Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Việc làm—Niềm vui hay nỗi khổ?

Việc làm—Niềm vui hay nỗi khổ?

Việc làm—Niềm vui hay nỗi khổ?

“Chẳng gì tốt cho người hơn là... hưởng phước của lao-khổ mình”.—Truyền-đạo 2:24.

“CUỐI ngày là oải hết cả người”. Đó là câu trả lời của một phần ba nhân viên tham gia một cuộc thăm dò gần đây cho biết cảm giác thường xuyên của họ sau một ngày làm việc. Điều này không có gì lạ trong một môi trường mà người ta phải chịu nhiều căng thẳng—phải làm việc nhiều giờ hơn và mang theo việc về nhà, nhưng lại hiếm khi nhận được một lời biết ơn từ các ông chủ.

Với sự ra đời của ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt, nhiều công nhân cảm thấy họ chẳng khác nào những cái răng bánh xe của một cỗ máy vô cảm khổng lồ. Nguồn cảm hứng và khả năng sáng tạo của họ thường bị bóp nghẹt. Và điều tự nhiên là thái độ của người ta đối với công việc cũng bị ảnh hưởng. Động lực chú tâm vào công việc dễ dàng mất đi. Lòng khát khao đạt đến tinh hoa của nghề nghiệp bị dập tắt. Những hệ quả đó có thể khiến một người dần dần không còn thích công việc nữa, thậm chí ghét chính công việc của mình.

Xem xét thái độ của chúng ta

Đúng là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thay đổi hoàn cảnh. Tuy nhiên, hẳn bạn đồng ý là chúng ta có thể điều chỉnh thái độ của mình, phải không? Nếu cảm thấy bị ảnh hưởng phần nào bởi những thái độ tiêu cực đối với công việc, bạn nên xem xét quan điểm và nguyên tắc của Đức Chúa Trời liên quan đến vấn đề này. (Truyền-đạo 5:18) Nhiều người nhận thấy điều này giúp họ hạnh phúc và hài lòng hơn với việc làm.

Đức Chúa Trời là Đấng Làm Việc Xuất Sắc Nhất. Đức Chúa Trời cũng làm việc. Có lẽ chúng ta không nghĩ về Ngài như vậy, nhưng đó là cách lần đầu tiên Ngài tự giới thiệu về mình trong Kinh Thánh. Lời tường thuật trong Sáng-thế Ký mở đầu với việc Đức Giê-hô-va tạo nên trời đất. (Sáng-thế Ký 1:1) Hãy nghĩ đến hàng loạt vai trò mà Đức Chúa Trời đảm đương khi Ngài bắt đầu cuộc sáng tạo—nhà thiết kế, nhà tổ chức, kỹ sư, họa sĩ, chuyên gia vật liệu, người phát triển dự án, nhà hóa học, nhà sinh vật học, nhà động vật học, lập trình viên, nhà ngôn ngữ học, đó chỉ là mới kể một vài.—Châm-ngôn 8:12, 22-31.

Thế còn chất lượng công việc của Ngài thì sao? Kinh Thánh ghi lại rằng các công việc đó “tốt-lành” và “rất tốt-lành”. (Sáng-thế Ký 1:4, 31) Thật vậy, sự sáng tạo “rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” và chúng ta cũng nên ngợi khen Ngài!—Thi-thiên 19:1; 148:1.

Tuy nhiên, công việc của Đức Chúa Trời không chỉ dừng lại ở sự sáng tạo ra bầu trời, trái đất và cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên. Chúa Giê-su Christ, Con Ngài, nói: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ”. (Giăng 5:17) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va tiếp tục làm việc để chăm nom các tạo vật, bảo toàn công trình sáng tạo và giải cứu những người trung thành thờ phượng Ngài. (Nê-hê-mi 9:6; Thi-thiên 36:6; 145:15, 16) Thậm chí Ngài cũng dùng loài người, “bạn cùng làm việc với [Ngài]”, để hoàn tất một số công việc.—1 Cô-rinh-tô 3:9.

Việc làm có thể là một nguồn phước. Chẳng phải Kinh Thánh nói việc làm là sự rủa sả, tức một nỗi khổ, hay sao? Sáng-thế Ký 3:17-19 dường như hàm ý Đức Chúa Trời đặt gánh nặng công việc trên vai A-đam và Ê-va để trừng phạt họ vì tội phản nghịch. Khi kết án họ, Ngài nói với A-đam: “Ngươi sẽ làm đổ mồ-hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất”. Chẳng phải rõ ràng việc làm bị kết án đó sao?

