Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hoàn toàn vui hưởng “đời nầy”!

Hoàn toàn vui hưởng “đời nầy”!

Tự Truyện

Hoàn toàn vui hưởng “đời nầy”!

DO TED BUCKINGHAM KỂ LẠI

Sau sáu năm làm công tác truyền giáo trọn thời gian và sáu tháng sau khi kết hôn thì tôi đột ngột bị bệnh bại liệt poliomyelitis. Đó là năm 1950, và lúc ấy tôi mới 24 tuổi. Chín tháng nằm bệnh viện cho tôi đủ thời gian để suy nghĩ về đời sống của mình. Với căn bệnh này, tương lai của tôi và Joyce, vợ tôi, sẽ ra sao?

VÀO năm 1938, cha tôi, dù không thiên về đạo nhưng ông vẫn chịu nhận sách Government (Chính phủ). * Tình hình chính trị bất ổn và nguy cơ chiến tranh bùng nổ có lẽ là lý do đã khiến cha nhận sách. Theo tôi biết, cha không bao giờ đọc sách này, nhưng mẹ tôi thì lại đọc vì bà là người rất sùng đạo. Mẹ tôi lập tức hưởng ứng thông điệp đọc được. Mẹ bỏ nhà thờ Anh Giáo, và dù bị cha chống đối, nhưng mẹ đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va và trung thành với niềm tin này cho đến khi mẹ mất vào năm 1990.

Buổi họp đầu tiên mẹ đưa tôi đến dự là tại Phòng Nước Trời ở Epsom, phía nam Luân Đôn. Nơi này trước kia là một cửa hàng. Chúng tôi nghe bài diễn văn được thu sẵn của anh J. F. Rutherford, người giám sát công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời đó. Bài này để lại nơi tôi một ấn tượng sâu xa.

Những đợt oanh tạc dữ dội xuống Luân Đôn khiến việc sống ở đó ngày càng nguy hiểm. Do đó, vào năm 1940, cha quyết định dời cả gia đình đến một nơi an toàn hơn, ở Maidenhead, một thành phố nhỏ cách Luân Đôn 45 kilômét về phía tây. Quyết định này tỏ ra có ích vì 30 anh chị trong hội thánh ở đó đã thật sự là nguồn khích lệ cho chúng tôi. Fred Smith, một anh đã báp têm vào năm 1917 và rất vững trong lẽ thật, đã đặc biệt quan tâm đến tôi và huấn luyện tôi để hữu hiệu hơn trong công việc rao giảng. Tôi luôn biết ơn anh vì anh đã yêu thương giúp đỡ và làm gương tốt cho tôi.

Khởi đầu thánh chức trọn thời gian

Vào một ngày lạnh lẽo tháng 3 năm 1941, khi được 15 tuổi, tôi làm báp têm tại sông Thames. Lúc đó, anh của tôi, Jim, đã bắt đầu tham gia thánh chức trọn thời gian. Ngày nay, anh ấy và vợ là chị Madge sống ở Birmingham sau khi đã dành cả đời để phụng sự Đức Giê-hô-va trong công tác vòng quanh và địa hạt trên toàn quốc. Em gái tôi, Robina, và chồng là Frank cũng trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.

Thời ấy, tôi làm kế toán cho một công ty sản xuất quần áo. Một ngày nọ, ông giám đốc gọi tôi lên văn phòng và đề nghị tôi một công việc đầy triển vọng, đó là trở thành người mua hàng cho công ty. Tuy nhiên, thời gian qua tôi đã nghĩ đến việc noi gương anh tôi, do đó tôi khéo léo từ chối và giải thích cho ông biết lý do của quyết định này. Tôi ngạc nhiên khi nghe ông nồng nhiệt khen tôi vì có ước muốn theo đuổi một công việc thiêng liêng đáng quý như thế. Thế nên, sau đại hội địa hạt ở Northampton năm 1944, tôi trở thành người truyền giáo trọn thời gian.

