Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dù yếu đuối, nhưng tôi mạnh mẽ

Dù yếu đuối, nhưng tôi mạnh mẽ

Tự Truyện

Dù yếu đuối, nhưng tôi mạnh mẽ

DO LEOPOLD ENGLEITNER KỂ LẠI

Viên sĩ quan SS rút súng ra, gí vào thái dương tôi và hỏi: “Mày đã sẵn sàng chết chưa? Tao sẽ bóp cò vì mày quả thuộc loại bất trị”. Cố gắng giữ giọng bình tĩnh, tôi trả lời: “Tôi đã sẵn sàng”. Tôi chuẩn bị tinh thần, nhắm mắt lại, và đợi ông ta bóp cò, nhưng không có gì xảy ra. Ông ta hét lên: “Mày quá ngu, chết không đáng!”, rồi ông rút súng lại. Tôi đã rơi vào tình huống nguy hiểm này như thế nào?

TÔI sinh ngày 23-7-1905 tại Aigen-Voglhub, một thị trấn ẩn mình trong rặng núi Alps ở Áo. Tôi là con trai trưởng trong một gia đình có cha là công nhân xưởng cưa và mẹ là con gái của một nông dân địa phương. Cha mẹ tôi nghèo nhưng chịu khó làm việc. Thời niên thiếu, tôi sống ở Bad Ischl, gần Salzburg, giữa những hồ nước thơ mộng và ngọn núi ngoạn mục.

Khi còn nhỏ, tôi thường nghĩ về sự bất công trong cuộc sống, không chỉ vì nhà tôi nghèo nhưng cũng vì tôi bị vẹo xương sống từ lúc bẩm sinh. Khuyết tật này khiến lưng tôi đau đến độ hầu như không đứng thẳng được. Ở trường, tôi không thể học môn thể dục nên thường bị bạn học chế nhạo.

Vào cuối Thế Chiến I, khi mới gần 14 tuổi, tôi quyết định đã đến lúc phải kiếm việc làm để thoát khỏi cảnh nghèo nàn. Cái đói cồn cào luôn là bạn đồng hành của tôi. Tôi bị yếu đi vì những cơn sốt gây ra bởi bệnh cúm Tây Ban Nha, một dịch bệnh đã đưa hàng triệu người xuống mồ. Khi tôi xin việc làm thì phản ứng của hầu hết chủ nông trại là: “Một người ốm yếu như cậu thì làm được gì?” Tuy nhiên, một chủ nông trại nhân từ đã mướn tôi.

Xúc động vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời

Mặc dù mẹ là người Công Giáo sùng đạo, nhưng tôi và em trai không bị ép đi nhà thờ, lý do chính là vì cha cởi mở về vấn đề tôn giáo. Còn tôi, tôi thấy khó chịu với việc thờ tượng ảnh vốn thịnh hành trong Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Một ngày kia vào tháng 10 năm 1931, một người bạn mời tôi theo anh đến dự buổi họp tôn giáo của Các Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời đó. Tại đây, tôi được giải đáp nhiều câu hỏi quan trọng bằng Kinh Thánh, chẳng hạn như: Thờ ảnh tượng có làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không? (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5) Thật sự có hỏa ngục không? (Truyền-đạo 9:5) Người chết có được sống lại không?—Giăng 5:28, 29.

Điều gây ấn tượng cho tôi nhất là sự kiện Đức Chúa Trời không chấp nhận những cuộc chiến tranh tàn bạo của con người, ngay cả khi họ tuyên bố là chiến đấu vì danh Ngài. Tôi học biết “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” và Ngài có danh cao cả là Giê-hô-va. (1 Giăng 4:8; Thi-thiên 83:18) Tôi sung sướng khi biết rằng qua Nước của Đức Giê-hô-va, con người có thể được sống đời đời trong hạnh phúc trên trái đất sẽ thành địa đàng. Tôi cũng học biết triển vọng tuyệt diệu dành cho một số người bất toàn, được Đức Chúa Trời kêu gọi để cùng với Chúa Giê-su phụng sự trong Nước Trời. Điều này trở thành hy vọng của tôi. Tôi sẵn sàng làm mọi việc vì Nước đó. Vì thế, vào tháng 5 năm 1932, tôi báp têm và trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va. Bước này đòi hỏi sự can đảm vì thành kiến về tôn giáo rất mạnh ở Áo, một nước đa số theo Công Giáo vào thời đó.

