Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy học biết đường lối Đức Giê-hô-va

Hãy học biết đường lối Đức Giê-hô-va

Hãy học biết đường lối Đức Giê-hô-va

“Xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa”.—XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 33:13.

1, 2. (a) Tại sao khi thấy một người Ê-díp-tô ngược đãi một người Hê-bơ-rơ, Môi-se hành động như ông đã làm? (b) Để thích hợp với việc phụng sự Đức Giê-hô-va, Môi-se cần học điều gì?

MÔI-SE lớn lên trong cung điện của Pha-ra-ôn và được giáo dục theo sự khôn ngoan mà giới quý tộc Ê-díp-tô xem trọng. Nhưng Môi-se biết ông không phải là người Ê-díp-tô. Cha mẹ ông là người Hê-bơ-rơ. Khi được 40 tuổi, ông ra ngoài cung điện để tìm hiểu về anh em mình, là những người Y-sơ-ra-ên. Khi thấy một người Ê-díp-tô ngược đãi một người Hê-bơ-rơ, Môi-se không thể dửng dưng. Ông đã giết người Ê-díp-tô đó. Môi-se chọn đứng về phía dân sự của Đức Chúa Trời và nghĩ rằng Ngài đang dùng ông để giải cứu họ. (Công-vụ 7:21-25; Hê-bơ-rơ 11:24, 25) Khi sự việc bị lộ, triều đình Ê-díp-tô xem Môi-se là kẻ phản loạn, và ông phải chạy trốn để giữ mạng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11-15) Để được Đức Giê-hô-va dùng, Môi-se phải hiểu rõ hơn về đường lối của Ngài. Liệu Môi-se có phải là người dễ uốn nắn không?—Thi-thiên 25:9.

2 Trong vòng 40 năm sau đó, Môi-se sống cuộc đời của một người chăn chiên tha hương. Thay vì để sự cay đắng gặm nhấm lòng mình vì anh em người Hê-bơ-rơ dường như không quý trọng ông, Môi-se chấp nhận những gì Đức Chúa Trời cho phép xảy đến với ông. Dù nhiều năm đã trôi qua mà hầu như không nhận được dấu hiệu thừa nhận nào, Môi-se đã để Đức Giê-hô-va uốn nắn ông. Sau này, không theo nhận định riêng nhưng theo tác động của thánh linh Đức Chúa Trời, ông viết: “Môi-se là người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian”. (Dân-số Ký 12:3) Đức Giê-hô-va dùng Môi-se theo cách đặc biệt. Nếu chúng ta cũng tìm kiếm sự nhu mì thì sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước.—Sô-phô-ni 2:3.

Được giao một sứ mạng

3, 4. (a) Đức Giê-hô-va đã giao cho Môi-se sứ mạng nào? (b) Môi-se nhận được sự hỗ trợ nào?

3 Một ngày kia, gần Núi Hô-rếp thuộc Bán Đảo Si-na-i, một thiên sứ đại diện cho Đức Giê-hô-va nói với Môi-se rằng: “Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu vì cớ người đốc-công của nó; phải, ta biết được nỗi đau-đớn của nó. Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp-đẽ và rộng-rãi, đượm sữa và mật”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:2, 7, 8) Về ý định này, Đức Giê-hô-va có một công việc giao cho Môi-se, nhưng ông phải làm theo đường lối của Ngài.

4 Thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô”. Môi-se chần chừ. Ông cảm thấy không đủ khả năng, và quả thật ông không đủ khả năng nếu phải một mình thực hiện việc đó. Tuy nhiên Đức Giê-hô-va đảm bảo với ông rằng: “Ta sẽ ở cùng ngươi”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10-12) Đức Giê-hô-va ban quyền phép cho Môi-se làm những phép lạ để chứng tỏ ông đúng là người được Đức Chúa Trời sai đến. Anh của Môi-se là A-rôn đi cùng ông để làm phát ngôn viên. Đức Giê-hô-va sẽ dạy họ phải nói và làm gì. (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:1-17) Liệu Môi-se sẽ trung thành chu toàn nhiệm vụ đó không?

