Hãy xem Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình
Hãy xem Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình
VÀO thời Kinh Thánh, một số người hưởng được mối quan hệ rất mật thiết với Đức Giê-hô-va vì thế Ngài được gọi là Đức Chúa Trời của họ. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham”, “Đức Chúa Trời của Đa-vít” và “Đức Chúa Trời của Ê-li”.—Sáng-thế Ký 31:42; 2 Các Vua 2:14; 20:5.
Làm thế nào mỗi người trong số họ có được mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va? Chúng ta học được gì từ gương của họ hầu cũng có thể thiết lập và duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa mỗi cá nhân với Đấng Tạo Hóa?
Áp-ra-ham “tin Đức Giê-hô-va”
Áp-ra-ham là người đầu tiên mà Kinh Thánh nói đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Ông được Đức Chúa Trời chấp nhận nhờ đức tính nổi bật là đức tin. Quả vậy, ông hưởng được nhiều đặc ân đến mức sau này khi tự giới thiệu với Môi-se, Đấng Tạo Hóa nói Ngài là “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham”, của con trai và cháu nội ông là Y-sác và Gia-cốp.—Sáng-thế Ký 15:6; Xuất Ê-díp-tô Ký 3:6.
Làm thế nào Áp-ra-ham có được đức tin như thế nơi Đức Chúa Trời? Trước nhất là vì ông xây dựng đức tin trên một nền tảng vững chắc. Có lẽ ông đã được con trai của Nô-ê là Sem, người từng chứng kiến hành động giải cứu của Đức Chúa Trời, dạy dỗ đường lối của Đức Giê-hô-va. Sem tận mắt chứng kiến Đức Giê-hô-va “trong khi sai nước lụt phạt đời gian-ác..., chỉ gìn-giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công-bình, với bảy người khác mà thôi”. (2 Phi-e-rơ 2:5) Qua Sem, hẳn Áp-ra-ham biết rằng một khi Đức Giê-hô-va hứa điều gì, chắc chắn điều đó sẽ thành sự thật. Dù gì đi nữa, khi chính tai nghe lời hứa từ Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham vui sướng và đặt đời sống mình dựa trên sự hiểu biết chắc chắn rằng lời hứa đó sẽ được thực hiện.
Sau khi đã có một nền tảng vững chắc, các việc làm của Áp-ra-ham củng cố thêm đức tin ông. Sứ đồ Phao-lô viết: “Bởi đức-tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ-nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu”. (Hê-bơ-rơ 11:8) Hành động vâng lời đó làm tăng đức tin của Áp-ra-ham. Về điều này, môn đồ Gia-cơ viết: “Thế thì, ngươi thấy đức-tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức-tin được trọn-vẹn”.—Gia-cơ 2:22.
Hơn nữa, Đức Giê-hô-va để cho đức tin của Áp-ra-ham được rèn luyện qua thử thách và làm cho đức tin ông trở nên mạnh mẽ hơn. Sứ đồ Phao-lô nói tiếp: “Bởi đức-tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử-thách”. Sự thử thách rèn luyện, củng cố và làm cho đức Hê-bơ-rơ 11:17; 1 Phi-e-rơ 1:7.
tin trở nên “quí hơn vàng”.—Dù không sống đủ lâu để chứng kiến mọi lời hứa của Đức Giê-hô-va ứng nghiệm, nhưng Áp-ra-ham có được niềm vui khi thấy người khác noi gương mình. Sa-ra, vợ ông và những thành viên khác trong gia đình ông—Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép—cũng được Kinh Thánh khen ngợi vì đức tin xuất sắc của họ.—Hê-bơ-rơ 11:11, 20 -22.
Đức tin như Áp-ra-ham vào thời nay
Đức tin là cần thiết cho bất cứ ai muốn xem Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình. Sứ đồ Phao-lô viết: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Làm sao tôi tớ ngày nay của Đức Giê-hô-va có thể vun trồng một đức tin vững mạnh như Áp-ra-ham?