Bị khinh bỉ và chống đối

Cha mẹ tôi kinh hoàng khi tôi bỏ nhà thờ, và vị linh mục mau chóng dùng bục giảng loan tin đi. Những người lối xóm khạc nhổ xuống đất trước mặt tôi để biểu lộ sự khinh bỉ. Dù vậy, tôi cương quyết gia nhập hàng ngũ những người truyền giáo trọn thời gian. Tôi bắt đầu làm tiên phong từ tháng Giêng năm 1934.

Tình hình chính trị mỗi lúc trở nên căng thẳng hơn vì đảng Quốc Xã đang gây được ảnh hưởng lớn trong tỉnh chúng tôi. Trong thời gian làm tiên phong ở lưu vực Sông Enns vùng Styria, tôi luôn bị cảnh sát bám sát gót nên phải “khôn-khéo như rắn”. (Ma-thi-ơ 10:16) Từ năm 1934 đến 1938, tôi bị bắt bớ liên miên. Mặc dù bị thất nghiệp, tôi vẫn không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, và tôi còn bị một số án tù ngắn hạn và bốn án tù dài hạn vì hoạt động rao giảng.

Quân Hitler chiếm Áo

Vào tháng 3 năm 1938, quân của Hitler tiến vào Áo. Chỉ trong vài ngày, hơn 90.000 người—khoảng 2 phần trăm người lớn—đã bị bắt giải đến các nhà tù và trại tập trung vì bị buộc tội chống lại chế độ Quốc Xã. Nhân Chứng Giê-hô-va đã được chuẩn bị phần nào để đối phó với những gì sẽ xảy ra. Vào mùa hè năm 1937, một số anh chị trong hội thánh của tôi đã vượt quãng đường dài 350 kilômét đến Prague bằng xe đạp để tham dự đại hội quốc tế. Tại đại hội này, họ được nghe về anh em đồng đạo ở Đức bị đối xử tàn bạo. Rõ ràng bây giờ đến lượt chúng tôi.

Từ ngày quân Hitler đặt chân lên nước Áo, các buổi họp và hoạt động rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va bị buộc phải tổ chức bí mật. Mặc dù sách báo về Kinh Thánh được lén đưa vào qua biên giới Thụy Sĩ, nhưng không đủ để phân phát cho mọi người. Vì vậy, các anh em ở Vienna bí mật in thêm. Tôi thường được dùng làm người giao sách báo cho các Nhân Chứng.

Đến trại tập trung

Vào ngày 4-4-1939, tôi cùng với ba anh khác bị mật vụ Gestapo bắt trong khi đang cử hành Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ ở Bad Ischl. Ba anh kia bị giải đến trại tập trung và chết ở đây. Các anh đã giữ được lòng trung thành cho đến cuối cùng. Còn tôi, họ chở đến trụ sở cảnh sát quốc gia ở Linz. Đó là lần đầu tiên tôi được đi xe hơi, nhưng tôi không thấy thích thú gì mấy vì đang trong tâm trạng lo lắng. Ở Linz, tôi phải trải qua hàng loạt cuộc tra khảo đau đớn, nhưng tôi không từ bỏ đức tin. Năm tháng sau, tôi được đem ra trước vị thẩm phán Tòa Thượng Thẩm Áo để xét xử. Thật bất ngờ, việc truy tố tôi bị bãi bỏ; thế nhưng sự thử thách chưa hết.