5. Tại sao thái độ của dân Y-sơ-ra-ên là một thử thách đối với Môi-se?

5 Lúc đầu, các trưởng lão Y-sơ-ra-ên tin Môi-se và A-rôn. (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:29-31) Nhưng không lâu sau, “các phái-viên của dân Y-sơ-ra-ên” trách anh em Môi-se đã làm họ “ra mùi hôi-hám” trước mặt Pha-ra-ôn và các quần thần. (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:19-21; 6:9) Khi dân Y-sơ-ra-ên rời xứ Ê-díp-tô, họ hoảng hốt khi thấy binh xa Ê-díp-tô đang đuổi theo. Trước mặt là Biển Đỏ, sau lưng là đoàn binh xa truy kích, dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy bị mắc bẫy và họ oán trách Môi-se. Hẳn bạn sẽ phản ứng thế nào? Dù dân Y-sơ-ra-ên không có thuyền nhưng theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, Môi-se giục dân sự nhổ trại. Đoạn, Đức Chúa Trời rẽ nước Biển Đỏ, lòng biển trở nên khô cạn để dân Y-sơ-ra-ên có thể đi qua.—Xuất Ê-díp-tô Ký 14:1-22.

Một vấn đề trọng đại hơn sự giải thoát

6. Đức Giê-hô-va muốn nhấn mạnh điều gì khi giao sứ mạng cho Môi-se?

6 Khi giao sứ mạng cho Môi-se, Đức Giê-hô-va nhấn mạnh tầm quan trọng của danh thánh Ngài. Tôn kính danh cùng Đấng mang danh ấy là điều trọng yếu. Khi Môi-se hỏi về danh Ngài, Đức Giê-hô-va phán: “Ta là Đấng tự-hữu hằng-hữu”. Sau đó, Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ-phụ các ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, sai ta đến cùng các ngươi”. Ngài nói thêm: “Ấy đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ-niệm của ta trải qua các đời”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-15) Giê-hô-va vẫn còn là danh của Đức Chúa Trời mà các tôi tớ Ngài trên khắp đất đều biết.—Ê-sai 12:4, 5; 43:10-12.

7. Đức Chúa trời đã giục Môi-se làm gì bất chấp sự ngạo mạn của Pha-ra-ôn?

7 Khi diện kiến Pha-ra-ôn, Môi-se và A-rôn nhân danh Đức Giê-hô-va để nói thông điệp. Nhưng Pha-ra-ôn ngạo mạn đáp: “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết; cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1, 2) Pha-ra-ôn tỏ ra vừa cứng lòng vừa dối trá, nhưng Đức Giê-hô-va giục Môi-se trở lại nhiều lần nói với Pha-ra-ôn. (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:14-16, 20-23; 8:1, 2, 20) Môi-se có thể nhận thấy Pha-ra-ôn tức tối. Liệu cứ đối đầu với vua thì có kết quả nào không? Dân Y-sơ-ra-ên nóng lòng được giải cứu. Pha-ra-ôn sắt đá từ chối. Liệu bạn sẽ làm gì?

8. Cách Đức Giê-hô-va ứng xử trong trường hợp của Pha-ra-ôn mang lại lợi ích gì, và những biến cố này nên tác động thế nào đến chúng ta?

8 Môi-se lại thông báo thêm thông điệp khác, nói rằng: “Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của dân Hê-bơ-rơ, có phán như vầy: Hãy tha dân ta đi, để chúng nó hầu việc ta”. Đức Chúa Trời cũng phán: “Nếu bây giờ, ta đã giơ tay ra hành-hại ngươi bịnh dịch, thì ngươi cùng dân ngươi đều đã bị diệt khỏi đất rồi. Nhưng vì cớ nầy ta để ngươi còn sống, là cho ngươi thấy quyền-năng của ta, hầu cho danh ta đồn khắp cả thiên-hạ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:13-16) Vì những gì sẽ xảy ra cho Pha-ra-ôn cứng lòng, mục đích của Đức Giê-hô-va là chứng tỏ quyền năng Ngài để làm một dấu cảnh cáo cho tất cả những kẻ coi thường Ngài. Lời cảnh cáo này cũng dành cho Sa-tan Ma-quỉ, kẻ mà sau này Chúa Giê-su gọi là “vua-chúa thế-gian nầy”. (Giăng 14:30; Rô-ma 9:17-24) Như được báo trước, danh của Đức Giê-hô-va được rao truyền trên khắp đất. Nhờ lòng nhẫn nhục của Đức Giê-hô-va mà dân Y-sơ-ra-ên và vô số người ngoại bang cùng kết hợp thờ phượng Ngài đã được bảo toàn. (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:20, 21; 12:37, 38) Từ đó trở đi, việc rao truyền danh Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích cho thêm hàng triệu người chấp nhận sự thờ phượng thật.

