Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được cứu không chỉ nhờ việc làm nhưng nhờ ân điển Đức Chúa Trời

Được cứu không chỉ nhờ việc làm nhưng nhờ ân điển Đức Chúa Trời

Được cứu không chỉ nhờ việc làm nhưng nhờ ân điển Đức Chúa Trời

“Bởi đức-tin, mà anh em được cứu... Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”.—Ê-PHÊ-SÔ 2:8, 9.

1. Về thành quả riêng, tín đồ Đấng Christ có quan điểm khác với người ta nói chung như thế nào, và tại sao?

NGÀY NAY người ta rất tự hào và thường vội khoe khoang về những thành quả đạt được. Tín đồ Đấng Christ thì khác. Họ cố gắng tránh đề cao những thành quả riêng, dù có liên quan đến sự thờ phượng thật. Họ vui mừng về những gì toàn thể dân của Đức Giê-hô-va thực hiện được nhưng xem phần đóng góp của mình là hàng thứ yếu. Họ ý thức rằng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, động lực đúng quan trọng hơn thành tích. Cuối cùng, ai được ban cho sự sống vĩnh cửu thì không phải nhờ thành quả riêng nhưng nhờ đức tin và ân điển của Đức Chúa Trời.—Lu-ca 17:10; Giăng 3:16.

2, 3.  Ông Phao-lô khoe mình về điều gì, và tại sao?

2 Sứ đồ Phao-lô hiểu rõ điều này. Sau ba lần cầu nguyện xin được giải thoát khỏi “một cái giằm xóc vào thịt”, ông được Đức Giê-hô-va đáp lời: “Ân-điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức-mạnh của ta nên trọn-vẹn trong sự yếu-đuối”. Khiêm nhường chấp nhận quyết định của Đức Giê-hô-va, Phao-lô nói: “Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu-đuối tôi, hầu cho sức-mạnh của Đấng Christ ở trong tôi”. Chúng ta muốn noi theo thái độ khiêm nhường của ông.—2 Cô-rinh-tô 12:7-9.

3 Dù Phao-lô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tín đồ Đấng Christ, ông ý thức rằng những thành quả đạt được không nhờ vào bất cứ tài năng đặc biệt nào của bản thân. Với lòng khiêm tốn, ông ghi nhận: “Ân-điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh-đồ, để rao-truyền cho dân ngoại sự giàu-có không dò được của Đấng Christ”. (Ê-phê-sô 3:8) Những lời này của Phao-lô cho thấy ông không có thái độ khoe khoang cũng không tự phụ mình là công bình. “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. (Gia-cơ 4:6; 1 Phi-e-rơ 5:5) Chúng ta có theo gương Phao-lô, khiêm nhường tự xem mình là kẻ nhỏ hơn hết trong các anh em không?

“Coi người khác như tôn-trọng hơn mình”

4. Tại sao xem người khác tôn trọng hơn mình đôi khi là một việc khó?

4 Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình”. (Phi-líp 2:3) Đây có thể là một việc khó, đặc biệt nếu chúng ta đang giữ một trọng trách. Khó khăn nảy sinh có lẽ là trong một chừng mực nào đó, chúng ta chịu tác động của tinh thần cạnh tranh rất phổ biến trong thế gian ngày nay. Từ lúc nhỏ, có thể chúng ta được dạy phải có tinh thần tranh đua, ngay cả với anh chị em trong nhà hoặc với bạn học tại trường. Có thể chúng ta luôn được thúc giục phải nỗ lực để đạt vinh dự là ngôi sao thể thao của nhà trường hoặc là học sinh xuất sắc nhất. Dĩ nhiên, cố gắng hết sức mình trong mọi công việc là điều đáng khen, miễn là việc đúng. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ làm điều đó không vì muốn tự đề cao mình nhưng vì muốn đạt kết quả tốt, và có lẽ cũng vì lợi ích của người khác nữa. Trái lại, luôn muốn được tôn là nhân vật hàng đầu có thể gây nguy hiểm. Tại sao thế?

5. Nếu không kiểm soát, tinh thần cạnh tranh có thể dẫn đến điều gì?

5 Nếu không kiểm soát, tinh thần cạnh tranh hay thái độ tự cao tự đại, chỉ nghĩ đến vinh dự riêng, có thể khiến một người trở nên khinh thường và ngạo mạn. Người ấy có thể sinh lòng tham, ghen tị với những tài năng và đặc ân phụng sự của người khác. Châm-ngôn 28:22 nói: “Người nào có mắt tham, vội ham kiếm của-cải, chẳng biết rằng sự thiếu-thốn sẽ lâm vào mình nó”. Thậm chí người ấy có thể tự phụ, cố đạt được một nhiệm vụ nào đó trong khi mình không có quyền đòi hỏi. Để bào chữa cho các hành động của mình, người đó có thể bắt đầu phàn nàn và chỉ trích người khác—đó là những khuynh hướng mà tín đồ Đấng Christ phải tránh. (Gia-cơ 3:14-16) Dù sao đi nữa, người ấy đang có nguy cơ phát triển tinh thần “tôi là trên hết”.

