Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy bảo vệ cơ nghiệp quý báu của bạn

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy bảo vệ cơ nghiệp quý báu của bạn

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy bảo vệ cơ nghiệp quý báu của bạn

“Sự khôn-ngoan che thân... nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó”.—TRUYỀN-ĐẠO 7:12.

1. Tại sao cha mẹ nên xem con cái như món quà mà Đức Chúa Trời ban tặng?

CHA MẸ cho ra đời một con người mới với những đặc điểm về ngoại hình và nhân cách giống họ. Kinh Thánh gọi sinh linh nhỏ bé đó là “cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra”. (Thi-thiên 127:3) Thật thế, Đức Giê-hô-va đã giao phó cho cha mẹ một báu vật vốn thuộc về Ngài vì Ngài là Đấng Ban Sự Sống. (Thi-thiên 36:9) Hỡi các bậc cha mẹ, các bạn xem món quà quý báu mà Đức Chúa Trời ban tặng như thế nào?

2. Ma-nô-a đã tỏ thái độ nào khi hay tin ông sắp được làm cha?

2 Chắc chắn món quà đó nên được đón nhận với lòng khiêm nhường và biết ơn. Hơn 3.000 năm trước, một người Do Thái tên là Ma-nô-a đã tỏ thái độ như thế khi vợ ông được một thiên sứ cho biết là bà sắp có thai. Khi nghe tin mừng này, Ma-nô-a cầu xin: “Ôi, Chúa! Xin Chúa cho người của Đức Chúa Trời mà Chúa đã sai xuống, lại đến cùng chúng tôi, đặng dạy chúng tôi điều phải làm cho đứa trẻ sẽ sanh ra!” (Các Quan Xét 13:8) Hỡi các bậc cha mẹ, các bạn học được gì từ gương của Ma-nô-a?

Tại sao sự trợ giúp của Đức Chúa Trời cần thiết thời nay?

3. Tại sao sự trợ giúp của Đức Chúa Trời trong việc nuôi dạy con cái đặc biệt cần thiết thời nay?

3 Ngày nay hơn bao giờ hết, cha mẹ cần được Đức Giê-hô-va trợ giúp trong việc nuôi dạy con cái. Tại sao? Vì Sa-tan Ma-quỉ cùng các sứ hắn đã bị quăng xuống khỏi trời. “Khốn-nạn cho đất”, Kinh Thánh cảnh báo, “vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”. (Khải-huyền 12:7-9, 12) Kinh Thánh cũng mô tả Sa-tan “như sư-tử rống”, đang “tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. (1 Phi-e-rơ 5:8) Sư tử thường tấn công những con mồi yếu nhất, và đó thường là những con còn nhỏ. Do đó, cha mẹ tín đồ Đấng Christ nên khôn ngoan tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va để bảo vệ con cái. Bạn đang nỗ lực tới mức nào để làm điều này?

4. (a) Cha mẹ nên làm gì khi biết có một con sư tử xổng chuồng trong khu vực nhà họ? (b) Để được bảo vệ, con trẻ cần điều gì?

4 Nếu biết trong khu vực nhà bạn có một con sư tử xổng chuồng, chắc chắn trước hết bạn sẽ lo bảo vệ con cái. Sa-tan cũng là một kẻ săn mồi. Hắn luôn tìm cách làm tha hóa dân của Đức Chúa Trời, khiến họ mất ân huệ Ngài. (Gióp 2:1-7; 1 Giăng 5:19) Con trẻ rất dễ bị tấn công. Để thoát khỏi cạm bẫy của Ma-quỉ, các em cần biết và vâng phục Đức Giê-hô-va. Sự hiểu biết Kinh Thánh là điều thiết yếu. Chúa Giê-su nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Ngoài ra, các em trẻ cũng cần có sự khôn ngoan, tức khả năng hiểu và áp dụng những điều đã học. “[Sự khôn ngoan] giữ mạng-sống cho người nào đã được nó”, vì thế các bậc cha mẹ cần làm cho lẽ thật thấm dần vào lòng con cái. (Truyền-đạo 7:12) Làm thế nào bạn có thể thực hiện điều này?

5. (a) Làm sao để truyền đạt sự khôn ngoan? (b) Sách Châm-ngôn diễn tả giá trị của sự khôn ngoan như thế nào?