Tôi bị giam giữ, và vào ngày 5-10-1939, tôi được báo là sẽ bị giải đến trại tập trung Buchenwald ở Đức. Một chuyến xe hỏa đậu tại nhà ga ở Linz để chờ chở tù nhân. Mỗi toa được chia thành những gian nhỏ chứa hai người. Người ở cùng gian với tôi không ai khác hơn là Tiến Sĩ Heinrich Gleissner, nguyên thống đốc Vùng Thượng nước Áo.

Tiến Sĩ Gleissner và tôi bắt đầu một cuộc nói chuyện lý thú. Ông thành thật quan tâm đến cảnh ngộ khốn khổ của tôi và tỏ ra sửng sốt khi biết ngay trong thời gian ông cầm quyền, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng gặp phải vô vàn vấn đề về pháp lý trong tỉnh của ông. Ông ân hận nói với tôi: “Thưa ông Engleitner, tôi không thể sửa chữa được sai lầm đó, nhưng tôi thật sự muốn xin lỗi. Dường như chính quyền của chúng tôi đã có lỗi không thi hành công lý. Sau này, nếu ông cần giúp bất cứ việc gì, tôi sẵn lòng làm trong khả năng của tôi”. Sau khi chiến tranh chấm dứt, chúng tôi có dịp gặp lại nhau. Ông đã giữ lời hứa và đã giúp Nhân Chứng Giê-hô-va trong vùng quê hương của tôi có được giấy phép cần thiết để xây cất các Phòng Nước Trời.

“Tao sẽ bắn mày”

Vào ngày 9-10-1939, tôi tới trại tập trung Buchenwald. Chẳng bao lâu sau đó, người ta báo cho ông coi trại biết là trong số những tù nhân mới đến có một Nhân Chứng, và tôi trở thành mục tiêu của ông ta. Ông đánh đập tôi cách thô bạo. Rồi sau khi thấy không thể làm cho tôi từ bỏ đức tin, ông ta nói: “Engleitner, tao sẽ bắn mày. Nhưng trước khi bắn, tao sẽ để mày viết thư vĩnh biệt cha mẹ mày”. Tôi nghĩ đến những lời an ủi mà tôi sẽ viết cho cha mẹ, nhưng mỗi lần đặt bút viết, ông ta lại hích vào khuỷu tay phải của tôi, làm cho chữ viết nguệch ngoạc. Ông chế giễu: “Thằng ngốc! Viết có hai hàng thẳng mà cũng không nên thân. Vậy mà cũng bày đặt đọc Kinh Thánh”.

Kế đến, ông ta rút súng ra, gí vào đầu tôi, và làm cho tôi tin là ông ta sẽ bóp cò, như đã kể ở trên. Rồi ông đẩy tôi vào phòng nhỏ chật ních người. Tôi phải đứng cả đêm. Dù sao tôi cũng chẳng ngủ được vì cả người nhức nhối. “Chết vì một cái đạo điên khùng thì thật là uổng phí”, đó là lời “an ủi” duy nhất mà bạn tù cùng phòng dành cho tôi. Tiến Sĩ Gleissner bị giam ngay phòng bên. Ông nghe được những gì đã xảy ra và nói một cách sâu sắc: “Việc bắt bớ tín đồ Đấng Christ lại tái diễn một cách tồi tệ!”

