Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phát triển ở nơi đạo Đấng Christ thời ban đầu từng nở rộ

Phát triển ở nơi đạo Đấng Christ thời ban đầu từng nở rộ

Phát triển ở nơi đạo Đấng Christ thời ban đầu từng nở rộ

NƯỚC Ý, bán đảo hình chiếc giày ống trải dài xuống Địa Trung Hải, từng là nơi xảy ra các biến cố về tôn giáo và văn hóa ảnh hưởng đến lịch sử thế giới. Đó là nơi hấp dẫn hàng triệu du khách bởi cảnh đẹp đa dạng, những công trình nghệ thuật nổi tiếng và những món ăn ngon. Đây cũng là một nước mà sự giáo dục về Kinh Thánh rất phong phú.

Có lẽ đạo thật của Đấng Christ trước nhất đã lan đến Rô-ma—thủ đô của cường quốc thế giới vào thời đó—khi người Do Thái và người cải đạo Do Thái trở thành tín đồ Đấng Christ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN từ Giê-ru-sa-lem trở về nhà. Vào khoảng năm 59 CN, sứ đồ Phao-lô thăm nước Ý lần đầu tiên. Nơi bờ biển Bu-xô-lơ, ông “gặp anh em” cùng đức tin.—Công-vụ 2:5-11; 28:11-16.

Như Chúa Giê-su và các sứ đồ tiên đoán, trước khi thế kỷ thứ nhất CN kết thúc, những nhóm bội đạo đã dần dần xa rời đạo thật của Đấng Christ. Tuy nhiên, trước khi hệ thống gian ác này chấm dứt, tín đồ thật của Chúa Giê-su đã dẫn đầu công việc rao giảng tin mừng trên khắp thế giới—trong đó có nước Ý.—Ma-thi-ơ 13:36-43; Công-vụ 20:29, 30; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-8; 2 Phi-e-rơ 2:1-3.

Ban đầu hơi thất vọng

Vào năm 1891, Charles Taze Russell, người dẫn đầu công việc rao giảng toàn cầu của Học Viên Kinh Thánh (tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời đó), thăm viếng một số thành phố ở nước Ý lần đầu tiên. Anh phải thú nhận rằng kết quả chuyến rao giảng của anh không mấy hứa hẹn, anh nói: “Chúng tôi không thấy gì khích lệ để hy vọng có mùa gặt ở Ý”. Vào mùa xuân năm 1910, Anh Russell trở lại Ý và nói bài diễn văn về Kinh Thánh tại vận động trường ở trung tâm Rô-ma. Kết quả là gì? Anh báo cáo: “Nói chung, tôi khá thất vọng về phiên họp”.

Thật vậy, trong vài thập niên, công việc rao giảng tin mừng ở Ý tiến bộ chậm, một phần vì Nhân Chứng Giê-hô-va bị chế độ độc tài Phát-xít bắt bớ. Trong giai đoạn đó, Ý có không quá 150 Nhân Chứng Giê-hô-va mà phần lớn học lẽ thật từ thân nhân hoặc bạn bè sống tại nước ngoài.

Phát triển kỳ diệu

Sau Thế Chiến II, một số giáo sĩ được gửi đến Ý. Thư từ tìm được trong văn khố Quốc Gia cho thấy giới chức cao cấp trong hàng giáo phẩm Vatican đã yêu cầu chính phủ trục xuất các giáo sĩ. Các giáo sĩ, ngoại trừ vài trường hợp, đều bị buộc phải rời Ý.

Bất chấp trở ngại, đám đông ở Ý bắt đầu kéo lên “núi” thờ phượng của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 2:2-4) Sự gia tăng về Nhân Chứng đáng ghi nhận. Trong năm 2004, con số cao nhất là 233.527 người công bố tin mừng, 1 người cho 248 dân cư, và có 433.242 người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ. Có 3.049 hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm tại những Phòng Nước Trời khang trang. Thời gian gần đây, nhất là trong một số nhóm dân cư, có sự gia tăng đáng kể.

