Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một trẻ mồ côi tìm được người Cha yêu thương

Một trẻ mồ côi tìm được người Cha yêu thương

Tự Truyện

Một trẻ mồ côi tìm được người Cha yêu thương

DO DIMITRIS SIDIROPOULOS KỂ LẠI

“Cầm lấy súng và bắn”, viên sĩ quan hằn giọng thẩy khẩu súng trước mặt tôi. Tôi bình tĩnh từ chối. Những người lính quanh tôi kinh hoàng khi thấy viên sĩ quan bắt đầu nhả đạn qua vai tôi. Tôi dường như không thoát khỏi cái chết. Mừng thay, tôi đã sống sót. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên mạng sống tôi bị lâm nguy.

CHA MẸ tôi là người Hy Lạp sống gần Kayseri, ở Cáp-ba-đốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Một số người vùng này hình như đã theo đạo Đấng Christ từ thế kỷ thứ nhất CN. (Công-vụ 2:9) Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, sự việc thay đổi rất nhiều.

Từ tị nạn đến mồ côi

Vài tháng sau khi tôi sinh ra vào năm 1922, sự xung đột về chủng tộc đã khiến gia đình tôi di tản đến Hy Lạp. Cha mẹ tôi vì hốt hoảng chạy đã bỏ lại tất cả, chỉ đem theo tôi mới vài tháng tuổi. Sau khi trải qua bao gian nan, cha mẹ tôi trong tình trạng bần cùng khi đến làng Kiria, gần thành phố Drama miền bắc Hy Lạp.

Lúc tôi lên bốn tuổi, và một thời gian ngắn sau khi em trai tôi ra đời, thì cha tôi mất khi mới 27 tuổi. Sự cực khổ trong những ngày hoạn nạn đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cha. Vì phải chịu nhiều cực khổ nên chẳng bao lâu mẹ cũng qua đời. Tôi và em trai tôi rơi vào hoàn cảnh nghèo túng cực độ. Chúng tôi được gửi đến hết viện mồ côi này đến viện mồ côi khác. Khi lên 12 tuổi, tôi được gửi vào một viện ở Thessalonica, nơi tôi được huấn luyện làm thợ máy.

Vì lớn lên bên trong những bức tường lạnh lùng và thiếu thân thiện của viện mồ côi, tôi tự hỏi tại sao một số người phải chịu quá nhiều khổ sở và bất công. Tôi cũng tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại để cho những tình trạng đau buồn như thế xảy ra. Trong lớp học về tôn giáo, chúng tôi được dạy Đức Chúa Trời là toàn năng, nhưng không được giải đáp hợp lý về việc tại sao lại có gian ác đầy dẫy khắp nơi. Một câu tục ngữ mà ai cũng biết, nói Chính Thống Giáo Hy Lạp là đạo đúng nhất. Khi tôi hỏi: “Nếu Chính Thống Giáo là đạo đúng nhất, vậy tại sao người ta không theo Chính Thống Giáo hết đi?” Tôi không được trả lời thỏa đáng.

Tuy vậy, thầy giáo của chúng tôi rất tôn trọng Kinh Thánh. Ông nhấn mạnh đó là sách thánh. Ông giám đốc viện mồ côi cũng biểu lộ cùng thái độ và vì lý do nào đó, ông không tham dự các nghi lễ tôn giáo. Khi tìm hiểu về việc này, tôi được cho biết là ông từng học với Nhân Chứng Giê-hô-va, một tôn giáo xa lạ đối với tôi.

Khi 17 tuổi, tôi học xong chương trình giáo dục tại viện mồ côi ở Thessalonica. Thế Chiến II đã bắt đầu và Hy Lạp bị Quốc Xã chiếm đóng. Người ta chết đói đầy đường phố. Để sống còn, tôi phải chạy về miền quê làm ruộng với số lương ít ỏi.

Kinh Thánh giải đáp

Khi trở về Thessalonica vào tháng 4 năm 1945, tôi được chị của người bạn thời thơ ấu từng sống với tôi trong các viện mồ côi đến thăm. Chị Paschalia cho biết em chị bị mất tích và hỏi tôi có biết em chị ở đâu không. Trong khi nói chuyện, chị cho biết chị là Nhân Chứng Giê-hô-va và nói Đức Chúa Trời quan tâm đến loài người.