Đối phó với dân khó dạy

9. Dân tộc của Môi-se tỏ sự bất kính với Đức Giê-hô-va như thế nào?

9 Người Hê-bơ-rơ biết danh của Đức Chúa Trời. Môi-se đã dùng danh Ngài khi nói với họ, nhưng họ đã không luôn luôn tỏ lòng kính trọng thích đáng đối với Đấng mang danh ấy. Chẳng bao lâu sau sự kiện Đức Giê-hô-va làm phép lạ để giải thoát dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chuyện gì xảy ra khi họ không tìm được nước uống ngay? Họ oán trách Môi-se. Sau đó họ lại phàn nàn về thực phẩm. Môi-se đã cảnh báo rằng họ làm như vậy không chỉ là oán trách ông và A-rôn mà thật ra là oán trách Đức Giê-hô-va. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:22-24; 16:2-12) Tại Núi Si-na-i, Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên Luật Pháp, kèm theo những biến cố siêu nhiên. Tuy nhiên họ đã bất tuân Luật Pháp, đúc một con bò bằng vàng để thờ lạy và nói rằng họ làm “lễ tôn-trọng Đức Giê-hô-va”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-9.

10. Tại sao các giám thị đạo Đấng Christ ngày nay đặc biệt chú ý đến lời khẩn cầu của Môi-se được ghi nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13?

10 Môi-se phải xử thế nào với dân mà chính Đức Giê-hô-va miêu tả là một dân cứng cổ? Môi-se cầu xin Đức Giê-hô-va: “Nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13) Trong việc chăm sóc Nhân Chứng thời hiện đại của Đức Giê-hô-va, các giám thị đạo Đấng Christ hướng dẫn một dân khiêm tốn hơn nhiều. Song, họ cũng cầu xin: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài”. (Thi-thiên 25:4) Hiểu biết đường lối của Đức Giê-hô-va có thể giúp các giám thị ứng phó các tình huống sao cho phù hợp với Lời của Đức Chúa Trời và cá tính Ngài.

Điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi dân Ngài

11. Đức Giê-hô-va đã ban cho Môi-se những hướng dẫn nào, và tại sao chúng ta nên chú ý đến những hướng dẫn ấy?

11 Điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi dân Ngài được tiết lộ qua lời phán của Ngài tại Núi Si-na-i. Sau đó, Môi-se đã nhận hai bảng đá khắc Mười Điều Răn. Khi từ trên núi xuống, thấy dân Y-sơ-ra-ên thờ lạy tượng bò, ông giận dữ ném vỡ tan hai bảng đá. Đức Giê-hô-va đã khắc lại Mười Điều Răn, nhưng lần này chính Môi-se phải tự đục hai bảng đá. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:19; 34:1) Từ khi được ban ra lần đầu, những điều răn này không hề thay đổi. Môi-se phải làm theo những điều răn ấy. Đức Chúa Trời cũng khắc sâu vào tâm trí Môi-se Ngài là Đấng như thế nào, nhờ thế Môi-se biết ông phải cư xử sao để xứng đáng là người đại diện cho Đức Giê-hô-va. Tín đồ Đấng Christ không còn ở dưới Luật Pháp Môi-se, nhưng nhiều nguyên tắc căn bản không hề thay đổi. Những nguyên tắc này vẫn áp dụng cho tất cả những ai thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Rô-ma 6:14; 13:8-10) Chúng ta hãy xem xét một số nguyên tắc này.

12. Việc Đức Giê-hô-va đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc nên ảnh hưởng thế nào đến dân Y-sơ-ra-ên?

12 Dâng cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng chuyên độc. Dân Y-sơ-ra-ên có mặt khi Đức Giê-hô-va tuyên bố Ngài đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-5) Họ đã thấy nhiều bằng chứng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:33-35) Đức Giê-hô-va nói rõ là, bất kể những thực hành của các dân khác, Ngài không dung túng bất cứ hình thức thờ hình tượng hoặc thuật thông linh nào trong vòng dân Ngài. Lòng tin kính của họ đối với Ngài không chỉ là hình thức chiếu lệ. Tất cả phải hết lòng, hết ý, hết sức yêu kính Đức Giê-hô-va. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5, 6) Điều này hẳn bao gồm lời nói, hạnh kiểm—thật vậy, mọi khía cạnh trong đời sống của họ. (Lê-vi Ký 20:27; 24:15, 16; 26:1) Chúa Giê-su cũng nói rõ là Đức Giê-hô-va đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc.—Mác 12:28-30; Lu-ca 4:8.

13. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên có bổn phận triệt để vâng lời Đức Chúa Trời, và điều gì nên thúc đẩy chúng ta vâng lời Ngài? (Truyền-đạo 12:13)

13 Triệt để vâng theo các điều răn của Đức Giê-hô-va. Dân Y-sơ-ra-ên cần nhớ rằng khi được vào giao ước với Đức Giê-hô-va, họ đã thề vâng lời Ngài cách triệt để. Họ được hưởng nhiều tự do cá nhân, nhưng trong những vấn đề liên quan đến các điều răn Ngài ban, họ phải triệt để vâng theo. Hành động đó chứng tỏ lòng yêu mến của họ đối với Đức Chúa Trời và mang lại lợi ích cho họ cũng như cho con cháu vì tất cả những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va đều vì lợi ích của họ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-8; Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:27-33; 11:22, 23.

14. Đức Chúa Trời nhấn mạnh thế nào với dân Y-sơ-ra-ên về tầm quan trọng của việc dành ưu tiên cho những điều thiêng liêng?

14 Dành ưu tiên cho những điều thiêng liêng. Dân Y-sơ-ra-ên không được để cho việc chăm lo nhu cầu vật chất lấn át những hoạt động thiêng liêng. Đời sống của họ không chỉ dành cho những mưu cầu thế tục. Đức Giê-hô-va định ra một khoảng thời gian mỗi tuần mà Ngài xem là thánh, tức thời gian dành cho những hoạt động liên quan đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật. (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:1-3; Dân-số Ký 15:32-36) Mỗi năm, còn có thêm thời gian đặc biệt dành riêng cho các nhóm hiệp thánh. (Lê-vi Ký 23:4-44) Đây là những dịp để họ thuật lại những việc phi thường của Đức Giê-hô-va, được nhắc nhở về đường lối của Ngài, và biểu lộ lòng biết ơn đối với tất cả những việc tốt lành của Ngài. Khi dân sự bày tỏ lòng tin kính đối với Đức Giê-hô-va, họ sẽ vun trồng sự kính sợ và tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, và điều ấy sẽ giúp họ bước đi trong đường lối Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13) Những nguyên tắc lành mạnh chứa đựng trong những chỉ dẫn đó mang lại lợi ích cho các tôi tớ ngày nay của Đức Giê-hô-va.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Biết ơn về những đức tính của Đức Giê-hô-va

15. (a) Tại sao lòng biết ơn về những đức tính của Đức Giê-hô-va giúp ích cho Môi-se? (b) Những câu hỏi nào có thể giúp chúng ta suy nghĩ sâu xa về mỗi đức tính của Đức Giê-hô-va?

15 Lòng biết ơn về những đức tính của Đức Giê-hô-va cũng giúp Môi-se khi ứng xử với dân sự. Xuất Ê-díp-tô Ký 34:5-7 nói Đức Chúa Trời đi ngang qua mặt Môi-se và phán: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô-tội, và nhân tội tổ-phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời”. Hãy dành thời gian để suy ngẫm những lời này. Hãy tự hỏi: ‘Mỗi đức tính có nghĩa gì? Đức Giê-hô-va thể hiện đức tính ấy ra sao? Làm thế nào các giám thị đạo Đấng Christ biểu lộ đức tính này? Đức tính đặc biệt ấy nên tác động thế nào đến hạnh kiểm của mỗi người chúng ta?’ Hãy xem xét chỉ vài trường hợp.

16. Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng sự biết ơn về lòng thương xót của Đức Chúa Trời, và tại sao làm việc này là quan trọng?

16 Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót”. Nếu có sách tham khảo “Thông hiểu Kinh Thánh” (Insight on the Scriptures) sao không đọc xem phần “Thương xót” (“Mercy”) nói gì? Bạn cũng có thể nghiên cứu chủ đề đó bằng cách dùng “Danh mục ấn phẩm Hội Tháp Canh” (Watchtower Publications Index) hoặc “Thư viện Tháp Canh” (Watchtower Library) trong CD-ROM. * Dùng bản liệt kê để tìm những câu Kinh Thánh nói về lòng thương xót. Bạn sẽ thấy rằng ngoài việc đôi khi có trường hợp giảm nhẹ hình phạt, lòng thương xót của Đức Giê-hô-va bao hàm lòng trắc ẩn đầy quan tâm. Đức tính này thôi thúc Đức Chúa Trời hành động để giải thoát dân Ngài. Việc Đức Chúa Trời cung cấp cho dân Y-sơ-ra-ên về vật chất lẫn thiêng liêng trong cuộc hành trình đến Đất Hứa là bằng chứng của điều này. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:30-33; 8:4) Đức Giê-hô-va thương xót tha thứ những sai lầm. Ngài biểu lộ lòng thương xót đối với dân thời xưa của Ngài. Vậy nên, các tôi tớ ngày nay của Ngài càng phải biểu lộ lòng trắc ẩn đối với nhau nhiều hơn nữa!—Ma-thi-ơ 9:13; 18:21-35.

