Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi hôn nhân nảy sinh những bất đồng

Khi hôn nhân nảy sinh những bất đồng

Khi hôn nhân nảy sinh những bất đồng

CHUYỆN xung đột trong hôn nhân không người chồng hay người vợ bình thường nào thích, nhưng điều đó lại phổ biến. Thông thường, một trong hai người nói điều gì đó làm người kia phát cáu. Họ lớn tiếng, và cơn giận bùng lên, châm ngòi cho cuộc tranh cãi gây những xúc động mãnh liệt với những lời lẽ chua cay. Sau đó là “cuộc chiến tranh lạnh”, hai vợ chồng đều ngoan cố không chịu nói chuyện với nhau. Một thời gian sau, cơn giận lắng xuống và họ xin lỗi nhau. Hòa bình được lập lại—ít ra cho đến cuộc chiến kế tiếp.

Những vụ cãi nhau là đề tài của vô số câu chuyện đùa và tiết mục trong chương trình truyền hình, nhưng trên thực tế thì điều đó chẳng hài hước tí nào. Thật vậy, một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm”. (Châm-ngôn 12:18) Đúng thế, lời nói gay gắt có thể để lại những vết sẹo về mặt tình cảm vẫn tồn tại dai dẳng sau khi cuộc cãi vã đã kết thúc. Tranh cãi còn có thể dẫn đến bạo lực.—Châm-ngôn 15:1.

Dĩ nhiên, vì sự bất toàn, đôi khi người ta không thể tránh được những vấn đề trong hôn nhân. (Sáng-thế Ký 3:16; 1 Cô-rinh-tô 7:28) Nhưng, không nên cho rằng những cuộc cãi vã thường xuyên và dữ dội là chuyện bình thường. Các chuyên gia ghi nhận rằng những cặp vợ chồng càng cãi nhau thường xuyên thì nguy cơ dẫn đến ly hôn càng cao. Vì vậy, điều trọng yếu là bạn và người hôn phối phải học biết cách giải quyết ôn hòa những mối bất đồng.

Phân tích sự việc

Nếu hôn nhân của bạn không êm đẹp, hãy thử xác định xem những yếu tố điển hình nào thường dẫn đến những cuộc cãi vã. Chẳng hạn, khi vợ chồng bạn bất đồng ý kiến về một vấn đề thì điều gì thường xảy ra? Cuộc thảo luận có nhanh chóng vượt tầm kiểm soát của bạn, và chuyển sang chiều hướng xấu, hai bên tung ra những lời sỉ nhục, buộc tội không? Nếu thế, bạn có thể làm gì?

Trước tiên, hãy thành thật nhận định, có thể bạn cũng có lỗi phần nào. Bạn có dễ nổi nóng không? Bạn có tính hay cãi lẽ không? Về phương diện này, người hôn phối nói gì về bạn? Câu hỏi cuối rất quan trọng, vì có lẽ vợ chồng bạn hiểu khác nhau về chữ “cãi lẽ”.

Giả sử người hôn phối của bạn là người trầm tính trong khi bạn lại là người bộc trực và sôi nổi. Bạn có thể nói: “Tôi lớn lên như vậy, đó là cách mà mọi người trong gia đình tôi nói chuyện với nhau. Đó không phải là cãi lẽ!” Và có lẽ bạn thành thật nghĩ vậy. Tuy nhiên, việc mà bạn xem là nói chuyện thẳng thắn, có lẽ theo cách nhìn của người hôn phối thì đó lại là một cuộc tranh cãi mang tính hung hăng và gây tổn thương. Chỉ cần ý thức được cách nói chuyện khác nhau của hai vợ chồng, bạn có thể tránh được những hiểu lầm.

