Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các bậc cha mẹ, hãy săn sóc gia đình mình

Các bậc cha mẹ, hãy săn sóc gia đình mình

Các bậc cha mẹ, hãy săn sóc gia đình mình

“Ví bằng có ai không săn-sóc đến... người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin”.—1 TI-MÔ-THÊ 5:8.

1, 2. (a) Tại sao thật khích lệ khi thấy các gia đình tham dự buổi nhóm họp chung? (b) Để đến nhóm họp đúng giờ, các gia đình gặp một số khó khăn nào?

ĐẢO MẮT nhìn quanh hội thánh tín đồ Đấng Christ trước khi buổi nhóm họp bắt đầu, bạn có thể thấy con trẻ ăn mặc tươm tất ngồi vào chỗ, cạnh cha mẹ. Không ấm lòng sao khi thấy tình yêu thương thể hiện rõ trong những gia đình ấy—tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và đối với nhau? Nhưng, phải nỗ lực nhiều đến đâu để gia đình đến dự nhóm họp đúng giờ, điều đó ít ai nghĩ đến.

2 Hầu hết các hoàn cảnh, cha mẹ đều tất bật suốt ngày, và vào các buổi tối có nhóm họp, nhịp sống gia đình thậm chí trở nên hối hả hơn. Nào là chuẩn bị bữa ăn, làm việc nhà, nào là học xong bài ở trường. Cha mẹ đảm nhận trách nhiệm nặng nề nhất, lo liệu sao cho mọi người đều ăn mặc tươm tất, no lòng và đi đúng giờ. Dĩ nhiên, với con trẻ thì vào những lúc bất tiện nhất đều có thể xảy ra những chuyện bất ngờ. Cậu con trai lớn lỡ làm rách quần áo trong khi chơi đùa. Cậu con trai út đánh đổ thức ăn. Chúng bắt đầu cãi nhau. (Châm-ngôn 22:15) Hậu quả là gì? Chương trình cho buổi tối đó dù đã được cha mẹ lập cẩn thận nhưng vẫn có thể bị hỏng. Vậy mà, gia đình gần như luôn luôn có mặt sớm tại Phòng Nước Trời trước khi buổi nhóm họp bắt đầu. Thật khích lệ làm sao khi thấy họ đến đấy tuần này sang tuần khác, năm này sang năm nọ và con cái lớn lên phụng sự Đức Giê-hô-va!

3. Làm sao chúng ta biết các gia đình được Đức Giê-hô-va quý trọng?

3 Dù làm cha mẹ đôi khi là một công việc khó khăn, thậm chí vất vả, nhưng bạn có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va quý trọng những nỗ lực của bạn. Ngài là Đấng Thiết Lập gia đình. Do đó, Lời Ngài nói mỗi gia đình “đều được đặt tên”—mỗi gia đình đều hiện hữu—là nhờ Ngài. (Ê-phê-sô 3:14, 15) Thế nên, khi các bạn là những người làm cha mẹ cố gắng chu toàn đúng cách vai trò mình, các bạn tôn vinh Chúa Tối Thượng của vũ trụ. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Đó không phải là một đặc ân lớn sao? Vậy, thật thích hợp để chúng ta xem xét nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va đã giao cho các bậc cha mẹ. Trong bài này, chúng ta sẽ nói đến nhiệm vụ ấy về khía cạnh săn sóc gia đình. Chúng ta hãy xem xét lại ba cách mà Đức Chúa Trời đòi hỏi các bậc cha mẹ săn sóc gia đình mình.

