Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy để lời Đức Chúa Trời soi sáng đường lối bạn

Hãy để lời Đức Chúa Trời soi sáng đường lối bạn

Hãy để lời Đức Chúa Trời soi sáng đường lối bạn

“Lời Chúa là... ánh sáng cho đường-lối tôi”.—THI-THIÊN 119:105.

1, 2. Lời Đức Giê-hô-va sẽ soi sáng đường lối chúng ta trong trường hợp nào?

LỜI Đức Giê-hô-va sẽ soi sáng đường lối chúng ta nếu chúng ta muốn. Để được lợi ích từ ánh sáng thiêng liêng này, chúng ta phải siêng năng học Lời được viết ra của Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, và áp dụng lời khuyên trong đó. Chỉ như thế chúng ta mới có cùng cảm nghĩ với người viết Thi-thiên: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi”.—Thi-thiên 119:105.

2 Giờ đây chúng ta hãy xem xét Thi-thiên 119:89-176. Được sắp xếp thành 11 khổ thơ, những câu này quả chứa đựng rất nhiều điều hữu ích! Những điều này có thể giúp chúng ta tiếp tục đi trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.—Ma-thi-ơ 7:13, 14.

Tại sao nên ưa thích lời Đức Chúa Trời?

3. Theo Thi-thiên 119:89, 90, chúng ta có thể tin cậy lời Đức Chúa Trời như thế nào?

3 Nếu ưa thích lời Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ được vững vàng về thiêng liêng. (Thi-thiên 119:89-96) Người viết Thi-thiên hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời.... Chúa đã lập trái đất, đất còn vững-bền”. (Thi-thiên 119:89, 90) Bằng lời Đức Chúa Trời—“luật của các từng trời”—các thiên thể chuyển động cách hoàn hảo trên quỹ đạo chúng và trái đất được lập vững bền đến đời đời. (Gióp 38:31-33; Thi-thiên 104:5) Chúng ta có thể tin cậy nơi mọi lời phát ra từ miệng Đức Giê-hô-va; những gì Đức Chúa Trời nói sẽ được “làm trọn” để thực hiện ý định Ngài.—Ê-sai 55:8-11.

4. Lòng ưa thích lời Đức Chúa Trời giúp ích gì cho các tôi tớ Ngài khi bị hoạn nạn?

4 ‘Nếu luật-pháp Chúa không làm sự ông ưa-thích’, soạn giả bài Thi-thiên này ‘ắt đã bị diệt-vong trong cơn hoạn-nạn’. (Thi-thiên 119:92) Hoạn nạn này không phải do người ngoại gây ra, mà là do những người Y-sơ-ra-ên phạm pháp, những kẻ thù ghét ông. (Lê-vi Ký 19:17) Nhưng điều này không áp đảo được tinh thần ông, vì ông yêu thích luật pháp bổ ích của Đức Chúa Trời. Ở Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô “nguy với anh em giả-dối”, có lẽ cũng bao gồm ‘các sứ-đồ tôn-trọng’ hay ‘tông đồ siêu đẳng’, theo bản Tòa Tổng Giám Mục, là những người đang tìm mưu kết tội ông. (2 Cô-rinh-tô 11:5, 12-14, 26) Thế nhưng, Phao-lô đã vượt qua được thử thách này về mặt thiêng liêng vì ông ưa thích lời Đức Chúa Trời. Vì chúng ta ưa thích Lời được viết ra của Đức Giê-hô-va và áp dụng những gì ghi trong đó, nên chúng ta yêu anh em mình. (1 Giăng 3:15) Dù bị thế gian thù ghét, chúng ta cũng không quên một chỉ thị nào của Đức Chúa Trời. Chúng ta tiếp tục làm theo ý muốn Ngài trong tình yêu thương đoàn kết với anh em, trong lúc trông chờ một tương lai vô tận được vui vẻ phụng sự Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 119:93.

