Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các bạn trẻ, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va!

Các bạn trẻ, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va!

Các bạn trẻ, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va!

“Gã trai-trẻ và gái đồng-trinh,... khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!”—THI-THIÊN 148:12, 13.

1, 2. (a) Nhiều em ý thức rõ mình chưa được phép làm những điều nào? (b) Tại sao các em không nên khó chịu trước những giới hạn do cha mẹ đặt ra?

CÁC em nhỏ thường ý thức rất rõ điều nào mình chưa được phép làm. Nhiều em có thể nói ngay là em phải đợi tới mấy tuổi mới được phép băng qua đường một mình, được thức khuya hoặc được lái xe. Có lẽ, một em trẻ đôi khi cảm thấy có rất nhiều điều em muốn làm nhưng luôn nhận được một câu trả lời: “Con chưa đến tuổi”.

2 Hỡi các bạn trẻ, các bạn biết rằng sở dĩ cha mẹ đặt ra những giới hạn như thế vì họ nghĩ điều đó là khôn ngoan, có lẽ để bảo vệ chính các bạn. Hẳn các bạn cũng biết Đức Giê-hô-va vui lòng khi thấy các bạn vâng lời cha mẹ. (Cô-lô-se 3:20) Dù vậy, đã bao giờ các bạn có cảm giác đang chờ đợi giây phút để tự bắt đầu cuộc sống không? Tất cả những điều quan trọng đều phải đợi đến khi mình lớn sao? Chắc chắn không phải vậy! Ngày nay có một công việc đang diễn ra, quan trọng hơn nhiều so với những điều bạn hằng mong đợi. Là người trẻ tuổi, các bạn được phép tham gia công việc này không? Còn hơn thế nữa, các bạn được Đức Chúa Trời Tối Cao đích thân mời!

3. Đức Giê-hô-va ban cho các bạn trẻ đặc ân nào, và chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Chúng ta đang nói về công việc nào? Hãy lưu ý những lời trong câu Kinh Thánh chủ đề của bài này: “Gã trai-trẻ và gái đồng-trinh, người già-cả cùng con nhỏ: Cả thảy khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!” (Thi-thiên 148:12, 13) Đây là đặc ân rất lớn dành cho bạn: Đặc ân được ngợi khen Đức Giê-hô-va. Là người trẻ tuổi, bạn có háo hức tham gia công việc đó không? Nhiều bạn cảm thấy như thế. Để biết tại sao chúng ta nên có cảm giác đó, hãy xem xét ba câu hỏi. Thứ nhất, tại sao bạn nên ngợi khen Đức Giê-hô-va? Thứ hai, làm thế nào để ngợi khen Ngài cách hữu hiệu? Thứ ba, khi nào là lúc nên bắt đầu ngợi khen Đức Giê-hô-va?

Tại sao ngợi khen Đức Giê-hô-va?

4, 5. (a) Theo bài Thi-thiên 148, chúng ta đang ở trong trường hợp đầy hào hứng nào? (b) Làm thế nào những tạo vật không biết nói cũng chẳng biết suy nghĩ lại có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va?

4 Một lý do đáng chú ý để ngợi khen Đức Giê-hô-va: Ngài là Đấng Tạo Hóa. Bài Thi-thiên 148 giúp chúng ta chú mục vào lẽ thật này. Hãy tưởng tượng: Nếu thấy một dàn đồng ca đang hợp xướng một bài hát hay và cảm động, bạn cảm thấy thế nào? Nếu biết lời bài hát đó nói lên một sự thật, về những điều quan trọng đem đến niềm vui và phấn khích thì sao? Bạn có muốn học lời bài hát đó và cùng hòa giọng với họ không? Hầu hết chúng ta sẽ muốn thế. Bài Thi-thiên 148 cho thấy bạn đang ở trong trường hợp như thế, thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa. Bài thơ thánh đó miêu tả vô số tạo vật đang cùng nhau hợp xướng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, khi đọc bài thơ này, có lẽ bạn sẽ nhận ra một điều lạ. Điều gì vậy?