Cũng hãy nhớ rằng, cãi vã không phải luôn luôn gồm có quát tháo. Phao-lô viết cho các tín đồ Đấng Christ: “Đừng... la lối thóa mạ”. (Ê-phê-sô 4:31, Tòa Tổng Giám Mục) “La lối” ám chỉ việc nói lớn tiếng, trong khi “thóa mạ” chỉ về nội dung của lời nói. Xem xét dưới khía cạnh này, ngay cả những lời nói êm nhẹ cũng có thể mang tính cách cãi lẽ nếu những lời ấy chọc tức hoặc gây sỉ nhục cho người kia.

Ghi nhớ điều này, hãy nhìn lại cách bạn giải quyết những bất đồng với người hôn phối. Bạn có hay cãi lẽ không? Như chúng ta đã phân tích, câu trả lời đúng tùy thuộc phần lớn vào cách nhìn của người hôn phối. Thay vì gạt qua một bên quan điểm của người hôn phối vì cho rằng quan điểm đó quá nhạy cảm, bạn hãy cố nhìn lại mình theo cách mà người hôn phối cảm nhận về bạn, và sửa đổi. Phao-lô viết: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.

“Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”

Lời của Chúa Giê-su cho thấy một khía cạnh khác để giải quyết những mối bất đồng: “Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”. (Lu-ca 8:18) Đành rằng lúc ấy Chúa Giê-su không đề cập đến việc trò chuyện trong hôn nhân, nhưng nguyên tắc này cũng được áp dụng. Bạn lắng nghe người hôn phối đến mức nào? Có bao giờ bạn chịu lắng nghe không? Hay là bạn đột ngột ngắt lời bằng cách đưa ra những giải pháp không thiết thực cho các vấn đề mà bạn chưa hiểu hết? Kinh Thánh nói: “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy”. (Châm-ngôn 18:13) Vậy, khi có bất đồng, vợ chồng bạn cần đem vấn đề ra bàn bạc và thật sự lắng nghe nhau.

Thay vì xem nhẹ quan điểm của người hôn phối, bạn hãy cố gắng tỏ ra “thông cảm”. (1 Phi-e-rơ 3:8, TTGM ) Theo nguyên ngữ Hy Lạp, từ này có nghĩa cơ bản là cùng chịu nỗi đau của người khác. Nếu người hôn phối đau buồn về một điều gì, bạn cũng nên chia sẻ nỗi buồn ấy. Hãy cố gắng nhìn vấn đề theo quan điểm của người kia.

Hình như người tin kính Y-sác đã làm như thế. Kinh Thánh cho chúng ta biết vợ ông là Rê-bê-ca vô cùng lo lắng về một vấn đề của gia đình liên quan đến Gia-cốp, con trai họ. Bà nói với Y-sác: “Tôi đã chán, không muốn sống nữa, vì cớ mấy con gái họ Hếch. Nếu Gia-cốp cưới một trong mấy con gái họ Hếch mà làm vợ, tức một người con gái trong xứ như các đứa đó; thôi, tôi còn sống mà chi?”—Sáng-thế Ký 27:46.

Đành rằng vì quá lo âu, Rê-bê-ca rất có thể đã phóng đại vấn đề. Trên thực tế, bà có thật sự chán, không muốn sống nữa không? Liệu bà có muốn chết thật nếu con bà kết hôn với một trong mấy người con gái họ Hếch không? Chắc là không. Nhưng Y-sác đã không xem nhẹ cảm xúc của Rê-bê-ca. Thay vì thế, ông nhận thấy mối lo lắng của vợ là chính đáng và ông đã có giải pháp thích hợp. (Sáng-thế Ký 28:1) Hãy làm như thế trong lần tới nếu người hôn phối của bạn lo âu về một vấn đề gì. Thay vì gạt qua một bên, xem như đó là chuyện vặt vãnh, hãy lắng nghe, tôn trọng quan điểm của người hôn phối và đáp ứng với lòng trắc ẩn.