Săn sóc về vật chất

4. Trong gia đình, Đức Giê-hô-va đã có những sắp đặt nào để săn sóc nhu cầu của con cái?

4 Sứ đồ Phao-lô viết: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. (1 Ti-mô-thê 5:8) Ở đây, khi Phao-lô dùng từ “ai”, ông nghĩ đến người nào? Đó là chủ gia đình, thường là người cha. Đức Chúa Trời cũng ban một vai trò đáng trọng cho người đàn bà là giúp đỡ chồng. (Sáng-thế Ký 2:18) Những người đàn bà trong thời Kinh Thánh thường giúp chồng trong việc săn sóc gia đình. (Châm-ngôn 31:13, 14, 16) Thời nay ngày càng có nhiều gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đơn thân nuôi con. * Nhiều tín đồ Đấng Christ đơn thân nuôi con đang chu toàn nhiệm vụ săn sóc gia đình mình cách đáng khâm phục. Dĩ nhiên, gia đình lý tưởng là gia đình có cả cha lẫn mẹ, với cha là trụ cột.

5, 6. (a) Những người cố gắng săn sóc về vật chất cho gia đình gặp một số khó khăn nào? (b) Về việc làm ngoài đời, quan điểm nào sẽ giúp người tín đồ Đấng Christ tiếp tục bền bỉ làm tròn vai trò chu cấp?

5 Nơi 1 Ti-mô-thê 5:8, Phao-lô nghĩ đến săn sóc về phương diện nào? Văn cảnh cho thấy ông đang nói trực tiếp về nhu cầu vật chất của gia đình. Trong thế giới ngày nay, có nhiều trở ngại mà người chủ gia đình phải đối đầu nhằm chu cấp về vật chất. Những khó khăn về kinh tế, cũng như việc sa thải nhân viên, số người thất nghiệp cao, đời sống đắt đỏ là tình trạng chung trên toàn thế giới. Điều gì có thể giúp người chu cấp tiếp tục bền bỉ làm tròn vai trò trước những khó khăn ấy?

6 Người chu cấp cho gia đình nên nhớ rằng ông đang thi hành một nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va giao. Những lời được soi dẫn của Phao-lô cho thấy người nào có khả năng nhưng từ chối vâng theo mạng lệnh này bị xem như người “chối bỏ đức tin”. Một tín đồ Đấng Christ hẳn phải cố gắng hết sức để không bị xem là người như thế trước mắt Đức Chúa Trời. Đáng buồn thay, nhiều người trên thế giới ngày nay có tinh thần “vô-tình” ấy. (2 Ti-mô-thê 3:1, 3) Thật vậy, vô số người cha né tránh trách nhiệm, để gia đình lâm vào cảnh bấp bênh. Những người chồng tín đồ Đấng Christ không có thái độ nhẫn tâm, vô trách nhiệm như thế đối với việc săn sóc gia đình mình. Khác với nhiều bạn đồng nghiệp, người tín đồ Đấng Christ xem những công việc lao động tay chân dù tầm thường nhất, vẫn đáng quý và đáng trọng. Họ xem công việc này là cách làm vui lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì nhờ đó họ có thể nuôi gia đình.

7. Tại sao việc các bậc cha mẹ suy ngẫm về gương của Chúa Giê-su là điều thích hợp?

7 Người chủ gia đình cũng có thể tìm được sự trợ giúp qua việc suy ngẫm về gương hoàn hảo của Chúa Giê-su. Hãy nhớ, lời tiên tri trong Kinh Thánh nói đến Chúa Giê-su là “Cha Đời đời”. (Ê-sai 9:5, 6) Là “A-đam sau hết”, Chúa Giê-su đã thật sự thay thế “người thứ nhứt là A-đam”, ngài làm cha của những người thực hành đức tin. (1 Cô-rinh-tô 15:45) Không như A-đam đã trở nên một người cha ích kỷ, chỉ biết quyền lợi riêng, Chúa Giê-su là người cha lý tưởng. Kinh Thánh nói về ngài: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu-thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống”. (1 Giăng 3:16) Thật vậy, Chúa Giê-su sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác. Tuy nhiên, hàng ngày trong những việc nhỏ hơn, ngài cũng đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích cá nhân. Các bậc cha mẹ nên noi theo tinh thần hy sinh của ngài.