5 Như được miêu tả trong bài Thi-thiên 148, nhiều tạo vật không biết nói cũng chẳng biết suy nghĩ nhưng lại ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tuyết, gió, núi, và đồi nổng đang cùng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Làm sao những tạo vật vô tri vô giác ấy có thể ngợi khen Ngài? (Câu 3, 8, 9) Thật ra, những tạo vật ấy ngợi khen Đức Giê-hô-va theo cách của cây cối, các sinh vật biển và muông thú. (Câu 7, 9, 10) Đã bao giờ bạn ngắm một cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, ngước nhìn vầng trăng tròn đang trôi giữa biển sao lấp lánh, cười sảng khoái khi thấy muông thú chơi đùa với nhau, hoặc mở to mắt thán phục trước một phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ chưa? Nếu có là bạn “nghe” các tạo vật ấy xướng lên bài ca ngợi khen. Mọi vật Đức Giê-hô-va dựng nên nhắc chúng ta nhớ Ngài là Đấng Tạo Hóa toàn năng, không ai trong vũ trụ có quyền năng, khôn ngoan và yêu thương bằng Ngài.—Rô-ma 1:20; Khải-huyền 4:11.

6, 7. (a) Bài Thi-thiên 148 miêu tả những tạo vật biết suy nghĩ đang ngợi khen Đức Giê-hô-va bao gồm những ai? (b) Tại sao chúng ta được thúc đẩy ngợi khen Đức Giê-hô-va? Hãy minh họa.

6 Bài Thi-thiên 148 cũng miêu tả các tạo vật biết suy nghĩ đang ngợi khen Đức Giê-hô-va. Nơi câu 2, chúng ta đọc thấy “cơ-binh” trên trời của Đức Giê-hô-va, tức các thiên sứ, ngợi khen Ngài. Ở câu 11, những người có uy quyền và thế lực như các vị vua và quan xét cũng được mời cùng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Nếu các thiên sứ mạnh mẽ và cao quý còn thấy vui thích ngợi khen Đức Giê-hô-va, con người nhỏ bé có cớ gì để cho rằng công việc đó không đáng với mình? Trong câu 12 và 13, các bạn trẻ cũng được mời cùng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Lòng bạn có thúc đẩy bạn làm thế không?

7 Hãy xem xét một minh họa. Nếu có một người bạn thân có tài năng đặc biệt—có lẽ về lĩnh vực thể thao, nghệ thuật, hoặc âm nhạc—bạn có muốn kể cho gia đình và bạn bè về người đó không? Dĩ nhiên là có. Cũng vậy, khi học biết về mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm, chúng ta cũng có cảm xúc y như vậy. Chẳng hạn, lời nơi Thi-thiên 19:1, 2 nói rằng bầu trời đầy sao “rao-truyền” về Ngài. Về phần chúng ta, khi suy ngẫm những công việc lạ lùng của tay Đức Giê-hô-va, chúng ta không thể không nói với người khác về Ngài.

8, 9. Vì những lý do nào Đức Giê-hô-va muốn chúng ta ngợi khen Ngài?

8 Một lý do đáng chú ý khác để ca ngợi Đức Giê-hô-va là Ngài muốn chúng ta làm thế. Tại sao vậy? Phải chăng vì Ngài cần được con người ngợi khen? Không. Đôi khi con người chúng ta cần được ngợi khen, nhưng Đức Giê-hô-va cao cả vượt bậc hơn chúng ta. (Ê-sai 55:8) Không như con người, Đức Giê-hô-va không hề có cảm giác thiếu tự tin về Ngài hoặc các đức tính của Ngài. (Ê-sai 45:5) Dù vậy, Đức Chúa Trời muốn chúng ta ngợi khen Ngài, và khi làm thế chúng ta làm Ngài vui lòng. Tại sao? Hãy xem xét hai lý do. Thứ nhất, Ngài biết chúng ta cần ngợi khen Ngài. Đức Giê-hô-va đã tạo nên chúng ta có nhu cầu về thiêng liêng, tức nhu cầu thờ phượng. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) * Thấy chúng ta được thỏa mãn nhu cầu đó, Đức Giê-hô-va rất vui lòng. Điều đó giống với tâm trạng vui lòng của cha mẹ khi thấy bạn dùng những thức ăn mà họ biết là tốt cho bạn.—Giăng 4:34.