5 Bạn có thể, và thực chất là nên, đọc cho con cái nghe Lời Đức Chúa Trời. Nhưng muốn chúng yêu mến và vâng lời Đức Giê-hô-va, bạn còn cần phải làm nhiều hơn thế nữa, đó là giúp chúng hiểu. Ví dụ, trẻ em có thể được dặn phải nhìn hai bên đường trước khi băng qua. Thế nhưng một số trẻ vẫn không vâng lời. Tại sao? Có thể là do cha mẹ đã nhắc nhở không thường xuyên hoặc không đủ mạnh về hậu quả của việc bị đụng xe để trẻ nhận thức được nguy hiểm, vì thế chưa loại bỏ được “sự ngu-dại” của con trẻ, là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Muốn truyền đạt sự khôn ngoan cần có thời gian và cả sự kiên nhẫn. Nhưng sự khôn ngoan vô cùng đáng giá! Kinh Thánh nói: “Các nẻo nó vốn là nẻo khoái-lạc, và các lối nó cả đều bình-an. Nó là cây sự sống cho ai nắm lấy nó; người nào cầm-giữ nó đều được phước-hạnh”.—Châm-ngôn 3:13-18; 22:15.

Cách dạy dỗ để truyền đạt sự khôn ngoan

6. (a) Tại sao con trẻ thường hành động thiếu khôn ngoan? (b) Trận chiến nào đang diễn ra?

6 Con trẻ thường hành động thiếu khôn ngoan không phải vì chưa được dạy điều đúng, mà là do sự dạy dỗ chưa động đến lòng, hay tâm khảm các em. Ma-quỉ đang đấu tranh để giành lấy lòng người trẻ. Phương pháp của hắn là bủa vây các em bằng những ảnh hưởng không tin kính trong thế gian. Hắn cũng tìm cách khai thác khuynh hướng thích làm điều xấu do tội lỗi di truyền nơi các em. (Sáng-thế Ký 8:21; Thi-thiên 51:5) Các bậc cha mẹ cần nhận ra rằng có một cuộc chiến thật sự đang diễn ra để giành lấy lòng con cái họ.

7. Tại sao chỉ bảo cho trẻ biết điều đúng điều sai thôi không đủ?

7 Các bậc cha mẹ thường bảo con điều gì đúng, điều gì sai và tưởng rằng thế là họ đã dạy con một nguyên tắc đạo đức nào đó. Họ có thể đã bảo con rằng nói dối, ăn cắp, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là sai. Tuy nhiên, chỉ lời nói của cha mẹ thôi không đủ để con trẻ vâng lời, chúng cần có động lực mạnh mẽ hơn. Các em cần được dạy rằng những điều đó là luật pháp Đức Giê-hô-va, và vâng theo điều răn Ngài là đường lối khôn ngoan.—Châm-ngôn 6:16-19; Hê-bơ-rơ 13:4.

8. Cách dạy dỗ nào có thể giúp con trẻ hành động khôn ngoan?

8 Sự phức tạp của vũ trụ, sự đa dạng của các loài sinh vật và sự thay đổi mùa, tất cả điều đó có thể giúp trẻ nhận ra sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa vô cùng khôn ngoan. (Rô-ma 1:20; Hê-bơ-rơ 3:4) Ngoài ra, cha mẹ cần dạy cho con cái biết Đức Chúa Trời yêu thương các em, đã hy sinh Con Ngài để các em có triển vọng sống mãi mãi, và các em có thể làm Ngài vui lòng bằng cách vâng theo lời Ngài. Khi đó có thể con trẻ sẽ muốn phụng sự Đức Giê-hô-va, bất kể những nỗ lực cản trở của Ma-quỉ.—Châm-ngôn 22:6; 27:11; Giăng 3:16.

9. (a) Cách dạy dỗ mang lại sự che chở đòi hỏi điều gì? (b) Những người làm cha được hướng dẫn làm gì, và việc đó bao hàm điều gì?