8, 9. (a) Qua các loài chim, cha mẹ học được gì về việc săn sóc con cái một cách bất vị kỷ? (b) Nhiều cha mẹ tín đồ Đấng Christ biểu lộ tinh thần hy sinh như thế nào?

8 Về tình yêu thương bất vị kỷ, các bậc cha mẹ học hỏi nhiều qua những lời Chúa Giê-su nói với dân ương ngạnh của Đức Chúa Trời: “Bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh”. (Ma-thi-ơ 23:37) Nơi đây, Chúa Giê-su vẽ ra một bức tranh sống động về con gà mái xù lông che chở đàn con dưới cánh. Đúng vậy, cha mẹ có thể học hỏi nhiều từ bản năng che chở của chim mẹ, sẵn sàng liều mình để bảo vệ đàn con khỏi nguy hiểm. Nhưng những hoạt động hàng ngày của chim bố và chim mẹ cũng đáng chú ý. Chúng không ngừng bay đi bay về để tìm mồi. Ngay cả khi gần kiệt sức, chúng cũng lo mớm thức ăn cho lũ chim non đang há hốc mỏ, nuốt chửng thức ăn và thường kêu la ầm ĩ đòi thêm nữa. Đức Giê-hô-va tạo ra nhiều sinh vật “vốn rất khôn-ngoan” trong cách chúng chăm lo nhu cầu cho đàn con.—Châm-ngôn 30:24.

9 Theo cách tương tự, cha mẹ tín đồ Đấng Christ trên khắp thế giới đang biểu lộ tinh thần hy sinh đáng khâm phục. Bản thân bạn thà chịu thiệt thòi hơn là để cho con cái chịu thiệt thòi. Hơn thế nữa, hàng ngày các bạn sẵn lòng hy sinh để săn sóc gia đình. Nhiều người trong các bạn phải dậy sớm, đến sở làm những công việc nặng nhọc hoặc nhàm chán. Bạn lao động vất vả để các con có miếng cơm manh áo, nơi ăn chốn ở, và được ăn học đàng hoàng. Và bạn làm như thế từ ngày này qua ngày khác, năm này sang năm nọ. Chắc chắn tinh thần hy sinh và chịu khó của bạn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va! (Hê-bơ-rơ 13:16) Nhưng, đồng thời bạn cũng hãy nhớ rằng để săn sóc gia đình còn có những cách quan trọng hơn.

Săn sóc về thiêng liêng

10, 11. Nhu cầu quan trọng nhất của con người là gì, và cha mẹ trước tiên phải làm gì để thỏa mãn nhu cầu này cho con cái?

10 Săn sóc về thiêng liêng cho gia đình thậm chí thiết yếu hơn săn sóc về vật chất. Chúa Giê-su nói: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4) Các bậc cha mẹ có thể làm gì để săn sóc về thiêng liêng cho gia đình?

11 Về đề tài này, có lẽ không có đoạn Kinh Thánh nào thường được trích dẫn hơn là Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7. Xin hãy mở quyển Kinh Thánh của bạn và đọc những câu ấy. Hãy lưu ý, cha mẹ trước hết phải săn sóc về thiêng liêng cho bản thân, tức là xây đắp lòng yêu mến với Đức Giê-hô-va và khắc ghi lời Ngài vào lòng. Đúng vậy, bạn phải là người nghiêm túc học hỏi Lời Đức Chúa Trời, đều đặn đọc và suy ngẫm Kinh Thánh. Nhờ vậy bạn hiểu thấu đáo hơn và yêu mến nhiều hơn đường lối, nguyên tắc và luật pháp của Đức Giê-hô-va. Làm thế, lòng bạn sẽ đầy dẫy lẽ thật tuyệt diệu của Kinh Thánh, điều đó giúp bạn cảm thấy vui mừng, kính sợ và yêu thương Đức Giê-hô-va. Bạn sẽ có đầy dẫy điều thiện để truyền cho con cái.—Lu-ca 6:45.