Tôi phản đối một cách cay đắng. Tại sao tôi phải khổ sở từ thơ ấu? Tại sao tôi trở thành trẻ mồ côi? Đức Chúa Trời ở đâu vào lúc chúng ta cần Ngài nhất? Chị trả lời: “Em có chắc là Đức Chúa Trời đáng bị trách móc về những tình trạng này không?” Dùng Kinh Thánh, chị chỉ cho tôi thấy Đức Chúa Trời không gây cho người ta khổ sở. Chị giúp tôi thấy Đấng Tạo Hóa yêu thương nhân loại và chẳng bao lâu nữa sẽ sửa chữa sự việc. Dùng những câu Kinh Thánh như Ê-sai 35:5-7 và Khải-huyền 21:3, 4, chị cho tôi thấy chẳng bao lâu nữa, chiến tranh, xung đột, bệnh tật và cái chết không còn nữa và những người trung thành sẽ được sống đời đời trên đất.

Tìm được gia đình yêu thương

Khi hay tin em của Paschalia đã bị thương vong trong trận đánh với quân du kích, tôi đến an ủi gia đình chị, nhưng họ lại dùng Kinh Thánh an ủi tôi. Tôi trở lại thăm để nghe thêm những lời an ủi từ Kinh Thánh, và chẳng bao lâu tôi tham gia một nhóm nhỏ Nhân Chứng Giê-hô-va phải bí mật nhóm họp để học hỏi và thờ phượng. Bất chấp việc Nhân Chứng bị chống đối gay gắt, tôi cương quyết tiếp tục kết hợp với họ.

Trong nhóm gồm những tín đồ Đấng Christ khiêm nhường đó, tôi tìm thấy bầu không khí gia đình ấm cúng và yêu thương mà tôi thiếu. Các anh chị đã cung cấp sự giúp đỡ và hỗ trợ về thiêng liêng, điều mà tôi hết sức cần. Nơi họ, tôi tìm thấy những người bạn vị tha và có lòng ưu ái, sẵn lòng giúp đỡ và an ủi tôi. (2 Cô-rinh-tô 7:5-7) Nhưng quan trọng hơn, tôi được giúp đến gần Đức Giê-hô-va, Đấng mà nay tôi xem là Cha yêu thương trên trời của tôi. Các đức tính của Ngài như yêu thương, có lòng trắc ẩn, quan tâm sâu xa, có sức thu hút mãnh liệt. (Thi-thiên 23:1-6) Cuối cùng, tôi đã tìm được một gia đình thiêng liêng và người Cha yêu thương! Tôi thật xúc động. Chẳng bao lâu tôi cảm thấy muốn dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm vào tháng 9 năm 1945.

Việc tham dự buổi họp không những giúp tôi gia tăng hiểu biết mà còn làm cho đức tin của tôi vững mạnh. Vì không có phương tiện di chuyển nào khác, một số anh chị thường phải đi bộ hơn năm cây số từ làng tới nơi nhóm họp, và chúng tôi có những cuộc chuyện trò về thiêng liêng không quên được. Vào cuối năm 1945, khi được biết về cơ hội tham gia vào công việc rao giảng trọn thời gian, tôi bắt đầu làm tiên phong. Một mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va là cần thiết, vì chẳng bao lâu sau đó đức tin và lòng trung thành của tôi bị thử thách đến mức tối đa.

Chống đối nhưng kết quả ngược lại

Cảnh sát thường bố ráp nơi nhóm họp và đe dọa bắn chúng tôi. Hy Lạp ở trong tình trạng thiết quân luật từ khi nội chiến bùng nổ. Các phe phái tấn công lẫn nhau một cách tàn bạo. Lợi dụng tình thế, hàng giáo phẩm đã thuyết phục chính quyền tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là Cộng Sản và thúc đẩy họ bắt bớ chúng tôi một cách ác độc.

Trong khoảng thời gian hai năm, chúng tôi bị bắt nhiều lần, trong đó có sáu lần bị án tù có khi tới bốn tháng. Tuy nhiên, nhà tù đã đầy tù nhân chính trị nên chúng tôi được thả về. Chúng tôi đã dùng sự tự do bất ngờ này để tiếp tục rao giảng, nhưng sau một thời gian ngắn chúng tôi lại bị bắt—ba lần trong một tuần. Chúng tôi biết nhiều anh chị đã bị đày đến các đảo xa xôi. Đức tin của tôi có mạnh đủ để giúp tôi đương đầu với sự thử thách như thế không?

Tình thế trở nên cực kỳ khó khăn khi tôi phải trình diện sở cảnh sát mỗi ngày. Để canh chừng tôi, giới chức chính quyền đã chuyển tôi tới Evosmos gần Thessalonica, nơi có sở cảnh sát. Tôi thuê một căn phòng gần đó, và để sinh sống tôi làm thợ thủ công lưu động, đánh bóng chậu, và xoong chảo bằng đồng. Trong khi làm tiên phong ở những làng chung quanh, thì nghề này giúp việc tôi ra vào nhà người ta mà không bị cảnh sát nghi ngờ. Nhờ vậy, một số người đã nghe và hưởng ứng tin mừng. Cuối cùng hơn mười người đã thành tôi tớ dâng mình của Đức Giê-hô-va.

