Tại sao thế giới không hợp nhất?
Tại sao thế giới không hợp nhất?
“Lần đầu tiên kể từ Thế Chiến II, cộng đồng thế giới hợp nhất... Do đó thế giới có thể nắm lấy cơ hội này để thực hiện lời hứa từ lâu về một trật tự thế giới mới”.
ĐÓ LÀ câu hỏi của một vị tổng thống Hoa Kỳ trong thập niên cuối của thế kỷ 20 vừa qua. Vào lúc ấy, các diễn biến trên trường quốc tế dường như cho thấy một thế giới hợp nhất đang ló dạng. Các chính quyền chuyên chế lần lượt sụp đổ. Bức Tường Berlin sập xuống, báo hiệu một kỷ nguyên mới cho Âu Châu. Liên Bang Sô Viết, vốn bị nhiều nước Tây Phương xem là kẻ gây ra xung đột toàn cầu, đã biến mất trước sự kinh ngạc của cả thế giới. Chiến Tranh Lạnh đi đến chỗ chấm dứt, và có những cuộc thương thảo đầy lạc quan về việc giải giới, gồm cả giải giới nguyên tử. Đành rằng chiến tranh bùng nổ ở Vịnh Ba Tư, nhưng dường như chỉ là khó khăn nhất thời khiến thế giới càng cương quyết hơn trong việc theo đuổi một kỷ nguyên hòa bình.
Người ta có thể thấy những dấu hiệu lạc quan không những trong lĩnh vực chính trị mà còn trong những lĩnh vực khác của đời sống nữa. Tại nhiều nơi trên thế giới, mức sống được cải thiện. Trong lĩnh vực y tế, nhiều tiến bộ đã giúp cho bác sĩ có thể làm được những điều mà chỉ vài thập niên trước đó được gọi là phép lạ. Sự phát triển về kinh tế tại nhiều nước gia tăng với một tốc độ dường như đang dẫn đến thịnh vượng cho toàn cầu. Mọi chuyện xem như đang đi đúng hướng.
Ngày nay, chỉ một ít năm sau, chúng ta phải tự hỏi: ‘Điều gì đã xảy ra vậy? Thế giới hợp nhất như lời người ta hứa ở đâu?’ Trái lại, dường như thế giới đang chuyển ngược hướng. Đánh bom cảm tử, tấn công khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt và những diễn biến gây âu lo khác đã trở thành những tin tức thường xuyên xuất hiện trên báo chí. Những biến cố như thế dường như đẩy thế
giới càng ngày càng xa sự hợp nhất. Một nhà tài chính nổi tiếng mới đây phát biểu: “Chúng ta đang vướng vào vòng luẩn quẩn bạo lực kéo theo bạo lực”.Thế giới hợp nhất hay bị phân hóa?
Khi Liên Hiệp Quốc được thành lập, một trong những mục đích được nói rõ là “để phát triển mối quan hệ thân hữu giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trọng nguyên tắc về quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân chúng”. Sau gần 60 năm, mục tiêu cao quý này có đạt được không? Hoàn toàn không! Thay vì gây dựng “mối quan hệ thân hữu” thì dường như các nước quan tâm đến biểu thức “quyền tự quyết” nhiều hơn. Các dân tộc và các nhóm sắc tộc tranh đấu để thiết lập quốc gia và chủ quyền riêng khiến cho thế giới càng chia rẽ hơn. Khi mới được thành lập, Liên Hiệp Quốc có 51 quốc gia hội viên, nay con số này lên đến 191.
Như vừa xem, cho đến cuối thế kỷ 20, người ta khắp nơi vẫn hy vọng về một thế giới hợp nhất. Kể từ đó, hy vọng ấy trở thành thất vọng khi mà nhân loại phải chứng kiến cộng đồng thế giới ngày càng phân hóa. Sự tan rã của Nam Tư, cuộc đụng độ giữa Chechnya và Nga, cuộc chiến tranh I-rắc, và sự chém giết vẫn tiếp diễn ở Trung Đông—tất cả những điều này là bằng chứng cho thấy sự chia rẽ trầm trọng hơn bao giờ hết.
Hiển nhiên, nhiều nỗ lực tìm kiếm hòa bình là thành thật và thiện chí. Dù vậy, thế giới hợp nhất xem ra vẫn không thể nào đạt được. Nhiều người tự hỏi: ‘Tại sao thế giới hợp nhất vẫn còn xa vời? Thế giới này đang đi về đâu?’
[Nguồn tư liệu nơi trang 3]
AP Photo/Lionel Cironneau
Arlo K. Abrahamson/AFP/ Getty Images