Nhiệm sở đầu tiên của tôi là Exeter, ở vùng Devon. Lúc ấy, thành phố đang dần dần được xây lại sau những đợt đánh bom của cuộc chiến. Tôi đến ở chung căn hộ với Frank và Ruth Middleton, hai người tiên phong rất tử tế. Tôi mới 18 tuổi và không có kinh nghiệm nhiều về việc giặt ủi, nấu nướng, nhưng từ từ tôi phát huy được những khả năng này.

Người cùng làm việc với tôi là anh Victor Gurd, 50 tuổi, người Ireland, vốn đã tham gia thánh chức từ thập niên 1920. Anh dạy tôi lập thời biểu sao cho hữu ích, quan tâm nhiều hơn đến việc đọc Kinh Thánh, và nhận ra giá trị của các bản dịch Kinh Thánh khác nhau. Trong những năm học hỏi đó, gương kiên định của anh Victor đúng là điều tôi rất cần.

Thử thách vì thái độ trung lập

Chiến tranh sắp kết thúc nhưng nhà cầm quyền vẫn kêu gọi những người trẻ nhập ngũ. Vào năm 1943, tôi ra tòa ở Maidenhead để cho biết rõ lý do xin miễn nghĩa vụ quân sự là vì tôi là người truyền bá Phúc Âm. Dù đơn xin miễn quân dịch bị từ chối, tôi vẫn quyết định dọn đến Exeter để đảm nhiệm thánh chức trọn thời gian. Vì thế, ở Exeter tôi bị đưa ra xét xử tại phiên tòa địa phương. Quan tòa tuyên án sáu tháng lao động trong tù và cho biết ông tiếc không cho tôi ở tù lâu hơn. Sau sáu tháng lao động, tôi bị giam thêm bốn tháng nữa.

Vì là người Nhân Chứng duy nhất trong tù nên những giám ngục gọi tôi là Giê-hô-va. Tôi cảm thấy không được thoải mái lắm khi người ta gọi tôi như vậy vào giờ điểm danh nhưng tôi phải trả lời. Tuy nhiên, thật là một đặc ân khi nghe danh Đức Chúa Trời được loan báo mỗi ngày! Nhờ đó các tù nhân khác đều biết rằng tôi bị tù vì là Nhân Chứng Giê-hô-va và giữ lập trường của lương tâm. Sau đó, anh Norman Castro cũng bị giam ở đó và họ đổi tên của chúng tôi thành Môi-se và A-rôn.

Tôi bị dời từ nhà tù ở Exeter đến Bristol và cuối cùng đến Winchester. Dù điều kiện không luôn luôn tốt, nhưng tính khôi hài đã giúp tôi đối phó. Khi bị giam ở Winchester, tôi và anh Norman vui mừng dự Lễ Tưởng Niệm chung trong tù. Anh Francis Cooke đến thăm chúng tôi và nói một bài giảng xuất sắc vào dịp đó.

Những biến đổi sau thời kỳ chiến tranh

Vào dịp đại hội tại Bristol năm 1946, khi sách nghiên cứu Kinh Thánh “Let God Be True” (“Xưng Đức Chúa Trời là thật”) được ra mắt, tôi gặp Joyce Moore, một cô gái xinh đẹp cũng là một tiên phong ở Devon. Tình bạn giữa cô và tôi phát triển và chúng tôi kết hôn bốn năm sau tại Tiverton, nơi tôi phục vụ từ năm 1947. Nhà chúng tôi là một căn phòng thuê mỗi tuần 15 shillings (1,10 Mỹ kim). Đời sống chúng tôi vào thời đó thật tuyệt vời!