9 Cách dạy dỗ có thể mang lại sự che chở và thúc đẩy trẻ làm đúng đòi hỏi thời gian, sự quan tâm và hoạch định. Nó cũng đòi hỏi cha mẹ phải chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói: “Hỡi các người làm cha,... hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]”. (Ê-phê-sô 6:4) Điều đó có nghĩa gì? Trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ được dịch là “khuyên-bảo” hàm ý “truyền tư tưởng vào”. Vì thế, những người làm cha được khuyến khích truyền tư tưởng của Đức Giê-hô-va vào tâm trí con cái. Đó sẽ là một sự bảo vệ tuyệt hảo biết bao cho người trẻ! Nếu tư tưởng, hay cách suy nghĩ của Đức Chúa Trời được khắc ghi vào tâm trí con trẻ, các em sẽ được che chở khỏi làm những điều sai quấy.

Được thúc đẩy bằng tình yêu thương

10. Để việc dạy con có kết quả tốt, bạn cần biết yếu tố quan trọng nào?

10 Tuy nhiên, để có thể nuôi dạy con như mong muốn, những cố gắng của bạn phải được thúc đẩy bằng tình yêu thương. Một yếu tố quan trọng là sự trò chuyện cởi mở. Hãy tìm hiểu suy nghĩ của con trẻ và những điều đang xảy ra trong đời sống chúng. Khéo léo gợi chuyện trong khung cảnh thoải mái để trẻ tâm sự. Đôi lúc những điều các em nói ra có thể khiến bạn giựt mình. Hãy cẩn thận đừng phản ứng mạnh. Thay vì thế, hãy lắng nghe với sự thông cảm.

11. Làm sao bậc cha mẹ có thể truyền tư tưởng của Đức Chúa Trời cho con cái?

11 Bạn có thể đã đọc trong Kinh Thánh cho trẻ nghe là luật pháp Đức Chúa Trời cấm sự vô luân, thậm chí làm thế không chỉ một lần. (1 Cô-rinh-tô 6:18; Ê-phê-sô 5:5) Điều này có thể giúp trẻ biết những gì đẹp lòng hay không đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, muốn truyền tư tưởng của Ngài vào tâm trí con trẻ, bạn cần phải làm nhiều hơn thế. Cần lý luận với chúng về giá trị của luật pháp Đức Giê-hô-va, giúp chúng tin chắc rằng luật pháp Ngài là đúng và tốt, và việc vâng theo là điều chính đáng và yêu thương. Chỉ khi nào bạn dùng Kinh Thánh lý luận để con cái chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời thì mới có thể nói rằng bạn đã truyền tư tưởng Ngài cho chúng.

12. Làm sao bậc cha mẹ có thể giúp con mình có được quan điểm đúng về quan hệ tình dục?

12 Khi nói về vấn đề giới tính, bạn có thể hỏi: “Con có nghĩ là việc vâng theo luật pháp Đức Giê-hô-va, không quan hệ tình dục trước hôn nhân, sẽ tước mất hạnh phúc của một người không?” Hãy khuyến khích trẻ giải thích thêm câu trả lời của chúng. Rồi sau khi cùng xem lại khả năng sinh sản tuyệt vời mà Đức Chúa Trời ban cho, bạn có thể hỏi: “Con có nghĩ rằng Đức Chúa Trời đầy yêu thương lại lập ra luật để tước đi niềm vui của chúng ta không? Hay luật pháp Ngài nhằm mang lại hạnh phúc và bảo vệ chúng ta?” (Thi-thiên 119:1, 2; Ê-sai 48:17) Hãy tìm hiểu xem trẻ nghĩ gì về vấn đề này. Sau đó, bạn có thể cho trẻ biết kinh nghiệm của những người bị đau khổ và gặp rắc rối do tình dục vô luân gây ra. (2 Sa-mu-ên 13:1-33) Bằng cách lý luận với con cái, giúp chúng hiểu và chấp nhận quan điểm Đức Chúa Trời, bạn đã tiến được một bước dài trong việc truyền tư tưởng của Ngài vào tâm trí chúng. Nhưng còn một điều nữa bạn có thể làm.