5. Vua A-sa tìm kiếm Đức Giê-hô-va như thế nào?

5 Bày tỏ lòng sùng kính đối với Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể cầu nguyện: “Tôi thuộc về Chúa, xin hãy cứu tôi; vì tôi tìm-kiếm các giềng-mối Chúa”. (Thi-thiên 119:94) Vua A-sa tìm kiếm Đức Chúa Trời và trừ tận gốc sự bội đạo ở Giu-đa. Tại một cuộc hội họp lớn vào năm thứ 15 triều Vua A-sa (963 TCN), dân Giu-đa đã cam kết bằng giao ước sẽ “hết lòng hết ý tìm-kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời để họ ‘tìm gặp Ngài và ban cho họ được bình-an bốn phía’. (2 Sử-ký 15:10-15) Đối với bất cứ ai đã trôi giạt khỏi hội thánh đạo Đấng Christ, sự kiện này hẳn khuyến khích người đó trở lại tìm kiếm Đức Chúa Trời. Ngài sẽ ban phước và che chở những ai tích cực kết hợp lại với dân Ngài.

6. Đường lối nào sẽ che chở chúng ta về thiêng liêng?

6 Lời Đức Giê-hô-va truyền sự khôn ngoan, là điều có thể che chở chúng ta về thiêng liêng. (Thi-thiên 119:97-104) Các điều răn của Đức Chúa Trời làm cho chúng ta khôn ngoan hơn kẻ thù. Nhờ chú ý đến các chứng cớ, tức lời nhắc nhở của Ngài, chúng ta có trí hiểu, và nhờ ‘gìn-giữ các giềng-mối Chúa, chúng ta thông-hiểu hơn kẻ già-cả’. (Thi-thiên 119:98-100) Nếu lời Đức Giê-hô-va ‘ngọt họng chúng ta hơn mật ong trong miệng’ thì chúng ta sẽ ghét và tránh “mọi đường giả-dối”. (Thi-thiên 119:103, 104) Điều này sẽ che chở chúng ta về thiêng liêng khi phải đương đầu với những người kiêu ngạo, dữ tợn, không tin kính trong ngày sau rốt này.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

Ngọn đèn cho chân chúng ta

7, 8. Theo lời ghi nơi Thi-thiên 119:105, chúng ta cần làm gì?

7 Lời Đức Chúa Trời là một nguồn ánh sáng thiêng liêng vô tận. (Thi-thiên 119:105-112) Dù là tín đồ được xức dầu hay bạn đồng đạo thuộc lớp “chiên khác”, chúng ta cũng tuyên bố: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi”. (Giăng 10:16; Thi-thiên 119:105) Lời Đức Chúa Trời giống như ngọn đèn soi sáng đường lối chúng ta để không bị vấp ngã về thiêng liêng. (Châm-ngôn 6:23) Song mỗi người chúng ta phải để cho lời Đức Giê-hô-va trở thành ngọn đèn cho chân mình.

8 Chúng ta cần phải kiên tâm như soạn giả bài Thi-thiên 119. Ông đã cương quyết không lìa bỏ giềng mối tức huấn lệnh của Đức Chúa Trời. Ông nói: “Tôi đã thề gìn-giữ mạng-lịnh công-bình của Chúa, và cũng đã làm theo sự thề ấy”. (Thi-thiên 119:106) Chúng ta chớ bao giờ xem thường lợi ích của việc học hỏi Kinh Thánh đều đặn và tham gia các buổi họp đạo Đấng Christ.

9, 10. Làm sao chúng ta biết rằng những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va có thể “lìa-bỏ giềng-mối Chúa”, nhưng chúng ta có thể tránh được điều này bằng cách nào?

9 Người viết Thi-thiên không “lìa-bỏ giềng-mối Chúa”, nhưng điều này có thể xảy ra với một người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 119:110) Vua Sa-lô-môn đã lìa bỏ huấn lệnh Ngài mặc dù người thuộc về một dân tộc đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và lúc đầu người đã hành động phù hợp với sự khôn ngoan Ngài ban. “Người cũng bị đàn-bà ngoại-bang xui cho phạm tội” vì đã bị họ khuyến dụ thờ tà thần.—Nê-hê-mi 13:26; 1 Các Vua 11:1-6.