Hãy lắng nghe và có sự hiểu biết

Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Sự khôn-ngoan [“hiểu biết”, TTGM ] của người khiến cho người chậm nóng-giận”. (Châm-ngôn 19:11) Trong cơn nóng giận, bạn dễ có những phản ứng hấp tấp trước lời nói cay độc của người hôn phối. Thông thường, điều này chỉ làm cho cuộc cãi vã trở nên dữ dội hơn. Vì vậy, khi nghe người hôn phối nói, hãy cố chú tâm không chỉ đến từ ngữ được thốt ra mà hãy cố hiểu xúc cảm ẩn sau những từ ấy nữa. Sự hiểu biết ấy sẽ giúp bạn dẹp nỗi bực bội sang một bên và nắm bắt được căn nguyên của vấn đề.

Chẳng hạn, nếu vợ bạn nói: “Anh không khi nào dành thì giờ cho em cả!” Phản ứng đầu tiên của bạn có thể là phát cáu và phủ nhận lời buộc tội bằng những lý lẽ khô khan. Bạn có thể đáp: “Tháng rồi chẳng phải anh đã ở bên em cả ngày đó sao!” Nhưng nếu chăm chú lắng nghe, bạn có thể nhận thấy rằng thật ra vợ bạn không đòi hỏi phải dành bao nhiêu thời gian cho chị ấy. Đúng hơn, có lẽ vợ bạn cần được trấn an, muốn cho bạn biết là mình cảm thấy bị bỏ bê và không được yêu thương.

Giả sử bạn là vợ, và chồng bạn đề cập đến một món đồ mà bạn vừa mua trong thời gian gần đây. Anh ấy hỏi với giọng lo lắng: “Làm gì mà em tiêu nhiều tiền thế?” Có thể phản ứng tự nhiên của bạn là biện hộ bằng cách trình bày về tình hình tài chính gia đình hoặc so sánh với món đồ mà chồng bạn đã mua. Tuy nhiên, sự hiểu biết sẽ giúp bạn thấy rằng có lẽ chồng của bạn không nói về chuyện tiền bạc. Thay vì thế, có lẽ anh ấy bối rối vì vợ đã không hỏi ý kiến mình về một khoản chi tiêu lớn.

Dĩ nhiên, mỗi cặp vợ chồng sẽ tự ấn định thời gian dành cho nhau là bao nhiêu và cách quyết định việc chi tiêu trong gia đình. Điểm quan trọng là khi có bất đồng, sự hiểu biết sẽ giúp bạn chậm nóng giận và bạn có thể nắm bắt được thực chất của vấn đề. Thay vì hấp tấp phản ứng, hãy làm theo lời khuyên của một người viết Kinh Thánh là Gia-cơ: “Phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận”.—Gia-cơ 1:19.

Khi nói, hãy nhớ rằng cách bạn nói với người hôn phối là điều quan trọng. Kinh Thánh nói “lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. (Châm-ngôn 12:18) Khi vợ chồng bạn xảy ra mối bất đồng, lời nói của bạn gây tổn thương hay chữa lành? Những lời nói ấy tạo nên rào chắn hay mở đường cho việc giải hòa? Như chúng ta đã thấy, lời đáp giận dữ hay hấp tấp chỉ gây ra sự tranh cãi.—Châm-ngôn 29:22.

Nếu sự bất đồng biến thành một cuộc đấu khẩu, hãy cố gắng nhiều hơn để tập trung vào điểm chính. Hãy chú tâm đến nguyên nhân, chứ không nhắm vào người kia. Hãy quan tâm nhiều hơn đến điều gì là đúng thay vì xem ai đúng. Hãy cẩn thận, đừng để lời nói của bạn đổ thêm dầu vào lửa. Kinh Thánh nói: “Lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm”. (Châm-ngôn 15:1) Đúng thế, lời nói và cách nói của bạn là yếu tố quyết định sẽ có hay không sự hợp tác của người kia.

