Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Việc làm—Những quan niệm trái ngược

Việc làm—Những quan niệm trái ngược

Việc làmNhững quan niệm trái ngược

“Làm việc—làm việc! Thật sung sướng làm sao khi biết chúng ta vẫn có việc để làm”.—Tác giả Katherine Mansfield (1888-1923).

BẠN có cùng quan điểm lạc quan như thế về việc làm không? Quan điểm riêng của bạn là gì? Bạn cảm thấy việc làm là một đường hầm tối tăm, dài hun hút giữa những ngày cuối tuần thư thả? Hay nó đã trở thành niềm đam mê, gần như một cơn nghiện của bạn?

Đa số người ta dành phần lớn thời gian thức của họ cho công việc. Việc làm có thể quyết định nơi ăn chốn ở và mức sống của chúng ta. Từ trẻ cho đến lúc về hưu, nhiều người cảm thấy công ăn việc làm là vấn đề chi phối đời sống nhiều nhất. Một số người rất hài lòng với công việc. Số khác đánh giá công việc qua thu nhập hoặc địa vị, trong khi đó cũng có người xem công việc chẳng khác nào một cách để khỏa lấp thời gian trống trải hoặc là sự lãng phí thời gian.

Có người làm việc để sống và có người sống để làm việc. Cũng có người chết tại nơi làm việc hoặc vì công việc. Chẳng hạn, theo một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc, công việc gây nhiều đau đớn và tử vong “hơn chiến tranh hoặc hơn ma túy cộng với việc lạm dụng rượu”. Bình luận về thực trạng này, tờ The Guardian của Luân Đôn viết: “Mỗi năm hơn hai triệu người chết vì tai nạn hoặc những bệnh có liên quan tới công việc... Làm việc trong môi trường nhiều bụi, hóa chất, tiếng ồn và chất phóng xạ gây ra bệnh ung thư, bệnh tim và đột quỵ”. Lao động trẻ em và lao động bắt buộc chỉ là hai khía cạnh đáng buồn khác của môi trường làm việc hiện nay.

Bên cạnh đó còn có tình trạng mà nhà tâm lý học Steven Berglas gọi là “sự kiệt sức tột độ”. Ông mô tả những người làm việc chăm chỉ đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp cuối cùng chỉ cảm thấy “sợ hãi kinh niên, đau buồn, chán nản hoặc trầm cảm vì cho rằng họ bị trói buộc vào một công việc, hay đang ở trên một con đường sự nghiệp, không có lối thoát và cũng không mang lại sự mãn nguyện”.

Chăm chỉ làm việc hay nghiện việc

Trong một thế giới nơi mà nhiều người miệt mài vùi đầu vào công việc, chúng ta cần ý thức sự khác biệt giữa làm việc chăm chỉ và nghiện việc. Nhiều người nghiện việc xem nơi làm việc là chỗ ẩn náu giữa thế gian nguy hiểm và bất ổn, còn người chăm chỉ thì xem công việc là một nghĩa vụ cần thiết, đôi khi mang lại sự mãn nguyện. Người nghiện việc để công việc lấn át mọi sinh hoạt khác trong cuộc sống, còn người làm việc chăm chỉ thì biết khi nào nên tắt máy vi tính, tạm gác lại công việc, và có mặt vào những dịp như lễ kỷ niệm ngày cưới của họ chẳng hạn. Người nghiện việc cảm thấy thích thú và phấn khích khi công việc dồn dập, nhưng người làm việc chăm chỉ thì không.

Xã hội hiện đại làm lu mờ ranh giới giữa hai thái độ trên khi tán dương mẫu người luôn tất bật với công việc. Mô-đem, điện thoại di động, máy nhắn tin có thể xóa đi ranh giới giữa nhà và nơi làm việc. Khi mà bất kỳ nơi nào và bất kỳ lúc nào cũng có thể là nơi làm việc và giờ làm việc, một số người sẽ tự vùi đầu làm việc cho đến khi kiệt sức.

Một số người đối phó thế nào với tinh thần làm việc tai hại này? Các nhà xã hội học đã nhận thấy những người làm việc quá nhiều và quá căng thẳng có khuynh hướng đưa đời sống tâm linh vào nơi làm việc, và hòa nhập đời sống tôn giáo vào công việc. Tờ San Francisco Examiner viết: “Sự hòa nhập giữa tâm linh và việc làm đã trở thành hiện tượng phổ biến”.

Một báo cáo gần đây nói về khu công nghệ cao Silicon Valley ở Hoa Kỳ như sau: “Trong khi các nhà quản lý xem những chỗ trống trong bãi đậu xe công ty đồng nghĩa với tình trạng cắt giảm nhân viên, thì khu đậu xe tại các buổi học Kinh Thánh vào lúc chiều tối lại thiếu chỗ”. Dù điều đó có ý nghĩa gì đi nữa, nhiều người trên khắp thế giới nhận thấy rằng Kinh Thánh có ảnh hưởng tích cực trên suy nghĩ của họ về việc làm, giúp họ có sự thăng bằng hơn trong đời sống.

Làm thế nào Kinh Thánh giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về việc làm? Có nguyên tắc nào trong Kinh Thánh giúp chúng ta thành công đối phó với những thách đố trong môi trường làm việc hiện nay không? Bài tiếp theo sẽ thảo luận những câu hỏi này.