9 Thứ hai, Đức Giê-hô-va biết người khác cần nghe chúng ta ngợi khen Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết những lời này cho người trẻ Ti-mô-thê: “Hãy giữ chính mình con và sự dạy-dỗ của con; phải bền-đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu”. (1 Ti-mô-thê 4:16) Quả vậy, khi bạn ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời và giúp người khác hiểu về Ngài, có lẽ họ cũng sẽ nhận biết Ngài. Sự hiểu biết đó có thể dẫn họ đến sự cứu rỗi đời đời!—Giăng 17:3.

10. Tại sao chúng ta thấy buộc phải ngợi khen Đức Chúa Trời?

10 Nhưng vẫn còn một lý do khác để ngợi khen Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ lại minh họa về người bạn tài năng. Nếu nghe người khác đặt điều và bôi nhọ thanh danh của bạn mình, chẳng lẽ bạn không quyết tâm hơn để khen ngợi bạn ấy sao? Đức Giê-hô-va đang bị nhiều người vu khống trong thế gian này. (Giăng 8:44; Khải-huyền 12:9) Vì vậy, những người yêu mến Ngài cảm thấy buộc phải nói lẽ thật về Ngài, đem sự thật ra ánh sáng. Cũng thế, bạn có muốn thể hiện lòng yêu mến và biết ơn Đức Giê-hô-va, bày tỏ ước muốn được Ngài—chứ không phải kẻ thù chính của Ngài là Sa-tan—cai trị không? Bạn có thể làm được tất cả những điều đó qua việc ngợi khen Đức Giê-hô-va. Vì vậy, câu hỏi kế tiếp là làm thế nào để ngợi khen Ngài.

Cách một số người trẻ ngợi khen Đức Giê-hô-va

11. Những gương mẫu nào trong Kinh Thánh cho thấy người trẻ có thể đạt nhiều hiệu quả trong việc ngợi khen Đức Giê-hô-va?

11 Kinh Thánh cho thấy những người trẻ thường đạt nhiều hiệu quả trong việc ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn như trường hợp của một em gái người Y-sơ-ra-ên bị người Sy-ri bắt làm đầy tớ. Em đã dạn dĩ làm chứng với bà chủ về nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va là Ê-li-sê. Lời nói của em dẫn đến một phép lạ và một sự làm chứng đầy thuyết phục. (2 Các Vua 5:1-17) Lúc nhỏ, Chúa Giê-su cũng mạnh dạn làm chứng. Trong số những sự kiện có thể được ghi lại trong Kinh Thánh về thời thơ ấu của ngài, Đức Giê-hô-va chọn một sự kiện vào năm Chúa Giê-su 12 tuổi. Vào năm ấy Chúa Giê-su đã mạnh dạn chất vấn các thầy thông giáo tại đền thờ Giê-ru-sa-lem và khiến họ kinh ngạc về sự hiểu biết của ngài về đường lối Đức Giê-hô-va.—Lu-ca 2:46-49.

12, 13. (a) Không lâu trước khi chịu chết, Chúa Giê-su đã làm những gì tại đền thờ, điều đó tác động thế nào đến những người tại đó? (b) Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về lời ngợi khen phát ra từ miệng những con trẻ?

12 Khi lớn lên, Chúa Giê-su cũng làm cho trẻ em ngợi khen Đức Giê-hô-va. Ví dụ, vài ngày trước khi chịu chết, Chúa Giê-su ở tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Theo lời tường thuật của Kinh Thánh, ở đó ngài làm những “sự lạ”. Ngài đuổi những kẻ biến nơi thánh thành ổ trộm cướp. Ngài cũng chữa lành người mù và người què. Lẽ ra mọi người ở đó, đặc biệt là các nhà lãnh đạo tôn giáo, được thúc đẩy ngợi khen Đức Giê-hô-va và Con Ngài là Đấng Mê-si. Buồn thay, nhiều người lúc ấy lại không thốt lên lời ngợi khen. Họ biết Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời sai đến nhưng không dám nói ra vì sợ các nhà lãnh đạo tôn giáo. Tuy thế, có một nhóm người đã dạn dĩ cất tiếng ca ngợi. Bạn có biết là ai không? Kinh Thánh tường thuật: “Nhưng các thầy tế-lễ cả và các thầy thông-giáo thấy sự lạ Ngài đã làm, và nghe con trẻ reo lên trong đền-thờ rằng: Hô-sa-na con vua Đa-vít! thì họ tức giận, và nói với Ngài rằng: Thầy có nghe điều những đứa trẻ nầy nói không?”—Ma-thi-ơ 21:15, 16; Giăng 12:42.