Không. Đúng hơn, lời này có nghĩa là vì A-đam và Ê-va bất trung nên việc nới rộng vườn Ê-đen sẽ không thành lúc đó. Đất bị Đức Chúa Trời rủa sả. Con người phải làm việc vất vả, đổ mồ hôi mới có được lương thực từ đất.—Rô-ma 8:20, 21.

Thay vì nói việc làm là sự rủa sả, Kinh Thánh cho thấy đó là một sự ban phước đáng trân trọng. Như đã đề cập ở trên, chính Đức Chúa Trời là một Đấng làm việc chăm chỉ. Khi tạo ra con người theo hình ảnh Ngài, Đức Giê-hô-va đã ban cho họ khả năng và thẩm quyền cai quản công trình sáng tạo trên đất. (Sáng-thế Ký 1:26, 28; 2:15) Ngài giao cho họ công việc đó trước khi tuyên bố những lời nơi Sáng-thế Ký 3:19. Nếu việc làm là một điều xấu và một sự rủa sả, hẳn Đức Giê-hô-va không bao giờ khuyến khích con người làm việc. Nô-ê và gia đình ông đã có rất nhiều việc phải làm trước và sau trận Đại Hồng Thủy. Vào thế kỷ thứ nhất, các môn đồ của Chúa Giê-su cũng được khuyến giục làm việc.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng ngày nay công việc có thể là một gánh nặng. Sự căng thẳng, buồn chán, thất vọng, cạnh tranh, lừa dối, bất công và rủi ro chỉ là một số “chông-gai” trong việc làm. Tuy nhiên, việc làm tự nó không phải là một sự rủa sả. Nơi Truyền-đạo 3:13, Kinh Thánh nói việc làm và những thành quả của nó là sự ban cho của Đức Chúa Trời.—Xem khung “Đối phó với sự căng thẳng do công việc”.

Qua công việc bạn có thể tôn vinh Đức Chúa Trời. Chất lượng và tính xuất sắc trong công việc luôn được khen ngợi. Theo quan điểm Kinh Thánh về công việc, chất lượng là một trong những khía cạnh quan trọng. Chính Đức Chúa Trời luôn làm việc một cách xuất sắc. Ngài cũng ban cho chúng ta khả năng và năng khiếu, và muốn chúng ta sử dụng tốt những kỹ năng đó. Chẳng hạn, trong thời gian dân Y-sơ-ra-ên xưa dựng đền tạm, Đức Giê-hô-va đã ban cho những người như Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp sự khôn ngoan, thông sáng và hiểu biết để thực hiện những công việc cụ thể mang tính thiết thực và nghệ thuật. (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:1-11) Điều này cho thấy Ngài đặc biệt quan tâm đến chức năng, độ kỹ xảo, mẫu thiết kế và các chi tiết khác liên quan đến công việc của họ.

Sự tường thuật này khiến chúng ta xem xét lại quan điểm của mình về khả năng và thói quen làm việc, giúp chúng ta xem đó như là những sự ban cho của Đức Chúa Trời mà mình không nên xem thường. Vì thế, tín đồ Đấng Christ được khuyên làm công việc của họ với tinh thần như thể chính Đức Chúa Trời đang kiểm tra công việc đó: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”. (Cô-lô-se 3:23) Tôi tớ Đức Chúa Trời được lệnh phải làm việc thật tốt để thông điệp đạo Đấng Christ có sức thu hút hơn đối với các đồng nghiệp của họ, cùng những người khác.—Xem khung “Áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh tại nơi làm việc”.

Ý thức được điều này, chúng ta nên tự hỏi mình chăm chỉ và làm tốt công việc đến độ nào. Đức Chúa Trời có hài lòng với cung cách làm việc của chúng ta không? Chúng ta có hoàn toàn thỏa mãn với cách làm việc của mình không? Nếu không, hẳn chúng ta cần trau dồi thêm.—Châm-ngôn 10:4; 22:29.

Giữ thăng bằng giữa công việc và đời sống tâm linh. Chăm chỉ là điều đáng khen, tuy nhiên còn một yếu tố quan trọng khác giúp chúng ta thỏa lòng trong công việc và cuộc sống. Đó là đời sống tâm linh. Vua Sa-lô-môn, người đã làm việc chăm chỉ và hưởng được mọi sự giàu sang và tiện nghi của cuộc đời, đã đi đến kết luận: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”.—Truyền-đạo 12:13.

Rõ ràng, chúng ta phải xem xét ý muốn Đức Chúa Trời trong mọi việc mình làm. Chúng ta có đang làm việc phù hợp với ý muốn Ngài, hay đang đi ngược lại ý muốn đó? Chúng ta đang cố gắng làm vui lòng Đức Chúa Trời, hay chỉ làm vui lòng chính mình? Nếu không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, cuối cùng chúng ta sẽ chỉ gặt sự đau khổ vì tuyệt vọng, cô đơn và trống rỗng.