10 “Bẫy chim” ám chỉ nhiều cạm bẫy do Sa-tan đặt ra. (Thi-thiên 91:3) Chẳng hạn, một người trước đây từng là anh em có thể cố xui chúng ta lìa bỏ con đường ánh sáng thiêng liêng để đi vào bóng tối của sự bội đạo. Trong vòng các tín đồ ở Thi-a-ti-rơ có ‘người nữ Giê-sa-bên’, có lẽ ám chỉ một nhóm phụ nữ dạy người khác thờ hình tượng và phạm tội tà dâm. Chúa Giê-su không dung túng hành vi xấu xa sai trái đó, và chúng ta cũng không. (Khải-huyền 2:18-22; Giu-đe 3, 4) Vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để không lìa bỏ các huấn lệnh Ngài mà luôn luôn đi theo ánh sáng của Ngài.—Thi-thiên 119:111, 112.

Lời Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta

11. Theo Thi-thiên 119:119, Đức Chúa Trời xem kẻ ác như thế nào?

11 Nếu chúng ta không bao giờ xa lìa luật lệ Ngài, Đức Chúa Trời sẽ nâng đỡ chúng ta. (Thi-thiên 119:113-120) Chúng ta không chấp nhận “những kẻ hai lòng”, cũng như Chúa Giê-su không chấp nhận những người ngày nay tự xưng là tín đồ của ngài nhưng có thái độ hâm hẩm. (Thi-thiên 119:113; Khải-huyền 3:16) Vì chúng ta hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, nên Ngài là ‘nơi ẩn-náu của chúng ta’ và sẽ nâng đỡ chúng ta. Ngài sẽ ‘từ-chối những kẻ lầm-lạc luật-lệ Ngài’ khi họ dùng đến mưu chước và sự giả dối. (Thi-thiên 119:114, 117, 118; Châm-ngôn 3:32) Ngài xem những kẻ ác đó như “xác-bã”—trong câu này ám chỉ tạp chất còn lại trong quá trình luyện bạc và vàng. (Thi-thiên 119:119; Châm-ngôn 17:3) Mong sao chúng ta luôn thể hiện lòng yêu thích đối với lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời, vì chắc chắn chúng ta không muốn bị xem là thuộc nhóm người ác trong đống cặn bã sẽ bị hủy diệt!

12. Tại sao lòng kính sợ Đức Giê-hô-va là điều quan trọng?

12 Người viết Thi-thiên nói: “Thịt tôi rỡn-ốc vì sợ-hãi Chúa”. (Thi-thiên 119:120) Chúng ta tỏ lòng sợ hãi lành mạnh này đối với Đức Chúa Trời bằng cách tránh những điều Ngài không chấp nhận. Lòng kính sợ này là thiết yếu nếu chúng ta muốn làm tôi tớ được Ngài nâng đỡ. Gióp có lối sống công bình nhờ kính sợ Đức Giê-hô-va. (Gióp 1:1; 23:15) Lòng kính sợ Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta kiên trì đi trong đường lối đẹp ý Ngài dù phải chịu đựng bất cứ điều gì. Nhưng để có sức chịu đựng, chúng ta phải tha thiết cầu nguyện bằng đức tin.—Gia-cơ 5:15.

Cầu nguyện bằng đức tin

13-15. (a) Tại sao chúng ta tin rằng lời cầu nguyện của mình sẽ được nhậm? (b) Điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta không biết nói gì trong lời cầu nguyện? (c) Hãy minh họa cho thấy qua cách nào Thi-thiên 119:121-128 có thể liên hệ đến “sự thở-than không thể nói ra được”.

13 Chúng ta có thể cầu nguyện với niềm tin là Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta. (Thi-thiên 119:121-128) Như người viết Thi-thiên, chúng ta chắc chắn rằng Ngài sẽ nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Tại sao? Vì chúng ta yêu mến các điều răn của Ngài “hơn vàng, thậm-chí hơn vàng ròng”. Ngoài ra, chúng ta “xem các giềng-mối Chúa về muôn vật là phải”.—Thi-thiên 119:127, 128.