Kết hôn chưa được một năm, chúng tôi dọn đến Brixham, một phố cảng rất đẹp ở miền nam và là xuất xứ của nghề đánh cá bằng lưới rà. Nhưng không lâu sau, trên đường đi đại hội ở Luân Đôn, tôi bị bệnh bại liệt và bị hôn mê. Tôi xuất viện chín tháng sau như được kể ở đầu bài. Tay phải và hai chân của tôi bị ảnh hưởng nặng cho đến nay vẫn chưa ổn, và tôi đã phải dùng gậy khi đi lại. Người vợ đáng mến của tôi luôn vui vẻ bên cạnh và là một nguồn khích lệ cho tôi, đặc biệt vì cô ấy cố gắng tiếp tục làm thánh chức trọn thời gian. Nhưng bây giờ chúng tôi phải làm gì? Không lâu sau, tôi nhận ra rằng không có chuyện nào nằm ngoài tầm tay của Đức Giê-hô-va.

Vào năm sau, chúng tôi đến dự một hội nghị tại Wimbledon, Luân Đôn. Lúc đó, tôi không cần gậy để đi lại. Chúng tôi gặp anh Pryce Hughes, người có trách nhiệm giám sát công việc tại nước Anh. Anh liền chào tôi: “Này, chúng tôi muốn anh làm giám thị vòng quanh đấy!” Hơn gì hết, câu nói này hết sức khích lệ tôi! Liệu tôi có đủ khả năng làm việc này không? Tôi và Joyce hoang mang, nhưng sau khi được huấn luyện trong một tuần và với sự tin cậy tuyệt đối nơi Đức Giê-hô-va, chúng tôi trở về miền tây nam nước Anh, nơi tôi được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh. Lúc đó tôi chỉ 25 tuổi, và bây giờ tôi vẫn nhớ với lòng biết ơn sự tử tế và kiên nhẫn của anh em Nhân Chứng. Họ đã giúp tôi rất nhiều.

Nghĩ lại các sinh hoạt thần quyền khác nhau mà chúng tôi đã tham gia, vợ chồng tôi thấy rằng việc viếng thăm các hội thánh đã giúp chúng tôi gần gũi nhất với anh chị em cùng đạo. Vì không có xe nên chúng tôi đi lại bằng xe lửa hoặc xe buýt. Dù đang thích nghi với những hạn chế do căn bệnh của tôi gây ra, chúng tôi vui hưởng đặc ân phụng sự này cho đến năm 1957. Đời sống chúng tôi như vậy là thỏa nguyện rồi, tuy nhiên, một đặc ân và thử thách khác đến với chúng tôi trong năm đó.

Làm giáo sĩ

Chúng tôi hào hứng khi được mời tham dự khóa thứ 30 của Trường Ga-la-át. Vì có thể thích ứng được với căn bệnh bại liệt, vợ chồng tôi vui mừng nhận lời mời. Qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy Đức Giê-hô-va luôn tiếp sức nếu mình tìm cách làm theo ý Ngài. Chương trình huấn luyện kỹ càng kéo dài năm tháng tại Trường Kinh Thánh Tháp Canh Ga-la-át tại South Lansing, một địa điểm đẹp của New York, Hoa Kỳ, trôi qua rất nhanh. Phần lớn học viên là những cặp vợ chồng tham gia công tác lưu động. Khi cả lớp được hỏi có ai muốn tình nguyện phục vụ ở hải ngoại với tư cách là giáo sĩ, chúng tôi nằm trong số những người sẵn sàng tình nguyện. Chúng tôi được bổ nhiệm đi đâu? Nước Uganda, ở Đông Phi!

