Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách 2 Sa-mu-ên

Những điểm nổi bật trong sách 2 Sa-mu-ên

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách 2 Sa-mu-ên

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA có đòi hỏi sự vâng phục hoàn toàn nơi những người chấp nhận quyền tối thượng của Ngài không? Phải chăng người trung kiên không bao giờ phạm điều ác trước mắt Đức Chúa Trời? Người như thế nào là thuận “theo lòng Ngài”? (1 Sa-mu-ên 13:14) Có thể tìm thấy câu trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi trên trong sách 2 Sa-mu-ên.

Sách 2 Sa-mu-ên do Gát và Na-than—hai nhà tiên tri thân cận với Vua Đa-vít của dân Y-sơ-ra-ên xưa—viết ra. * Sách được hoàn tất khoảng năm 1040 TCN, gần cuối triều đại 40 năm cai trị của Đa-vít, và chủ yếu viết về Đa-vít cùng mối quan hệ của ông với Đức Giê-hô-va. Câu chuyện ly kỳ trong sách kể về một quốc gia đầy xung đột được thống nhất và thịnh vượng dưới sự cai trị của vị vua can đảm. Lời văn chứa đầy những cảm xúc sâu sắc, mãnh liệt của con người.

ĐA-VÍT “CÀNG NGÀY CÀNG CƯỜNG-THẠNH”

(2 Sa-mu-ên 1:1–10:19)

Phản ứng của Đa-vít trước cái chết của Sau-lơ và Giô-na-than cho thấy tình cảm của ông đối với họ và với Đức Giê-hô-va. Ông được chi phái Giu-đa tôn lên làm vua ở Hếp-rôn, còn Ích-bô-sết, con trai Sau-lơ, cai trị phần còn lại của Y-sơ-ra-ên. Đa-vít “càng ngày càng cường-thạnh” và khoảng bảy năm rưỡi sau khi lên ngôi, ông thống nhất cả Y-sơ-ra-ên.—2 Sa-mu-ên 5:10.

Đa-vít chiếm thành Giê-ru-sa-lem của người Giê-bu-sít và chọn nơi đây làm kinh đô. Sắp đặt lần đầu của ông trong việc chuyển hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem đã dẫn đến tai họa. Nhưng lần thứ hai thì thành công và Đa-vít đã vui mừng nhảy múa vào dịp đó. Đức Giê-hô-va lập giao ước về quyền cai trị với ông. Đa-vít chinh phục mọi kẻ thù vì Đức Chúa Trời tiếp tục phù trợ ông.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:18—Tại sao ba anh em Giô-áp được gọi là ba con trai của Xê-ru-gia, theo tên mẹ? Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, gia phả thường được ghi lại theo tên cha. Có thể chồng của Xê-ru-gia chết sớm hoặc bị xem là không xứng đáng được nêu tên trong Sách Thánh. Cũng có thể Xê-ru-gia được nêu tên vì bà là chị ruột hoặc chị cùng cha khác mẹ với Đa-vít. (1 Sử-ký 2:15, 16) Lần duy nhất cha của ba anh em này được nhắc tới là khi Kinh Thánh nói đến nơi chôn cất ông ở Bết-lê-hem.—2 Sa-mu-ên 2:32.

5:1, 2—Bao lâu sau khi Ích-bô-sết bị ám sát, Đa-vít bắt đầu làm vua của cả nước Y-sơ-ra-ên? Có lẽ hợp lý khi nói triều đại hai năm của Ích-bô-sết bắt đầu chỉ ít lâu sau khi Sau-lơ tử trận, cùng khoảng thời gian Đa-vít lên ngôi ở Hếp-rôn. Đa-vít trị vì ở Hếp-rôn trên chi phái Giu-đa bảy năm rưỡi. Và không bao lâu sau khi được tôn làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên, ông dời kinh đô về Giê-ru-sa-lem. Như vậy, khoảng năm năm sau khi Ích-bô-sết chết, Đa-vít mới cai trị trên cả Y-sơ-ra-ên.—2 Sa-mu-ên 2:3, 4, 8-11; 5:4, 5.