Như Áp-ra-ham, đức tin của chúng ta phải được lập trên một nền tảng vững chắc. Cách tốt nhất để làm điều này là thường xuyên học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh. Đọc và suy ngẫm những điều trong Kinh Thánh giúp chúng ta tin chắc rằng lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ thành hiện thực. Rồi chúng ta được thúc đẩy thay đổi lối sống dựa trên sự trông cậy vững chắc đó. Đức tin của chúng ta được củng cố nhiều hơn qua hành động vâng lời, bao hàm việc tham gia thánh chức và các buổi họp của tín đồ Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
Đức tin chúng ta chắc chắn sẽ bị thử thách, có lẽ qua sự chống đối, một căn bệnh nặng, cái chết của người thân hoặc một điều nào khác. Giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va khi trải qua thử thách khiến đức tin chúng ta trở nên đáng quý, có giá trị hơn vàng. Dù có sống được đến lúc chứng kiến sự ứng nghiệm toàn bộ những lời hứa của Đức Chúa Trời hay không, đức tin đó sẽ kéo chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Ngoài ra, đức tin của chúng ta sẽ là gương thúc đẩy người khác noi theo. (Hê-bơ-rơ 13:7) Trường hợp của anh Ralph, người đã thấy và noi gương đức tin của cha mẹ, chứng thực điều này. Anh giải thích:
“Khi tôi còn ở với cha mẹ, họ khuyến khích cả nhà sáng dậy sớm để cùng đọc Kinh Thánh. Nhờ vậy mà chúng tôi đọc hết cuốn Kinh Thánh”. Anh Ralph vẫn giữ thói quen đọc Kinh Thánh mỗi sáng, và điều này giúp anh có một khởi đầu tốt trong ngày. Anh từng đi rao giảng chung với cha mình vào mỗi tuần. “Nhờ vậy tôi học được cách thăm lại và điều khiển học hỏi Kinh Thánh”. Hiện nay anh là tình nguyện viên phục vụ tại một văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Châu Âu. Quả là một phần thưởng lớn cho đức tin của cha mẹ anh!
Một người ‘theo lòng Đức Giê-hô-va’
Đa-vít, ra đời sau Áp-ra-ham khoảng 900 năm, là một người nổi bật trong số tôi tớ Đức Giê-hô-va được nhắc đến trong Kinh Thánh. Về việc Đức Giê-hô-va chọn Đa-vít làm vị vua tương lai, nhà tiên tri Sa-mu-ên nói: “Đức Giê-hô-va đã chọn lấy cho mình một người theo lòng Ngài”. Mối quan hệ giữa Đức Giê-hô-va và Đa-vít mật thiết đến nỗi sau đó nhà tiên tri Ê-sai nói với Vua Ê-xê-chia rằng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Đa-vít, tổ-phụ ngươi”.—1 Sa-mu-ên 13:14; 2 Các Vua 20:5; Ê-sai 38:5.
Dù Đa-vít làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, cũng có lúc ông để ham muốn riêng chế ngự mình. Ông đã vi phạm ba tội nghiêm trọng: cho khiêng hòm giao ước về thành Giê-ru-sa-lem không theo đúng quy cách; phạm tội ngoại 2 Sa-mu-ên 6:2-10; 11:2-27; 24:1-9.
tình với Bát-Sê-ba và âm mưu giết hại chồng bà là U-ri; ra lệnh tu bộ dân Y-sơ-ra-ên và dân Giu-đa, điều mà Đức Giê-hô-va không ra lệnh. Trong mỗi trường hợp trên, Đa-vít đều vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời.—Tuy vậy, khi Đa-vít ý thức về tội của mình, ông nhận lỗi và không đổ tội cho người khác. Ông thừa nhận mình đã không sắp đặt việc khiêng hòm giao ước theo đúng quy cách và nói: “Chúng ta không theo lệ đã định mà cầu-vấn Đức Giê-hô-va”. Khi bị nhà tiên tri Na-than vạch trần tội ngoại tình, Đa-vít đáp: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va”. Và khi ý thức được quyết định thiếu khôn ngoan của mình trong việc tu bộ dân, ông nhìn nhận: “Tôi làm như vậy, thật là đã phạm tội rất nặng”. Đa-vít đã ăn năn về tội lỗi mình và vẫn giữ được sự gần gũi với Đức Giê-hô-va.—1 Sử-ký 15:13; 2 Sa-mu-ên 12:13; 24:10.
