Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hy vọng trong cảnh tuyệt vọng—Một hội nghị trong trại tị nạn

Hy vọng trong cảnh tuyệt vọng—Một hội nghị trong trại tị nạn

Hy vọng trong cảnh tuyệt vọng—Một hội nghị trong trại tị nạn

TRẠI tị nạn Kakuma nằm về phía bắc Kenya, gần biên giới Sudan. Đây là nơi cư trú của hơn 86.000 người. Ở vùng đất khắc nghiệt khô cằn này, ban ngày nhiệt độ lên đến 50°C. Bạo động xô xát thường xảy ra giữa những cộng đồng dân tản cư. Đối với nhiều người, đời sống ở trong trại thật vô vọng. Tuy nhiên một số người khác thì có một niềm hy vọng tươi sáng.

Trong số những người dân tị nạn cũng có nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va, họ sốt sắng rao truyền tin mừng về Nước Trời. Họ thuộc một hội thánh nhỏ ở Lodwar, cách trại 120 cây số về hướng nam. Hội thánh kế tiếp cách xa đến tám tiếng lái xe.

Người tị nạn không được phép ra khỏi trại, vì vậy nhiều người không thể dự hội nghị hay đại hội do Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức. Do đó các anh em đã sắp đặt tổ chức hội nghị đặc biệt một ngày ngay trong trại.

Lên miền bắc

Để ủng hộ sự sắp đặt của hội nghị, 15 Nhân Chứng ở thành phố Eldoret, cách trại 480 cây số về phía nam, đã tình nguyện thực hiện chuyến đi vất vả lên miền bắc khô cằn. Cùng đi với họ có một người học Kinh Thánh đã sẵn sàng dùng người tài xế và xe buýt nhỏ của anh để chở mọi người. Họ tha thiết muốn khích lệ và làm anh em vững mạnh.

Họ khởi hành vào một buổi sáng sớm lạnh lẽo ở miền núi phía tây Kenya. Xe chạy lên con đường dốc gập ghềnh qua vùng nông thôn và rừng cây rồi xuống hoang mạc nóng bỏng. Từng đàn dê và lạc đà gặm cỏ trên mảnh đất cằn cỗi. Đi bên cạnh là những người dân bộ lạc trong quần áo cổ truyền, nhiều người đeo theo gậy, cung và tên. Sau 11 tiếng, các Nhân Chứng đến Lodwar, một vùng bụi bặm nóng bức, với gần 20.000 dân cư. Sau khi được anh em Nhân Chứng địa phương nồng nhiệt chào đón, các vị khách vào nhà nghỉ ngơi lấy lại sức để chuẩn bị cho hai ngày cuối tuần.

Sáng hôm sau, đoàn du khách đi xem những cảnh đẹp ở địa phương. Đối với du khách, Hồ Turkana, hồ lớn nhất ở Kenya, là nơi phải đến. Xung quanh hồ là hoang mạc mênh mông trải dài trên nhiều cây số. Hồ này là nơi có nhiều cá sấu nhất trên thế giới. Nước hồ có chất kiềm giúp nuôi sống số ít người ở dọc theo bờ hồ. Buổi tối hôm đó, những người khách thích thú được dự Trường Thánh Chức và Buổi Họp Công Tác cùng với hội thánh địa phương. Phòng Nước Trời nơi đây thật trang nhã, xây vào năm 2003 qua chương trình xây cất của Nhân Chứng dành cho những nước có tài chính eo hẹp.

Hội nghị đặc biệt một ngày

Chủ Nhật được dành cho hội nghị đặc biệt một ngày. Hội Thánh Lodwar và các anh chị từ xa đến được phép vào trại lúc 8 giờ sáng, vì thế ai cũng háo hức khởi hành sớm. Con đường ngoằn ngoèo chạy qua những dãi đất khô cứng về phía biên giới Sudan. Trước mắt là những ngọn núi trùng điệp cao sừng sững. Đến làng Kakuma thì quang cảnh mở rộng ra. Trời đã mưa nên con đường đất dẫn vào trại có vài khúc bị ngập nước. Phần lớn các ngôi nhà làm bằng gạch bùn, mái thì lợp bằng thiếc hoặc bằng vải dầu. Người Ethiopia, Somalia, Sudan và những dân tộc khác sống trong từng khu riêng biệt. Đoàn du khách được người dân trong trại chào đón niềm nở.

Hội nghị được tổ chức trong một trung tâm huấn luyện. Hình vẽ trên tường nói lên nỗi kinh hoàng của cuộc sống tị nạn, nhưng ngày hôm đó bầu không khí nơi đây chan hòa hy vọng. Tất cả các bài giảng đều được trình bày bằng tiếng Anh và Swahili. Một số diễn giả vì thành thạo cả hai thứ tiếng nên đã tự dịch bài giảng của mình. Một anh tị nạn người Sudan đã trình bày bài diễn văn khai mạc, “Xem xét lòng chúng ta”. Những phần kia thì do những trưởng lão khách phụ trách.