8:2—Có bao nhiêu người Mô-áp bị giết sau cuộc chiến với dân Y-sơ-ra-ên? Con số được định có lẽ bằng thước đo, chứ không phải bằng cách đếm. Dường như Đa-vít bắt người Mô-áp nằm sát bên nhau thành hàng dưới đất, rồi cho đo mỗi hàng bằng chiều dài của một sợi dây. Hình như hai dây, tức hai phần ba dân Mô-áp bị giết còn một dây, tức một phần ba còn lại được sống.

Bài học cho chúng ta:

2:1; 5:19, 23. Trước khi đi lên thành Hếp-rôn và xuất binh đánh kẻ thù, Đa-vít đều cầu vấn Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng nên tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài trước khi quyết định những điều có ảnh hưởng đến thiêng liêng tính.

3:26-30. Sự trả thù mang lại hậu quả đáng buồn.—Rô-ma 12:17-19.

3:31-34; 4:9-12. Đa-vít là gương mẫu về phương diện không nuôi lòng thù hận và ác cảm.

5:12. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng Đức Giê-hô-va đã huấn luyện chúng ta theo đường lối Ngài và cho chúng ta cơ hội để có một mối quan hệ tốt với Ngài.

6:1-7. Tuy có thiện chí, nhưng việc Đa-vít dùng một cỗ xe để di chuyển hòm giao ước là vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời và vì thế đã thất bại. (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:13, 14; Dân-số Ký 4:15, 19; 7:7-9) Chuyện U-xa đỡ hòm giao ước cũng cho thấy Đức Chúa Trời không thay đổi những đòi hỏi của Ngài vì thiện chí của người ta.

6:8, 9. Khi tai họa xảy ra, Đa-vít cảm thấy tức giận rồi đến sợ hãi—có lẽ cả trách Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải cảnh giác tránh khuynh hướng trách Đức Giê-hô-va vì những vấn đề mình gặp phải do không vâng theo điều răn Ngài.

7:18, 22, 23, 26. Sự khiêm nhường, trọn lòng sùng kính Đức Giê-hô-va và muốn tôn vinh danh Ngài là những đức tính cao quý của Đa-vít mà chúng ta muốn noi theo.

8:2. Một lời tiên tri được báo trước 400 năm đã ứng nghiệm. (Dân-số Ký 24:17) Lời Đức Giê-hô-va luôn thành hiện thực.

9:1, 6, 7. Đa-vít giữ lời hứa. Chúng ta cũng phải cố gắng giữ lời.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA GIÁNG TAI HỌA TRÊN NGƯỜI NGÀI XỨC DẦU

(2 Sa-mu-ên 11:1–20:26)

Đức Giê-hô-va phán cùng Đa-vít: “Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai-họa giáng trên ngươi; ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi trao cho một người lân-cận ngươi, nó sẽ làm nhục chúng nó tại nơi bạch-nhựt”. (2 Sa-mu-ên 12:11) Vì sao có phán quyết này? Đó là do tội Đa-vít đã phạm với Bát-Sê-ba. Tuy ông được tha thứ vì có lòng ăn năn, Đa-vít vẫn phải chịu hậu quả của tội lỗi.

Trước hết, đứa con của ông và Bát-Sê-ba bị chết. Kế đến, người con gái còn trinh của Đa-vít là Ta-ma bị anh trai cùng cha khác mẹ là Am-nôn hãm hiếp. Áp-sa-lôm, anh trai của Ta-ma, giết Am-nôn để trả thù và về sau âm mưu chống lại chính cha mình, tự xưng vương ở Hếp-rôn. Đa-vít buộc phải bỏ trốn khỏi Giê-ru-sa-lem. Áp-sa-lôm làm nhục mười cung phi mà cha ông để lại trông giữ cung vua. Sau khi Áp-sa-lôm bị giết, Đa-vít mới nắm lại vương quyền. Cuộc nổi loạn của Sê-ba, người Bên-gia-min, kết thúc bằng cái chết của y.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

14:7—“Đốm lửa” tượng trưng cho điều gì? Đốm than hồng được dùng để ám chỉ con cháu còn sống.

