Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai sẽ được sống lại?

Ai sẽ được sống lại?

Ai sẽ được sống lại?

“Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi”.—GIĂNG 5:28.

1. Môi-se đã nghe lời phán đáng chú ý nào phát ra từ một bụi gai cháy, và sau này ai nhắc lại những lời ấy?

MỘT điều lạ lùng đã xảy ra cách nay hơn 3.500 năm. Môi-se đang chăn bầy chiên của tộc trưởng Giê-trô. Gần Núi Hô-rếp, thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Môi-se trong ngọn lửa giữa một bụi gai. Sách Xuất Ê-díp-tô Ký tường thuật: “Người nhìn thấy cả bụi gai đương cháy, nhưng không hề tàn”. Rồi có tiếng gọi ông từ bụi gai và phán rằng: “Ta là Đức Chúa Trời của tổ-phụ ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1-6) Sau này, vào thế kỷ thứ nhất CN, chính Con của Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su đã nhắc lại những lời ấy.

2, 3. (a) Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp chờ đợi triển vọng nào? (b) Những câu hỏi nào được nêu ra?

2 Chúa Giê-su đang thảo luận với một số người Sa-đu-sê không tin nơi sự sống lại. Ngài phán: “Về sự kẻ chết sống lại, Môi-se đã cho biết trong câu chuyện về Bụi gai, khi người gọi Chúa [Đức Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Vậy, Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của kẻ sống; vì ai nấy đều sống cho Ngài”. (Lu-ca 20:27, 37, 38) Qua những lời này, Chúa Giê-su khẳng định rằng theo quan điểm của Đức Chúa Trời, những người chết từ xưa như Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, vẫn sống trong ký ức của Ngài. Như Gióp, họ đợi chờ cho đến chừng chấm dứt “ngày giặc-giã”, tức giấc ngủ ngàn thu. (Gióp 14:14) Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, họ sẽ được sống lại.

3 Nhưng còn hàng tỉ người khác đã chết trong suốt lịch sử loài người thì sao? Phải chăng họ cũng sẽ được sống lại? Trước khi có câu trả lời thỏa đáng, chúng ta hãy tìm hiểu xem Lời Đức Chúa Trời cho biết người chết ở đâu.

Người chết ở đâu?

4. (a) Khi chết, người ta đi đâu? (b) Âm phủ là gì?

4 Kinh Thánh cho biết người chết “chẳng biết chi hết”. Khi chết, người ta không bị hành hạ nơi hỏa ngục, không đau đớn đợi chờ nơi luyện tội, nhưng chỉ đơn giản là trở về bụi đất. Do đó, Lời Đức Chúa Trời khuyên người sống: “Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ [“Sheol”, NW], là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”. (Truyền-đạo 9:5, 10; Sáng-thế Ký 3:19) Từ “Sheol” không quen thuộc đối với nhiều người. Đây là một từ Hê-bơ-rơ không rõ nguồn gốc mà bản Kinh Thánh của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội dịch là âm phủ. Nhiều tôn giáo dạy rằng người chết vẫn tồn tại, nhưng như Lời Đức Chúa Trời được soi dẫn cho thấy, những người ở trong âm phủ là những người chết, không còn ý thức nữa. Âm phủ là mồ mả chung của nhân loại.

5, 6. Khi chết Gia-cốp đi đâu, và ở đấy ông được chôn chung với ai?