12. Cha mẹ noi gương Chúa Giê-su như thế nào khi khắc ghi những lẽ thật Kinh Thánh vào lòng con cái?

12 Cha mẹ mạnh về thiêng liêng được trang bị kỹ để áp dụng lời khuyên nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7 là “ân-cần dạy-dỗ” mạng lệnh của Đức Giê-hô-va cho con cái mỗi khi có dịp. Từ “ân-cần dạy-dỗ” cũng được dịch là “khắc ghi”, có nghĩa là dạy và in sâu bằng cách lặp đi lặp lại. Đức Giê-hô-va biết rất rõ là tất cả chúng ta—đặc biệt là con trẻ—khi học điều gì thì cần được nhắc đi nhắc lại. Do đó, Chúa Giê-su đã áp dụng phương pháp lặp đi lặp lại trong thánh chức rao giảng. Chẳng hạn, khi dạy các môn đồ phải khiêm nhường thay vì tự cao và tranh cạnh, ngài đã tìm nhiều cách khác nhau để lặp lại nguyên tắc này. Ngài dạy bằng cách lý luận, minh họa, ngay cả bằng gương mẫu. (Ma-thi-ơ 18:1-4; 20:25-27; Giăng 13:12-15) Nhưng, đáng chú ý là Chúa Giê-su không bao giờ tỏ ra mất kiên nhẫn. Tương tự thế, cha mẹ cần tìm cách dạy những lẽ thật căn bản cho con cái, kiên nhẫn lặp đi lặp lại những nguyên tắc của Đức Giê-hô-va cho đến khi chúng hấp thu và áp dụng.

13, 14. Cha mẹ có thể khắc ghi lẽ thật Kinh Thánh vào lòng con cái vào một số dịp nào và qua những ấn phẩm nào?

13 Buổi học gia đình là dịp lý tưởng cho việc dạy dỗ như thế. Thật vậy, buổi học Kinh Thánh gia đình đều đặn, có tính xây dựng, vui vẻ là yếu tố quan trọng giúp gia đình vững mạnh về thiêng liêng. Trên khắp thế giới, các gia đình tín đồ Đấng Christ thích thú về những buổi học ấy, tận dụng các ấn phẩm được tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp và linh động dùng trong buổi học nhằm đáp ứng nhu cầu của con cái. Về khía cạnh này, sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại, cũng như sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực là những món quà tuyệt diệu. * Tuy nhiên, buổi học gia đình không phải là thời gian duy nhất để dạy dỗ con cái.

14 Như Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7 cho thấy, cha mẹ có nhiều dịp khác để có thể nói với con cái về những điều thiêng liêng. Dù cùng nhau đi du lịch, làm công việc nhà, hay giải trí, bạn có thể tìm ra nhiều cơ hội để săn sóc nhu cầu thiêng liêng cho con cái. Dĩ nhiên, không phải lúc nào bạn cũng “thuyết giảng” về những lẽ thật trong Kinh Thánh. Thay vì thế, hãy giữ sao cho những buổi nói chuyện trong gia đình mang tính xây dựng và xoay quanh những điều thiêng liêng. Chẳng hạn, tạp chí Tỉnh Thức! có nhiều đề tài phong phú. Những bài ấy có thể mở đường cho những cuộc nói chuyện về các loài vật do Đức Giê-hô-va tạo ra, những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trên thế giới, những nền văn hóa và lối sống đa dạng tuyệt vời của con người. Những cuộc nói chuyện ấy có thể thôi thúc con cái thích đọc nhiều hơn các ấn phẩm do lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp.—Ma-thi-ơ 24:45-47.

15. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái nhận ra thánh chức rao giảng là công việc thích thú và mang lại thỏa nguyện?