19:29—Tại sao Đa-vít phản ứng như thế khi nghe lời giải thích của Mê-phi-bô-sết? Sau khi nghe Mê-phi-bô-sết giải bày, hẳn Đa-vít nhận ra mình đã sai lầm khi vội tin lời Xíp-ba. (2 Sa-mu-ên 16:1-4; 19:24-28) Rất có thể điều đó khiến ông bực tức và không muốn nghe thêm gì nữa về vấn đề đó.

Bài học cho chúng ta:

11:2-15. Lời tường thuật thẳng thắn về lỗi lầm của Đa-vít chứng tỏ Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn.

11:16-27. Khi phạm tội nặng, chúng ta chớ nên tìm cách che đậy lỗi lầm như Đa-vít đã làm. Thay vì thế, chúng ta nên thú tội với Đức Giê-hô-va và tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão trong hội thánh.—Châm-ngôn 28:13; Gia-cơ 5:13-16.

12:1-14. Na-than là một gương tốt cho các trưởng lão. Họ cần giúp những người phạm lỗi sửa đổi, và thực hiện trách nhiệm đó một cách khéo léo.

12:15-23. Có quan điểm đúng về những gì xảy ra cho mình giúp Đa-vít có thái độ đúng trước nghịch cảnh.

15:12; 16:15, 21, 23. Khi Áp-sa-lôm có vẻ sắp nắm được vương quyền, A-hi-tô-phe, một mưu sĩ giỏi, đã phản bội Đa-vít vì kiêu ngạo và tham vọng. Thông minh nhưng thiếu khiêm nhường và trung thành, đó là một cạm bẫy.

19:24, 30. Mê-phi-bô-sết thật sự biết ơn lòng yêu thương nhân từ của Đa-vít. Ông sẵn lòng tuân theo quyết định của vua về vấn đề với Xíp-ba. Lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va và tổ chức Ngài nên thúc đẩy chúng ta vâng phục.

20:21, 22. Sự khôn ngoan của một người có thể cứu nhiều người khỏi tai họa.—Truyền-đạo 9:14, 15.

HÃY CHỌN SA “VÀO TAY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”

(2 Sa-mu-ên 21:1–24:25)

Xứ bị đói kém trong ba năm vì tội đổ máu của Sau-lơ khi ông ra lệnh diệt trừ người Ga-ba-ôn. (Giô-suê 9:15) Để đòi nợ máu, người Ga-ba-ôn yêu cầu bảy con trai Sau-lơ phải bị xử tử. Đa-vít giao họ cho người Ga-ba-ôn thì lại có mưa và nạn hạn hán qua đi. Bốn người Phi-li-tin khổng lồ “bị giết bởi tay Đa-vít và bởi tay các đầy-tớ người”.—2 Sa-mu-ên 21:22.

Đa-vít phạm tội nghiêm trọng khi ra lệnh kiểm tra dân số trái phép. Ông ăn năn và chọn sa “vào tay của Đức Giê-hô-va”. (2 Sa-mu-ên 24:14) Hậu quả là có 70.000 người bị chết vì bệnh dịch. Đa-vít vâng theo lệnh của Đức Giê-hô-va và tai họa bèn ngưng.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

21:8—Vì sao câu này nói Mi-canh, con gái Sau-lơ, có năm con trai trong khi 2 Sa-mu-ên 6:23 lại nói bà không sinh con cho đến ngày thác? Cách giải thích được chấp nhận rộng rãi nhất là những người đó là con trai của Mê-ráp, chị của Mi-canh, người đã kết hôn với Át-ri-ên. Có thể Mê-ráp chết sớm và Mi-canh đã nuôi dưỡng những người con này vì bà không có con.

