Sự sống lại—Một dạy dỗ có liên quan đến bạn
Sự sống lại—Một dạy dỗ có liên quan đến bạn
“Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời... là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”.—CÔNG-VỤ 24:15.
1. Tại sao sự sống lại đã trở thành vấn đề tranh cãi trước Tòa Công Luận?
CUỐI chuyến hành trình truyền giáo lần thứ ba vào năm 56 CN, sứ đồ Phao-lô ở thành Giê-ru-sa-lem. Sau khi bị người La Mã bắt, ông được dẫn đến trước Tòa Công Luận, tòa án tối cao của Do Thái. (Công-vụ 22:29, 30) Khi quan sát các thành viên của phiên tòa, Phao-lô nhận thấy có một số là người Sa-đu-sê và số khác là người Pha-ri-si. Hai nhóm này khác nhau ở một điểm nổi bật. Người Pha-ri-si tin nơi sự sống lại còn người Sa-đu-sê thì không. Để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, Phao-lô tuyên bố: “Hỡi anh em, tôi là người Pha-ri-si, con của dòng Pha-ri-si. Ấy là vì sự trông-cậy của chúng ta và sự sống lại của những kẻ chết mà tôi phải chịu xử-đoán”. Vì câu nói này của Phao-lô mà phiên tòa trở nên xáo động!—Công-vụ 23:6-9.
2. Tại sao Phao-lô sẵn sàng để trả lời về niềm tin của ông nơi sự sống lại?
2 Nhiều năm trước đó, trong một sự hiện thấy trên đường đến thành Đa-mách, Phao-lô đã nghe tiếng của Chúa Giê-su. Thậm chí ông còn hỏi Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, tôi phải làm chi?” Ngài đáp: “Hãy chờ dậy, đi đến thành Đa-mách, ở đó người ta sẽ nói mọi điều đã truyền cho ngươi làm”. Khi đến thành Đa-mách, một môn đồ Đấng Christ tên là A-na-nia đến gặp Phao-lô và giải thích: “Đức Chúa Trời của tổ-phụ chúng ta đã định cho anh được biết ý-muốn Chúa, được thấy Đấng Công-bình [Chúa Giê-su sau khi sống lại] và nghe lời nói từ miệng Ngài”. (Công-vụ 22:6-16) Vì vậy, việc Phao-lô sẵn sàng để trả lời về niềm tin của ông nơi sự sống lại không có gì đáng ngạc nhiên.—1 Phi-e-rơ 3:15.
Công khai rao truyền hy vọng về sự sống lại
3, 4. Phao-lô đã chứng tỏ là người nhất quyết bênh vực niềm tin về sự sống lại như thế nào, và qua gương của ông chúng ta có thể học được gì?
3 Sau đó Phao-lô được đưa đến trước Quan Tổng Đốc Phê-lít. Lần này, “nhà diễn-thuyết” tên là Tẹt-tu-lu, biện hộ cho bên nguyên cáo người Giu-đa, tố Phao-lô là kẻ cầm đầu một giáo phái và xui dân làm loạn. Phao-lô đáp ngay: “Trước mặt quan, tôi nhận rằng theo như đạo mà họ gọi là một phe-đảng, tôi thờ-phượng Đức Chúa Trời của tổ-phụ tôi”. Rồi đến vấn đề chính, ông nói tiếp: “Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời, như chính họ cũng có vậy, tức là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”.—Công-vụ 23:23, 24; 24:1-8, 14, 15.
4 Khoảng hai năm sau, người kế nhiệm Phê-lít là Bốt-tiu Phê-tu mời Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba cùng ông thẩm vấn tù nhân Phao-lô. Phê-tu giải thích rằng bên nguyên cáo phản đối lời của Phao-lô về “một tên Jêsus đã chết kia... còn sống”. Phao-lô biện hộ bằng cách hỏi: Công-vụ 24:27; 25:13-22; 26:8, 22, 23) Phao-lô quả là một người nhất quyết bênh vực niềm tin nơi sự sống lại! Như Phao-lô, chúng ta cũng có thể rao truyền với lòng tin chắc rằng sẽ có sự sống lại. Nhưng chúng ta biết mình có thể gặp phản ứng nào? Rất có thể là những phản ứng như Phao-lô đã gặp.