14 Đức Giê-hô-va nghe lời cầu xin của chúng ta vì chúng ta cầu nguyện bằng đức tin và cẩn thận làm theo huấn lệnh Ngài. (Thi-thiên 65:2) Nhưng nếu đôi khi gặp những vấn đề làm chúng ta rất bối rối không biết nói gì trong lời cầu nguyện thì sao? Nếu thế thì “chính Đức Thánh-Linh lấy sự thở-than không thể nói ra được mà cầu-khẩn thay cho chúng ta”. (Rô-ma 8:26, 27) Vào những lúc như thế, Đức Chúa Trời chấp nhận những lời bày tỏ cảm nghĩ như được ghi trong Lời Ngài, xem đó lời cầu nguyện nói lên nhu cầu của chúng ta.

15 Kinh Thánh chứa đựng rất nhiều lời cầu nguyện và ý tưởng liên quan đến “sự thở-than không thể nói ra được”. Chẳng hạn, hãy xem Thi-thiên 119:121-128. Cách diễn đạt cảm nghĩ ở đây có thể phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Thí dụ, nếu sợ bị hà hiếp, chúng ta có thể cầu xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời như cách soạn giả đã cầu xin. (Câu 121-123) Giả sử chúng ta cần quyết định một điều rất khó. Vậy chúng ta có thể cầu xin được thánh linh Đức Giê-hô-va giúp để nhớ lại và áp dụng lời nhắc nhở của Ngài. (Câu 124, 125) Mặc dù “ghét mọi đường giả-dối”, chúng ta có thể phải cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để không rơi vào cám dỗ mà vi phạm luật pháp Ngài. (Câu 126-128) Nếu đọc Kinh Thánh hàng ngày, thì khi cầu khẩn Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể nhớ lại những đoạn hữu ích như những đoạn này.

Lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta

16, 17. (a) Tại sao chúng ta cần lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời, và chúng ta nên xem những lời đó như thế nào? (b) Người khác có thể nghĩ gì về chúng ta, nhưng điều gì mới thật sự quan trọng?

16 Nếu muốn được Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện và thương xót, chúng ta phải chú ý đến chứng cớ tức lời nhắc nhở của Ngài. (Thi-thiên 119:129-136) Vì hay quên, chúng ta cần lời nhắc nhở quý báu của Đức Giê-hô-va, giúp chúng ta nhớ lời chỉ dạy và điều răn của Ngài. Tất nhiên, chúng ta biết ơn về ánh sáng thiêng liêng mình nhận được qua mỗi sự giãi bày về lời Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 119:129, 130) Chúng ta cũng biết ơn là Đức Giê-hô-va đã hài lòng ‘chiếu sáng mặt Ngài trên chúng ta’, mặc dù ‘mắt chúng ta chảy những suối lệ’ vì người ta vi phạm luật pháp Ngài.—Thi-thiên 119:135, 136; Dân-số Ký 6:25.

17 Chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục được Đức Chúa Trời thương xót nếu tuân theo những lời nhắc nhở công bình của Ngài. (Thi-thiên 119:137-144) Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận biết rằng Ngài có quyền lưu ý chúng ta đến những lời nhắc nhở công bình của Ngài và đòi hỏi chúng ta vâng theo những điều răn ấy. (Thi-thiên 119:138) Soạn giả là người vâng theo điều răn Đức Chúa Trời, vậy tại sao ông lại nói: “Tôi nhỏ hèn, bị khinh-dể”? (Thi-thiên 119:141) Có lẽ ông ám chỉ cách kẻ thù xem ông. Nếu chúng ta nhất quyết giữ lập trường về sự công bình, người khác có thể khinh thường chúng ta. Nhưng điều thật sự quan trọng là Đức Giê-hô-va hài lòng về chúng ta vì chúng ta sống phù hợp với những lời nhắc nhở công bình của Ngài.

An toàn và bình yên

18, 19. Tuân giữ lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời mang lại kết quả nào?