13. Con cái đặc biệt được thúc đẩy vâng phục Đức Giê-hô-va khi hiểu điều gì?

13 Ngoài việc dạy con cái về hậu quả của sự không vâng lời Đức Giê-hô-va, bạn cũng nên khôn ngoan giúp các em hiểu lối sống của chúng ta có thể tác động thế nào đến chính Ngài. Hãy dùng Kinh Thánh chỉ cho trẻ thấy chúng ta có thể làm Đức Giê-hô-va phiền lòng như thế nào khi không vâng theo ý Ngài. (Thi-thiên 78:40) Bạn có thể đặt câu hỏi: “Vì sao con không muốn làm Đức Giê-hô-va đau lòng?”, và giải thích: “Sa-tan, kẻ thù của Đức Chúa Trời, tuyên bố rằng chúng ta chỉ phụng sự Đức Giê-hô-va vì lý do ích kỷ, chứ không phải vì yêu thương Ngài”. Rồi kể cho các em nghe nhờ trung thành với Đức Chúa Trời, Gióp đã làm vui lòng Ngài như thế nào, nhân đó bác bỏ lời vu khống của Sa-tan. (Gióp 1:9-11; 27:5) Con bạn cần hiểu rằng hành vi của chúng có thể mang lại niềm vui hay nỗi buồn cho Đức Giê-hô-va. (Châm-ngôn 27:11) Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại  * có thể giúp con bạn hiểu điều này, và học được nhiều điều thiết yếu khác.

Những kết quả đáng vui mừng

14, 15. (a) Những bài nào trong sách Thầy Vĩ Đại đã động đến lòng con trẻ? (b) Bạn đã thu được những kết quả tốt nào khi dùng cuốn sách này? (Xin xem khung nơi trang 18, 19).

14 Một anh ở Croatia cùng đọc sách Thầy Vĩ Đại với cháu nội bảy tuổi. Anh đã viết thư kể lại điều cậu bé nói với anh: “Lúc mẹ sai con làm việc, con không muốn làm. Nhưng rồi con nhớ đến chương ‘Biết vâng lời sẽ che chở em’, thế là con trở lại nói với mẹ là con sẽ làm”. Một cặp vợ chồng ở Florida, Hoa Kỳ, thì nói như sau về chương “Tại sao không nên nói dối?”: “Những câu hỏi trong chương này gợi cho trẻ nói lên suy nghĩ của chúng và nhận những lỗi lầm mà thường chúng sẽ không chịu nhận”.

15 Sách Thầy Vĩ Đại có hơn 230 hình vẽ, mỗi hình hoặc nhóm hình đều có kèm theo lời chú thích. Một người mẹ biết ơn về cuốn sách này nói: “Con trai tôi thường dán mắt vào hình vẽ, không muốn lật sang trang khác. Hình vẽ không chỉ bắt mắt mà còn chứa đựng những bài học trong đó, hoặc ít nhất là gợi cho trẻ đặt câu hỏi. Khi thấy hình một đứa trẻ đang xem truyền hình trong phòng tối, cháu hỏi: ‘Mẹ, bạn này đang làm gì vậy?’, với giọng cho thấy cháu biết có điều gì đó không đúng”. Hình này có phần chú thích: “Ai có thể thấy hết mọi điều chúng ta làm?”

Sự giáo dục thiết yếu thời nay

16. Con trẻ cần được dạy dỗ điều thiết yếu nào ngày nay, và tại sao?

16 Con trẻ cần biết những gì được phép hoặc không được phép làm với các bộ phận kín trên cơ thể chúng. Tuy nhiên, giải thích vấn đề này không phải lúc nào cũng dễ. Một nhà báo cho biết bà lớn lên trong thời kỳ mà việc nói đến cơ quan sinh dục thôi đã là thiếu đứng đắn. Nói về việc dạy dỗ con cái mình, bà viết: “Tôi sẽ phải cố gắng vượt qua sự ngượng ngùng”. Thật vậy, tránh nói về giới tính với con cái vì ngượng ngùng là không bảo vệ chúng. Những kẻ quấy nhiễu tình dục thường lợi dụng sự ngây thơ của con trẻ. Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại bàn đến đề tài này một cách đứng đắn, lành mạnh. Dạy cho con biết về giới tính không làm mất đi sự ngây thơ của chúng, trái lại, chính vì thiếu sự dạy dỗ đó trẻ có thể bị cướp đi sự ngây thơ.