15 Những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng với con cái sẽ giúp bạn đáp ứng điều cần thiết khác về mặt thiêng liêng. Con cái tín đồ Đấng Christ cần học cách chia sẻ hữu hiệu đức tin của mình với người khác. Khi bàn về những điểm lý thú trong Tháp Canh hay Tỉnh Thức! bạn có thể tìm dịp để liên hệ với thánh chức rao giảng. Ví dụ bạn có thể hỏi: “Nếu nhiều người biết điều này về Đức Giê-hô-va, chắc là hay lắm phải không con? Theo con, làm thế nào mình có thể làm cho người ta chú ý đề tài này?” Những cuộc nói chuyện như thế có thể giúp con cái quan tâm nhiều hơn đến việc chia sẻ với người khác về những gì chúng học được. Rồi khi cùng bạn tham gia thánh chức, con cái sẽ thấy những cuộc nói chuyện ấy được áp dụng trong thực tế. Chúng cũng có thể nhận ra thánh chức là một công việc thú vị và vui vẻ, mang lại thỏa nguyện và niềm hạnh phúc tràn đầy.—Công-vụ 20:35.

16. Con cái có thể học được gì khi nghe cha mẹ cầu nguyện?

16 Cha mẹ cũng săn sóc về thiêng liêng cho con cái khi cầu nguyện. Chúa Giê-su dạy các môn đồ cách cầu nguyện, và trong nhiều dịp, ngài cùng cầu nguyện với họ. (Lu-ca 11:1-13) Hãy nghĩ đến họ học được nhiều biết bao khi cùng với chính Con của Đức Giê-hô-va dâng lời cầu nguyện! Tương tự thế, con cái có thể học được nhiều điều qua những lời cầu nguyện của bạn. Chẳng hạn, chúng học biết rằng Đức Giê-hô-va muốn chúng ta chân thành giải bày nỗi lòng và đến với Ngài khi gặp phải bất cứ vấn đề nào. Đúng vậy, lời cầu nguyện của bạn có thể giúp con cái học được lẽ thật trọng yếu là chúng có thể xây đắp một mối quan hệ với Cha trên trời.—1 Phi-e-rơ 5:7.

Săn sóc về tình cảm

17, 18. (a) Kinh Thánh cho thấy biểu lộ tình yêu thương với con cái là quan trọng như thế nào? (b) Những người cha nên noi gương Đức Giê-hô-va trong việc biểu lộ tình yêu thương như thế nào?

17 Dĩ nhiên con cái cũng có nhu cầu lớn về mặt tình cảm. Lời Đức Chúa Trời cho cha mẹ biết việc săn sóc con về phương diện này là điều rất quan trọng. Chẳng hạn, đàn bà trẻ tuổi được khuyên phải “biết yêu... con mình”. (Tít 2:4) Thực vậy, biểu lộ tình yêu thương đối với con là đúng. Điều này dạy cho con cái biết yêu thương và mang lại những lợi ích lâu dài. Trái lại, không biểu lộ tình yêu thương là sai vì sẽ làm cho con cái bị tổn thương nhiều và điều đó cho thấy mình không noi gương Đức Giê-hô-va, Đấng bày tỏ tình yêu thương cao cả, dù chúng ta là những người bất toàn.—Thi-thiên 103:8-14.