18 Tuân giữ lời nhắc nhở của Đức Chúa Trời giúp chúng ta luôn gần gũi Ngài. (Thi-thiên 119:145-152) Vì chú ý đến lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể hết lòng kêu cầu Ngài và tin rằng Ngài sẽ nghe chúng ta. Có khi chúng ta thức “trước rạng-đông” và kêu cầu sự giúp đỡ. Đó là lúc rất tốt để cầu nguyện! (Thi-thiên 119:145-147) Đức Chúa Trời cũng ở gần chúng ta vì chúng ta tránh sự dữ hay hành vi buông tuồng và, như Chúa Giê-su, xem lời Ngài là lẽ thật. (Thi-thiên 119:150, 151; Giăng 17:17) Mối quan hệ với Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta trong thế gian hỗn loạn này và sẽ giúp chúng ta qua khỏi đại chiến Ha-ma-ghê-đôn.—Khải-huyền 7:9, 14; 16:13-16.

19 Vì quý trọng sâu xa lời Đức Chúa Trời, chúng ta được hưởng sự an toàn thật. (Thi-thiên 119:153-160) Khác với kẻ ác, chúng ta ‘không xây bỏ chứng-cớ Đức Giê-hô-va’. Chúng ta yêu mến huấn lệnh của Đức Chúa Trời và nhờ đó được an toàn trong sự nhân từ Ngài. (Thi-thiên 119:157-159) Lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta nhớ những gì Ngài đòi hỏi trong những tình huống nào đó. Mặt khác, giềng mối hay huấn lệnh của Đức Chúa Trời là những lời hướng dẫn, và chúng ta sẵn sàng thừa nhận Đấng Tạo Hóa có quyền hướng dẫn chúng ta. Nhận biết rằng “sự tổng-cộng lời của Chúa là chân thật” và chúng ta không thể tự dẫn đưa bước của mình, chúng ta vui lòng chấp nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.—Thi-thiên 119:160; Giê-rê-mi 10:23.

20. Tại sao chúng ta được hưởng “bình-yên lớn”?

20 Nhờ yêu mến luật pháp Đức Giê-hô-va, chúng ta được hưởng “bình-yên lớn”. (Thi-thiên 119:161-168) Sự ngược đãi bắt bớ không làm chúng ta mất “sự bình-an của Đức Chúa Trời”, là điều không gì có thể sánh được. (Phi-líp 4:6, 7) Hết sức quý trọng mạng lệnh công bình của Đức Giê-hô-va, chúng ta thường xuyên ca ngợi Ngài—‘mỗi ngày bảy lần’. (Thi-thiên 119:161-164) “Phàm kẻ nào yêu-mến luật-pháp Chúa được bình-yên lớn”, soạn giả hát, “chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã”. (Thi-thiên 119:165) Nếu cá nhân chúng ta yêu mến và giữ luật pháp Đức Giê-hô-va, thì chúng ta sẽ không bị vấp ngã về thiêng liêng bởi những gì người khác làm hoặc bởi bất cứ điều gì khác.

21. Những gương nào trong Kinh Thánh cho thấy chúng ta không nên vấp ngã nếu có vấn đề nảy sinh trong hội thánh?

21 Trong Kinh Thánh, nhiều người đã không để bất cứ điều gì làm cho họ vấp ngã lâu dài. Chẳng hạn, bất kể tư cách không tin kính của Đi-ô-trép, người tín đồ Đấng Christ Gai-út không bị vấp ngã nhưng tiếp tục “làm theo lẽ thật”. (3 Giăng 1-3, 9, 10) Phao-lô khuyên hai nữ tín đồ Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ “phải hiệp một ý trong Chúa”, có lẽ vì giữa họ đã nảy sinh xích mích. Dường như họ đã được giúp để hòa giải và tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. (Phi-líp 4:2, 3) Vậy chúng ta không nên vấp ngã nếu có vấn đề khó khăn nào đó nảy sinh trong hội thánh. Chúng ta hãy chú tâm gìn giữ huấn lệnh của Đức Giê-hô-va, nhớ rằng ‘đường-lối chúng ta đều ở trước mặt Chúa’. (Thi-thiên 119:168; Châm-ngôn 15:3) Như thế không có gì sẽ khiến chúng ta mất hẳn sự bình yên.

22. (a) Nếu vâng lời Đức Chúa Trời, chúng ta được hưởng đặc ân nào? (b) Chúng ta nên xem những người đã xiêu lạc khỏi hội thánh như thế nào?