13 Các thầy tế lễ mong rằng Chúa Giê-su sẽ bảo những đứa trẻ đó im tiếng. Ngài có làm như ý họ không? Ngược lại là đằng khác! Chúa Giê-su đáp lời các thầy tế lễ: “Có. Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy: Chúa đã được ngợi-khen bởi miệng con trẻ và con đương bú, hay sao?” Rõ ràng, Chúa Giê-su và Cha của ngài đều đẹp lòng khi được ngợi khen bởi con trẻ. Những đứa trẻ đó đã làm điều lẽ ra người lớn phải làm. Trong suy nghĩ hồn nhiên của chúng, mọi việc rất đơn giản và rõ ràng. Chúng thấy một người làm phép lạ, nói với lòng can đảm và đức tin, bày tỏ lòng yêu mến tha thiết đối với Đức Chúa Trời và dân Ngài. Đúng như lời người ấy nói, người ấy hẳn là “con vua Đa-vít” theo lời hứa trong Kinh Thánh, tức Đấng Mê-si. Đức tin của những đứa trẻ này đã được tưởng thưởng, thậm chí chúng còn có đặc ân là được làm ứng nghiệm lời tiên tri.—Thi-thiên 8:2.

14. Những đặc tính của người trẻ giúp họ như thế nào để ca ngợi Đức Chúa Trời?

14 Chúng ta học được gì từ những gương mẫu trên? Những người trẻ có thể đạt nhiều hiệu quả trong việc ngợi khen Đức Giê-hô-va. Họ thường có đặc tính là nhận ra sự thật một cách hồn nhiên và rõ ràng, bày tỏ đức tin với lòng chân thành và sốt sắng. Họ cũng có đặc tính như được đề cập nơi Châm-ngôn 20:29: “Sức-lực của gã trai-trẻ là vinh-hiển của người”. Quả vậy, các bạn có được sức khỏe và năng lực—lợi điểm thật sự để ca ngợi Đức Giê-hô-va. Cụ thể, làm thế nào các bạn có thể tận dụng những đặc điểm đó?

Làm thế nào bạn có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va?

15. Để đạt hiệu quả trong việc ngợi khen Đức Giê-hô-va, cần có động lực như thế nào?

15 Muốn đạt hiệu quả thì yếu tố đầu tiên là phải có tấm lòng. Bạn không thể thành công trong việc ngợi khen Đức Giê-hô-va nếu chỉ làm việc đó vì người khác. Hãy nhớ điều răn lớn nhất là: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”. (Ma-thi-ơ 22:37) Qua việc đích thân học hỏi Lời Ngài, bạn có hiểu biết Đức Giê-hô-va nhiều hơn không? Mục đích chính đáng của việc học hỏi này là giúp bạn yêu mến Ngài. Cách tự nhiên để bày tỏ lòng yêu mến này là ngợi khen Ngài. Một khi có động lực mạnh mẽ và rõ ràng, bạn có thể sẵn sàng để ngợi khen Đức Giê-hô-va một cách nhiệt thành.

16, 17. Hạnh kiểm của bạn đóng vai trò nào trong việc ngợi khen Đức Giê-hô-va? Hãy kể một ví dụ.