6. Kinh Thánh cảnh báo thế nào về tinh thần cạnh tranh?

6 Vì vậy, Kinh Thánh khuyên tín đồ Đấng Christ: “Chớ tìm-kiếm danh-vọng giả-dối mà trêu-chọc nhau và ghen-ghét nhau”. (Ga-la-ti 5:26) Nói về một tín đồ dường như vướng vào tinh thần này, sứ đồ Giăng cho biết: “Tôi đã viết mấy chữ cho Hội-thánh rồi, nhưng Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội-thánh không muốn tiếp-rước chúng ta. Cho nên, nếu tôi đến, tôi sẽ bới việc xấu người làm, là lấy lời luận độc-ác mà nghịch cùng chúng ta”. Quả là tình trạng đáng buồn cho một tín đồ Đấng Christ!—3 Giăng 9, 10.

7. Trong môi trường làm việc đầy tinh thần cạnh tranh, tín đồ Đấng Christ nên tránh điều gì?

7 Dĩ nhiên, nghĩ rằng một tín đồ Đấng Christ có thể hoàn toàn tránh được tinh thần cạnh tranh là không thực tế. Chẳng hạn, việc làm ngoài đời của một tín đồ có thể đòi hỏi người ấy phải cạnh tranh với những cá nhân hay công ty sản xuất cùng mặt hàng, hoặc cung ứng cùng dịch vụ. Thế nhưng, ngay dù ở trong những trường hợp đó, một tín đồ Đấng Christ vẫn nên làm việc theo tinh thần tôn trọng, yêu thương và có tình nghĩa. Người đó sẽ bác bỏ những thực hành trái với đạo Đấng Christ hoặc bất hợp pháp, và tránh để không mang tiếng là người luôn cạnh tranh, có tinh thần xâu xé lẫn nhau. Người ấy sẽ không nghĩ rằng việc trở thành nhân vật hàng đầu, dù trong bất cứ công việc nào, là điều quan trọng nhất trong đời sống. Nếu điều đó đúng trong lĩnh vực ngoài đời thì càng đúng hơn biết bao trong lĩnh vực thờ phượng!

“Không phải vì so sánh với người khác”

8, 9. (a) Tại sao các trưởng lão không có lý do để tranh cạnh nhau? (b) Tại sao 1 Phi-e-rơ 4:10 áp dụng cho tất cả các tôi tớ của Đức Chúa Trời?

8 Thái độ mà người tín đồ Đấng Christ nên có trong sự thờ phượng đã được nêu qua những lời được soi dẫn này: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bấy giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác”. (Ga-la-ti 6:4, Tòa Tổng Giám Mục) Các trưởng lão trong hội thánh ý thức rằng họ không thi đua với nhau, do đó họ hợp tác và làm việc chặt chẽ với tư cách là một hội đồng. Họ vui mừng về những gì mỗi anh làm được nhằm góp phần vào sự an toàn chung cho hội thánh. Do đó, họ tránh tinh thần cạnh tranh gây rối và nêu gương tốt về sự hợp nhất cho các thành viên khác của hội thánh.

9 Do tuổi tác, kinh nghiệm hoặc năng khiếu, một số trưởng lão có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn các anh khác, hoặc họ có hiểu biết sâu sắc hơn. Vì lẽ đó các trưởng lão giữ những trách nhiệm khác nhau trong tổ chức của Đức Giê-hô-va. Thay vì so sánh nhau, họ ghi nhớ lời khuyên: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 4:10) Thật ra, câu Kinh Thánh này áp dụng cho tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va, vì ở một mức độ nào đó tất cả đều nhận được một ơn là sự hiểu biết chính xác và đều có đặc ân tham gia vào thánh chức tín đồ Đấng Christ.