22 Nếu luôn vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ tiếp tục có đặc ân ngợi khen Ngài. (Thi-thiên 119:169-176) Khi sống phù hợp với luật lệ Đức Chúa Trời, không những chúng ta được hưởng sự an toàn về thiêng liêng mà ‘môi-miệng chúng ta sẽ tiếp tục đồn ra sự ngợi-khen Đức Giê-hô-va’. (Thi-thiên 119:169-171, 174) Đây là đặc ân lớn nhất chúng ta có được trong ngày sau rốt này. Người viết Thi-thiên muốn tiếp tục sống và ngợi khen Đức Giê-hô-va, nhưng vì một lý do không được nói rõ, ông đã “xiêu-lạc khác nào con chiên mất”. (Thi-thiên 119:175, 176) Một số người đã xiêu lạc khỏi hội thánh đạo Đấng Christ nhưng có thể vẫn yêu mến Đức Chúa Trời và vẫn muốn ngợi khen Ngài. Vậy chúng ta hãy cố gắng hết sức để giúp họ tìm lại sự an toàn thiêng liêng và có lại niềm vui được ngợi khen Đức Giê-hô-va cùng với dân Ngài.—Hê-bơ-rơ 13:15; 1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

Ánh sáng lâu dài cho đường lối chúng ta

23, 24. Bạn nhận được lợi ích nào từ bài Thi-thiên 119?

23 Bài Thi-thiên 119 có thể giúp ích chúng qua nhiều cách. Chẳng hạn, bài này giúp chúng ta nương cậy nơi Đức Chúa Trời nhiều hơn khi cho thấy rằng hạnh phúc thực sự là nhờ “đi theo luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 119:1) Người viết Thi-thiên nhắc nhở chúng ta rằng “sự tổng-cộng lời của Chúa là chân thật”. (Thi-thiên 119:160) Điều này chắc hẳn làm gia tăng lòng biết ơn của chúng ta đối với toàn bộ Lời được viết ra của Đức Chúa Trời. Suy ngẫm về bài Thi-thiên 119 ắt phải thôi thúc chúng ta siêng năng học hỏi Kinh Thánh. Soạn giả nhiều lần cầu xin Đức Chúa Trời: “Hãy dạy tôi các luật-lệ Chúa”. (Thi-thiên 119:12, 68, 135) Ông cũng cầu xin: “Hãy dạy tôi lẽ phải và sự hiểu-biết, vì tôi tin các điều-răn Chúa”. (Thi-thiên 119:66) Chúng ta cũng nên cầu nguyện như thế.

24 Nhờ sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va, chúng ta mới có được quan hệ mật thiết với Ngài. Soạn giả nhiều lần xưng là tôi tớ Đức Chúa Trời. Thật vậy, ông nói với Đức Giê-hô-va bằng lời cảm động này: “Tôi thuộc về Chúa”. (Thi-thiên 119:17, 65, 94, 122, 125; Rô-ma 14:8) Được phụng sự và ngợi khen Đức Giê-hô-va với tư cách Nhân Chứng Ngài quả là đặc ân rất lớn! (Thi-thiên 119:7) Bạn có đang vui vẻ phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách người công bố Nước Trời không? Nếu có, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục nâng đỡ và ban phước cho bạn trong hoạt động đầy vinh dự này nếu bạn luôn tin cậy nơi lời Ngài và để cho lời ấy soi sáng đường lối bạn.

Bạn trả lời ra sao?

• Tại sao chúng ta nên ưa thích lời Đức Chúa Trời?

• Lời Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta như thế nào?

• Lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta qua những cách nào?

• Tại sao dân Đức Giê-hô-va được an toàn và bình yên?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Lời Đức Chúa Trời là một nguồn ánh sáng thiêng liêng

[Hình nơi trang 17]

Nếu chúng ta yêu mến lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ không bao giờ xem chúng ta là “xác-bã”

[Các hình nơi trang 18]

Nếu đọc Kinh Thánh hàng ngày, thì khi cầu nguyện chúng ta sẽ dễ nhớ lại những đoạn hữu ích