Rao giảng trong nhiều ngôn ngữ

Nhiều di dân từ Á Châu, Đông Âu và Phi Châu đến Ý để kiếm việc làm hay để có đời sống tốt hơn hoặc, trong vài trường hợp, để trốn khỏi tình cảnh khốn khổ. Làm sao có thể giúp đỡ về thiêng liêng cho hàng triệu người này?

Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ý đã chấp nhận thách thức học thêm ngôn ngữ khó học như Albania, Amharic, Ả-rập, Bengali, Punjabi, Sinhala, Tagalog và Trung Hoa. Bắt đầu từ năm 2001, các lớp ngôn ngữ được tổ chức để dạy cho những người tình nguyện này biết làm chứng bằng ngoại ngữ. Trong ba năm qua, có 3.711 Nhân Chứng tham dự 79 lớp tổ chức trong 17 ngôn ngữ. Điều này đã giúp thành lập và củng cố 146 hội thánh và 274 nhóm trong 25 ngôn ngữ khác nhau. Nhiều người thành thật do đó nghe được tin mừng và đã bắt đầu học hỏi Kinh Thánh. Kết quả thường rất khả quan.

Một Nhân Chứng Giê-hô-va nói về Kinh Thánh với George, người nói tiếng Malayalam đến từ Ấn Độ. Mặc dù có nhiều khó khăn trong việc làm, George sung sướng nhận học Kinh Thánh. Vài ngày sau, bạn của George là Gil, một người Ấn độ nói tiếng Punjabi đến Phòng Nước Trời và bắt đầu học Kinh Thánh. Gil giới thiệu David, một người Ấn Độ nói tiếng Telugu, với Nhân Chứng. Chẳng bao lâu sau đó David cũng học Kinh Thánh. Hai người Ấn Độ khác là Sonny và Shubash sống cùng nhà với David, cả hai cùng tham dự cuộc học hỏi Kinh Thánh.

Vài tuần sau, các Nhân Chứng nhận được một cú điện thoại từ Dalip, một người nói tiếng Marathi. Dalip nói: “Tôi là bạn anh George. Anh có thể dạy Kinh Thánh cho tôi không?” Rồi Sumit, một người nói tiếng Tamil cũng muốn học Kinh Thánh. Cuối cùng, một người bạn khác của George gọi điện thoại xin học Kinh Thánh. Rồi George lại còn đem một thanh niên tên là Max tới Phòng Nước Trời. Max cũng xin học Kinh Thánh. Đến nay, có sáu học hỏi Kinh Thánh và đang sắp đặt cho bốn học hỏi nữa. Họ học bằng tiếng Anh dù các ấn phẩm bằng tiếng Hindi, Malayalam, Marathi, Punjabi, Tamil, Telugu và Urdu cũng được dùng.

Người điếc “nghe” tin mừng

Ở Ý, có hơn 90.000 người điếc. Vào giữa thập niên 1970, Nhân Chứng bắt đầu chú ý đến việc dạy lẽ thật Kinh Thánh cho người điếc. Khởi đầu, một số Nhân Chứng điếc dạy tiếng Ý ra dấu (ISL) cho các Nhân Chứng khác muốn giúp cánh đồng này. Rồi ngày càng có thêm người điếc tỏ ra chú ý đến Kinh Thánh. Ngày nay, có hơn 1.400 người dùng ISL tham dự buổi họp đạo Đấng Christ. Có 15 hội thánh và 52 nhóm dùng ISL trong các buổi họp.

Lúc đầu, công việc rao giảng cho người điếc tùy thuộc chính yếu vào sáng kiến của mỗi Nhân Chứng. Nhưng vào năm 1978, văn phòng chi nhánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ý bắt đầu tổ chức các đại hội cho người điếc. Vào tháng 5 năm đó, mọi người được thông báo là tại đại hội quốc tế sắp tới ở Milan, sẽ có phần chương trình dành cho người điếc. Hội nghị vòng quanh đầu tiên cho người điếc được tổ chức tại Phòng Hội Nghị ở Milan vào tháng 2 năm 1979.