17. Sách Thầy Vĩ Đại giúp cha mẹ dạy con cái về giới tính như thế nào?

17 Trong chương 10, khi thảo luận về việc các thiên sứ ác xuống trái đất và có con cái, sách nêu câu hỏi cho các em: “Em có biết quan hệ tình dục là gì không?” Các em có thể tìm thấy câu trả lời đơn giản, đứng đắn trong sách. Sau đó, chương 32 giải thích cách các em có thể tự vệ trước những kẻ lạm dụng tình dục. Nhiều độc giả đã gửi thư cho biết sự dạy dỗ này rất thiết yếu. Một người viết: “Tuần rồi khi con trai tôi Javan đi khám sức khỏe, bác sĩ hỏi chúng tôi đã giải thích cho cháu chưa về những điều được phép hay không được phép làm với các bộ phận kín. Bà rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi đã dùng sách mới này dạy cháu điều đó”.

18. Sách Thầy Vĩ Đại nói gì về việc tôn kính biểu tượng quốc gia?

18 Một chương khác kể về câu chuyện ba chàng trai Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô từ chối cúi lạy trước pho tượng tượng trưng cho Đế Quốc Ba-by-lôn. (Đa-ni-ên 3:1-30) Một số người có thể không thấy được mối liên hệ giữa việc tôn kính một hình tượng với việc chào cờ như cách trình bày trong sách Thầy Vĩ Đại. Tuy nhiên, hãy lưu ý nhận xét của tác giả Edward Gaffney trong cuộc phỏng vấn với tờ U.S. Catholic. Ông cho biết sau ngày đầu tiên đi học, con gái ông kể em vừa học được một “bài kinh mới ở trường”. Khi ông bảo con nhắc lại bài kinh đó, “em để tay lên ngực và dõng dạc đọc ‘Con tuyên thệ trung thành với quốc kỳ...’ ”. Ông nói tiếp: “Tôi chợt nhận ra Nhân Chứng Giê-hô-va nói đúng. Một hình thức tôn thờ quốc gia đang được hình thành nơi các học sinh chúng ta từ lứa tuổi rất sớm—một sự trung thành tuyệt đối”.

Mọi nỗ lực đều đáng công

19. Việc dạy dỗ con cái mang lại phần thưởng nào?

19 Thật sự việc dạy dỗ con cái đáng để bạn dồn mọi công sức. Một người mẹ ở Kansas, Hoa Kỳ, đã xúc động đến rơi lệ khi nhận được thư của con trai. Cậu viết: “Con cảm thấy mình vô cùng may mắn vì sự giáo dục của gia đình đã giúp con có được sự thăng bằng và ổn định tương đối về phương diện tình cảm. Đó chắc chắn là nhờ công ơn của ba và mẹ”. (Châm-ngôn 31:28) Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại có thể giúp thêm nhiều bậc cha mẹ khác nữa trong việc dạy dỗ con cái hầu bảo vệ cơ nghiệp quý báu của họ.

20. Các bậc cha mẹ cần luôn nhớ điều gì, và điều đó nên thúc đẩy họ làm gì?

20 Con cái chúng ta xứng đáng được nhận tất cả thời gian, sự quan tâm và công sức mà chúng ta có thể dành cho chúng. Tuổi thơ của các em rất ngắn ngủi. Hãy tận dụng mọi cơ hội để ở bên các em và giúp đỡ các em. Bạn sẽ không bao giờ nuối tiếc về điều đó. Các em sẽ yêu thương bạn. Hãy luôn nhớ rằng con cái là món quà của Đức Chúa Trời. Các em thật là một cơ nghiệp quý báu! (Thi-thiên 127:3-5) Vì thế, hãy đối xử với trẻ một cách xứng đáng, như thể các bạn sẽ phải chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời về cách nuôi dạy chúng—vì sự thật là thế!

[Chú thích]

^ đ. 13 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Xin xem chương 40, “Làm thế nào để Đức Chúa Trời vui lòng?

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao đặc biệt thời nay cha mẹ cần bảo vệ con cái?

• Cách dạy dỗ nào có thể truyền đạt khôn ngoan?

• Ngày nay bạn cần thảo luận với trẻ về những đề tài thiết yếu nào?

• Sách Thầy Vĩ Đại đã giúp ích thế nào cho các bậc cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Các hình nơi trang 18, 19]

Cuốn sách cho mọi người

Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại được soạn ra với mục đích giúp các bậc phụ huynh hoặc người lớn đọc và thảo luận với con em về những dạy dỗ của Chúa Giê-su Christ. Tuy nhiên, những người lớn đã đọc sách này đều biểu lộ lòng biết ơn thành thật về những điều họ học được trong sách.