“Các ông há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng Đức Chúa Trời khiến những kẻ chết sống lại sao?” Rồi ông nói: “Nhờ ơn Đức Chúa Trời bảo-hộ, tôi còn sống đến ngày nay, làm chứng cho các kẻ lớn nhỏ, không nói chi khác hơn là điều các đấng tiên-tri và Môi-se đã nói sẽ đến, tức là Đấng Christ phải chịu thương-khó, và bởi sự sống lại trước nhứt từ trong kẻ chết, phải rao-truyền ánh sáng ra cho dân-sự và người ngoại”. (5, 6. (a) Lời giảng của các sứ đồ về sự sống lại dẫn đến phản ứng nào? (b) Khi chúng ta bày tỏ hy vọng về sự sống lại, điều gì là quan trọng?
5 Hãy xem điều xảy ra trước đó trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai của Phao-lô (khoảng năm 49-52 CN) khi ông đến thành A-thên. Ông lý luận với những người tin vào nhiều thần thánh và khuyên họ để ý đến ý định của Đức Chúa Trời là Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian qua một đấng do Ngài bổ nhiệm. Đấng ấy không ai khác ngoài Chúa Giê-su. Phao-lô giải thích rằng Đức Chúa Trời đảm bảo điều này bằng cách cho Chúa Giê-su sống lại. Họ phản ứng thế nào? Chúng ta đọc: “Khi chúng nghe nói về sự sống lại của kẻ chết, kẻ thì nhạo-báng, người thì nói rằng: Lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó”.—Công-vụ 17:29-32.
6 Đó cũng chính là phản ứng mà Phi-e-rơ và Giăng đã gặp, không lâu sau ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Một lần nữa người Sa-đu-sê là những nhân vật chính trong cuộc tranh cãi. Công-vụ 4:1-4 tường thuật chuyện đã xảy ra: “Phi-e-rơ và Giăng đương nói với dân-chúng, thì các thầy tế-lễ, quan coi đền-thờ, và người Sa-đu-sê thoạt đến, tức mình vì hai người dạy dân-chúng và rao-truyền, nhân Đức Chúa Jêsus, sự từ kẻ chết sống lại”. Nhưng những người khác thì phản ứng thuận lợi. “Nhiều người đã nghe đạo thì tin, số tín-đồ lên đến độ năm ngàn”. Bởi lẽ đó chúng ta biết mình có thể gặp nhiều phản ứng khác nhau khi nói về hy vọng nơi sự sống lại. Vì vậy, điều quan trọng là củng cố đức tin của chúng ta về sự dạy dỗ này.
Đức tin và sự sống lại
7, 8. (a) Như được đề cập trong thư gửi hội thánh Cô-rinh-tô thời thế kỷ thứ nhất, làm sao đức tin có thể trở nên vô ích? (b) Làm thế nào sự hiểu biết chính xác về sự sống lại khiến tín đồ thật của Đấng Christ trở nên khác biệt?
7 Không phải tất cả những người trở thành tín đồ Đấng Christ thời thế kỷ thứ nhất CN đều dễ dàng chấp nhận hy vọng về sự sống lại. Một số người kết hợp với hội thánh Cô-rinh-tô thấy khó chấp nhận niềm tin này. Phao-lô viết cho họ: “Trước hết tôi đã dạy-dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận-lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh-thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh-thánh”. Rồi Phao-lô chứng thực điều này bằng cách nói đến việc Đấng Christ sau khi sống lại đã “hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy”, ông cũng cho biết là phần lớn những người đó lúc bấy giờ vẫn còn sống. (1 Cô-rinh-tô 15:3-8) Ông lý luận thêm: “Vả, nếu giảng-dạy rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại? Nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa. Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng-dạy của chúng tôi ra luống-công, và đức-tin anh em cũng vô-ích”.—1 Cô-rinh-tô 15:12-14.
8 Thật vậy, sự sống lại là dạy dỗ căn bản đến độ nếu không tin có sự sống lại thì đức tin của tín đồ Đấng Christ trở nên vô ích. Quả thực, việc hiểu biết chính xác về sự sống lại khiến tín đồ thật của Đấng Christ khác biệt với tín đồ giả. (Sáng-thế Ký 3:4; Ê-xê-chi-ên 18:4) Do đó, sự dạy dỗ về sự sống lại được Phao-lô xem là một trong những “điều sơ-học” của đạo Đấng Christ. Mong sao chúng ta quyết tâm “tấn-tới sự trọn-lành”, tức đạt đến sự thành thục. Phao-lô khuyến giục: “Ví bằng Đức Chúa Trời cho phép, thì chúng ta sẽ làm điều đó”.—Hê-bơ-rơ 6:1-3.