Từ đó, văn phòng chi nhánh lưu ý đến việc cung cấp thức ăn thiêng liêng cho người điếc bằng cách khuyến khích những người rao giảng tin mừng cho người điếc ngày càng tăng, cải tiến kỹ năng trong ngôn ngữ này. Kể từ năm 1995, các tiên phong đặc biệt (người rao giảng trọn thời gian) được gửi đến một số nhóm để huấn luyện Nhân Chứng điếc trong thánh chức rao giảng và để tổ chức các buổi họp. Ba Phòng Hội Nghị được trang bị hệ thống video tối tân để mọi người dễ theo dõi chương trình hơn. Những ấn phẩm dịch ra ngôn ngữ ra dấu dưới dạng băng video được sản xuất để cung cấp thức ăn thiêng liêng cho người điếc.

Những người quan sát nhận thấy là các Nhân Chứng chăm sóc chu đáo cho nhu cầu thiêng liêng của người điếc. Tạp chí P@role & Segni, do Hội Người Điếc tại Ý ấn hành, trích một phần lá thư của một giáo phẩm cao cấp Công Giáo: “Người điếc ở trong tình trạng khó khăn theo nghĩa là họ luôn luôn cần người khác giúp đỡ. Chẳng hạn, đến nhà thờ một mình đối với họ không có gì khó, nhưng họ cần giúp thông dịch để theo được những gì đang đọc, nói hoặc hát trong buổi lễ”. Tạp chí nói thêm rằng vị giám mục “công nhận điều đáng tiếc là giáo hội chưa chuẩn bị để giúp đỡ người điếc và ông thừa nhận nhiều người điếc được chăm sóc chu đáo tại Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va hơn là tại các giáo xứ của giáo hội”.

Rao giảng tin mừng cho tù nhân

Có thể nào một người được tự do mà vẫn còn ở trong tù không? Có, vì Lời Đức Chúa Trời có quyền lực “giải thoát” những người chấp nhận và áp dụng Lời Ngài trong đời sống. Thông điệp mà Chúa Giê-su công bố cho “kẻ bị cầm” là sự tự do khỏi tội lỗi và tôn giáo giả. (Giăng 8:32, NW; Lu-ca 4:16-19) Công việc rao giảng trong các nhà tù ở Ý đã có kết quả vượt bực. Gần 400 Nhân Chứng Giê-hô-va được chính phủ cho phép thăm viếng và giúp tù nhân về thiêng liêng. Nhân Chứng Giê-hô-va là tổ chức đầu tiên không phải là Công Giáo xin phép làm điều đó và được chấp thuận.

Thông điệp của Kinh Thánh có thể được lan ra bằng những cách không tiên đoán được. Tù nhân này nói cho tù nhân khác về công việc giáo dục dựa trên Kinh Thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Đến lượt một số tù nhân này xin Nhân Chứng đến thăm. Có khi người trong gia đình bắt đầu học Kinh Thánh khuyến khích tù nhân xin Nhân Chứng đến thăm. Một số tù nhân bị tù chung thân vì tội giết người hoặc những trọng tội khác đã ăn năn và thực hiện được những thay đổi lớn trong đời sống. Điều này chuẩn bị họ dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và làm báp têm.

Tại một số nhà tù, các anh đã sắp đặt để có bài diễn văn công cộng về các đề tài Kinh Thánh, để tưởng niệm sự chết của Chúa Giê-su và để chiếu băng video về các chương trình Kinh Thánh do Nhân Chứng Giê-hô-va sản xuất. Thường có rất đông tù nhân tham dự các buổi họp này.

Để giúp đỡ tù nhân một cách thực tế, Nhân Chứng đã phân phối rộng rãi tạp chí bàn về các đề tài mà tù nhân thấy hữu ích. Một tạp chí như thế là Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ngày 8-5-2001 thảo luận về đề tài: “Tù nhân có thể hoán cải không?” Số ngày 8-4-2003 (Anh ngữ) bàn về “Nghiện ma túy trong gia đình—Bạn có thể làm gì?” Hàng ngàn tạp chí được để lại cho các tù nhân. Kết quả là các anh chị đã hướng dẫn vài trăm cuộc học hỏi Kinh Thánh. Một số lính canh tù cũng đã chú ý đến thông điệp của Kinh Thánh.