Khi chúng ta phạm lỗi
Trong nỗ lực xem Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình, gương của Đa-vít thật khích lệ. Nếu một người làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va mà còn phạm tội nặng đến thế, thì chúng ta không nên thất vọng những khi vấp phải sai lầm hoặc thậm chí lỗi nghiêm trọng dù đã cố hết sức để tránh phạm lỗi. (Truyền-đạo 7:20) Chúng ta được an ủi từ việc Đa-vít được tha tội sau khi ông ăn năn. Nhiều năm trước đây, anh Uwe * cũng ở trong tâm trạng như vậy.
Anh Uwe từng là trưởng lão một hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va. Một lần, anh không kháng cự được ham muốn sai trái và phạm tội vô luân. Lúc đầu giống như Vua Đa-vít, anh Uwe giữ kín chuyện và hy vọng Đức Giê-hô-va sẽ lờ đi tội lỗi của anh. Nhưng rồi lương tâm anh cắn rứt đến nỗi anh phải thú tội với một trưởng lão. Hội thánh có những sắp đặt để giúp anh được phục hồi sau thảm họa thiêng liêng này.
Anh Uwe ăn năn tội lỗi mình, tiếp tục gần gũi với Đức Giê-hô-va và hội thánh. Anh vô cùng biết ơn về sự giúp đỡ mà anh nhận được. Vài tuần sau, lòng biết ơn thúc đẩy anh viết một lá thư cho các trưởng lão để bày tỏ lòng cảm kích chân thành sâu xa của mình về sự giúp đỡ đó. Anh viết: “Các anh đã giúp tôi xóa được sự sỉ nhục cho danh Đức Giê-hô-va”. Anh Uwe vẫn giữ được mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Với thời gian, anh lại được bổ nhiệm để phục vụ trong hội thánh của mình.
“Người yếu-đuối như chúng ta”
Ê-li, sống sau Đa-vít một thế kỷ, là một trong những nhà tiên tri lỗi lạc nhất của xứ Y-sơ-ra-ên. Ông hết lòng ủng hộ sự thờ phượng thật trong thời kỳ mà sự bại hoại cùng sự vô luân lan tràn, và lòng tin kính của ông đối với Đức Giê-hô-va không bao giờ lay chuyển. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Ê-li-sê, người kế vị ông, có lần gọi Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của Ê-li”!—2 Các Vua 2:14.
Tuy thế, Ê-li không phải là người siêu phàm. Môn đồ Gia-cơ viết: “Ê-li vốn là người yếu-đuối như chúng ta”. (Gia-cơ 5:17) Chẳng hạn, sau khi ông làm cho những kẻ thờ thần Ba-anh ở Y-sơ-ra-ên thất bại thảm hại, Hoàng Hậu Giê-sa-bên đã đe dọa giết ông. Ê-li phản ứng thế nào? Ông sợ hãi và chạy trốn nơi đồng vắng. Tại đó, ông ngồi dưới một bụi cây đậu và than vãn: “Ôi Đức Giê-hô-va! đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng-sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ-phụ tôi”. Ê-li không muốn làm nhà tiên tri nữa và chỉ muốn chết.—1 Các Vua 19:4.
Dầu vậy, Đức Giê-hô-va thấu hiểu nỗi lòng của Ê-li. Ngài trợ sức cho ông, trấn an Ê-li rằng ông không đơn độc vì có những người khác cũng trung thành ủng hộ sự thờ phượng thật. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va vẫn tin tưởng Ê-li và giao việc cho ông.—1 Các Vua 19:5 -18.
Tâm trạng hoang mang tột độ của Ê-li không phải là dấu hiệu chứng tỏ ông mất ân huệ của Đức Chúa Trời. Khoảng 1.000 năm sau—khi Chúa Giê-su Christ hóa hình trước mặt Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng—ai là người Đức Chúa Trời chọn xuất hiện cùng với Chúa Giê-su trong sự hiện thấy đó? Chính là Môi-se và Ê-li. (Ma-thi-ơ 17:1-9) Rõ ràng, Đức Giê-hô-va xem Ê-li là nhà tiên tri mẫu mực. Dù ông chỉ là “người yếu-đuối như chúng ta”, nhưng Đức Chúa Trời quý trọng việc làm khó nhọc của ông để tái lập sự thờ phượng thanh sạch và làm thánh danh Ngài.
