Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một công cụ hữu ích cho việc dịch thuật

Một công cụ hữu ích cho việc dịch thuật

Một công cụ hữu ích cho việc dịch thuật

TÁC GIẢ Kinh Thánh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, muốn cho tin mừng về Nước Trời được rao truyền “cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”. (Khải-huyền 14:6) Ngài muốn mọi người đọc được Lời Ngài tức Kinh Thánh. Để đạt được mục đích ấy, Kinh Thánh được dịch ra nhiều thứ tiếng hơn bất cứ cuốn sách nào trên thế giới. Hàng ngàn dịch giả dành ra nhiều thì giờ và nỗ lực để chuyển đạt ý tưởng của Đức Chúa Trời ra nhiều ngôn ngữ.

Nhưng trong việc dịch thuật, Kinh Thánh không chỉ là tài liệu cần được dịch mà rất nhiều lần, chính Kinh Thánh còn được dùng để giúp dịch ra những tài liệu khác. Nhiều dịch giả đã so sánh những từ ngữ được dịch trong Kinh Thánh của nhiều ngôn ngữ để rồi nghĩ ra cách dịch thích hợp cho một số chữ. Phẩm chất cao của Kinh Thánh được dùng để trợ giúp việc dịch thuật hiện cũng được đem sử dụng trong việc dịch bằng máy điện toán.

Dùng máy điện toán để dịch là chuyện rất khó. Ngay cả một số chuyên gia cũng cảm thấy máy điện toán không thể dịch được. Tại sao? Vì ngôn ngữ không phải chỉ là những nhóm từ. Mỗi ngôn ngữ đều khác nhau về cách ghép chữ, quy tắc, những trường hợp ngoại lệ, thành ngữ và những lời bóng gió. Lập trình cho máy điện toán xử lý hết tất cả những điều này chẳng mấy thành công. Hầu hết những gì máy dịch rất khó hiểu.

Tuy nhiên, theo ông Franz Josef Och, một chuyên gia dẫn đầu về việc dịch thuật bằng máy điện toán, thì ngày nay những nhà khoa học về máy điện toán đang tìm tòi các phương pháp mới để dịch. Giả sử bạn muốn dịch tiếng Hindi (Ấn độ) ra tiếng Anh. Trước hết, hãy tìm văn bản nào có trong cả hai thứ tiếng, rồi đưa vào máy điện toán. Máy so sánh hai văn bản đó. Chẳng hạn, mỗi khi máy thấy cùng một chữ Hindi ở nhiều chỗ và mỗi lần trong một cụm từ tương ứng bằng tiếng Anh mà có chữ “house” (nhà), máy sẽ kết luận chữ Hindi ấy tương ứng với chữ “house”. Và rất có thể chữ kế cạnh là tính từ, chẳng hạn như “big” (to), “small” (nhỏ), “old” (cũ) hay “new” (mới). Do đó, máy điện toán lập một danh sách những từ ngữ tương ứng. Sau khi được “huấn luyện” như thế, có thể chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần, máy có thể áp dụng những gì nó “biết” vào văn bản mới. Dù bài dịch như thế có thể kém về ngữ pháp và văn phong, nhưng người ta thường hiểu được ý nghĩa và những chi tiết quan trọng.

Phẩm chất của bài dịch phần lớn tùy thuộc vào lượng và phẩm của văn bản được đưa vào máy lúc đầu. Và đây là khía cạnh mà Kinh Thánh chứng tỏ có giá trị. Sách này được dịch kỹ trong nhiều thứ tiếng, dễ đến tay người ta, và có nhiều chữ. Vì vậy Kinh Thánh là sách được các nhà nghiên cứu chọn đầu tiên để huấn luyện máy điện toán dịch một ngôn ngữ mới.