thù to lớn đáng sợ như Gô-li-át vì “Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến-trận”.

18:1, 3; 20:41, 42. Có thể tìm được bạn thật trong vòng những người yêu mến Đức Giê-hô-va.

21:12, 13. Đức Giê-hô-va mong đợi chúng ta sử dụng lý trí và khả năng để xử lý những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Ngài đã ban cho chúng ta Lời soi dẫn của Ngài, nhờ đó chúng ta có được sự khôn ngoan, hiểu biết và khả năng phán đoán. (Châm-ngôn 1:4) Chúng ta cũng có sự giúp đỡ của những trưởng lão được bổ nhiệm.

24:7; 26:11. Đa-vít quả là một tấm gương thật tốt về việc chân thành tôn trọng người xức dầu của Đức Giê-hô-va!

25:23-33. A-bi-ga-in là một gương sáng về sự khôn ngoan.

28:8-19. Khi nỗ lực làm người ta lầm lạc hoặc làm hại họ, những ác thần có thể giả làm một người chết nào đó. Chúng ta cần phải tránh mọi hình thức của ma thuật.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12.

30:23, 24. Quyết định này, dựa vào Dân-số Ký 31:27, cho thấy Đức Giê-hô-va coi trọng những ai đảm nhận những vai trò phụ giúp trong hội thánh. Vậy “hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”.—Cô-lô-se 3:23.

Điều gì “tốt hơn của tế-lễ”?

Một lẽ thật căn bản nào được nhấn mạnh trong trường hợp của Hê-li, Sa-mu-ên, Sau-lơ và Đa-vít? Đó là “sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực; sự bội-nghịch cũng đáng tội bằng sự tà-thuật; sự cố-chấp giống như tội trọng cúng-lạy hình-tượng”.—1 Sa-mu-ên 15:22, 23.

Thật là một đặc ân cho chúng ta được dự phần vào một công việc toàn cầu là rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ! Khi “dâng lời ngợi-khen ở môi... thay vì con bò đực”, chúng ta cần hết sức vâng theo sự hướng dẫn mà Đức Giê-hô-va ban qua Lời Ngài và qua tổ chức của Ngài phần ở trên đất.—Ô-sê 14:2; Hê-bơ-rơ 13:15.

[Chú thích]

^ đ. 3 Về những địa danh khác nhau trong sách 1 Sa-mu-ên, xem sách mỏng ‘Hãy xem xứ tốt-tươi’ trang 18 và 19, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 23]

Vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên đã đổi thay từ một người khiêm tốn và khiêm nhường thành một vị vua kiêu hãnh và hành động vượt quyền

[Hình nơi trang 24]

Chúng ta có thể tin cậy vào điều gì khi đương đầu với sự chống đối từ kẻ thù to lớn và đáng sợ như Gô-li-át?