18 Đức Giê-hô-va thậm chí chủ động biểu lộ tình yêu thương đối với con cái trên đất của Ngài. Như 1 Giăng 4:19 nói: “Chúa đã yêu chúng ta trước”. Hỡi các bậc làm cha, các bạn nên noi gương Đức Giê-hô-va, chủ động xây đắp tình yêu thương với con cái. Kinh Thánh khuyên những người cha tránh làm cho con bực tức, “e chúng nó ngã lòng chăng”. (Cô-lô-se 3:21) Không có gì làm cho con cái bực tức bằng việc cảm thấy cha hoặc mẹ không thương yêu hoặc xem trọng chúng. Người cha nào ngại thể hiện tình cảm hãy nhớ đến gương của Đức Giê-hô-va. Từ trên trời, Đức Giê-hô-va còn biểu lộ qua lời nói sự tán thành và tình yêu thương đối với Con của Ngài. (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5) Điều đó hẳn khích lệ Chúa Giê-su biết bao! Tương tự thế, những biểu hiện về tình yêu thương và lời khen ngợi chân thành của cha mẹ là nguồn khích lệ và trợ lực lớn cho con cái.

19. Tại sao sự sửa phạt là quan trọng, và cha mẹ tín đồ Đấng Christ cố gắng thăng bằng như thế nào?

19 Dĩ nhiên, tình yêu thương của cha mẹ không chỉ thể hiện qua lời nói mà chủ yếu là qua việc làm. Săn sóc về vật chất và thiêng liêng là một cách biểu hiện tình yêu thương của cha mẹ, đặc biệt khi công việc ấy xuất phát từ động lực chính là tình yêu thương. Ngoài ra, sự sửa phạt của cha mẹ cũng là biểu hiện trọng yếu của tình yêu thương. Thật vậy, “Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu”. (Hê-bơ-rơ 12:6) Trái lại, không sửa phạt là cha mẹ ghét con cái. (Châm-ngôn 13:24) Đức Giê-hô-va luôn luôn thăng bằng, sửa phạt “cách chừng-mực”. (Giê-rê-mi 46:28) Thăng bằng như thế trong vấn đề sửa phạt không phải lúc nào cũng dễ đối với cha mẹ bất toàn. Nhưng, thật đáng công để bạn cố gắng làm thế. Sửa phạt với tình yêu thương và nhất quán giúp con cái sau này có đời sống hạnh phúc và hữu dụng. (Châm-ngôn 22:6) Đó chẳng phải là điều mà mỗi cha mẹ tín đồ Đấng Christ mong mỏi cho con mình sao?

20. Bằng cách nào cha mẹ có thể cho con cái cơ hội tốt nhất để “chọn sự sống”?

20 Khi các bạn là những bậc cha mẹ chu toàn trọng trách Đức Giê-hô-va giao—săn sóc về vật chất, thiêng liêng và tình cảm cho con cái—phần thưởng thật đáng công. Bằng cách ấy, các bạn cho con cái cơ hội tốt nhất để “chọn sự sống”, và về sau “được sống”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19) Khi lớn lên, con cái chọn phụng sự Đức Giê-hô-va và tiếp tục đi trên con đường sự sống, mang lại cho cha mẹ niềm vui khôn tả. (Thi-thiên 127:3-5) Niềm vui ấy sẽ kéo dài mãi mãi! Nhưng, làm thế nào người trẻ có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va ngay từ bây giờ? Bài tiếp theo sẽ bàn về đề tài này.

[Chú thích]

^ đ. 4 Trong bài thảo luận này, chúng ta xem người chu cấp cho gia đình là người nam. Tuy nhiên, những nguyên tắc này cũng áp dụng khi nữ tín đồ Đấng Christ là người chu cấp chính.

^ đ. 13 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn trả lời thế nào?

Các bậc cha mẹ có thể làm gì để săn sóc con cái về:

• vật chất?

• thiêng liêng?

• tình cảm?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 18]

Nhiều loài chim chăm chỉ tìm mồi để nuôi con

[Hình nơi trang 20]

Cha mẹ trước hết phải săn sóc về thiêng liêng cho bản thân

[Các hình nơi trang 20, 21]

Các bậc cha mẹ có thể tìm được nhiều cơ hội để dạy con cái về Đấng Tạo Hóa

[Hình nơi trang 22]

Lời khen ngợi của cha mẹ là nguồn khích lệ và trợ lực lớn cho con cái