Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Con cái—Một cơ nghiệp quý báu

Con cái—Một cơ nghiệp quý báu

Con cái—Một cơ nghiệp quý báu

“Kìa, con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; bông-trái của tử-cung là phần thưởng”.—THI-THIÊN 127:3.

1. Đứa bé đầu tiên của nhân loại chào đời như thế nào?

HÃY suy nghĩ những điều kỳ diệu Đức Chúa Trời đã ban cho qua cách Ngài tạo nên người nam và người nữ đầu tiên. Cả người cha, A-đam, và người mẹ, Ê-va, cùng góp phần tạo nên trong lòng Ê-va một mầm sống mới, dần dần phát triển thành một con người mới hoàn chỉnh—đứa bé đầu tiên của nhân loại. (Sáng-thế Ký 4:1) Cho đến ngày nay, sự thụ thai và ra đời của một đứa trẻ vẫn được mô tả là phép lạ và không khỏi khiến chúng ta thán phục.

2. Tại sao có thể nói quá trình phát triển của thai nhi là một phép lạ?

2 Chỉ trong vòng khoảng 270 ngày, từ một tế bào được thụ tinh trong lòng người mẹ nhờ sự kết hợp với người cha, một đứa bé được hình thành, với cấu tạo gồm hàng tỉ tế bào. Bên trong tế bào ban đầu đó là những thông tin cần thiết để tạo ra hơn 200 loại tế bào khác nhau. Theo sự hướng dẫn của những thông tin kỳ diệu đó—nay vẫn nằm ngoài tầm hiểu biết của con người—hàng tỉ tế bào với cấu trúc phức tạp đến kinh ngạc đã được sản sinh ra theo đúng trình tự và cách thức để tạo thành một con người mới!

3. Tại sao nhiều người có suy nghĩ tin rằng sự ra đời của một đứa bé là công trạng của Đức Chúa Trời?

3 Theo bạn, ai mới thật sự tạo thành đứa bé? Chắc chắn đó phải là Đấng đã tạo ra sự sống. Người viết Thi-thiên hát: “Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng-nên chúng tôi”. (Thi-thiên 100:3) Hỡi các bậc cha mẹ, các bạn đều biết rõ rằng sự thông minh tài giỏi của các bạn không thể tạo được một sinh linh nhỏ bé quý báu như thế. Chỉ có Đức Chúa Trời, với sự khôn ngoan vô tận, mới có thể khiến một đứa bé hình thành cách kỳ diệu như vậy. Hàng ngàn năm qua, những người có suy nghĩ đã quy công trạng này cho Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Còn bạn thì sao?—Thi-thiên 139:13-16.

4. Không thể quy khuyết điểm nào của nhân loại cho Đức Giê-hô-va?

4 Tuy nhiên, phải chăng Đức Giê-hô-va là một Đấng Tạo Hóa vô cảm, chỉ lập ra quá trình sinh học đó để loài người có thể truyền nòi giống? Đúng là trong nhân loại có người vô cảm, nhưng Đức Giê-hô-va thì không bao giờ như thế. (Thi-thiên 78:38-40) Kinh Thánh nói nơi Thi-thiên 127:3: “Kìa, con-cái là cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; bông-trái của tử-cung là phần thưởng”. Chúng ta hãy xem từ “cơ-nghiệp” có nghĩa gì và nó thể hiện điều gì.

Một cơ nghiệp và phần thưởng

5. Tại sao con cái là cơ nghiệp?

5 Một cơ nghiệp giống như một món quà. Cha mẹ thường làm việc vất vả lâu năm hầu để lại cơ nghiệp cho con cái. Đó có thể là tiền bạc, tài sản, hay một món đồ nào đó mà họ đặc biệt yêu quý. Dù là gì đi nữa, nó thể hiện tình thương của cha mẹ. Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời đã ban con cái cho các bậc cha mẹ làm cơ nghiệp. Con cái là món quà đầy yêu thương của Ngài. Hỡi các bậc cha mẹ, hành động của các bạn có cho thấy các bạn xem con cái như một món quà mà chính Đấng Tạo Hóa hoàn vũ đã tin tưởng gửi gắm không?