Vì công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán ở Uganda vào lúc đó, tôi được khuyên dọn đến nước này và tìm cho mình một công việc ngoài đời. Sau một cuộc hành trình dài bằng xe lửa và thuyền, chúng tôi đến Kampala, ở Uganda. Viên chức tại văn phòng xuất nhập cảnh không vui khi thấy chúng tôi nên chỉ cho phép ở đó vài tháng. Sau thời hạn đó, chính quyền buộc chúng tôi phải rời khỏi nước. Theo chỉ thị của các anh ở trung ương, chúng tôi chuyển sang miền Bắc Rhodesia (nay là Zambia). Thật vui mừng biết bao khi chúng tôi gặp lại được bốn người bạn học chung ở Trường Ga-la-át là Frank và Carrie Lewis, cùng Hayes và Harriet Hoskins. Không lâu sau, chúng tôi được bổ nhiệm đi đến miền Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe).

Chúng tôi đi bằng xe lửa và lần đầu tiên được nhìn thoáng qua cảnh đẹp hùng vĩ của Thác Victoria trước khi đến Bulawayo. Chúng tôi ở nhà của gia đình McLuckie một thời gian dài. Họ là một trong số những Nhân Chứng đầu tiên đã dọn đến đây. Thật là một đặc ân khi được kết thân với gia đình này trong suốt 16 năm sau.

Thích nghi với những thay đổi

Sau hai tuần huấn luyện để làm quen với cánh đồng rao giảng ở Châu Phi, tôi được bổ nhiệm làm giám thị địa hạt. Làm chứng trong vùng hẻo lánh ở Châu Phi đòi hỏi phải mang theo thức ăn, nước uống, chăn màn để ngủ, quần áo, máy chiếu phim, máy phát điện, màn lớn để chiếu phim và những thứ cần thiết khác. Tất cả mọi thứ đều được đóng gọn và xếp trong một chiếc xe tải nhỏ đủ sức để di chuyển trên những con đường gồ ghề.

Tôi làm việc với các giám thị vòng quanh người Phi Châu trong khi Joyce thì vui mừng giúp đỡ vợ con họ cùng đi chung với chúng tôi. Đi bộ trong vùng đồng cỏ ít cây cối ở Phi Châu là một việc hao sức, đặc biệt vào ban ngày nóng nực, nhưng tôi sớm phát hiện ra rằng tôi cảm thấy dễ chịu hơn với căn bệnh của mình trong khí hậu như vậy, và tôi rất biết ơn về điều này.

Dân địa phương thường là người nghèo. Phần đông bị chi phối bởi phong tục tập quán, niềm tin dị đoan và tục đa thê; nhưng họ tôn trọng Kinh Thánh cách sâu xa. Tại vài nơi, các buổi họp của hội thánh được tổ chức dưới bóng râm của những cây lớn, và vào buổi tối có ánh sáng của các ngọn đèn dầu. Chúng tôi luôn có cảm giác kính phục khi học Lời của Đức Chúa Trời ngay dưới bầu trời đầy sao—quả là một phần diệu kỳ trong sự sáng tạo của Ngài!

Chiếu phim của Hội Tháp Canh trong các khu bảo tồn thú rừng cũng là một kinh nghiệm khó quên. Một hội thánh có thể chỉ có 30 Nhân Chứng, nhưng vào những dịp đó, chúng tôi biết người đến xem phim có thể lên đến 1.000 hoặc hơn nữa!

Tại những vùng nhiệt đới, dĩ nhiên bệnh tật có thể gây nhiều khó khăn, nhưng điều thiết yếu là phải luôn giữ cái nhìn tích cực. Vợ chồng tôi đã tập thích ứng khá tốt với bệnh tật—chẳng hạn thỉnh thoảng tôi phải đối phó với những cơn sốt rét, còn Joyce thì với căn bệnh do ký sinh trùng amip gây ra.