Mười năm, tám nhà tù

Tôi ở dưới sự giám sát của cảnh sát cho tới hết năm 1949. Sau đó tôi trở về Thessalonica, háo hức tiếp tục thánh chức trọn thời gian. Vừa mới nghĩ thử thách đã qua thì vào năm 1950, không ngờ tôi lại bị gọi nhập ngũ. Vì giữ lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ, tôi quyết định không “tập sự chiến-tranh”. (Ê-sai 2:4) Bởi thế, một cuộc hành trình dài đằng đẵng và đầy gian nan khởi đầu, đem tôi đến một số trong những nhà tù khét tiếng ở Hy Lạp.

Tất cả đều bắt đầu ở thành phố Drama. Trong những tuần đầu bị tù ở đây, các tân binh bắt đầu tập bắn. Một ngày nọ, họ đem tôi đến bãi tập bắn. Một viên sĩ quan thẩy một khẩu súng trước mặt tôi và ra lệnh cho tôi bắn. Khi tôi từ chối, ông ta bắt đầu nhắm vào tôi và bắn. Khi thấy tôi không nhượng bộ, những sĩ quan khác bắt đầu đánh đấm tôi một cách dã man. Họ châm thuốc lá rồi dí vào lòng bàn tay tôi cho tắt. Sau đó, họ biệt giam tôi ba ngày. Vết bỏng do thuốc lá làm tôi hết sức đau đớn và để lại trên tay tôi những vết thẹo trong nhiều năm.

Trước khi bị đưa ra tòa án quân sự xét xử, tôi được chuyển đến trại lính ở Iráklion, đảo Crete. Nơi đây, nhằm bẻ gẫy lòng trung kiên của tôi, họ đánh đập tôi không thương xót. Sợ mình đầu hàng, tôi tha thiết cầu nguyện xin Cha trên trời thêm sức mạnh. Tôi nhớ lại câu Kinh Thánh Giê-rê-mi 1:19: “Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi; vì ta ở cùng ngươi đặng giải-cứu ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy”. Sự êm dịu của “sự bình-an của Đức Chúa Trời” đem lại cho tôi sự yên tịnh và thanh thản. Tôi hiểu được sự khôn ngoan trong việc đặt tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 4:6, 7; Châm-ngôn 3:5.

Trong lần xét xử sau đó, tôi bị kết án tù chung thân. Nhân Chứng Giê-hô-va bị coi là “kẻ thù của Quốc gia” tệ hại nhất. Án chung thân được thi hành bắt đầu ở nhà tù Itsedin, bên ngoài Khania, nơi tôi bị biệt giam. Itsedin là một lâu đài cũ kỹ, xà lim tôi đầy chuột. Tôi phải dùng cái chăn cũ rách quấn quanh người, từ đầu đến chân để không bị chuột đụng vào da khi chúng bò qua tôi. Tôi bị bệnh viêm phổi nặng. Bác sĩ nói rằng tôi phải ngồi ngoài trời nắng, nhờ vậy, tôi có thể nói chuyện với nhiều tù nhân ở ngoài sân. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của tôi suy sụp hơn, và sau khi phổi bị xuất huyết trầm trọng, tôi được chuyển đến bệnh viện Iráklion.

Một lần nữa, gia đình thiêng liêng tín đồ Đấng Christ đến giúp đúng lúc tôi cần. (Cô-lô-se 4:11) Các anh ở Iráklion thường xuyên đến thăm, an ủi và khích lệ tôi. Tôi cho họ biết tôi cần sách báo để làm chứng cho những người chú ý, các anh đem đến một va li có hai đáy để tôi có thể giấu sách báo một cách an toàn. Tôi sung sướng biết bao trong thời gian ở các nhà tù đó vì tôi đã giúp được ít nhất sáu bạn tù trở thành tín đồ thật của Đấng Christ!

Trong lúc ấy, nội chiến chấm dứt, và án tù của tôi giảm xuống còn mười năm. Những năm tù còn lại, tôi bị giam ở Rethimno, Genti Koule và Cassandra. Sau khi bị tù gần mười năm trong tám nhà tù, tôi được thả và trở về Thessalonica, nơi tôi được các anh em tín đồ Đấng Christ nồng nhiệt đón tiếp.