6. Đức Chúa Trời có ý định gì khi ban cho loài người khả năng sinh sản?

6 Khi Đức Giê-hô-va ban tặng món quà này, ý định của Ngài là khắp đất có con cháu của A-đam và Ê-va sinh sống. (Sáng-thế Ký 1:27, 28; Ê-sai 45:18) Ngài không tạo ra từng người một, như cách đã tạo ra hàng triệu thiên sứ. (Thi-thiên 104:4; Khải-huyền 4:11) Thay vì thế, Ngài quyết định tạo ra con người với khả năng sinh sản những đứa con giống như họ. Thật là một ân huệ tuyệt vời cho các bậc làm cha làm mẹ khi có thể sinh ra và chăm sóc cho một con người mới! Là cha mẹ, bạn có cảm tạ Đức Giê-hô-va vì được ban cho cơ nghiệp quý giá này không?

Học theo gương Chúa Giê-su

7. Tương phản với cách cư xử của một số bậc cha mẹ, Chúa Giê-su đã tỏ lòng quan tâm và yêu thương thế nào đối với “con-cái loài người”?

7 Đáng buồn thay không phải cha mẹ nào cũng xem con cái là phần thưởng. Nhiều người không đoái hoài đến con cái họ. Những người đó không có cùng tâm tư như Đức Giê-hô-va hoặc Con Ngài. (Thi-thiên 27:10; Ê-sai 49:15) Tương phản với cách cư xử của họ, hãy xem sự quan tâm của Chúa Giê-su đối với con trẻ. Ngay từ trước khi xuống thế làm người, khi còn là một thần linh đầy quyền lực, Kinh Thánh cho biết ngài đã ‘vui-thích nơi con-cái loài người’. (Châm-ngôn 8:31) Tình yêu thương của ngài sâu đậm đến độ ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống làm giá chuộc để chúng ta được sống mãi mãi.—Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 10:18.

8. Chúa Giê-su để lại gương mẫu tuyệt hảo nào cho các bậc cha mẹ noi theo?

8 Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su đã để lại gương mẫu tuyệt hảo cho các bậc cha mẹ noi theo. Chúng ta hãy xem ngài đã làm gì. Ngài dành thời gian cho con trẻ, ngay cả trong lúc rất bận rộn và căng thẳng. Ngài nhìn chúng nô đùa nơi phố chợ và còn dùng một số hành vi của chúng để làm minh họa giảng dạy. (Ma-thi-ơ 11:16, 17) Trong chuyến đi cuối cùng lên thành Giê-ru-sa-lem, ngài biết mình sẽ phải chịu khổ nhục và bị giết. Vì vậy khi dân chúng đưa con trẻ đến gặp ngài, các môn đồ đã cố đuổi chúng về, có lẽ để tránh cho ngài khỏi bị căng thẳng thêm. Nhưng Chúa Giê-su quở trách môn đồ. Vì “vui-thích” con trẻ, ngài nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó”.—Mác 10:13, 14.

9. Tại sao việc làm quan trọng hơn lời nói?

9 Chúng ta có thể học theo gương Chúa Giê-su. Khi con trẻ tìm đến, chúng ta đối xử với chúng như thế nào, ngay cả khi bận rộn? Có giống như cách Chúa Giê-su đã làm không? Điều mà con trẻ cần, đặc biệt từ cha mẹ, chính là điều mà Chúa Giê-su đã sẵn lòng cho chúng: thời gian và sự quan tâm. Đúng là những lời như “ba thương con” hay “mẹ thương con” rất cần thiết, nhưng hành động có tác dụng mạnh hơn lời nói. Tình thương không chỉ thể hiện qua những gì bạn nói, mà còn mạnh mẽ hơn qua những gì bạn làm. Nó được biểu lộ qua thời gian, sự quan tâm và chăm sóc mà bạn dành cho con cái. Tuy nhiên, tất cả việc đó có thể không mang lại kết quả rõ ràng, hoặc không mang lại kết quả nhanh như mong đợi. Chúng ta cần kiên nhẫn. Noi theo cách Chúa Giê-su đối xử với môn đồ có thể giúp chúng ta tập kiên nhẫn.