Một thời gian sau, chúng tôi được bổ nhiệm đến văn phòng chi nhánh ở Salisbury (nay là Harare), ở đây tôi có đặc ân làm việc chung với một số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va như Lester Davey, George và Ruby Bradley. Chính quyền cho phép tôi đứng ra hợp pháp hóa những cuộc hôn lễ. Do đó tôi có thể làm lễ cưới cho các anh chị ở Phi Châu, góp phần cho việc củng cố mối ràng buộc hôn nhân của những tín đồ Đấng Christ trong các hội thánh. Vài năm sau, tôi nhận được một đặc ân khác, đó là thăm viếng tất cả các hội thánh không dùng ngôn ngữ địa phương. Trong hơn mười năm, vợ chồng tôi vui mừng làm quen với nhiều anh chị em khác trong công tác này và rất khích lệ khi thấy sự tiến bộ của họ. Vào thời điểm đó, chúng tôi cũng đi thăm các anh chị ở Botswana và Mozambique.

Chuyển đi nơi khác

Sau nhiều năm hạnh phúc ở miền nam Phi Châu, chúng tôi nhận được nhiệm sở mới vào năm 1975, đó là Sierra Leone, ở Tây Phi. Chúng tôi dọn đến văn phòng chi nhánh và thích thú với công tác mới ở đó, nhưng chẳng được bao lâu. Tôi bị ốm và yếu đi do một cơn sốt rét dữ dội và cuối cùng phải về Luân Đôn để trị bệnh. Tại đó tôi được khuyên không nên trở lại Phi Châu nữa. Chúng tôi rất buồn khi nghe tin này nhưng tôi và Joyce được gia đình Bê-tên ở Luân Đôn nồng nhiệt tiếp đón. Anh em người Phi Châu, rất đông trong các hội thánh tại Luân Đôn, cho chúng tôi cảm giác là mình vẫn ở trong một môi trường quen thuộc. Khi sức khỏe tôi khá hơn, chúng tôi tập thích nghi với một thời biểu mới, và tôi nhận trách nhiệm coi sóc việc mua sắm cho chi nhánh. Với sự phát triển không ngừng trong những năm tiếp theo, tôi rất bận rộn trong công việc này.

Vào đầu thập niên 1990, Joyce, người vợ yêu mến của tôi, mắc một bệnh của hệ thần kinh và qua đời năm 1994. Joyce đã tỏ ra là người vợ yêu thương, chung thủy và tận tụy, luôn sẵn sàng thích nghi với những thay đổi xảy ra trong đời sống chúng tôi. Để đối phó với sự mất mát to lớn này, tôi thấy điều quan trọng là giữ cái nhìn sáng suốt về thiêng liêng và luôn hướng về tương lai. Cầu nguyện để tiếp tục duy trì một thời biểu thiêng liêng tốt, gồm công việc rao giảng, cũng giúp đầu óc tôi luôn bận rộn.—Châm-ngôn 3:5, 6.

Phụng sự ở nhà Bê-tên là một đặc ân và là lối sống tốt đẹp. Đây cũng là cơ hội để làm việc chung với rất nhiều thanh niên trẻ và tìm được nhiều niềm vui. Một trong những ân phước chúng tôi có là được tiếp xúc với những khách đến thăm nhà Bê-tên ở Luân Đôn. Đôi khi tôi gặp lại các bạn thân yêu mà tôi quen biết khi ở Phi Châu và điều này khiến lòng tôi tràn ngập những kỷ niệm vui. Tất cả điều này giúp tôi tiếp tục hoàn toàn vui hưởng “đời nầy”, tin cậy và hy vọng nhìn về “đời sau”.—1 Ti-mô-thê 4:8.

[Chú thích]

^ đ. 5 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản vào năm 1928 và nay không còn ấn hành nữa.

[Hình nơi trang 25]

Với mẹ tôi, năm 1946

[Hình nơi trang 26]

Với Joyce vào ngày cưới của chúng tôi, năm 1950

[Hình nơi trang 26]

Tại đại hội ở Bristol, năm 1953

[Các hình nơi trang 27]

Viếng thăm một nhóm thuộc vùng hẻo lánh (hình trên) và một hội thánh (hình bên trái) ở miền Nam Rhodesia, nay là Zimbabwe