Hy vọng về sự sống lại
9, 10. Theo Kinh Thánh, sự sống lại có nghĩa gì?
9 Để làm vững mạnh thêm đức tin của chúng ta nơi sự sống lại, hãy xem xét những câu hỏi sau: Theo Kinh Thánh, sự sống lại có nghĩa gì? Sự dạy dỗ về sự sống lại đề cao tình yêu thương của Đức Giê-hô-va như thế nào? Lời giải đáp cho những câu hỏi này sẽ thu hút chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn và đồng thời giúp chúng ta dạy dỗ người khác.—2 Ti-mô-thê 2:2; Gia-cơ 4:8.
10 Từ Hy Lạp được dịch là “sự sống lại” có nghĩa đen “đứng dậy lần nữa”. Cụm từ này bao hàm điều gì? Theo Kinh Thánh, hy vọng về sự sống lại là niềm tin chắc rằng người chết có thể sống lại. Kinh Thánh cũng cho biết thêm là người chết được phục sinh hoặc với thể xác thịt hoặc với thể thần linh, tùy theo người đó có hy vọng sống ở trên trời hay trên trái đất. Chúng ta cảm kích trước tình yêu thương, sự khôn ngoan và quyền năng mà Đức Giê-hô-va thể hiện qua triển vọng tuyệt diệu về sự sống lại.
11. Những tôi tớ xức dầu của Đức Chúa Trời có triển vọng nào về sự sống lại?
11 Chúa Giê-su và các anh em được xức dầu của ngài sống lại với thể thiêng liêng, tức thể thần linh, để thích hợp với nhiệm vụ ở trên trời. (1 Cô-rinh-tô 15:35-38, 42-53) Họ sẽ đồng cai trị trong Nước của Đấng Mê-si, là nước sẽ mang lại tình trạng Địa Đàng trên đất. Dưới Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Giê-su, những người xức dầu hợp thành lớp thầy tế lễ nhà vua. Họ sẽ giúp nhân loại trong thế giới mới công bình nhận được lợi ích từ sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ. (Hê-bơ-rơ 7:25, 26; 9:24; 1 Phi-e-rơ 2:9; Khải-huyền 22:1, 2) Trong khi đó, những người được xức dầu còn sống trên đất muốn duy trì vị thế được Đức Chúa Trời chấp nhận. Khi chết, họ sẽ nhận phần thưởng của mình là sự sống lại ở thể thần linh bất tử trên trời. (2 Cô-rinh-tô 5:1-3, 6-8, 10; 1 Cô-rinh-tô 15:51, 52; Khải-huyền 14:13) Phao-lô viết: “Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau”. (Rô-ma 6:5) Còn về những người được sống lại để sống trên đất thì sao? Làm thế nào hy vọng về sự sống lại có thể thu hút họ đến gần Đức Chúa Trời hơn? Chúng ta có thể học được nhiều từ gương của Áp-ra-ham.
Sự sống lại và tình bạn với Đức Giê-hô-va
12, 13. Áp-ra-ham có nền tảng vững chắc nào về niềm tin nơi sự sống lại?
12 Áp-ra-ham, được gọi là “bạn Đức Chúa Trời”, là một người có đức tin nổi bật. (Gia-cơ 2:23) Phao-lô nhắc đến đức tin của Áp-ra-ham ba lần khi nói về những người nam và người nữ trung thành nơi chương 11 của sách Hê-bơ-rơ. (Hê-bơ-rơ 11:8, 9, 17) Đến lần thứ ba, Phao-lô hướng sự chú ý vào đức tin mà Áp-ra-ham biểu lộ khi ông vâng lời dâng con mình là Y-sác làm của-lễ hy sinh. Áp-ra-ham tin chắc rằng lời hứa về dòng dõi qua Y-sác được Đức Giê-hô-va bảo đảm. Dù Y-sác có chết để làm của-lễ đi nữa, Áp-ra-ham “tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại”.