Sự xung đột nội tâm
Ngày nay, đôi lúc tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể cảm thấy nản lòng hoặc lo lắng. Thật an ủi biết bao khi biết rằng Ê-li cũng từng trải qua những cảm xúc như vậy! Chúng ta thật yên lòng khi biết rằng Đức Giê-hô-va thấu hiểu cảm xúc của Ê-li thể nào thì Ngài cũng hiểu sự xung đột nội tâm của chúng ta thể ấy.—Thi-thiên 103:14.
Một mặt, chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và người đồng loại, mong muốn làm công việc Đức Giê-hô-va giao phó là rao báo tin mừng về Nước Trời. Mặt khác, chúng ta có thể thất vọng vì công việc rao giảng của mình không được đáp ứng hoặc thậm chí lo lắng trước sự đe dọa của kẻ chống đối sự thờ phượng thật. Tuy nhiên, như Đức Giê-hô-va đã trang bị cho Ê-li để tiếp tục thi hành công việc, Ngài cũng trang bị cho tôi tớ ngày nay của Ngài như vậy. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh Herbert và chị Gertrud.
Hai anh chị này làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1952, tại Leipzig, thuộc cựu Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Lúc bấy giờ, tôi tớ Đức Chúa Trời gặp phải khó khăn vì công việc rao giảng của họ bị cấm đoán. Anh Herbert nghĩ gì về việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia?
“Có lúc chúng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Khi đi rao giảng từng nhà, chúng tôi không lường trước được lúc nào nhà cầm quyền sẽ bất ngờ xuất hiện và bắt chúng tôi”. Điều gì đã giúp anh Herbert và những người khác vượt qua nỗi sợ hãi đó? “Chúng tôi học hỏi Kinh Thánh cá nhân rất nhiều. Rồi Đức Giê-hô-va đã giúp sức cho chúng tôi để tiếp tục thi hành thánh chức”. Trong thánh chức, anh Herbert có nhiều kinh nghiệm khích lệ, thậm chí làm cho anh vui.
Anh gặp một phụ nữ trung niên và bà tỏ thái độ chú ý Kinh Thánh. Vài ngày sau, khi anh thăm lại bà ấy, có một thanh niên cũng hiện diện ở đó và lắng nghe họ nói chuyện. Sau vài phút, anh Herbert chợt nhìn thấy một thứ khiến anh run sợ. Trên chiếc ghế ở góc phòng là một cái nón cảnh sát. Đó là nón của người thanh niên, anh ta là cảnh sát và định bắt anh Herbert.
“Ông là Nhân Chứng Giê-hô-va!”, người thanh niên nói lớn. “Cho tôi xem giấy tờ tùy thân”. Anh Herbert xuất trình thẻ căn cước của mình. Nhưng một sự việc bất ngờ xảy ra. Người phụ nữ quay sang nhìn viên cảnh sát và cảnh cáo: “Nếu có gì xảy ra cho người này của Đức Chúa Trời, cậu đừng quay trở lại ngôi nhà này nữa”.
Người thanh niên ngập ngừng một chút rồi trả lại thẻ căn cước cho anh và để anh đi. Về sau anh Herbert biết rằng viên cảnh sát đang tìm hiểu con gái của người phụ nữ đó. Dĩ nhiên, anh ta cho rằng tốt hơn là để anh Herbert đi và mình vẫn tiếp tục được hẹn hò với con bà ấy.
Hãy xem Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình
Chúng ta học được gì từ những câu chuyện trên? Như Áp-ra-ham, chúng ta phải có một đức tin vững chắc nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va. Như Đa-vít, khi phạm tội chúng ta nên thành thật ăn năn và quay về với Đức Giê-hô-va. Và như Ê-li, chúng ta cần nương tựa nơi Ngài để được trợ sức trong những lúc lo âu. Làm thế là chúng ta xem Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình từ nay cho đến mãi mãi, vì Ngài là “Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài là Cứu-Chúa của mọi người, mà nhứt là của tín-đồ”.—1 Ti-mô-thê 4:10.
[Chú thích]
^ đ. 20 Tên đã được đổi.
[Các hình nơi trang 25]
Hành động vâng lời làm tăng đức tin của Áp-ra-ham
[Hình nơi trang 26]
Như Đa-vít, chúng ta nên ăn năn khi phạm tội
[Hình nơi trang 28]
Như Đức Giê-hô-va thấu hiểu cảm xúc của Ê-li, Ngài cũng hiểu cảm xúc của chúng ta