16 Giờ đây điều cần xem xét, trước cả vấn đề phải nói gì, là cách cư xử của bạn. Nếu em gái người Y-sơ-ra-ên trong thời Ê-li-sê thường cư xử thô lỗ, xấc xược, hoặc không lương thiện, bạn nghĩ liệu ông bà chủ người Sy-ri có lắng nghe những lời em nói về nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va không? Có lẽ không. Cũng thế, rất có thể người ta sẽ lắng nghe bạn hơn nếu bạn là người lễ phép, lương thiện, và có hạnh kiểm tốt. (Rô-ma 2:21) Hãy xem xét một ví dụ.

17 Một em gái 11 tuổi ở Bồ Đào Nha đương đầu với áp lực ở trường nhằm buộc em phải mừng các ngày lễ trái với lương tâm đã được rèn luyện theo Kinh Thánh. Em lễ phép giải thích với cô giáo lý do em không mừng các ngày lễ đó nhưng cô giáo đã chế giễu em. Thời gian trôi qua, cô giáo ấy cứ tìm cách làm cho em xấu hổ, giễu cợt tôn giáo của em. Tuy vậy, em vẫn giữ thái độ lễ phép. Nhiều năm sau, em gái đó lớn lên và trở thành tiên phong đều đều, tức người truyền giáo trọn thời gian. Tại một đại hội, trong lúc quan sát những người báp têm, chị nhận ra một người. Đó chính là cô giáo trước đây! Sau khi ôm nhau tuôn trào giọt lệ, cô giáo nói với chị rằng cô ấy không bao giờ quên thái độ lễ phép của người học trò cũ. Rồi một Nhân Chứng gõ cửa nhà cô, và cô đã nói về cách cư xử của người học trò cũ. Cuối cùng, một cuộc học hỏi Kinh Thánh bắt đầu, và người phụ nữ này chấp nhận lẽ thật. Quả vậy, hạnh kiểm của bạn có thể là cách ngợi khen Đức Giê-hô-va rất hiệu quả!

18. Nếu ngần ngại bắt đầu cuộc nói chuyện về Kinh Thánh và Giê-hô-va Đức Chúa Trời, một người trẻ có thể làm gì?

18 Đôi khi bạn thấy khó mở lời với bạn bè ở trường về đức tin của mình, phải không? Không phải chỉ mình bạn có cảm giác đó. Tuy nhiên, bạn có thể làm cho bạn bè thắc mắc về đức tin của bạn. Ví dụ, nếu được phép và hợp pháp, sao bạn không mang các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh theo đến trường và lấy ra đọc vào giờ nghỉ trưa hoặc những lúc thuận tiện? Có lẽ các bạn học sẽ hỏi bạn về những ấn phẩm bạn đang đọc. Khi trả lời và giải thích cho các bạn ấy về những điểm lý thú trong bài hoặc trong sách bạn đang đọc, có thể bạn sẽ thấy chẳng mấy chốc mình đã có một cuộc trò chuyện tốt đẹp. Hãy nhớ đặt câu hỏi, tìm hiểu xem các bạn ấy tin điều gì. Tôn trọng lắng nghe, chia sẻ những điều bạn học được trong Kinh Thánh. Như kinh nghiệm nơi trang 29 cho thấy, nhiều người trẻ đang ngợi khen Đức Chúa Trời nơi học đường. Điều này mang lại cho họ niềm vui mừng lớn và giúp nhiều người học biết về Đức Giê-hô-va.

19. Làm thế nào những người trẻ trở nên hữu hiệu hơn khi đi rao giảng từng nhà?

19 Công việc rao giảng từng nhà là cách rất hữu hiệu để ngợi khen Đức Giê-hô-va. Nếu chưa tham gia công việc này, sao bạn không đặt mục tiêu làm điều đó? Nếu đang làm công việc đó, bạn có thể đặt những mục tiêu khác cho mình không? Chẳng hạn, thay vì người nào bạn cũng gợi chuyện giống nhau, hãy tìm cách trau dồi điểm này bằng cách hỏi ý kiến của cha mẹ hoặc những anh chị kinh nghiệm hơn. Tập sử dụng Kinh Thánh nhiều hơn, học cách thăm lại hữu hiệu và mời học hỏi Kinh Thánh. (1 Ti-mô-thê 4:15) Càng áp dụng những cách này để ngợi khen Đức Giê-hô-va, bạn càng hữu hiệu và yêu thích công việc rao giảng hơn.