Sự kiên nhẫn và trìu mến của Chúa Giê-su

10. Làm thế nào Chúa Giê-su dạy môn đồ bài học về sự khiêm nhường, và lúc đầu kết quả ra sao?

10 Chúa Giê-su biết việc tranh giành địa vị giữa các môn đồ vẫn kéo dài dai dẳng. Một lần sau khi tới Ca-bê-na-um với họ, ngài hỏi: “Lúc đi đường, các ngươi nói chi với nhau? Môn-đồ đều làm thinh; vì dọc đường đã cãi nhau cho biết ai là lớn hơn trong bọn mình”. Thay vì gay gắt quở trách họ, ngài kiên nhẫn dùng ví dụ cụ thể để dạy họ bài học về sự khiêm nhường. (Mác 9:33-37) Điều đó có mang lại kết quả mong muốn không? Không phải ngay lúc đó. Khoảng sáu tháng sau, sứ đồ Giăng và Gia-cơ vẫn hối thúc mẹ đến xin Chúa Giê-su cho họ những địa vị quan trọng trong Nước Trời. Một lần nữa, Chúa Giê-su đã kiên nhẫn điều chỉnh lại lối suy nghĩ của họ.—Ma-thi-ơ 20:20-28.

11. (a) Khi đến căn gác nơi cử hành Lễ Vượt Qua, các sứ đồ của Chúa Giê-su đã không chịu làm gì theo lệ thường của người Do Thái? (b) Chúa Giê-su đã làm gì, và nỗ lực của ngài có đạt kết quả ngay không?

11 Chẳng bao lâu sau đến Lễ Vượt Qua năm 33 CN, Chúa Giê-su cử hành lễ riêng với các sứ đồ. Khi đến căn gác nơi họ cử hành lễ, trong 12 sứ đồ không một người nào đứng dậy đi rửa chân cho người khác như lệ thường của người Do Thái—một công việc thấp hèn thường do đầy tớ hoặc phụ nữ trong nhà làm. (1 Sa-mu-ên 25:41; 1 Ti-mô-thê 5:9, 10) Chúa Giê-su hẳn buồn rầu biết bao khi thấy các môn đồ vẫn tỏ ra chuộng địa vị như thế! Vì vậy, ngài đứng dậy đi rửa chân cho từng người một và tha thiết khuyên họ hãy noi gương ngài phục vụ người khác. (Giăng 13:4-17) Họ có làm theo không? Kinh Thánh cho biết một lúc sau cũng trong đêm đó, “môn-đồ lại cãi-lẫy nhau, cho biết ai sẽ được tôn là lớn hơn hết trong đám mình”.—Lu-ca 22:24.

12. Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể noi theo gương Chúa Giê-su trong việc uốn nắn con cái?

12 Khi con cái không vâng theo một lời khuyên răn nào đó của bạn, hẳn bạn cảm nhận được cảm xúc của Chúa Giê-su phải không? Thế nhưng hãy lưu ý ngài không hề bỏ cuộc khi các sứ đồ chậm sửa đổi. Và sự kiên nhẫn của ngài cuối cùng đã mang lại kết quả. (1 Giăng 3:14, 18) Hỡi các bậc cha mẹ, hãy noi theo gương yêu thương và kiên nhẫn của Chúa Giê-su, đừng bao giờ ngưng cố gắng uốn nắn con cái.

13. Tại sao cha mẹ không nên nạt nộ con khi chúng muốn hỏi?

13 Con trẻ cần cảm thấy được cha mẹ yêu thương và quan tâm đến chúng. Chúa Giê-su luôn muốn biết các môn đồ nghĩ gì, vì vậy ngài lắng nghe mỗi khi họ có những thắc mắc. Ngài cũng đặt câu hỏi để biết suy nghĩ của họ về một số vấn đề nào đó. (Ma-thi-ơ 17:25-27) Thật vậy, dạy tốt bao hàm cả việc biết chú ý lắng nghe và có lòng quan tâm thành thật. Khi con cái hỏi, cha mẹ nên cưỡng lại thói quen xua đuổi chúng bằng những lời nạt nộ như: “Đi chỗ khác! Con không thấy ba/mẹ đang bận à?” Nếu thật sự bận, hãy cho trẻ biết bạn sẽ nói chuyện với chúng nó sau—và hãy giữ lời! Như thế, con cái sẽ cảm thấy bạn thật sự quan tâm tới chúng và chúng sẽ dễ tâm sự với bạn hơn.