Sau khi được giới chức có thẩm quyền cho phép đặc biệt, một tù nhân tên là Costantino được làm báp têm tại Phòng Nước Trời ở San Remo trước sự hiện diện của 138 Nhân Chứng địa phương. Sau khi báp têm, Costantino xúc động lộ trên nét mặt nói: “Tôi cảm thấy được yêu thương tràn trề”. Một tờ báo địa phương thuật lại lời phát biểu của người cai tù: “Chúng tôi rất vui mừng... đã cho phép điều này. Cần xem xét bất cứ điều gì cổ võ sự phục hồi về xã hội, cá nhân và thiêng liêng cho tù nhân”. Vợ và con gái của Costantino bày tỏ lòng cảm kích về cách mà sự hiểu biết chính xác của Kinh Thánh đã ảnh hưởng đến đời sống của Costantino như sau: “Chúng tôi hãnh diện về anh, về những thay đổi anh đã thực hiện được. Anh trở nên hiếu hòa và ngày càng quan tâm đến chúng tôi. Chúng tôi tin cậy và kính trọng anh trở lại”. Rồi chính họ cũng bắt đầu học hỏi Kinh Thánh và tham dự các buổi họp.

Sergio bị tuyên án tù đến năm 2024 vì tội trộm cướp có vũ trang, buôn lậu ma túy và giết người. Sau khi tìm hiểu Kinh Thánh trong ba năm và thay đổi hẳn đời sống, Sergio quyết định làm báp têm. Anh là tù nhân thứ 15 trong nhà tù Porto Azzurro trên hòn đảo Elba làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Trước sự hiện diện của một số tù nhân khác, anh làm báp têm trong một hồ tắm di động đặt trên sân thể thao của nhà tù.

Leonardo là tù nhân đang bị án tù 20 năm, được phép đặc biệt làm báp têm trong Phòng Nước Trời ở Parma. Được tờ báo địa phương phỏng vấn, Leonardo nói rằng anh muốn “làm sáng tỏ việc anh quyết định trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, không phải để tìm lối thoát khỏi sự tối tăm của nhà tù nhưng để thỏa mãn một nhu cầu quan trọng về thiêng liêng”. Leonardo nói: “Đời tôi chỉ toàn là những lầm lỗi, nhưng tôi để nó lại đàng sau. Tôi đã thay đổi, dù không phải trong một đêm. Tôi còn phải tiếp tục ngay thẳng”.

Salvatore phạm tội giết người bị giam trong nhà tù được canh phòng cẩn mật tối đa ở Spoleto. Anh làm báp têm bên trong nhà tù, gây ấn tượng cho nhiều người. Viên cai tù nói: “Một sự chọn lựa dẫn đến cách cư xử tốt hơn đối với mọi người rất quan trọng về mặt xã hội, nên được hoan nghênh, vì nó có ích cho cả nhà tù lẫn xã hội”. Nhờ Salvatore thay đổi, vợ và con gái anh nay đang tham dự các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Một tù nhân được Salvatore làm chứng đã báp têm trở thành tôi tớ dâng mình của Đức Giê-hô-va.

Sự phát triển và gia tăng đạo Đấng Christ thời ban đầu một phần đã xảy ra tại Ý. (Công-vụ 2:10; Rô-ma 1:7) Vào mùa gặt thời nay, sự phát triển và gia tăng về thiêng liêng tiếp tục xảy ra tại cùng vùng đất mà sứ đồ Phao-lô và các tín đồ Đấng Christ đồng hành với ông đã tận tụy rao giảng tin mừng.—Công-vụ 23:11; 28:14-16.

[Bản đồ nơi trang 13]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Ý

Rô-ma

[Các hình nơi trang 15]

Phòng Hội Nghị ở Bitonto và hội thánh tiếng Ý ra dấu ở Rô-ma

[Hình nơi trang 16]

Các tù nhân đang được “giải thoát” nhờ lẽ thật của Kinh Thánh

[Các hình nơi trang 17]

Sự phát triển về thiêng liêng tiếp tục xảy ra tại nơi mà đạo Đấng Christ thời ban đầu từng nở rộ