5 Trong Kinh Thánh, từ “âm-phủ” xuất hiện lần đầu tiên nơi Sáng-thế Ký 37:35. Khi nghĩ con trai yêu dấu là Giô-sép đã chết, tộc trưởng Gia-cốp không chịu để người khác an ủi, ông nói: “Ta để tang luôn xuống chốn âm-phủ cùng con ta!” Tin rằng con trai đã chết, Gia-cốp muốn chết và theo xuống âm phủ. Về sau, chín người con lớn của Gia-cốp muốn dẫn con út của ông là Bên-gia-min xuống Ê-díp-tô để cứu gia đình thoát khỏi nạn đói. Tuy nhiên, Gia-cốp không đồng ý và nói: “Con út tao sẽ chẳng đi xuống với bay đâu; vì anh nó đã chết rồi, chỉ còn một mình nó mà thôi. Nếu điều rủi-ro chi xảy đến cho nó nơi dọc đường bay đi, tức nhiên bay làm cho kẻ tóc bạc nầy đau lòng xót dạ xuống âm-phủ”. (Sáng-thế Ký 42:36, 38) Cả hai câu này liên kết người chết—chứ không phải một hình thức nào đó của con người ở thế giới bên kia—với âm phủ.

6 Lời tường thuật nơi Sáng-thế Ký cho biết Giô-sép được làm người cai quản lương thực ở xứ Ê-díp-tô. Vì thế, Gia-cốp đã có thể đến Ê-díp-tô để vui vẻ đoàn tụ với Giô-sép. Rồi ông ngụ tại xứ đó đến khi được 147 tuổi mới qua đời. Theo lời trăng trối của ông, các con trai mang thi hài ông về chôn tại hang đá ở đồng Mặc-bê-la, thuộc xứ Ca-na-an. (Sáng-thế Ký 47:28; 49:29-31; 50:12, 13) Vì vậy, Gia-cốp được chôn cùng nơi với cha là Y-sác, và với ông nội là Áp-ra-ham.

“Về cùng tổ-phụ”

7, 8. (a) Khi chết, Áp-ra-ham đi đâu? Hãy giải thích. (b) Điều gì cho thấy những người khác cũng đi đến âm phủ khi họ chết?

7 Trước đó, khi xác nhận giao ước với Áp-ra-ham và hứa rằng dòng dõi ông sẽ trở nên nhiều, Đức Giê-hô-va cho biết điều sẽ xảy đến với ông. Ngài nói: “Còn ngươi sẽ bình-yên về nơi tổ-phụ, hưởng lộc già sung-sướng, rồi qua đời”. (Sáng-thế Ký 15:15) Và điều này xảy ra đúng như vậy. Sáng-thế Ký 25:8 ghi: “Người tuổi cao tác lớn và đã thỏa về đời mình, tắt hơi, được qui về nơi tổ-tông”. Tổ tông của ông là những ai? Sáng-thế Ký 11:10-26 liệt kê tên các tổ phụ ông ngược đến tận thời của Sem, con trai Nô-ê. Vì vậy khi chết, Áp-ra-ham về cùng tổ phụ lúc bấy giờ đang yên nghỉ nơi âm phủ.

8 Cụm từ “qui về nơi tổ-tông” hoặc những nhóm từ tương tự như “về cùng tổ-phụ”, “về nơi tổ-phụ” thường xuất hiện trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Do đó, thật hợp lý để kết luận rằng khi chết, con trai Áp-ra-ham là Ích-ma-ên và anh của Môi-se là A-rôn, cả hai đều đi đến âm phủ, nơi đó họ chờ được sống lại. (Sáng-thế Ký 25:17; Dân-số Ký 20:23-29) Thế nên, Môi-se cũng đi đến âm phủ, dù không ai biết mồ mả của ông ở đâu. (Dân-số Ký 27:13; Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:5, 6) Tương tự thế, Giô-suê, người kế nhiệm Môi-se lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, cũng như hết thảy người cùng thời ấy đều về âm phủ khi tắt thở.—Các Quan Xét 2:8-10.

9. (a) Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy từ “Sheol” trong tiếng Hê-bơ-rơ và từ “Hades” trong tiếng Hy Lạp đều chỉ về một nơi? (b) Những người ở trong âm phủ, tức Sheol hoặc Hades, có triển vọng nào?