Vào mùa hè năm 1940, tất cả các tù nhân được lệnh trình diện để làm việc ở mỏ đá vào ngày Chủ Nhật, mặc dù tù nhân thường được nghỉ ngày này. Đây là biện pháp trả thù vì một số tù nhân “có hạnh kiểm xấu”. Chúng tôi được lệnh vác những tảng đá lớn từ mỏ về trại. Hai tù nhân cố đặt một tảng đá lớn lên lưng tôi và tôi suýt ngã quỵ vì quá nặng. Tuy nhiên, Arthur Rödl, viên Lagerführer (chỉ huy trại) đáng sợ bất thình lình đến cứu tôi. Khi thấy tôi cố gắng vác tảng đá cách khổ sở, ông nói: “Mày sẽ chẳng bao giờ trở về trại được với tảng đá này trên lưng! Bỏ xuống ngay!” Đó là lệnh mà tôi vui lòng vâng theo. Rồi ông Rödl chỉ vào một cục đá nhỏ hơn nhiều và nói: “Lấy cục đá đó và đem về trại. Nó dễ vác hơn!” Sau đó, ông quay sang viên cai tù và ra lệnh: “Hãy để các Học Viên Kinh Thánh về trại. Họ đã làm việc đủ cho một ngày rồi!”

Cuối mỗi ngày làm việc, tôi luôn luôn sung sướng kết hợp với gia đình thiêng liêng của mình. Chúng tôi có sự sắp đặt để chuyền nhau đồ ăn thiêng liêng. Một anh viết một câu Kinh Thánh trên mảnh giấy vụn và chuyền qua các anh khác. Một quyển Kinh Thánh cũng được lén đưa vào trại và được tháo ra theo từng sách nhỏ. Tôi được giao giữ sách Gióp trong ba tháng. Tôi giấu sách đó trong vớ. Lời tường thuật trong sách Gióp đã giúp tôi tiếp tục đứng vững.

Cuối cùng, vào ngày 7-3-1941, tôi cùng với một đoàn đông đảo tù nhân được chuyển đến trại tập trung Niederhagen. Tình trạng của tôi mỗi ngày một tệ hơn. Một ngày kia, tôi và hai anh khác được lệnh dọn hết dụng cụ vào những cái sọt. Sau khi dọn xong, chúng tôi đi theo một toán lính SS về trại. Một người lính thấy tôi không theo kịp toán mà bị lùi lại đằng sau, ông ta giận dữ đến độ đá tôi một cách tàn nhẫn từ phía sau mà không cảnh cáo trước. Cú đá làm tôi đau điếng, nhưng dù đau ngày hôm sau tôi vẫn đi làm.

Bất ngờ được thả

Vào tháng 4 năm 1943, cuối cùng trại Niederhagen được di tản. Sau đó, tôi được chuyển đến trại tử hình ở Ravensbrück. Rồi tháng 6 năm 1943, bất ngờ tôi được thả ra khỏi trại tập trung nhưng lần này, điều kiện không phải là từ bỏ đức tin mà là lao động chung thân ở một nông trại. Tôi sẵn lòng nhận điều kiện này để thoát khỏi những sự kinh hoàng trong trại. Tôi đến phòng bác sĩ của trại để kiểm tra sức khỏe lần cuối cùng. Bác sĩ ngạc nhiên khi thấy tôi. Ông kêu lên: “Ủa, anh vẫn còn là một Nhân Chứng Giê-hô-va!” Tôi đáp: “Đúng thế, thưa Bác Sĩ”. “Vậy trong trường hợp này tôi thấy không có lý do để thả anh ra. Nhưng tống khứ được một tên khốn khổ như anh là một sự nhẹ nhõm”.

Lời nói đó không thổi phồng quá đáng. Tình trạng sức khỏe của tôi thật sự nguy kịch. Một phần da của tôi mất đi vì bị chấy rận ăn, các cuộc đánh đập đã làm một tai tôi điếc, và cả thân thể tôi đầy những vết thương mưng mủ. Sau 46 tháng bị giam cầm, đói khát liên miên, bị cưỡng bách lao động, tôi chỉ còn nặng 28 ký. Trong tình trạng đó, tôi đã được thả ra khỏi Ravensbrück vào ngày 15-7-1943.