21:9, 10—Rít-ba canh xác của hai con trai bà và năm cháu ngoại của Sau-lơ bị người Ga-ba-ôn giết trong bao lâu? Bảy người này bị treo “nhằm mấy ngày đầu mùa gặt lúa mạch”, tức vào tháng Ba hoặc tháng Tư. Thi thể họ bị treo ngoài trời trên núi. Rít-ba canh xác họ cả ngày lẫn đêm cho đến khi Đức Giê-hô-va tỏ ra đã nguôi cơn giận qua việc ngưng cơn hạn hán. Trời khó có thể có mưa lớn trước khi mùa gặt kết thúc vào tháng Mười. Vì thế, Rít-ba có lẽ đã canh xác tới năm hoặc sáu tháng. Sau đó, Đa-vít cho chôn hài cốt của họ.

24:1—Tại sao việc kiểm tra dân số của Đa-vít lại là một tội nghiêm trọng? Luật Pháp không cấm việc kiểm tra dân số. (Dân-số Ký 1:1-3; 26:1-4) Và Kinh Thánh không nói đến mục đích của ông. Tuy nhiên, 1 Sử-ký 21:1 cho biết Đa-vít bị thúc đẩy bởi Sa-tan. Dù thế nào đi nữa, quan tổng binh của ông là Giô-áp biết quyết định này là sai và đã tìm cách can ngăn ông.

Bài học cho chúng ta:

22:2-51. Đa-vít đã viết một bài hát hay biết bao mô tả Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật, xứng đáng để chúng ta tin cậy hoàn toàn!

23:15-17. Đa-vít kính trọng sâu xa luật pháp của Đức Chúa Trời về sự sống và huyết đến độ không làm điều có thể sánh như việc vi phạm luật pháp đó. Chúng ta phải tập có thái độ tương tự đối với mọi điều răn của Đức Chúa Trời.

24:10. Lương tâm của Đa-vít cắn rứt, khiến ông ăn năn. Lương tâm của chúng ta có đủ nhạy bén để lên tiếng như thế không?

24:14. Đa-vít biết rõ Đức Giê-hô-va giàu lòng thương xót hơn loài người. Chúng ta có lòng tin mạnh mẽ như thế không?

24:17. Đa-vít hối hận vì tội của ông gây họa cho cả dân sự. Một người phạm lỗi biết ăn năn nên cảm thấy ân hận vì hành động của mình có thể khiến hội thánh bị tiếng xấu.

Chúng ta có thể là người thuận ‘theo lòng Đức Giê-hô-va’

Vị vua thứ hai của Y-sơ-ra-ên đã chứng tỏ là người thuận ‘theo lòng Đức Giê-hô-va’. (1 Sa-mu-ên 13:14) Đa-vít không bao giờ nghi ngờ các tiêu chuẩn công bình của Ngài và không tìm cách theo đường lối độc lập với Ngài. Mỗi lần phạm lỗi, ông đều nhìn nhận tội lỗi, chấp nhận sự sửa trị và thay đổi. Đa-vít là một người trung kiên. Chẳng phải chúng ta cũng nên noi theo ông, đặc biệt là khi phạm lỗi?

Kinh nghiệm cuộc đời của Đa-vít là minh họa sống động cho thấy nhận biết quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va có nghĩa là chấp nhận các tiêu chuẩn về điều thiện điều ác của Ngài, đồng thời cố gắng sống theo các tiêu chuẩn đó như một người giữ lòng trung kiên. Điều đó nằm trong khả năng của chúng ta. Chúng ta biết ơn xiết bao về những bài học nhận được qua sách 2 Sa-mu-ên! Thông điệp được soi dẫn chứa đựng trong sách này quả thật là lời sống và linh nghiệm.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Chú thích]

^ đ. 2 Mặc dù Sa-mu-ên không viết phần nào trong sách này nhưng sách mang tên ông vì trong nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ, hai sách Sa-mu-ên cùng nằm trong một cuộn. Phần lớn sách 1 Sa-mu-ên là do ông viết.

[Hình nơi trang 16]

Việc ghi nhớ ai đã lập ông làm vua giúp Đa-vít luôn khiêm nhường

[Các hình nơi trang 18]

“Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai-họa giáng trên ngươi”

Bát-Sê-ba

Ta-ma

Am-nôn