14. Các bậc cha mẹ có thể học được gì từ gương Chúa Giê-su về việc biểu lộ sự trìu mến đối với con cái?

14 Cha mẹ có nên biểu lộ sự trìu mến đối với con cái, như ôm chúng vào lòng không? Một lần nữa chúng ta hãy học theo gương Chúa Giê-su. Kinh Thánh nói: “Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”. (Mác 10:16) Theo bạn, các cháu bé đó cảm thấy thế nào? Chắc chắn chúng cảm thấy ấm lòng và muốn đến gần Chúa Giê-su! Nếu giữa bạn và con cái có sự yêu thương trìu mến thật sự, chúng sẽ dễ vâng theo sự dạy dỗ và sửa trị của bạn hơn.

Vấn đề là bao nhiêu thời gian

15, 16. Quan niệm nuôi dạy con nào hiện đang phổ biến, và quan niệm này dường như xuất phát từ đâu?

15 Một số người đặt vấn đề liệu con cái có thật sự cần nhiều thời gian và sự quan tâm yêu thương của cha mẹ không. Một quan niệm nuôi dạy con gọi là thời gian chất lượng đã được quảng bá khéo léo. Theo những người ủng hộ quan niệm này, cha mẹ không cần dành nhiều thời gian cho con cái, miễn là thời gian dành cho chúng phải có giá trị, được hoạch định và chuẩn bị kỹ. Nhưng quan niệm này có đúng không? Nó có được nghĩ ra vì lợi ích của trẻ không?

16 Sau khi nói chuyện với nhiều em nhỏ, một nhà báo nhận định điều các em “mong muốn nhất là cha mẹ cho chúng nhiều thời gian hơn” và “sự quan tâm trọn vẹn”. Điều đáng chú ý là một giáo sư đại học cho biết: “Quan niệm này [thời gian chất lượng] phát sinh từ mặc cảm tội lỗi của các bậc cha mẹ. Người ta tự bào chữa cho việc dành ít thời gian hơn với con cái”. Thực chất cha mẹ nên dành bao nhiêu thời gian với con cái?

17. Con cái cần gì nơi cha mẹ?

17 Kinh Thánh không nói rõ lượng thời gian cha mẹ phải dành cho con cái. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ người Do Thái được khuyến khích nên nói chuyện với con cả khi ngồi trong nhà lẫn khi đi ngoài đường, cả lúc nằm và lúc chỗi dậy. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7) Điều đó rõ ràng có nghĩa là họ cần thường xuyên trò chuyện và dạy dỗ con mỗi ngày.

18. Chúa Giê-su đã tận dụng cơ hội ra sao để hướng dẫn môn đồ, và các bậc cha mẹ có thể học được gì từ điều này?

18 Chúa Giê-su đã thành công trong việc huấn luyện môn đồ khi dành thời gian ăn uống với họ, đi đây đó với họ và thậm chí nghỉ ngơi với họ. Bằng cách đó, ngài đã tận dụng mọi cơ hội để hướng dẫn họ. (Mác 6:31, 32; Lu-ca 8:1; 22:14) Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ cũng nên để ý dùng mọi cơ hội để tạo và duy trì thói quen trò chuyện cởi mở với con cái, đồng thời uốn nắn chúng theo đường lối Đức Giê-hô-va.

Dạy gì và dạy như thế nào

19. (a) Ngoài việc dành thời gian sinh hoạt với con cái, các bậc cha mẹ còn cần biết gì? (b) Cha mẹ chủ yếu cần dạy con cái điều gì?

19 Chỉ dành thời gian sinh hoạt với con cái, và thậm chí dạy dỗ chúng cũng chưa đủ để thành công trong việc dưỡng dục con. Điều quan trọng không kém là phải biết dạy gì. Hãy lưu ý cách Kinh Thánh nhấn mạnh điều cha mẹ nên dạy con cái: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay... khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi”. “Các lời” mà con trẻ cần được dạy ở đây là gì? Rõ ràng đó là những lời vừa được nói đến trong câu trước: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7) Chúa Giê-su nói đó là điều quan trọng nhất trong tất cả các điều răn của Đức Chúa Trời. (Mác 12:28-30) Do đó, cha mẹ chủ yếu cần dạy con biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, giải thích cho chúng hiểu vì sao chỉ một mình Ngài xứng đáng được yêu thương và tôn kính hết linh hồn.

20. Theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, các bậc cha mẹ thời xưa phải dạy con cái những gì?

20 Tuy nhiên, “các lời” mà cha mẹ được khuyến khích nên dạy con cái không chỉ bao gồm việc yêu mến Đức Chúa Trời hết mình. Các bạn sẽ thấy rằng trong chương trước của sách Phục-truyền Luật-lệ Ký, tức chương 5, Môi-se nhắc lại cho dân chúng các luật pháp mà Đức Chúa Trời đã viết trên hai bảng đá—Mười Điều Răn. Những luật pháp này bao gồm những điều răn như chớ nói dối, chớ trộm cướp, chớ giết người và chớ phạm tội tà dâm. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:11-22) Như vậy, các bậc cha mẹ thời xưa được nhắc nhở phải truyền dạy con cái các giá trị đạo đức. Ngày nay, các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ cũng phải dạy con những điều này nếu muốn chúng có một tương lai ổn định và hạnh phúc.

21. Việc “ân-cần dạy-dỗ” lời Đức Chúa Trời cho con cái bao hàm điều gì?

21 Hãy lưu ý, các bậc cha mẹ cũng được hướng dẫn cách để dạy “các lời” hay điều răn ấy cho con cái họ: “Khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi”. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “ân-cần dạy-dỗ” cũng được dịch là “khắc ghi”, có nghĩa là dạy và in sâu bằng cách thường xuyên lặp đi lặp lại hay khuyên nhủ: nhấn mạnh hoặc làm cho ăn sâu vào trí. Như vậy, thực tế Đức Chúa Trời bảo các bậc cha mẹ phải hoạch định một chương trình dạy dỗ Kinh Thánh, với mục đích rõ ràng là để in sâu những điều thiêng liêng vào tâm trí con cái họ.

22. Các bậc cha mẹ người Do Thái được lệnh nên làm gì để dạy dỗ con cái, và điều đó có nghĩa gì?

22 Muốn thực hiện một chương trình có hoạch định như thế đòi hỏi cha mẹ phải chủ động. Kinh Thánh nói: “Khá buộc nó [“các lời” hay điều răn Đức Chúa Trời] trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn-chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:8, 9) Điều này không có nghĩa là các bậc cha mẹ nên viết luật pháp Đức Chúa Trời trên cột nhà và trên cửa, buộc một bản sao luật pháp trên tay hoặc giữa hai con mắt của các con. Đúng hơn, ý của câu này là cha mẹ nên thường xuyên nhắc con cái nhớ đến lời dạy của Đức Chúa Trời. Việc dạy con nên được thực hiện một cách đều đặn và thường xuyên, như thể những sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời lúc nào cũng được đặt trước mặt chúng.

23. Điều gì sẽ được xem xét trong bài kế tiếp?

23 Cha mẹ nên dạy con cái một số điều tối quan trọng nào? Tại sao ngày nay đặc biệt cần dạy và hướng dẫn con trẻ cách tự bảo vệ? Hiện có công cụ nào có thể giúp các bậc cha mẹ dạy con hiệu quả? Những câu hỏi này và các mối quan tâm khác nữa của các bậc cha mẹ sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao cha mẹ nên yêu quý con cái?

• Các bậc cha mẹ và những người khác có thể học được gì từ gương của Chúa Giê-su?

• Cha mẹ nên dành bao nhiêu thời gian cho con cái?

• Con cái cần được dạy những điều gì, và dạy như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Cha mẹ có thể học được gì từ cách dạy của Chúa Giê-su?

[Các hình nơi trang 11]

Cha mẹ người Do Thái phải dạy con cái vào lúc nào và như thế nào?

[Các hình nơi trang 12]

Cha mẹ phải luôn nhắc con cái nhớ đến lời dạy của Đức Chúa Trời