Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chớ mệt nhọc về sự làm lành

Chớ mệt nhọc về sự làm lành

Chớ mệt nhọc về sự làm lành

“PHẢI ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại”, sứ đồ Phi-e-rơ khuyên. (1 Phi-e-rơ 2:12) Từ Hy Lạp được dịch là “ngay-lành”, “lành” hoặc “tốt-lành” hàm ý nói về một cái gì đó “đẹp đẽ, cao thượng, đáng quý trọng, xuất sắc”. Trong thời buổi hiện nay, mong đợi một lối sống cao thượng hoặc đáng quý trọng nơi người ta nói chung dường như là điều hết sức thiếu thực tế. Tuy nhiên, nhìn chung ngày nay dân tộc của Đức Giê-hô-va đã thành công trong việc làm theo lời khuyên của Phi-e-rơ. Quả vậy, họ nổi tiếng khắp thế giới là những người có lối sống ngay lành.

Lối sống này đặc biệt đáng chú ý khi xem xét những áp lực cuộc sống mà chúng ta phải đương đầu trong “thời-kỳ khó-khăn” này. (2 Ti-mô-thê 3:1) Thử thách là một phần của đời sống chúng ta, và lối sống của người tín đồ Đấng Christ bị chỉ trích là chuyện thường tình. Ngoài ra, dù một số thử thách chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng cũng có những thử thách kéo dài, thậm chí ngày càng nặng nề hơn. Tuy vậy, sứ đồ Phao-lô khuyên nhủ: “Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt”. (Ga-la-ti 6:9) Vậy, làm sao có thể làm—và tiếp tục làm—việc lành trong khi phải đối đầu với những thử thách cam go hoặc luôn bị thù ghét?

Những điều giúp làm việc tốt lành

“Cao thượng, đáng quý trọng, xuất sắc” rõ ràng là bản chất của con người bên trong, một phẩm chất của lòng. Do đó, việc gìn giữ lối sống ngay lành khi đương đầu với thử thách và gian nan không phải tự nhiên mà có, mà là nhờ quá trình áp dụng và thực hành những nguyên tắc Kinh Thánh hàng ngày trong mọi khía cạnh đời sống. Một số điều nào có thể giúp chúng ta về mặt này? Hãy xem xét những điều dưới đây.

Vun trồng tinh thần của Đấng Christ. Để chịu đựng được những điều có lẽ dường như thiếu công bằng, đòi hỏi phải có sự khiêm nhường. Một người xem mình là quan trọng khó có thể chấp nhận việc bị đối xử không đúng. Tuy nhiên, Chúa Giê-su “tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết”. (Phi-líp 2:5, 8) Khi noi gương ngài, chúng ta sẽ không “mỏi-mệt sờn lòng” trong việc phụng sự. (Hê-bơ-rơ 12:2, 3) Tập khiêm nhường vâng lời bằng cách sẵn lòng hợp tác với những người dẫn dắt trong hội thánh của mình. (Hê-bơ-rơ 13:17) Tập xem người khác “tôn-trọng hơn” mình, đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình.—Phi-líp 2:3, 4.

Nhớ rằng Đức Giê-hô-va yêu thương bạn. Chúng ta hãy tin chắc rằng “có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Ngài thật sự quan tâm đến chúng ta và muốn chúng ta được hưởng đời sống vĩnh cửu. (1 Ti-mô-thê 2:4; 1 Phi-e-rơ 5:7) Nhớ rằng không gì có thể làm mất đi tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, điều sẽ giúp chúng ta đứng vững trước những thử thách.—Rô-ma 8:38, 39.

Hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Tin cậy Đức Giê-hô-va là điều cần thiết, đặc biệt khi đương đầu với những thử thách dường như kéo dài hoặc mạng sống bị đe dọa. Chúng ta phải tuyệt đối tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ không để chúng ta “bị cám-dỗ quá sức mình” mà Ngài luôn “mở đàng cho ra khỏi”. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Tin cậy Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể can đảm ngay cả khi mạng sống bị đe dọa.—2 Cô-rinh-tô 1:8, 9.

Bền lòng cầu nguyện. Lời cầu nguyện tha thiết là trọng yếu. (Rô-ma 12:12) Chân thành cầu nguyện là một trong những cách giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va. (Gia-cơ 4:8) Qua kinh nghiệm riêng, chúng ta nhận biết rằng “nếu... cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta”. (1 Giăng 5:14) Nếu Ngài cho phép sự thử thách kéo dài để biết lòng trung kiên của chúng ta thì hãy cầu xin Ngài giúp thêm sức chịu đựng. (Lu-ca 22:41-43) Lời cầu nguyện giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta không bao giờ đơn độc, nhưng nhờ có Đức Giê-hô-va ở bên cạnh, chúng ta sẽ luôn thắng cuộc.—Rô-ma 8:31, 37.

Những việc lành ‘sanh ra ngợi-khen và vinh-hiển’

Có những lúc, vì “sự thử-thách trăm bề” mà các tín đồ Đấng Christ “phải buồn-bã”. Nhưng chúng ta “chớ mệt-nhọc về sự làm lành”. Khi đương đầu với áp lực, hãy thêm sức cho mình nhờ hiểu rằng lòng trung thành rồi sẽ “sanh ra ngợi-khen, tôn-trọng, vinh-hiển”. (1 Phi-e-rơ 1:6, 7) Hãy tận dụng tất cả những gì mà Đức Giê-hô-va cung cấp về phương diện thiêng liêng nhằm thêm sức cho bạn. Khi cần được giúp đỡ, hãy tìm đến những người phụng sự với tư cách là người chăn bầy, giảng dạy và khuyên bảo trong hội thánh. (Công-vụ 20:28) Hãy tham dự đều đặn tất cả các buổi nhóm họp. Đó là dịp để ‘khuyên-giục chúng ta về lòng yêu-thương và việc tốt-lành’. (Hê-bơ-rơ 10:24) Sắp xếp thời biểu đọc Kinh Thánh hàng ngày và học hỏi cá nhân sẽ giúp bạn tỉnh thức và mạnh mẽ về thiêng liêng; và việc tham gia đều đặn trong thánh chức rao giảng cũng vậy.—Thi-thiên 1:1-3; Ma-thi-ơ 24:14.

Càng cảm nghiệm được tình yêu thương và lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va, bạn sẽ muốn “sốt-sắng về các việc lành” nhiều hơn nữa. (Tít 2:14) Hãy nhớ, “kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”. (Ma-thi-ơ 24:13) Đúng vậy, hãy quyết tâm ‘không mệt-nhọc về sự làm lành’!

[Câu nổi bật nơi trang 29]

Chúng ta phải tuyệt đối tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ không để chúng ta “bị cám-dỗ quá sức mình” mà Ngài luôn “mở đàng cho ra khỏi”

[Các hình nơi trang 30]

Luôn bận rộn trong những hoạt động thần quyền có thể giúp chúng ta sẵn sàng đương đầu trước thử thách