13 Rốt cuộc, khi thấy sức mạnh đức tin của Áp-ra-ham, Đức Giê-hô-va cho một con thú để thế làm của-lễ. Tuy vậy, trường hợp của Y-sác đã được dùng làm minh họa về sự sống lại như Phao-lô giải thích: “Bởi đấy ông [Áp-ra-ham] đã được lại con ông [Y-sác], và con ông đã trở nên hình bóng của sự sống lại”. (Hê-bơ-rơ 11:19, Trịnh Văn Căn) Hơn thế nữa, Áp-ra-ham đã có một nền tảng vững chắc về niềm tin nơi sự sống lại. Khi Áp-ra-ham và vợ là Sa-ra gần gũi nhau lúc tuổi tác đã cao và rồi sinh được một con trai tên là Y-sác, chẳng phải chính Đức Giê-hô-va đã phục hồi khả năng sinh sản của họ hay sao?—Sáng-thế Ký 18:10-14; 21:1-3; Rô-ma 4:19-21.
14. (a) Theo Hê-bơ-rơ 11:9, 10, Áp-ra-ham đã chờ đợi điều gì? (b) Để nhận ân phước Nước Trời trong thế giới mới, Áp-ra-ham phải nhận được gì? (c) Làm sao chúng ta có thể nhận được ân phước Nước Trời?
14 Phao-lô miêu tả Áp-ra-ham là một khách kiều ngụ và là người sống trong các lều trại “chờ-đợi một thành có nền vững-chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây-cất và sáng-lập”. (Hê-bơ-rơ 11:9, 10) Đây không phải là một thành theo nghĩa đen như thành Giê-ru-sa-lem, nơi có đền thờ của Đức Chúa Trời. Không phải vậy, thành này được hiểu theo nghĩa bóng. Đó là Nước của Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su Christ và 144.000 người cùng cai trị. Số 144.000 người trong sự vinh hiển trên trời cũng được gọi là “thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới”, là “vợ mới cưới” của Đấng Christ. (Khải-huyền 21:2) Vào năm 1914, Đức Giê-hô-va tấn phong Chúa Giê-su làm Vua Mê-si của Nước Trời và ban cho Chúa Giê-su quyền cai trị giữa những kẻ thù của ngài. (Thi-thiên 110:1, 2; Khải-huyền 11:15) Để nhận ân phước dưới sự cai trị của Nước Trời, Áp-ra-ham, “bạn Đức Chúa Trời”, phải được sống lại. Cũng vậy, nếu muốn nhận ân phước Nước Trời, chúng ta phải có mặt trong thế giới mới của Ngài, hoặc với tư cách là thành viên thuộc đám đông sống sót sau trận Ha-ma-ghê-đôn, hoặc với tư cách là người chết được sống lại. (Khải-huyền 7:9, 14) Dù vậy, nền tảng của hy vọng về sự sống lại là gì?
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời—Nền tảng của hy vọng về sự sống lại
15, 16. (a) Lời tiên tri đầu tiên trong Kinh Thánh làm nền tảng của hy vọng về sự sống lại như thế nào? (b) Làm thế nào niềm tin nơi sự sống lại có thể khiến chúng ta muốn đến gần Đức Giê-hô-va hơn?
15 Nếu có quan hệ mật thiết với Cha yêu thương trên trời, có đức tin mạnh mẽ giống như Áp-ra-ham, và vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va xem là người công bình và là bạn Ngài. Điều này giúp chúng ta hưởng lợi ích từ sự cai trị của Nước Trời. Thật vậy, chính lời tiên tri đầu tiên được tường thuật trong Kinh Thánh, nơi Sáng-thế Ký 3:15, làm nền tảng của hy vọng về sự sống lại và tình bạn với Đức Chúa Trời. Câu Kinh Thánh này không chỉ nói về việc giày đạp đầu con rắn mà ngược lại còn nói về việc Dòng Dõi người nữ của Đức Chúa Trời bị cắn gót chân. Cái chết của Chúa Giê-su trên cây khổ hình biểu trưng cho việc bị cắn gót chân. Sự sống lại của ngài vào ngày thứ ba đã chữa lành vết thương đó và khởi đầu cho hành động dứt khoát chống lại “kẻ cầm quyền sự chết, là ma-quỉ”.—Hê-bơ-rơ 2:14.
16 Phao-lô nhắc nhở: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. (Rô-ma 5:8) Lòng cảm kích trước ân điển này khiến chúng ta đến gần Chúa Giê-su và Cha yêu thương của chúng ta ở trên trời nhiều hơn.—2 Cô-rinh-tô 5:14, 15.
17. (a) Gióp đã biểu lộ niềm hy vọng nào? (b) Gióp 14:15 cho biết gì về Đức Giê-hô-va, và điều này khiến bạn cảm thấy thế nào?