10. Chỉ với điều kiện nào việc chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va mới làm đẹp lòng Ngài?

10 Việc phụng sự Đức Giê-hô-va chỉ làm đẹp lòng Ngài khi chúng ta làm điều này vì tình yêu thương và lòng tin kính, không phải vì muốn tự đề cao mình. Bởi thế điều trọng yếu là có một quan điểm thăng bằng về sự góp phần của chúng ta trong việc ủng hộ sự thờ phượng thật. Dù không người nào có thể phán đoán chính xác những động lực trong lòng của người khác, nhưng Đức Giê-hô-va là Đấng “nhìn-thấy trong lòng”. (Châm-ngôn 24:12; 1 Sa-mu-ên 16:7) Vì vậy, thỉnh thoảng chúng ta nên tự hỏi: ‘Động lực nào khiến tôi làm các công việc của đức tin?’—Thi-thiên 24:3, 4; Ma-thi-ơ 5:8.

Quan điểm đúng về việc làm của chúng ta

11. Về thánh chức, chúng ta có thể nêu lên các câu hỏi hợp lý nào?

11 Nếu động lực là yếu tố quan trọng nhất trong việc được Đức Giê-hô-va chấp nhận thì chúng ta nên quan tâm đến việc làm của đức tin trong chừng mực nào? Miễn là chúng ta thi hành thánh chức với động cơ đúng thì việc báo cáo những gì mình đã làm hoặc làm được bao nhiêu có thật sự cần thiết không? Đây là những câu hỏi hợp lý, vì chúng ta không muốn coi trọng những con số hơn là việc làm của đức tin, hoặc xem một phiếu báo cáo tốt là mục tiêu chính trong thánh chức.

12, 13. (a) Chúng ta báo cáo hoạt động rao giảng vì một số lý do nào? (b) Khi đọc báo cáo chung của hoạt động rao giảng, chúng ta có những lý do nào để vui mừng?

12 Hãy để ý những gì sách Được tổ chức để thi hành thánh chức rao giảng nói: “Các môn đồ thời ban đầu của Giê-su Christ quan tâm đến các báo cáo về sự tiến triển của công việc rao giảng. (Mác 6:30)... Sách Công-vụ các Sứ-đồ trong Kinh-thánh thuật lại có chừng 120 người hiện diện khi thánh linh được đổ trên các môn đồ vào ngày Lễ Ngũ tuần. Chẳng bao lâu sau, số môn đồ lên đến 3.000 rồi 5.000 người... (Công-vụ các Sứ-đồ 2:5-11, 41, 47; 6:7; 1:15; 4:4). Hẳn các môn đồ đã được khích lệ nhiều khi nghe nói có sự gia tăng này!” Cũng thế, Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cố gắng báo cáo chính xác về công việc được hoàn thành trên khắp thế giới, ứng nghiệm lời của Chúa Giê-su: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14) Những báo cáo này phản ánh trung thực về công việc đang được tiến hành trên cánh đồng thế giới. Báo cáo cho biết nơi nào cần sự giúp đỡ và cần loại sách báo nào, số lượng bao nhiêu, để đẩy mạnh công việc rao giảng.

13 Do đó, báo cáo hoạt động rao giảng giúp chúng ta thi hành sứ mạng rao truyền tin mừng Nước Trời hữu hiệu hơn. Vả lại, chúng ta không được khích lệ sao khi nghe về hoạt động của anh em ở những phần đất khác trên thế giới? Tin tức về sự gia tăng và mở rộng trên khắp đất làm cho lòng chúng ta tràn đầy niềm vui, thôi thúc chúng ta hoạt động mạnh hơn, và đảm bảo rằng chúng ta có ân phước của Đức Giê-hô-va. Thật phấn khích làm sao khi biết báo cáo cá nhân của chúng ta cũng được tính vào báo cáo toàn cầu! Phần đóng góp của chúng ta tuy nhỏ so với toàn thể, nhưng vẫn được Đức Giê-hô-va ghi nhận. (Mác 12:42, 43) Hãy nhớ rằng, nếu thiếu báo cáo của bạn, báo cáo chung sẽ không đầy đủ.

14. Ngoài việc rao giảng và dạy dỗ, sự thờ phượng Đức Giê-hô-va còn bao hàm những việc gì?

14 Dĩ nhiên, phần lớn những gì mỗi Nhân Chứng làm để chu toàn trách nhiệm là một tôi tớ dâng mình của Đức Giê-hô-va không thể hiện hết qua phiếu báo cáo. Chẳng hạn, phiếu báo cáo không tính việc đều đặn học hỏi Kinh Thánh cá nhân, tham dự và góp phần tại các buổi nhóm họp, thực hiện các nhiệm vụ trong hội thánh, giúp đỡ những anh em cùng đức tin khi cần, hỗ trợ tài chính cho công việc Nước Trời trên khắp đất, v.v... Như vậy, dù phiếu báo cáo có lợi ích là giúp chúng ta giữ lòng sốt sắng và không chểnh mảng trong công việc rao giảng, nhưng chúng ta phải có cái nhìn đúng về nó. Không nên xem phiếu báo cáo như một giấy phép hay hộ chiếu về thiêng liêng cho phép chúng ta nhận sự sống vĩnh cửu.