9 Nhiều thế kỷ sau, Đa-vít lên làm vua của 12 chi phái Y-sơ-ra-ên. Khi nhắm mắt, ông “an-giấc với các tổ-phụ mình”. (1 Các Vua 2:10) Phải chăng ông cũng ở trong âm phủ? Điều đáng chú ý là vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến cái chết của Đa-vít và trích Thi-thiên 16:10: “Chúa sẽ chẳng bỏ linh-hồn tôi trong Âm-phủ [“Sheol”, NW]”. Sau khi nói rằng Đa-vít vẫn ở trong mồ, Phi-e-rơ áp dụng những lời này cho Chúa Giê-su và cho biết rằng Đa-vít “đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi Âm-phủ [“Hades”, NW], và xác-thịt Ngài chẳng thấy sự hư-nát. Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó”. (Công-vụ 2:29-32) Trong câu này Phi-e-rơ dùng từ Hy Lạp “Hades”, đồng nghĩa với từ “Sheol” trong tiếng Hê-bơ-rơ. Do đó, những ai được cho là ở trong Hades tức là ở trong Sheol. Họ đang ngủ và chờ được sống lại.

Người không công bình có ở trong âm phủ không?

10, 11. Tại sao chúng ta có thể nói rằng khi chết một số người không công bình đi đến âm phủ?

10 Sau khi Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô thì đã xảy ra một cuộc nổi loạn trong đồng vắng. Môi-se bảo dân sự tách khỏi những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn là Cô-rê, Đa-than, và A-bi-ram. Họ sẽ chết thê thảm. Môi-se giải thích: “Nếu các kẻ đó chết như mọi người khác chết, nếu họ đồng chịu số-phận chung như mọi người, thì Đức Giê-hô-va không có sai ta. Nhưng nếu Đức Giê-hô-va làm một sự thật mới, nếu đất hả miệng ra nuốt họ và mọi món chi thuộc về họ, nếu họ còn đương sống mà xuống âm-phủ, thì các ngươi sẽ biết rằng những người nầy có khinh-bỉ Đức Giê-hô-va”. (Dân-số Ký 16:29, 30) Thế nên, dù đất hả miệng ra nuốt họ hoặc lửa thiêu đốt họ như trường hợp của Cô-rê và 250 người Lê-vi theo phe ông, tất cả những kẻ phản nghịch này kết thúc cuộc đời nơi âm phủ.—Dân-số Ký 26:10.

11 Si-mê-i, kẻ nguyền rủa Vua Đa-vít, đã bị trừng phạt bởi người kế vị Đa-vít là Sa-lô-môn. Đa-vít ra lệnh: “Chớ để nó khỏi phạt, vì con là khôn-ngoan, biết thế nào phải xử nó: Con khá làm cho đầu bạc nó dính máu mà xuống âm-phủ”. Sa-lô-môn sai Bê-na-gia thi hành án tử hình Si-mê-i. (1 Các Vua 2:8, 9, 44-46) Một tội nhân khác chết dưới lưỡi gươm của Bê-na-gia là cựu tổng binh Giô-áp của Y-sơ-ra-ên. Đầu bạc của ông không “xuống âm-phủ cách bình-yên”. (1 Các Vua 2:5, 6, 28-34) Cả hai trường hợp này đều chứng thực lời một bài ca của Đa-vít được soi dẫn: “Kẻ ác sẽ bị xô xuống Âm-phủ, và các dân quên Đức Chúa Trời cũng vậy”.—Thi-thiên 9:17.

12. A-hi-tô-phe là ai, và khi chết hắn đi đâu?

12 A-hi-tô-phe là mưu sĩ của Đa-vít. Các mưu của ông được xem như đến từ Đức Giê-hô-va. (2 Sa-mu-ên 16:23) Buồn thay, người tôi tớ từng được tín nhiệm này đã trở thành kẻ phản bội và theo phe Áp-sa-lôm, con trai Đa-vít, đồng lập mưu phản nghịch. Dường như Đa-vít ám chỉ sự phản bội này khi viết: “Vì chẳng kẻ thù-nghịch sỉ-nhục tôi; bằng vậy, tôi có thể chịu được; cũng chẳng kẻ ghét tôi dấy lên cùng tôi cách kiêu-ngạo; bằng vậy, tôi đã có thể ẩn mình khỏi nó”. Đa-vít viết tiếp: “Nguyện sự chết thình-lình xảy đến chúng nó! Nguyện chúng nó còn sống phải sa xuống Âm-phủ! Vì sự ác ở nhà chúng nó, tại trong lòng chúng nó”. (Thi-thiên 55:12-15) Khi chết, A-hi-tô-phe và đồng bọn đi đến âm phủ.