Điểm nổi bật của mỗi hội nghị là phần báp têm. Vào phần kết thúc bài giảng báp têm, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào ứng viên báp têm duy nhất lúc anh đứng lên. Gilbert đã cùng cha chạy lánh nạn diệt chủng ở quê nhà vào năm 1994. Thoạt đầu, họ đến Burundi với hy vọng tìm được miền đất an toàn, nhưng chẳng bao lâu sau họ nhận ra rằng tính mạng của họ vẫn còn bị đe dọa. Gilbert lại đến Zaire, rồi Tanzania—có những lúc phải ẩn trốn trong rừng—và cuối cùng anh đến Kenya. Nhiều người rơi nước mắt khi nghe anh diễn giả chào mừng anh Gilbert vào hội thánh. Đứng trước cử tọa 95 người, Gilbert dõng dạc trả lời “Ndiyo!”—tiếng Swahili có nghĩa là “Có!”—cho hai câu hỏi của anh diễn giả. Chính Gilbert và một số các anh em đã tự tay đào một cái hồ nhỏ và đệm bằng tấm vải dầu từng che túp lều của Gilbert ở trong trại. Bày tỏ lòng háo hức muốn làm báp têm, ngay sáng hôm đó, anh Gilbert đã một mình múc từng xô nước đổ vào hồ!

Một trong các điểm nổi bật của phiên họp buổi chiều là phần kể lại những kinh nghiệm về hoàn cảnh đặc biệt của các Nhân Chứng tị nạn. Một anh thuật lại cách anh đã đến trò chuyện với một người đàn ông ngồi nghỉ dưới gốc cây.

“Ông có nghĩ rằng lúc nào ngồi dưới gốc cây cũng là an toàn không?”

“An toàn chứ”, người đàn ông trả lời. Rồi ông nói thêm: “Nhưng không an toàn vào ban đêm”.

Anh Nhân Chứng đọc cho ông nghe câu Mi-chê 4:3, 4: “Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ”. “Ông biết không, trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, lúc nào chúng ta cũng được an toàn”, anh giải thích cho ông. Người đàn ông này nhận một ấn phẩm giúp học Kinh Thánh.

Một chị đến Kakuma dự hội nghị, gần đây chị đã bị mất ba người thân trong gia đình. Nhận xét về các anh em trong trại, chị nói: “Đời sống nơi đây trăm bề khốn khó, vậy mà họ luôn giữ được đức tin mạnh mẽ. Sống trong một nơi khó khăn như thế, nhưng họ vẫn vui vẻ phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ hòa thuận với Đức Chúa Trời. Tôi được khích lệ để giữ sự hòa thuận với Đức Chúa Trời và phụng sự Ngài. Thật, tôi chẳng có điều gì để than phiền cả!”

Hội nghị nhanh chóng đến hồi kết thúc. Trong bài giảng bế mạc, anh diễn giả cho biết có các đại biểu đến từ tám nước hiện diện tại hội nghị. Một anh Nhân Chứng tị nạn nhận xét rằng hội nghị này là bằng chứng cho thấy tình đoàn kết và yêu thương của Nhân Chứng Giê-hô-va trong một thế giới đầy chia rẽ. Tình anh em tín đồ Đấng Christ của họ là chân thật.—Giăng 13:35.

[Khung/​Hình nơi trang 25]

NHỮNG ĐỨA CON TRAI LẠC LOÀI CỦA SUDAN

Kể từ khi cuộc nội chiến ở Sudan bùng nổ vào năm 1983, có năm triệu người đã phải di tản. Trong số đó có khoảng 26.000 trẻ em bị thất lạc xa gia đình. Hàng ngàn em đã chạy đến những trại tị nạn ở Ethiopia và ở đó chừng ba năm. Bị đuổi khỏi Ethiopia, những đứa trẻ này đã đi bộ vất vả một năm trời xuyên qua Sudan rồi đến miền bắc Kenya, chúng bị bao hiểm họa như lính tráng, trộm cướp, bệnh tật và thú hoang tấn công. Chỉ còn phân nửa các em sống sót trong những cuộc hành trình gian khổ đó, sau này chúng trở nên thành phần chính ở trại Kakuma. Các cơ quan cứu trợ gọi chúng là những đứa con trai lạc loài của Sudan.

Trại tị nạn Kakuma giờ đây là một nơi trú ngụ đa quốc gia cho dân tị nạn đến từ Sudan, Somalia, Ethiopia và các nước khác. Khi đặt chân đến trại, một người tị nạn được cấp cho một số vật liệu cơ bản để cất nhà và vải dầu để lợp mái che. Hai lần mỗi tháng, một người được phát cho khoảng sáu ký bột, một ký đậu, một ít dầu ăn và muối. Nhiều người đổi khẩu phần của họ lấy những nhu yếu phẩm khác.

Một số trong những đứa trẻ trên được đoàn tụ với gia đình hoặc định cư ở những nước khác. Tuy nhiên theo Cơ Quan Tái Định Cư Cho Người Tị Nạn (Office of Refugee Resettlement) thì “vẫn còn hàng ngàn đứa trẻ khác trong trại tị nạn Kakuma bụi bặm đầy ruồi nhặng. Chúng phải sống vất vưởng và cố gắng hết sức để được đi học”.

[Nguồn tư liệu]

Courtesy Refugees International

[Bản đồ nơi trang 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

KENYA

Trại Kakuma

Hồ Turkana

Lodwar

Eldoret

Nairobi

[Hình nơi trang 23]

Điều kiện sống trong trại vô cùng khó khăn

[Hình nơi trang 23]

Nước được phân phối thành khẩu phần ở trại Kakuma

[Hình nơi trang 23]

Nhân Chứng ở Kenya thực hiện chuyến đi thật vất vả để khích lệ anh em

[Hình nơi trang 24]

Một giáo sĩ phiên dịch bài giảng cho một anh tiên phong đặc biệt tại địa phương

[Hình nơi trang 24]

Hồ báp têm

[Nguồn tư liệu nơi trang 23]

Phân phối nước và Trại Tị Nạn Kakuma: Courtesy Refugees International