Khi nào bạn nên bắt đầu ngợi khen Đức Giê-hô-va?

20. Tại sao người trẻ không phải e ngại là mình còn quá nhỏ để ngợi khen Đức Giê-hô-va?

20 Trong ba câu hỏi của bài này, trả lời câu hỏi cuối là đơn giản nhất. Hãy để ý câu trả lời thẳng thắn từ Kinh Thánh: “Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình”. (Truyền-đạo 12:1, Tòa Tổng Giám Mục) Đúng thế, bây giờ là lúc để bắt đầu ngợi khen Đức Giê-hô-va. Rất dễ dàng để nói: “Tôi còn nhỏ quá làm sao có khả năng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Tôi không có kinh nghiệm. Phải đợi tới khi tôi lớn”. Không phải bạn là người đầu tiên nghĩ như vậy. Chẳng hạn, người trẻ Giê-rê-mi đã nói cùng Đức Giê-hô-va: “Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va, nầy tôi chẳng biết nói chi, vì tôi là con trẻ”. Đức Giê-hô-va trấn an Giê-rê-mi rằng không có lý do gì để sợ. (Giê-rê-mi 1:6, 7) Cũng vậy, chúng ta không có gì phải sợ khi ngợi khen Đức Giê-hô-va. Không tổn hại nào đến với chúng ta mà Đức Giê-hô-va không thể xóa bỏ hoàn toàn.—Thi-thiên 118:6.

21, 22. Tại sao những người trẻ ngợi khen Đức Giê-hô-va được ví như những giọt sương, và tại sao sự so sánh đó lại khích lệ?

21 Vì thế, chúng tôi khuyến khích các bạn: Đừng chần chừ ngợi khen Đức Giê-hô-va! Hiện giờ các bạn đang độ tuổi lý tưởng để tham gia công việc quan trọng nhất đang được thực hiện ngày nay trên khắp đất. Khi làm thế, các bạn sẽ là thành viên của một tập thể tuyệt vời—gia đình hoàn vũ đang ngợi khen Đức Giê-hô-va. Ngài vui thích khi thấy các bạn có mặt trong gia đình đó. Hãy để ý những lời được soi dẫn do người viết Thi-thiên dâng lên Đức Giê-hô-va: “Trong ngày quyền-thế Chúa, dân Chúa tình-nguyện lại đến; những kẻ trẻ tuổi ngươi mặc trang-sức thánh cũng đến cùng ngươi như giọt sương bởi lòng rạng-đông mà ra”.—Thi-thiên 110:3.

22 Những giọt sương lấp lánh trong nắng ban mai tạo nên một bức tranh đẹp, chẳng phải vậy sao? Những giọt sương tươi mát, long lanh, và nhiều đến mức không thể đếm hết. Đó là cách Đức Giê-hô-va xem những người trẻ đang trung thành ngợi khen Ngài trong thời kỳ khó khăn này. Rõ ràng, việc các bạn chọn ngợi khen Đức Giê-hô-va làm Ngài vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Vì thế, hỡi những bạn trẻ, hãy quyết tâm ngợi khen Đức Giê-hô-va!

Bạn trả lời thế nào?

• Có những lý do quan trọng nào để ngợi khen Đức Giê-hô-va?

• Những gương mẫu nào trong Kinh Thánh cho thấy người trẻ có thể đạt nhiều hiệu quả trong việc ngợi khen Đức Giê-hô-va?

• Làm thế nào người trẻ ngày nay có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va?

• Khi nào người trẻ nên bắt đầu ngợi khen Đức Giê-hô-va, tại sao?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 25]

Nếu có một người bạn có tài năng đặc biệt, bạn không muốn nói cho người khác nghe sao?

[Hình nơi trang 27]

Các bạn học có thể chú ý đến niềm tin của bạn

[Hình nơi trang 28]

Nếu bạn muốn tiến bộ trong thánh chức, hãy hỏi ý kiến của những Nhân Chứng có kinh nghiệm hơn

[Chú thích]

^ đ. 8 “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng vì nước thiên đàng thuộc những người đó”.—Ma-thi-ơ 5:3, NW.