Lớn mạnh nhờ tình anh em tín đồ Đấng Christ

Lúc này các Nhân Chứng ở Hy Lạp được tự do tương đối trong việc thờ phượng. Tôi liền nắm lấy cơ hội để phụng sự trọn thời gian trở lại. Chẳng bao lâu một ân phước khác đến với tôi. Tôi được quen với Katina, một nữ tín đồ Đấng Christ trung thành, yêu mến Đức Giê-hô-va và rất tích cực trong thánh chức. Chúng tôi kết hôn vào tháng 10 năm 1959. Việc tôi có gia đình riêng và có Agape, con gái chúng tôi, đã hàn gắn vết thương của thời mồ côi. Nhưng quan trọng nhất, cả gia đình chúng tôi thỏa lòng được phụng sự dưới sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va, Cha trên trời đầy yêu thương.—Thi-thiên 5:11.

Vì hoàn cảnh ngoài ý muốn, tôi buộc phải ngừng tiên phong, nhưng vẫn hỗ trợ vợ tôi tiếp tục phụng sự trọn thời gian. Năm 1969, một đại hội quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va được tổ chức tại Nuremberg, nước Đức. Đối với tôi, đây là một biến cố quan trọng trong cuộc đời làm tín đồ Đấng Christ của tôi. Tôi xin hộ chiếu để chuẩn bị đi dự. Khi vợ tôi đến sở cảnh sát hỏi tại sao đơn nộp đã hơn hai tháng mà vẫn chưa được hộ chiếu, một viên chức lấy ra từ ngăn kéo một hồ sơ dầy cộm và nói: “Có phải bà hỏi hộ chiếu cho người này để ông ta có thể cải đạo người Đức chăng? Còn lâu mới được! Ông ta là người nguy hiểm”.

Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va và của một số anh em, tôi được bao gồm trong một nhóm dùng hộ chiếu chung và cuối cùng đã được dự đại hội tuyệt vời đó. Số người tham dự cao nhất là hơn 150.000 người. Tôi có thể thấy rõ ràng thánh linh của Đức Giê-hô-va hướng dẫn và hợp nhất gia đình thiêng liêng quốc tế này. Trong tuổi già, tôi càng biết ơn hơn về giá trị của tình anh em tín đồ Đấng Christ.

Năm 1977, vợ yêu dấu và bạn trung thành của tôi qua đời. Tôi cố gắng hết sức để nuôi dưỡng con gái tôi theo các nguyên tắc của Kinh Thánh, nhưng tôi không cảm thấy đơn độc. Một lần nữa, gia đình thiêng liêng đến giúp đỡ. Tôi sẽ luôn luôn biết ơn về sự hỗ trợ của các anh chị trong thời gian khó khăn đó. Một số anh chị thậm chí dọn đến nhà tôi ở một thời gian để chăm sóc con gái tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên tình yêu thương hy sinh của các anh chị ấy.—Giăng 13:34, 35.

Agape lớn lên và kết hôn với một anh tên là Elias. Vợ chồng cháu có bốn con trai, tất cả đều trong lẽ thật. Trong những năm gần đây, tôi bị đột quỵ vài lần và sức khỏe của tôi sa sút. Tôi được gia đình con gái tận tình chăm sóc. Mặc dù sức khỏe kém, tôi vẫn có nhiều lý do để vui. Tôi nhớ lại thời kỳ ở Thessalonica, tất cả chỉ có khoảng một trăm anh chị bí mật nhóm tại nhà riêng. Nay có gần năm ngàn Nhân Chứng sốt sắng ở vùng ấy. (Ê-sai 60:22) Tại các đại hội, những anh trẻ đến hỏi tôi: “Bác có nhớ lúc bác đã đem tạp chí đến nhà chúng cháu không?” Mặc dù cha mẹ họ có thể đã không đọc những tạp chí này, nhưng con cái họ đã đọc và tiến bộ về thiêng liêng!

Khi quan sát sự phát triển của tổ chức Đức Giê-hô-va, tôi cảm thấy việc tôi chịu đựng mọi thử thách thật đáng công. Tôi luôn luôn nói với các cháu của tôi và những người trẻ khác là hãy nhớ đến Cha trên trời trong lúc còn trẻ, Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng. (Truyền-đạo 12:1) Đức Giê-hô-va luôn luôn giữ lời, đối với tôi Ngài đã trở thành “cha kẻ mô-côi”. (Thi-thiên 68:5) Dù là một trẻ mồ côi bị bỏ rơi khi còn thơ ấu, cuối cùng tôi đã tìm được một người Cha đầy quan tâm!

[Hình nơi trang 22]

Tôi làm bếp trong nhà tù ở Drama

[Hình nơi trang 23]

Với Katina trong ngày cưới vào năm 1959

[Hình nơi trang 23]

Hội nghị trong rừng gần Thessalonica vào cuối thập niên 1960

[Hình nơi trang 24]

Với con gái chúng tôi, năm 1967