Một người đàn ông ở Texas, Hoa Kỳ, nói: “Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại sống động vì sự giản dị của nó, khích lệ chúng ta dù ở tuổi nào—ngay cả ở tuổi 76 như tôi. Với tư cách một người đã phụng sự Đức Giê-hô-va từ khi còn trẻ, xin cám ơn các anh rất nhiều”.

Một độc giả ở Luân Đôn, Anh Quốc, phát biểu: “Những bức hình đẹp chắc chắn sẽ thu hút được lòng của bậc phụ huynh cũng như con em. Các câu hỏi và cách trình bày không chê vào đâu được. Thật tuyệt vời khi thấy những vấn đề tế nhị được bàn luận đúng đắn như trong chương 32, ‘Chúa Giê-su đã được bảo vệ như thế nào?’ ” Chị kết luận: “Mặc dù sách này chủ yếu được soạn ra cho con em của Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng tôi nghĩ các thầy cô và những người khác cũng sẽ rất mừng khi có một cuốn. Tôi sẽ dùng sách đó trong những năm tháng sắp tới”.

Một phụ nữ ở Massachusetts, Hoa Kỳ, khen: “Nhiều bức hình cho thấy có sự suy xét kỹ lưỡng trước”. Chị viết: “Tôi thấy mặc dù sách được soạn cho trẻ em, nhưng những đề tài thảo luận cũng có thể giúp người lớn chúng ta suy nghĩ về mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va”.

Một phụ nữ ở Maine, Hoa Kỳ, thốt lên: “Chà! Quả là cuốn sách tuyệt vời! Nó không phải chỉ dành cho trẻ em nhưng cho tất cả chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Sách đã động đến đáy lòng tôi, khơi dậy cảm xúc, rồi thoa dịu cảm xúc đó, cuối cùng tôi được bình an. Tôi cảm thấy rất gần gũi với Đức Giê-hô-va như Cha tôi vậy. Ngài đã cất đi tất cả những đau buồn xảy ra cho tôi trải qua năm tháng và cho tôi thấy thật rõ ý định của Ngài”. Chị kết luận: “Tôi muốn nói với mọi người: ‘Hãy đọc sách này’ ”.

Một phụ nữ ở Kyoto, Nhật Bản, cho biết khi đọc sách này với các cháu của bà, chúng thường nêu những câu hỏi như: “ ‘Em trai đó đang làm gì? Tại sao em gái này bị la? Bà mẹ này đang làm gì? Còn con sư tử thì sao?’ Sách dạy những điều mà chúng ta đều thích thú, vì vậy tôi quý nó hơn bất cứ sách nào khác trong thư viện”.

Một người cha ở Calgary, Canada, nói rằng vừa khi nhận được sách, anh bắt đầu đọc ngay với con gái sáu tuổi và con trai chín tuổi. Anh cho biết: “Các con tôi hưởng ứng tích cực ngay lập tức. Chúng dò theo và trả lời từ trong lòng. Chúng cảm thấy mình có phần trong buổi học, sách đã cho chúng cơ hội để phát biểu. Chúng hào hứng và con gái tôi nói rằng cháu muốn học sách này mỗi tối”.

Sau một lần học, người cha nói: “Tôi và con trai tôi nói chuyện với nhau hàng giờ về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài. Sách gợi cho cháu có nhiều câu hỏi. Tôi chảy nước mắt khi cháu chào tôi trước khi đi ngủ và hỏi: ‘Mình có học nữa không ba? Con có rất nhiều câu hỏi và con muốn biết hết về Đức Giê-hô-va’ ”.

[Hình nơi trang 15]

Hỡi các bậc cha mẹ, các bạn học được gì từ gương của Ma-nô-a?

[Hình nơi trang 16]

Hỡi các em trẻ, các em học được gì từ gương của ba chàng thanh niên Hê-bơ-rơ?

[Các hình nơi trang 17]

Các hình vẽ và lời chú thích trong sách “Thầy Vĩ Đại” là công cụ dạy dỗ rất hữu hiệu

A-na-nia đang nói dối gì với Phi-e-rơ?

Ai có thể thấy hết mọi điều chúng ta làm?