17 Gióp, một người trung thành trước thời Đấng Christ, cũng đã trông chờ sự sống lại. Ông đã chịu nhiều đau khổ vì những tai họa do Sa-tan gây ra. Không như những người bạn giả hình, những người không bao giờ nói về sự sống lại, Gióp được an ủi từ niềm hy vọng này và hỏi: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!” Rồi cũng chính ông trả lời: “Trọn ngày giặc-giã tôi, tôi đợi-chờ, cho đến chừng tôi được buông-thả”. Thưa với Đức Chúa Trời của ông là Đức Giê-hô-va, Gióp giãi bày: “Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại”. Còn về cảm xúc của Đấng Tạo Hóa yêu thương, Gióp cho biết: “Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa”. (Gióp 14:14, 15) Quả vậy, Đức Giê-hô-va tha thiết mong chờ thời kỳ những người trung thành được sống lại. Khi suy ngẫm về tình yêu thương và ân điển của Ngài dành cho chúng ta ngay dù chúng ta là người bất toàn, điều này thu hút chúng ta đến gần Ngài biết bao!—Rô-ma 5:21; Gia-cơ 4:8.
18, 19. (a) Đa-ni-ên có triển vọng nào về sự sống lại? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
18 Nhà tiên tri Đa-ni-ên, theo lời miêu tả của thiên sứ Đức Chúa Trời là “người rất được yêu-quí”, đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va lâu dài. (Đa-ni-ên 10:11, 19) Trong suốt thời gian từ khi bị lưu đày vào năm 617 TCN đến lúc qua đời, lòng trung kiên của Đa-ni-ên đối với Đức Giê-hô-va không hề lay chuyển. Ít lâu trước khi qua đời, Đa-ni-ên nhận được sự hiện thấy vào năm 536 TCN, tức năm thứ ba đời vua Si-ru nước Phe-rơ-sơ. (Đa-ni-ên 1:1; 10:1) Trong sự hiện thấy đó, Đa-ni-ên thấy diễn tiến của các cường quốc thế giới sẽ kết thúc trong ngày đại nạn sắp đến. (Đa-ni-ên 11:1–12:13) Vì không thể hiểu hết ý nghĩa của sự hiện thấy, Đa-ni-ên hỏi vị thiên sứ báo tin cho ông: “Lạy chúa tôi, cuối-cùng các sự nầy sẽ ra thể nào?” Câu trả lời của thiên sứ hướng sự chú ý đến “kỳ cuối-cùng”, lúc đó “kẻ khôn-sáng sẽ hiểu”. Về phần Đa-ni-ên, ông có triển vọng nào? Vị thiên sứ cho biết: “Ngươi sẽ nghỉ-ngơi; và đến cuối-cùng những ngày, ngươi sẽ đứng trong sản nghiệp mình”. (Đa-ni-ên 12:8-10, 13) Dưới Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, Đa-ni-ên sẽ ở trong số những “kẻ công-bình sống lại”.—Lu-ca 14:14.
19 Chúng ta sống trong giai đoạn chót của ngày sau rốt và so với lúc trở thành người tin đạo, chúng ta tiến gần hơn đến thời kỳ Một Ngàn Năm Cai Trị của Đấng Christ. Vì vậy, chúng ta hãy tự vấn: ‘Tôi sẽ có mặt trong thế giới mới cùng với Áp-ra-ham, Gióp, Đa-ni-ên và những người đàn ông và đàn bà trung thành khác không?’ Chúng ta sẽ đạt được điều này nếu tiếp tục gần gũi Đức Giê-hô-va và vâng theo mệnh lệnh của Ngài. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn hy vọng về sự sống lại để biết những ai sẽ được sống lại.
Bạn có nhớ không?
• Phao-lô đã gặp phản ứng nào khi rao truyền hy vọng của ông về sự sống lại?
• Tại sao hy vọng về sự sống lại khiến tín đồ thật của Đấng Christ khác biệt với tín đồ giả?
• Làm sao chúng ta biết Áp-ra-ham, Gióp, và Đa-ni-ên đã tin nơi sự sống lại?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 8]
Phao-lô, trước Quan Tổng Đốc Phê-lít, rao truyền với lòng tin chắc về hy vọng nơi sự sống lại
[Hình nơi trang 10]
Tại sao Áp-ra-ham tin nơi sự sống lại?
[Hình nơi trang 12]
Gióp được an ủi qua hy vọng về sự sống lại
[Hình nơi trang 12]
Đa-ni-ên sẽ ở trong số những người công bình được sống lại