Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có trò chuyện với người thân không?

Bạn có trò chuyện với người thân không?

Bạn có trò chuyện với người thân không?

“CÀNG ngày người ta càng không biết nói chuyện với người thân”, theo tuần báo Polityka của Ba Lan. Theo ước tính ở Hoa Kỳ, những người hôn phối chỉ dành sáu phút mỗi ngày để trò chuyện với nhau đúng nghĩa. Một số chuyên viên có thẩm quyền cho rằng phân nửa số cặp ly thân và ly dị là do tình trạng này.

Thế còn việc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái thì sao? Đa số các trường hợp đều “không phải là cuộc trò chuyện, nhưng đúng hơn là một cuộc thẩm vấn với những câu hỏi như: Hôm nay học hành ra sao? Còn các bạn con thì thế nào?” Tờ báo trên nhận xét như thế và đặt câu hỏi: “Vậy thì làm thế nào con cái có thể học cách vun trồng được mối quan hệ nồng ấm?”

Không thể tự nhiên mà chúng ta biết cách khéo trò chuyện, vậy làm thế nào để trau dồi cách nói chuyện của mình? Môn đồ của Đấng Christ là Gia-cơ cho một bí quyết: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận”. (Gia-cơ 1:19) Quả vậy, để có một cuộc trò chuyện khích lệ, chúng ta cần chăm chú lắng nghe và không hấp tấp ngắt lời người nói hoặc kết luận vội vàng. Tránh chỉ trích vì thái độ đó có thể dễ dàng bóp nghẹt cuộc trò chuyện. Chúa Giê-su đã khéo léo hỏi han, chứ không thẩm vấn, để khơi gợi những suy nghĩ trong lòng người nghe và thắt chặt mối quan hệ với họ.—Châm-ngôn 20:5; Ma-thi-ơ 16:13-17; 17:24-27.

Khi áp dụng những nguyên tắc khôn ngoan của Kinh Thánh, hãy chủ động nói chuyện với những người thân của bạn. Điều đó có thể mang lại một mối quan hệ nồng ấm tồn tại lâu dài—thậm chí suốt đời.