Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Phải chăng sứ đồ Phao-lô đã thỏa hiệp đức tin mình là tín đồ Đấng Christ khi nói trước Tòa Công Luận: “Tôi là người Pha-ri-si”?

Để hiểu rõ lời này của Phao-lô ghi nơi Công-vụ 23:6, chúng ta cần xem xét văn cảnh.

Sau khi bị tấn công tại Giê-ru-sa-lem, sứ đồ Phao-lô trình bày vấn đề trước đám đông người Do Thái. Ông nói rằng ông từng “học nơi chân Ga-ma-li-ên [tại Giê-ru-sa-lem], đúng theo trong luật-pháp của tổ-phụ”. Đoàn dân lắng nghe Phao-lô biện luận được một lúc, nhưng khi họ bắt đầu nổi giận thì viên quản cơ đành cho giải Phao-lô về đồn. Khi sắp bị quân lính đánh đòn, Phao-lô lên tiếng: “Ngươi được phép đánh đòn một người quốc-dân Rô-ma, mặc dầu người đó chưa thành án, hay sao?”—Công-vụ 21:27–22:29.

Hôm sau, quản cơ truyền dẫn Phao-lô đến tòa án tối cao Do Thái tức Tòa Công Luận. Phao-lô để ý thấy hội đồng gồm có những người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si. Ông nói: “Hỡi anh em, tôi là người Pha-ri-si, con của dòng Pha-ri-si. Ấy là vì sự trông-cậy của chúng ta và sự sống lại của những kẻ chết mà tôi phải chịu xử-đoán”. Kết quả là hai phe Pha-ri-si và Sa-đu-sê cãi lẫy dữ dội, “vì chưng người Sa-đu-sê quyết rằng không có sự sống lại, cũng không có thiên-sứ, thần chi hết, còn người Pha-ri-si lại nhận cả hai điều tin ấy”. Vài người thuộc dòng Pha-ri-si đứng lên phản đối mạnh mẽ: “Chúng ta chẳng thấy trong người nầy có điều ác gì”.—Công-vụ 23:6-10.

Bởi lẽ Phao-lô đã được biết đến là một tín đồ Đấng Christ đầy nhiệt huyết nên ông không thể nào thuyết phục được Tòa Công Luận tin rằng ông là một người Pha-ri-si tích cực theo đạo. Những người Pha-ri-si hiện diện tại đó cũng sẽ chẳng chấp nhận một sự tuyên xưng nửa vời. Do đó, câu Phao-lô tuyên bố mình là người Pha-ri-si hẳn có ý nghĩa giới hạn, và người Pha-ri-si ở tòa đã hiểu lời nói của Phao-lô theo bối cảnh ấy.

Khi cho rằng mình chịu sự xử đoán vì trông cậy nơi sự sống lại, Phao-lô rõ ràng có ý nói là ông giống như người Pha-ri-si về phương diện ấy. Trong bất kỳ cuộc tranh luận nào về sự sống lại, Phao-lô phải được xem là có cùng niềm tin với người Pha-ri-si thay vì với người Sa-đu-sê, là những người không tin có sự sống lại.

Niềm tin của Phao-lô với tư cách là tín đồ Đấng Christ không trái ngược với niềm tin của người Pha-ri-si về những giáo lý như sự sống lại, thiên sứ và một số điều trong Luật Pháp. (Phi-líp 3:5) Vậy trong phạm vi giới hạn đó, Phao-lô có thể liên kết mình với phe người Pha-ri-si, và những người Pha-ri-si có mặt tại tòa đã hiểu câu nói của ông theo ý nghĩa ấy. Như thế Phao-lô khéo dùng gốc gác của ông để biện hộ cho mình trước tòa án tối cao Do Thái đầy thiên kiến.

Tuy nhiên, bằng chứng rõ nhất cho thấy Phao-lô đã không thỏa hiệp đức tin của mình là sự kiện ông tiếp tục được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Đêm hôm sau khi Phao-lô phát biểu câu đang được bàn luận, Chúa Giê-su phán cùng ông: “Hãy giục lòng mạnh-mẽ, ngươi đã làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng phải làm chứng cho ta tại thành Rô-ma thể ấy”. Vì Phao-lô được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta phải kết luận rằng Phao-lô đã không thỏa hiệp đức tin của ông là tín đồ Đấng Christ.—Công-vụ 23:11.