Cố giải quyết bất đồng, không cố giành phần thắng

Khi giải quyết những bất đồng, mục tiêu là tìm giải pháp hơn là giành phần thắng. Làm thế nào bạn có thể tìm ra giải pháp? Cách chắc chắn nhất là tra cứu và áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh, và người chồng nên đặc biệt chủ động làm điều này. Thay vì vội vàng phát biểu quan niệm cứng rắn, tại sao không xem xét sự việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va? Hãy cầu nguyện với Ngài, và tìm sự bình an của Đức Chúa Trời, sự bình an sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của bạn. (Ê-phê-sô 6:18; Phi-líp 4:6, 7) Hãy thật sự quan tâm không những đến lợi ích bản thân mà còn đến lợi ích người hôn phối nữa.—Phi-líp 2:4.

Để cho những tình cảm bị tổn thương và những mối xúc cảm không kiềm chế chi phối ý tưởng và hành động của bạn thường làm cho tình trạng đang xấu trở nên tồi tệ. Trái lại, sẵn sàng để lời khuyên của Lời Đức Chúa Trời uốn nắn sẽ giúp bạn có sự bình an, hòa thuận, và ân phước của Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 13:11) Thế nên, hãy để “sự khôn-ngoan từ trên” hướng dẫn bạn và thể hiện những đức tính của Đức Chúa Trời nhằm gặt hái lợi ích dành cho “những kẻ nào làm sự hòa-bình”.—Gia-cơ 3:17, 18.

Thực ra, mọi người nên học biết cách giải quyết ôn hòa những mối bất đồng, ngay dù điều này có nghĩa là phải nhân nhượng nhau. (1 Cô-rinh-tô 6:7) Thật vậy, hãy áp dụng lời khuyên của Phao-lô là từ bỏ “sự thạnh-nộ, buồn-giận và hung-ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục-tỉu nào ra từ miệng anh em... Lột bỏ người cũ cùng công-việc nó, mà mặc lấy người mới”.—Cô-lô-se 3:8-10.

Dĩ nhiên, đôi khi bạn sẽ lỡ lời, nói những điều mà sau này bạn cảm thấy hối tiếc. (Gia-cơ 3:8) Khi việc này xảy ra, hãy xin lỗi người hôn phối. Hãy tiếp tục gắng sức. Với thời gian, vợ chồng bạn sẽ nhận thấy có nhiều tiến bộ trong cách giải quyết những mối bất đồng.

[Khung/​Hình nơi trang 22]

Ba bước làm lắng dịu cuộc tranh cãi

• Lắng nghe người hôn phối.—Châm-ngôn 10:19

• Tôn trọng quan điểm của người kia.—Phi-líp 2:4

• Đáp ứng một cách đầy yêu thương.—1 Cô-rinh-tô 13:4-7

[Khung/​Hình nơi trang 23]

Điều bạn có thể làm ngay bây giờ

Hãy hỏi người hôn phối những câu dưới đây, và lắng nghe, không ngắt lời. Sau đó, người hôn phối cũng hỏi bạn những câu như thế.

• Em/Anh có hay cãi lẽ không?

• Em/Anh có thật sự lắng nghe khi anh/em phát biểu ý kiến, hay em/anh hấp tấp trả lời trước khi nghe hết câu?

• Em/Anh có cảm thấy những lời anh/em nói với em/anh là những lời vô ý hay là lời giận dữ không?

• Làm sao hai vợ chồng mình có thể cải thiện cách nói chuyện với nhau—đặc biệt khi có bất đồng về một vấn đề?

[Hình nơi trang 21]

Bạn có lắng nghe không?

[Hình nơi trang 22]

“Em cảm thấy mình bị bỏ bê và không được yêu thương”

[Hình nơi trang 22]

“Anh không khi nào dành thì giờ cho em cả!”

[Hình nơi trang 22]

“Tháng rồi chẳng phải anh đã ở bên em cả ngày đó sao!”