Ai ở trong Ghê-hen-na?

13. Tại sao Giu-đa bị gọi là “đứa con của sự hư-mất”?

13 Hãy so sánh hoàn cảnh của Đa-vít với hoàn cảnh mà Đa-vít Lớn là Chúa Giê-su đã trải qua. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, một trong 12 sứ đồ của Đấng Christ, đã trở thành kẻ phản bội như A-hi-tô-phe. Hành động bất trung của Giu-đa nghiêm trọng hơn nhiều so với A-hi-tô-phe. Hắn đã phản bội Con một của Đức Chúa Trời. Vào cuối giai đoạn thánh chức trên đất, Con của Đức Chúa Trời đã nói về các môn đồ ngài trong lời cầu nguyện: “Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn-giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con. Con đã gìn-giữ họ, trừ đứa con của sự hư-mất ra, thì trong đám họ không một người nào bị thất-lạc, hầu cho lời Kinh-thánh được ứng-nghiệm”. (Giăng 17:12) Khi nói Giu-đa là “đứa con của sự hư-mất”, Chúa Giê-su cho thấy một khi đã chết thì hắn không có hy vọng được sống lại. Hắn không được ghi trong ký ức của Đức Chúa Trời. Hắn không đi đến âm phủ, nhưng đi đến Ghê-hen-na. Vậy, Ghê-hen-na là gì?

14. Ghê-hen-na tượng trưng cho điều gì?

14 Chúa Giê-su lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời ngài bởi vì họ đã làm cho những người theo họ trở nên “người địa-ngục [“Ghê-hen-na”, NW]”. * (Ma-thi-ơ 23:15) Vào thời đó, người ta quen thuộc với Trũng Hi-nôm, một nơi dùng để đổ rác và là nơi để ném thây tử tội, những kẻ bị xem không đáng được chôn cất tử tế. Trước đó, chính Chúa Giê-su đã đề cập đến Ghê-hen-na trong Bài Giảng trên Núi. (Ma-thi-ơ 5:29, 30) Những người nghe ngài đều hiểu rõ nghĩa bóng của từ Ghê-hen-na. Ghê-hen-na tượng trưng cho sự hủy diệt vĩnh viễn, không có hy vọng sống lại. Ngoài Giu-đa Ích-ca-ri-ốt vào thời Chúa Giê-su, có ai khác cũng vào Ghê-hen-na thay vì đến âm phủ khi chết không?

15, 16. Những ai đi đến Ghê-hen-na khi chết, và tại sao họ đến đấy?

15 Hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va được tạo nên cách hoàn hảo. Họ đã cố ý phạm tội. Họ có hai lựa chọn là sự sống đời đời hoặc sự chết. Hai người đã không vâng lời Đức Chúa Trời và theo phe Sa-tan. Khi chết, họ không có triển vọng nhận được lợi ích từ sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ. Vì vậy, cả hai đều vào Ghê-hen-na.

16 Ca-in, con trai đầu lòng của A-đam, đã giết em trai là A-bên và sau đó phải sống cuộc đời của kẻ chạy trốn. Sứ đồ Giăng miêu tả Ca-in là “kẻ thuộc về ma-quỉ”. (1 Giăng 3:12) Thật hợp lý để kết luận rằng khi chết, hắn sẽ vào Ghê-hen-na như cha mẹ hắn. (Ma-thi-ơ 23:33, 35) Quả tương phản với trường hợp của người công bình A-bên biết bao! Phao-lô giải thích: “Bởi đức-tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế-lễ tốt hơn của Ca-in, và được xưng công-bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ-vật ấy”. Ông nói thêm: “Lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói”. (Hê-bơ-rơ 11:4) Thật vậy, A-bên đang ở trong âm phủ chờ được sống lại.