Ông Steven Berglas đề nghị các nhà quản lý mệt mỏi nên ‘tìm một lý tưởng nào đó mà họ đam mê và đưa nó vào cuộc sống’. Không có lý tưởng nào cao quý hơn là phục vụ Đấng đã ban cho chúng ta những kỹ năng và khả năng để thực hiện những công việc có ý nghĩa. Chúng ta sẽ không thất vọng khi làm những công việc đẹp lòng Đấng Tạo Hóa. Đối với Chúa Giê-su, công việc mà Đức Giê-hô-va giao có tác dụng bồi bổ, mang lại sự mãn nguyện và khoan khoái như đồ ăn. (Giăng 4:34; 5:36) Và cũng hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời, Đấng Làm Việc Xuất Sắc Nhất mời chúng ta “cùng làm việc” với Ngài.—1 Cô-rinh-tô 3:9.

Thờ phượng Đức Chúa Trời và phát huy đời sống tâm linh giúp chúng ta hội đủ điều kiện để vươn tới những công việc và trách nhiệm mang lại sự thỏa nguyện. Đức tin vững chắc và đời sống tâm linh mạnh mẽ có thể tiếp thêm sức để chúng ta phấn đấu trở thành người làm công hoặc người chủ tốt hơn. Nguồn sức này đặc biệt cần thiết vì môi trường làm việc thường có nhiều áp lực, xung đột và đòi hỏi cao. Mặt khác, thực tế của cuộc sống trong thế giới không tin kính này cũng giúp cho chúng ta nhận ra những phương diện mình cần trau dồi thêm để củng cố đức tin.—1 Cô-rinh-tô 16:13, 14.

Khi công việc sẽ là nguồn phước

Những người đang siêng năng phụng sự Đức Chúa Trời có thể chờ đón thời kỳ khi Ngài sẽ phục hồi Địa Đàng, và khi đó khắp đất sẽ có đầy dẫy những công việc đáng làm. Nhà tiên tri Ê-sai của Đức Giê-hô-va báo trước về đời sống lúc đó: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái. Họ chẳng xây nhà cho người khác ở, chẳng trồng vườn nho cho người khác ăn;... những kẻ lựa-chọn của ta sẽ hằng hưởng công-việc tay mình làm”.—Ê-sai 65:21-23.

Khi đó việc làm sẽ là nguồn phước lớn biết bao! Bằng cách học biết ý muốn Đức Chúa Trời đối với bạn và làm việc hòa hợp với ý muốn đó, bạn có thể nằm trong số những người được Đức Giê-hô-va ban phước và luôn “hưởng lấy phước của công-lao mình”.—Truyền-đạo 3:13.

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Đức Chúa Trời là Đấng Làm Việc Xuất Sắc Nhất: Sáng-thế Ký 1:1, 4, 31; Giăng 5:17

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Việc làm có thể là một nguồn phước: Sáng-thế Ký 1:28; 2:15; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Qua công việc bạn có thể tôn vinh Đức Chúa Trời: Xuất Ê-díp-tô Ký 31:1-11; Cô-lô-se 3:23

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Giữ thăng bằng giữa công việc và đời sống tâm linh: Truyền-đạo 12:13; 1 Cô-rinh-tô 3:9

[Khung/​Hình nơi trang 6]

ĐỐI PHÓ VỚI SỰ CĂNG THẲNG DO CÔNG VIỆC

Các chuyên viên y tế đã xếp sự căng thẳng do công việc vào hàng những rủi ro nghề nghiệp. Sự căng thẳng có thể gây ung loét, trầm uất, ngay cả dẫn đến tự sát. Người Nhật gọi nó là karoshi, nghĩa là “chết do làm việc quá sức”.

Có nhiều yếu tố liên quan đến công việc góp phần gây căng thẳng, như sự thay đổi giờ giấc và điều kiện làm việc, có vấn đề với cấp trên, thay đổi trách nhiệm hoặc công việc, và về hưu hoặc bị sa thải. Một số người tìm cách thoát khỏi những căng thẳng như thế bằng cách thay đổi công việc hoặc nơi làm việc. Số khác cố gắng chịu đựng sự căng thẳng nhưng điều đó chỉ càng khiến nó tràn sang những lãnh vực khác của đời sống, thông thường nhất là gia đình. Có người suy sụp tinh thần đến độ trở nên trầm cảm và tuyệt vọng.