Tôi được thả về nhà bằng xe lửa mà không có lính đi kèm, và tôi phải trình diện với sở mật vụ Gestapo ở Linz. Viên sĩ quan Gestapo đưa cho tôi giấy ra trại và cảnh cáo: “Nếu anh tưởng chúng tôi thả anh để rồi anh tiếp tục hoạt động bí mật thì anh lầm to! Nếu chúng tôi lại bắt gặp anh rao giảng thì chỉ có ông Trời mới giúp anh được”.

Cuối cùng tôi về đến nhà! Mẹ không thay đổi một vật gì trong phòng của tôi kể từ khi tôi bị bắt lần đầu vào ngày 4-4-1939. Ngay cả quyển Kinh Thánh của tôi vẫn còn để mở trên cái bàn cạnh giường! Tôi quỳ xuống và dâng những lời cám ơn chân thành.

Chẳng bao lâu sau đó, tôi được chỉ định làm việc ở một nông trại trên núi. Chủ nông trại, bạn thời niên thiếu của tôi, trả cho tôi khoản lương nho nhỏ, mặc dù anh không bắt buộc làm thế. Trước chiến tranh, người bạn này đã cho tôi giấu một số sách báo trong nông trại của anh. Tôi sung sướng tận dụng kho sách báo nhỏ đó để được củng cố về thiêng liêng. Tất cả những gì cần tôi đều có, và tôi cương quyết ở nông trại cho đến khi chiến tranh chấm dứt.

Ẩn trốn trên núi

Tuy nhiên, những ngày tự do đó thật ngắn ngủi. Vào giữa tháng 8 năm 1943, tôi được lệnh trình diện với một bác sĩ quân y để kiểm tra sức khỏe. Đầu tiên, ông tuyên bố tôi không đủ sức khỏe để nhập ngũ vì xương sống bị cong. Rồi một tuần lễ sau, cũng vị bác sĩ đó sửa lại: “Đủ điều kiện để nhập ngũ đi tác chiến”. Trong một thời gian, quân đội không kiếm được tôi, nhưng vào ngày 17-4-1945, ngay trước khi chiến tranh chấm dứt, họ đã bắt được tôi. Tôi bị gọi nhập ngũ đi tác chiến.

Đem theo ít đồ dùng và một quyển Kinh Thánh, tôi trốn lên núi gần đó để ẩn núp. Thoạt đầu, tôi có thể ngủ ở ngoài trời, nhưng thời tiết trở nên xấu hơn, tuyết rơi xuống đến nửa mét. Tôi bị ướt hết cả người. Tôi leo tới một căn nhà gỗ nhỏ trên núi, ở độ cao gần 1.200 mét trên mực nước biển. Run lẩy bẩy, tôi đốt lửa trong lò sưởi để sưởi ấm và sấy khô quần áo. Mệt quá, tôi ngủ mê trên chiếc ghế dài trước lò sưởi. Chẳng bao lâu, tôi giật mình thức giấc vì bị đau rát. Lửa bắt vào quần áo tôi! Tôi lăn tròn trên nền nhà để dập tắt lửa. Cả lưng tôi đầy vết bỏng.

Tôi liều lén trở lại nông trại trên núi trước khi trời sáng, nhưng vợ của người chủ quá sợ hãi nên đã đuổi tôi đi, và cho tôi biết người ta đang lùng bắt tôi. Vì vậy, tôi về nhà cha mẹ. Lúc đầu, cha mẹ tôi cũng ngần ngại để tôi vào nhà, nhưng cuối cùng họ cho tôi ngủ trong vựa cỏ khô và mẹ chăm sóc các vết thương cho tôi. Tuy nhiên, sau hai ngày, cha mẹ tôi quá lo âu nên tôi phải quyết định tốt nhất là lại ẩn trốn trên núi.