Sự sống lại “thứ nhất” và sự sống lại “tốt hơn”

17. (a) Trong “kỳ định cuối-cùng”, những ai sẽ đến âm phủ? (b) Những người ở trong âm phủ có triển vọng nào, còn những người ở trong Ghê-hen-na thì sao?

17 Nhiều người khi biết điều này sẽ thắc mắc về tình trạng của những người chết trong “kỳ định cuối-cùng”. (Đa-ni-ên 8:19) Chương 6 của sách Khải-huyền miêu tả bốn người cưỡi ngựa trong thời kỳ này. Điều đáng chú ý là người cưỡi ngựa cuối cùng mang tên Sự chết, và theo sau người là Âm-phủ. Vì vậy trong thời gian người cưỡi ngựa chạy, nhiều người sớm đi đến âm phủ, nơi đó họ chờ được sống lại trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 6:8) Vậy, những người ở trong âm phủ có triển vọng nào, còn những người ở trong Ghê-hen-na thì sao? Nói một cách đơn giản, sự sống lại dành cho những người ở trong âm phủ; sự hủy diệt vĩnh viễn—tức không hiện hữu nữa—dành cho những người trong Ghê-hen-na.

18. “Sự sống lại thứ nhất” mang lại triển vọng nào?

18 Sứ đồ Giăng viết: “Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị-vì với Ngài trong một ngàn năm”. Những người sẽ đồng cai trị với Đấng Christ nhận được “sự sống lại thứ nhất”, nhưng có hy vọng nào cho những người khác?—Khải-huyền 20:6.

19. Một số người được lợi ích thế nào từ “sự sống lại tốt hơn”?

19 Từ thời những tôi tớ của Đức Chúa Trời là Ê-li và Ê-li-sê, phép lạ về sự sống lại đã làm người chết hồi sinh. Phao-lô kể: “Có người đàn-bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ-tợn mà không chịu giải-cứu, để được sự sống lại tốt hơn”. Đúng thế, những người giữ lòng trung kiên này trông đợi sự sống lại, không phải chỉ để sống thêm một ít năm rồi chết, mà là có triển vọng được sống đời đời! Đó quả là “sự sống lại tốt hơn”.—Hê-bơ-rơ 11:35.

20. Bài tới sẽ xem xét điều gì?

20 Nếu chúng ta giữ lòng trung thành nhưng vì lý do nào đó chết trước khi Đức Giê-hô-va kết liễu hệ thống gian ác này, chúng ta có hy vọng chắc chắn về “sự sống lại tốt hơn”, tốt hơn vì có triển vọng sống đời đời. Chúa Giê-su hứa: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi”. (Giăng 5:28, 29) Trong bài kế chúng ta xem xét kỹ hơn về mục đích của sự sống lại. Bài đó sẽ cho thấy làm thế nào hy vọng về sự sống lại giúp chúng ta vững mạnh hầu giữ lòng trung kiên và phát huy tinh thần hy sinh.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao Đức Giê-hô-va được miêu tả là Đức Chúa Trời “của kẻ sống”?

• Tình trạng của những người ở trong âm phủ là thế nào?

• Kết cuộc nào cho những người ở trong Ghê-hen-na?

• Một số người sẽ được lợi ích thế nào từ “sự sống lại tốt hơn”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Như Áp-ra-ham, những ai đến âm phủ có triển vọng được sống lại

[Các hình nơi trang 16]

Tại sao A-đam, Ê-va, Ca-in và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đến Ghê-hen-na?

[Chú thích]

^ đ. 14 Bản Kinh Thánh của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội dịch từ Hy Lạp “Ghê-hen-na”, một từ chỉ về Trũng Hi-nôm, là “địa ngục”.