Tín đồ Đấng Christ được trang bị kỹ để đối phó với sự căng thẳng này. Kinh Thánh cho nhiều nguyên tắc căn bản không những giúp chúng ta vượt qua những lúc khó khăn mà còn tác động tốt đến tinh thần và tình cảm của chúng ta. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói: “Chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó-nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy”. Lời khuyên ở đây là hãy tập trung giải quyết những vấn đề của ngày hôm nay, chứ không phải của ngày mai. Khi làm thế chúng ta tránh thổi phồng vấn đề, là điều chỉ càng tăng thêm áp lực.—Ma-thi-ơ 6:25-34.

Điều thiết yếu là người tín đồ Đấng Christ phải nương cậy nơi sức của Đức Chúa Trời, chứ không phải sức riêng của họ. Khi chúng ta cảm thấy mình gần như không chịu đựng được nữa, thì Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta sự bình an, niềm vui trong lòng và sự khôn ngoan để đối phó với mọi khó khăn. Sứ đồ Phao-lô viết: “Anh em phải làm mạnh-dạn trong Chúa, nhờ sức toàn-năng của Ngài”.—Ê-phê-sô 6:10; Phi-líp 4:7.

Cuối cùng, ngay cả những hoàn cảnh căng thẳng đôi khi cũng có tác dụng tốt. Khó khăn có thể làm chúng ta hướng về Đức Giê-hô-va, tìm kiếm và nương cậy nơi Ngài. Nó cũng thúc đẩy chúng ta tiếp tục trau dồi nhân cách của người tín đồ Đấng Christ và khả năng chịu đựng áp lực. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Chúng ta cũng khoe mình trong hoạn-nạn nữa, vì biết rằng hoạn-nạn sanh sự nhịn-nhục, sự nhịn-nhục sanh sự rèn-tập, sự rèn-tập sanh sự trông-cậy”.—Rô-ma 5:3, 4.

Do đó, sự căng thẳng có thể trở thành tác nhân thúc đẩy sự tiến bộ về thiêng liêng chứ không phải là nguồn tuyệt vọng và đau buồn.

[Khung/​Hình nơi trang 7]

ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC KINH THÁNH TẠI NƠI LÀM VIỆC

Thái độ và cách cư xử của một tín đồ Đấng Christ tại nơi làm việc có thể làm thông điệp Kinh Thánh trở nên thu hút hơn đối với đồng nghiệp và những người khác. Trong bức thư gửi cho Tít, sứ đồ Phao-lô khuyên những người làm công nên “vâng-phục chủ mình, phải làm đẹp lòng chủ trong mọi việc, chớ cãi-trả, chớ ăn-cắp vật chi, nhưng phải hằng tỏ lòng trung-thành trọn-vẹn, để làm cho tôn-quí đạo Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa chúng ta, trong mọi đường”.—Tít 2:9, 10.

Chẳng hạn, hãy xem những lời mà một thương nhân đã gửi đến trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va: “Tôi viết thư này để tìm thuê Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi muốn thuê họ vì tôi biết chắc họ là những người lương thiện, chân thật, đáng tin cậy và không lừa gạt. Những người duy nhất mà tôi thật sự tin tưởng là Nhân Chứng Giê-hô-va. Xin hãy giúp tôi”.

Một kinh nghiệm khác là của chị Kyle, làm tiếp tân ở một trường tư thục. Vì chuyện hiểu lầm, một đồng nghiệp đã mạt sát chị trước mặt một số học sinh. Chị kể: “Tôi phải cẩn thận để không làm ô danh Đức Giê-hô-va”. Trong suốt năm ngày kế đó, chị suy nghĩ cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Chị tìm thấy một nguyên tắc nơi Rô-ma 12:18: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. Chị gửi e-mail cho người đồng nghiệp, xin lỗi về chuyện căng thẳng giữa họ và mời người đó ở lại nói chuyện sau giờ làm việc để làm sáng tỏ vấn đề. Sau cuộc nói chuyện, đồng nghiệp của chị đã dịu đi và thừa nhận cách giải quyết của chị là khôn ngoan. Cô ấy nói với chị Kyle: “Điều này hẳn có liên quan đến tôn giáo của chị”, rồi thân thiện ôm chào tạm biệt chị. Kyle kết luận gì? “Chúng ta không bao giờ sai lầm nếu làm theo các nguyên tắc Kinh Thánh”.

[Hình nơi trang 4, 5]

Nhiều công nhân cảm thấy họ chẳng khác nào những cái răng bánh xe của một cỗ máy vô cảm

[Nguồn tư liệu]

Trung Tâm Thông Tin của Tổng Lãnh Sự Quán Nhật Bản tại New York

[Nguồn tư liệu nơi trang 8]

Địa cầu: NASA photo