Óc suy xét—Tại sao lại hiếm thấy?
Óc suy xét—Tại sao lại hiếm thấy?
“ANH ta làm sao vậy? Lẽ ra anh ta phải biết chứ”, một ông nhận xét như thế. Một người khác lắc đầu bỏ đi và nói thầm: “Nếu anh ta có óc suy xét một chút thì sẽ chẳng bao giờ làm như thế”. Có lẽ bạn cũng từng nghe những lời tương tự phải không? Vậy thì “óc suy xét” có nghĩa gì?
Cụm từ này ngụ ý nói một người có khả năng phán đoán và quyết định cách thông minh. Rõ ràng óc suy xét đòi hỏi phải dùng khả năng suy luận. Ngày nay, nhiều người lại để người khác suy nghĩ giùm mình. Họ để phương tiện thông tin, bạn bè đồng lứa hoặc những quan điểm được ưa chuộng quyết định giùm họ.
Ngày nay, trong xã hội dường như hiếm thấy người ta thể hiện óc suy xét. Làm sao chúng ta có được óc suy xét? Nó mang lại lợi ích nào?
Làm sao có được?
Dẫu phải cần thời gian, suy nghĩ sâu và nỗ lực không ngừng để có sự sáng suốt và óc phán đoán đúng, nhưng chắc chắn óc suy xét là điều có thể đạt được. Hãy xem xét ba yếu tố có thể giúp chúng ta có được óc suy xét.
Học và làm theo lời khuyên của Kinh Thánh. Kinh Thánh, quyển sách được viết bằng ngôn ngữ trong sáng và lập luận chặt chẽ, là một sự giúp đỡ tuyệt vời để có được sự khôn ngoan và thông sáng. (Ê-phê-sô 1:8) Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô khuyên các tín hữu: “Phàm điều chi chân-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. (Phi-líp 4:8) Nếu luôn làm theo lời khuyên này, chúng ta biết phán đoán đúng và cách cư xử khôn khéo.
Học từ kinh nghiệm. Liên kết óc suy xét với kinh nghiệm trong cuộc sống, một nhà thơ người Thụy Sĩ nói: “Óc suy xét được... kết hợp giữa kinh nghiệm và khả năng nhìn xa trông rộng”. Thật vậy, “kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. (Châm-ngôn 14:15) Óc suy xét được phát huy nhờ khả năng quan sát, sự rèn luyện và kinh nghiệm. Với thời gian chúng ta có thể tiến bộ. Tuy nhiên, học từ chính lỗi lầm của chúng ta đòi hỏi sự khiêm nhường và nhu mì. Sự khoe khoang, xấc xược và tính hay nóng giận của người ta trong những ngày cuối cùng này không biểu lộ óc suy xét.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.
Khôn ngoan trong việc chọn bạn. Bạn bè có thể giúp phát huy hoặc mài mòn óc suy xét và sự khôn ngoan của chúng ta. Châm-ngôn 13:20 nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. (Châm-ngôn 13:20) Đối với những người không vâng theo Đức Chúa Trời và lờ đi Lời của Ngài, chúng ta không nhất thiết phải làm theo cách suy nghĩ và quan điểm của họ. Châm-ngôn 17:12 nói về điều này như sau: “Thà người ta gặp gấu cái bị cướp con, hơn là gặp kẻ ngây-dại theo điên-cuồng nó”.
Được lợi ích nào?
Phát huy óc suy xét mang lại nhiều lợi ích. Nó làm cho cuộc sống thú vị hơn cũng như tiết kiệm được thời gian của chúng ta. Nó có lẽ cũng giúp giảm thiểu sự bực bội do hành động thiếu suy nghĩ. Cuộc sống sẽ khó hơn đối với những ai thiếu sự phán đoán đúng. Kinh Thánh nói: “Công-lao kẻ ngu-muội làm cho mệt-nhọc chúng nó”. (Truyền-đạo 10:15) Những người như thế có lẽ luôn phải quần quật và mệt nhọc nhưng rồi hầu như cuối cùng cũng chẳng làm được việc gì quan trọng cả.
Kinh Thánh cho vô số lời khuyên thực tiễn về sự sạch sẽ, cách giao tiếp, sự siêng năng, cách đối phó với cái nghèo và nhiều khía cạnh khác của đời sống. Hàng triệu người có thể chứng thực được đời họ thành công hay thất bại tùy thuộc vào việc họ áp dụng nhiều hay ít các nguyên tắc Kinh Thánh giúp họ có được sự khôn ngoan.
Khi có óc suy xét, chúng ta làm được nhiều hơn là chỉ đơn giản rập khuôn theo những quy luật cụ thể. Chúng ta còn có thể làm tròn trách nhiệm của mình. Tuy vậy, nó không thay thế việc thâu thập kiến thức. “Kẻ khôn sẽ nghe và thêm lên sự học-vấn”, Châm-ngôn 1:5 nói thế. Chúng ta cũng phải tập phân tích những thông tin mà mình thu thập được để từ đó rút ra kết luận đúng. Điều này giúp chúng ta “ăn-ở cách khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 28:26.
Sự khiêm tốn và óc suy xét đi đôi với nhau. Dù có lẽ muốn đảm đương nhiều trách nhiệm, nhưng chúng ta cần phải dùng sự phán đoán đúng và biết giới hạn sức của mình. Thật vậy, sứ đồ Phao-lô có khuyên chúng ta “làm công-việc Chúa cách dư-dật”. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Tuy nhiên, lời khuyên này phải dung hòa với nguyên tắc nơi Truyền-đạo 9:4: “Con chó sống hơn là sư-tử chết”. Việc quan tâm đúng đắn đến sức khỏe của mình khi phụng sự Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta sống lâu hơn và tiếp tục hoạt động tích cực. Óc suy xét có thể giúp chúng ta có được sự thăng bằng hợp lý. Nhờ thế chúng ta làm hoàn tất những điều cần thiết mà không bị mất đi niềm vui. Quả thật, óc suy xét mang lại nhiều lợi ích.
[Hình nơi trang 14]
Vô số lời khuyên đúng đắn được tìm thấy trong Kinh Thánh
[Hình nơi trang 15]
Óc suy xét có thể có được nhờ khả năng quan sát, sự rèn luyện và kinh nghiệm