Vào ngày 5-5-1945, tôi thức giấc vì tiếng vang ầm ầm. Tôi thấy máy bay của Đồng Minh bay thấp. Lúc đó, tôi biết chế độ Hitler đã bị lật đổ. Thánh linh của Đức Giê-hô-va đã cho tôi sức mạnh để chịu đựng sự thử thách ngoài sức tưởng tượng. Tôi đã nghiệm được sự thật của những lời ghi trong Thi-thiên 55:22. Câu này đã an ủi tôi rất nhiều trong những ngày đầu của sự thử thách. Tôi đã ‘trao gánh-nặng cho Đức Giê-hô-va’ và đã được Ngài nâng đỡ khi tôi bước qua “trũng bóng chết” với thân xác yếu đuối.—Thi-thiên 23:4.

Sức mạnh của Đức Giê-hô-va “nên trọn-vẹn trong sự yếu-đuối”

Sau chiến tranh, cuộc sống dần dần trở lại bình thường. Lúc đầu, tôi làm công cho người bạn, chủ nông trại trên núi. Chỉ sau khi có sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 1946, tôi mới không còn bị bắt buộc phải lao động chung thân ở nông trại nữa.

Khi chiến tranh chấm dứt, anh em tín đồ Đấng Christ ở Bad Ischl và ở vùng chung quanh bắt đầu nhóm họp đều đặn. Họ bắt đầu rao giảng với lòng hăng hái mới. Tôi tìm được công việc gác đêm tại một cơ xưởng và nhờ vậy có thể tiếp tục làm tiên phong. Cuối cùng tôi đến sống ở thành phố St. Wolfgang, và vào năm 1949, tôi kết hôn với Theresia Kurz, một chị tín đồ Đấng Christ gương mẫu. Theresia có một con gái riêng từ cuộc hôn nhân trước. Chúng tôi sống với nhau được 32 năm, luôn luôn đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong cuộc sống. Vì bị bệnh đái tháo đường nặng, người vợ yêu dấu của tôi qua đời vào năm 1981. Tôi đã chăm sóc vợ hơn bảy năm.

Sau khi Theresia qua đời, tôi làm tiên phong trở lại. Công việc này đã giúp tôi vượt qua được sự mất mát lớn lao. Hiện tôi đang làm tiên phong và trưởng lão trong hội thánh ở Bad Ischl. Vì ngồi xe lăn, tôi mời người ta nhận sách báo về Kinh Thánh và nói về hy vọng Nước Trời với người ta ở công viên Bad Ischl hoặc trước nhà tôi. Những cuộc thảo luận thú vị về Kinh Thánh là nguồn vui lớn cho tôi.

Khi nghĩ về quá khứ, tôi có thể khẳng định rằng những kinh nghiệm hãi hùng mà tôi buộc phải chịu đựng không hề làm tôi cay đắng. Tất nhiên, có những lúc tôi cảm thấy nản lòng vì sự thử thách. Tuy nhiên, mối quan hệ ấm áp với Đức Giê-hô-va đã giúp tôi vượt được những giai đoạn tiêu cực đó. Chúa đã khuyên nhủ Phao-lô: “Sức-mạnh của ta nên trọn-vẹn trong sự yếu-đuối”. Lời này cũng đã chứng tỏ là đúng với đời tôi. Nay gần 100 tuổi, tôi có thể cùng với sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu-đuối, nhuốc-nhơ, túng-ngặt, bắt-bớ, khốn-khó; vì khi tôi yếu-đuối, ấy là lúc tôi mạnh-mẽ”.— 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10.

[Các hình nơi trang 25]

Bị mật vụ Gestapo bắt vào tháng 4 năm 1939

Tài liệu kết tội của mật vụ Gestapo, tháng 5 năm 1939

[Nguồn tư liệu]

Cả hai hình: Privatarchiv; B. Rammerstorfer

[Hình nơi trang 26]

Những rặng núi cung cấp nơi ẩn náu

[Nguồn tư liệu nơi trang 23]

Foto Hofer, Bad Ischl, Austria