“Sốt-sắng về các việc lành”

15. Chỉ việc làm thôi thì không thể cứu chúng ta, nhưng tại sao việc làm vẫn cần thiết?

15 Rõ ràng, chỉ việc làm thôi thì không thể cứu chúng ta, nhưng việc làm vẫn là cần thiết. Đó là lý do tại sao tín đồ Đấng Christ được gọi là “một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt-sắng về các việc lành”, và tại sao họ được khuyên “hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. (Tít 2:14; Hê-bơ-rơ 10:24) Nhấn mạnh điểm này, một người khác viết Kinh Thánh là Gia-cơ nói đơn giản: “Xác chẳng có hồn thì chết, đức-tin không có việc làm cũng chết như vậy”.—Gia-cơ 2:26.

16. Điều gì quan trọng hơn cả việc làm, nhưng chúng ta nên thận trọng về điều gì?

16 Tuy việc lành là quan trọng, nhưng động lực để làm việc lành còn quan trọng hơn. Thế nên, điều khôn ngoan là thỉnh thoảng chúng ta xem xét lại động lực của mình. Tuy nhiên, vì không ai có thể biết chính xác động lực của người khác, chúng ta phải thận trọng không xét đoán người khác. Chúng ta được hỏi: “Ngươi là ai mà dám xét-đoán tôi-tớ của kẻ khác?”, và nhận được câu trả lời rõ ràng: “Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó”. (Rô-ma 14:4) Đức Giê-hô-va là Chủ của tất cả và Quan Xét được Ngài bổ nhiệm là Chúa Giê-su Christ sẽ cùng xét đoán chúng ta, không những chỉ căn cứ vào việc làm mà còn căn cứ vào động lực, hoàn cảnh, tình yêu thương và lòng tin kính của chúng ta. Chỉ có Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ mới có thể biết chính xác là chúng ta có làm theo những gì mà tín đồ Đấng Christ được khuyên hay không, theo như lời của sứ đồ Phao-lô: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 2:15; 2 Phi-e-rơ 1:10; 3:14.

17. Trong khi chuyên tâm hay cố gắng làm hết sức mình, tại sao chúng ta nên ghi nhớ Gia-cơ 3:17?

17 Đức Giê-hô-va rất phải lẽ trong những điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Bên cạnh nhiều khía cạnh khác, Gia-cơ 3:17 cho biết “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì... tiết-độ [“phải lẽ”, NW ]”. Chẳng phải noi gương Đức Giê-hô-va về phương diện này là đường lối khôn ngoan và là thành quả thật sự đối với chúng ta sao? Vì thế, không nên cố đặt ra những kỳ vọng vô lý và không thiết thực cho chính bản thân hay cho các anh em chúng ta.

18. Chúng ta có thể mong đợi điều gì khi có quan điểm thăng bằng về việc làm của chúng ta và ân điển của Đức Giê-hô-va?

18 Bao lâu chúng ta còn giữ quan điểm thăng bằng về việc làm của đức tin và ân điển Đức Giê-hô-va, bấy lâu chúng ta sẽ giữ được niềm vui, đặc điểm giúp nhận ra các tôi tớ thật của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 65:13, 14) Chúng ta vui mừng về những ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho toàn thể dân Ngài, bất kể cá nhân chúng ta làm được bao nhiêu. Chúng ta sẽ tiếp tục “dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn” để xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta làm hết sức mình. Rồi chắc chắn, “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng [chúng ta] trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:4-7) Đúng thế, chúng ta được an ủi và khích lệ khi biết rằng mình có thể được cứu, không phải chỉ nhờ việc làm nhưng nhờ ân điển của Đức Giê-hô-va!

Bạn hãy giải thích tại sao tín đồ Đấng Christ

• cố gắng tránh khoe khoang về những thành quả đạt được.

• tránh thể hiện tinh thần cạnh tranh.

• báo cáo hoạt động rao giảng của mình.

• tránh xét đoán anh em.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

“Ân-điển ta đủ cho ngươi rồi”

[Các hình nơi trang 16, 17]

Các trưởng lão vui mừng về những gì mỗi anh làm được nhằm góp phần vào sự an toàn chung cho hội thánh

[Các hình nơi trang 18, 19]

Nếu thiếu báo cáo của bạn, báo cáo chung sẽ không đầy đủ