17. Sự hiểu biết của chúng ta về tính nhân từ của Đức Giê-hô-va có thể phát huy sự thờ phượng thật như thế nào?

17 Lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đi đôi với lòng nhân từ. Nếu có quyển tự điển, bạn hãy đọc xem “nhân từ” có nghĩa gì. Hãy so sánh từ này với các câu Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va là Đấng nhân từ. Kinh Thánh cho thấy tính nhân từ của Đức Giê-hô-va bao hàm lòng quan tâm đầy yêu thương đối với những người khốn cùng trong vòng dân sự Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:25, 26, Tòa Tổng Giám Mục) Dù ở đất nước nào, dân ngoại bang cũng như những người nghèo trong nước có lẽ đều nhận thấy họ là những người khốn khổ. Khi dạy dân Ngài không thiên vị và bày tỏ lòng tử tế đối với những người thể ấy, Đức Giê-hô-va nhắc nhở rằng họ cũng từng là dân ngoại trong xứ Ê-díp-tô. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:17-22) Về phần chúng ta là dân thời nay của Đức Chúa Trời thì sao? Tính nhân từ giúp chúng ta hợp nhất và thu hút những người khác đến với sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Công-vụ 10:34, 35; Khải-huyền 7:9, 10.

18. Qua những hạn chế mà Đức Giê-hô-va dạy dân Y-sơ-ra-ên trong cách đối xử với dân các xứ khác, chúng ta học được gì?

18 Tuy nhiên, khi dân Y-sơ-ra-ên tử tế quan tâm đến người khác không có nghĩa là họ gạt qua một bên lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và các tiêu chuẩn đạo đức của Ngài. Vì vậy, dân Y-sơ-ra-ên được dạy là không theo đường lối của các dân xung quanh, không tiếp nhận các thực hành tôn giáo và lối sống vô luân của họ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:11-16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:1-4) Điều này cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay. Chúng ta phải trở nên một dân tộc thánh, y như Đức Chúa Trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va, là thánh.—1 Phi-e-rơ 1:15, 16.

19. Hiểu biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về những hành vi sai trái che chở dân Ngài như thế nào?

19 Để Môi-se hiểu đường lối của Ngài, Đức Giê-hô-va cho biết rõ dù Ngài không ưng thuận tội lỗi nhưng Ngài chậm nóng giận. Ngài để cho người ta có thời gian học hỏi và làm theo những đòi hỏi của Ngài. Khi có sự ăn năn, Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi, nhưng Ngài không miễn trừ hình phạt thích đáng cho những tội nghiêm trọng. Ngài cảnh báo Môi-se rằng việc làm của dân Y-sơ-ra-ên có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến con cháu họ. Nhờ có lòng biết ơn đối với đường lối của Đức Giê-hô-va, dân Đức Chúa Trời không oán trách Ngài về những hoàn cảnh do chính họ gây ra hoặc cho rằng Ngài chậm trễ.

20. Điều gì có thể giúp chúng ta cư xử đúng đắn với anh em cùng đức tin và với những người chúng ta gặp trong thánh chức? (Thi-thiên 86:11)

20 Nếu bạn mong muốn hiểu biết thêm về Đức Giê-hô-va và đường lối Ngài, hãy luôn tham khảo và suy ngẫm khi đọc Kinh Thánh. Hãy xem xét kỹ càng những khía cạnh đáng chú ý khác của cá tính Đức Giê-hô-va. Thành tâm cầu nguyện và xem xét làm thế nào bạn có thể noi gương Đức Chúa Trời và sống hòa hợp hơn với ý định của Ngài. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những cạm bẫy, cư xử đúng đắn với anh em cùng đức tin, và giúp người khác học biết và yêu thương Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 16 Tất cả đều do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Cũng xem sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, chương 25.

Bạn học được gì?

• Tại sao tính nhu mì là quan trọng đối với Môi-se, và tại sao đức tính đó trọng yếu đối với chúng ta?

• Cứ đối đầu với Pha-ra-ôn bằng những lời của Đức Giê-hô-va mang lại kết quả nào?

• Những nguyên tắc nổi bật nào Môi-se được dạy dỗ cũng áp dụng cho chúng ta?

• Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng sự hiểu biết về những đức tính của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Môi-se trung thành truyền lời của Đức Giê-hô-va cho Pha-ra-ôn

[Hình nơi trang 23]

Đức Giê-hô-va cho Môi-se biết những đòi hỏi của Ngài

[Hình nơi trang 24, 25]

Hãy suy ngẫm về những đức tính của Đức Giê-hô-va