Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách 1 Các Vua

Những điểm nổi bật trong sách 1 Các Vua

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách 1 Các Vua

“KHI người công-bình thêm nhiều lên, thì dân-sự vui-mừng; nhưng khi kẻ ác cai-trị, dân-sự lại rên-siết”. (Châm-ngôn 29:2) Sách 1 Các Vua trong Kinh Thánh minh chứng hùng hồn lẽ thật của câu châm ngôn này. Sách này kể lại cuộc đời của Vua Sa-lô-môn, vị vua làm cho vương quốc Y-sơ-ra-ên xưa có một thời an khang thịnh vượng. Sách cũng tường thuật về sự phân chia đất nước này sau khi Sa-lô-môn chết và sự cai trị của 14 vị vua kế tiếp, một số ở Y-sơ-ra-ên và một số ở Giu-đa. Chỉ hai trong số 14 vua đã trung thành với Đức Giê-hô-va suốt đời. Ngoài ra, sách còn kể lại các hoạt động của sáu nhà tiên tri, trong đó có ông Ê-li.

Nhà tiên tri Giê-rê-mi viết sách này tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, tường thuật những biến cố xảy ra trong khoảng 129 năm, từ năm 1040 TCN đến năm 911 TCN. Khi viết sách này, Giê-rê-mi hẳn đã tham khảo các ấn bản cổ, nay không còn tồn tại, chẳng hạn như “sách hành-trạng của Sa-lô-môn”.—1 Các Vua 11:41; 14:19; 15:7.

MỘT VỊ VUA KHÔN NGOAN MANG LẠI AN KHANG THỊNH VƯỢNG

(1 Các Vua 1:1–11:43)

Sách 1 Các Vua bắt đầu với lời tường thuật đầy sức thu hút về mánh khóe của A-đô-ni-gia, con trai Vua Đa-vít, để chiếm đoạt ngôi. Nhà tiên tri Na-than đã nhanh chóng chặn đứng âm mưu này, và Sa-lô-môn, một người con khác của Đa-vít, được bổ nhiệm làm vua. Đức Giê-hô-va tán thành lời cầu xin của vị vua mới lên ngôi và ban cho Sa-lô-môn “tấm lòng khôn-ngoan thông-sáng” cùng “sự giàu-có và sự vinh-hiển”. (1 Các Vua 3:12, 13) Vua có sự khôn ngoan và giàu sang không ai sánh bằng. Vào thời đó, dân Y-sơ-ra-ên hưởng đời sống an khang thịnh vượng.

Trong số những công trình xây dựng mà Sa-lô-môn đã hoàn tất có đền thờ của Đức Giê-hô-va và một số dinh thự. Đức Giê-hô-va bảo đảm với Sa-lô-môn rằng: “Ta sẽ làm cho ngôi nước ngươi kiên-cố đến đời đời trên Y-sơ-ra-ên” với điều kiện là ông tiếp tục vâng lời Ngài. (1 Các Vua 9:4, 5) Đức Chúa Trời cũng cảnh báo về hậu quả nếu ông không vâng lời. Dầu vậy, Sa-lô-môn lấy nhiều người đàn bà ngoại làm vợ. Lúc tuổi về chiều, bởi ảnh hưởng của những người vợ này, ông quay sang thờ các thần giả. Đức Giê-hô-va báo cho ông biết rằng vương quốc sẽ bị phân chia. Vào năm 997 TCN, vương triều 40 năm của Sa-lô-môn kết thúc khi ông qua đời. Rô-bô-am, con trai ông lên kế vị.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:5—Tại sao A-đô-ni-gia cố chiếm đoạt ngôi vua khi Đa-vít còn sống? Kinh Thánh không cho biết lý do. Tuy nhiên, chúng ta có thể hợp lý kết luận rằng vì các anh của A-đô-ni-gia—Am-nôn và Áp-sa-lôm, và có lẽ cả Ki-lê-áp—đã chết nên A-đô-ni-gia nghĩ ngôi vua thuộc về mình vì giờ đây ông là con trai lớn nhất của Đa-vít. (2 Sa-mu-ên 3:2-4; 13:28, 29; 18:14-17) Được sự hỗ trợ của Giô-áp, vị tướng lãnh đầy thế lực, và của A-bia-tha, thầy tế lễ rất có uy thế, dường như A-đô-ni-gia tin chắc nỗ lực của ông sẽ thành công. Kinh Thánh không nói A-đô-ni-gia biết hay không về ý định của Đa-vít cho Sa-lô-môn lên ngôi. Thế nhưng, A-đô-ni-gia không mời Sa-lô-môn và những người trung thành với Đa-vít đến buổi “dâng [của-lễ]”. (1 Các Vua 1:9, 10) Điều này hàm ý rằng ông xem Sa-lô-môn là một đối thủ.

1:49-53; 2:13-25—Tại sao Sa-lô-môn hành quyết A-đô-ni-gia sau khi đã ân xá ông? Ngay dù bà Bát-Sê-ba không nhận ra âm mưu của A-đô-ni-gia, nhưng Sa-lô-môn nhận biết được thâm ý của A-đô-ni-gia khi ông xin cho A-bi-sác làm vợ ông. Dù Đa-vít không có quan hệ xác thịt với nàng, nhưng ai cũng xem người phụ nữ xinh đẹp này là vợ lẽ của vua. Theo phong tục thời đó, nàng chỉ được làm vợ của người thừa kế chính thức ngôi vua Đa-vít. Có lẽ A-đô-ni-gia nghĩ rằng việc lấy A-bi-sác làm vợ sẽ tạo cơ hội khác để ông đoạt được ngôi. Sa-lô-môn xem yêu cầu của A-đô-ni-gia như là dấu hiệu của tham vọng chiếm ngôi. Vì vậy, Sa-lô-môn bãi bỏ lệnh ân xá đối với ông.

6:37–8:2—Khi nào đền thờ được khánh thành? Đền thờ được hoàn tất vào tháng 8 năm 1027 TCN, tức năm thứ 11 của triều đại Vua Sa-lô-môn. Hình như việc chuyển đồ đạc và những công việc khác đã làm mất thêm 11 tháng nữa. Lễ khánh thành hẳn được tổ chức vào tháng 7 năm 1026 TCN. Sau khi đền thờ được hoàn tất và trước khi nói về lễ khánh thành, Kinh Thánh đề cập đến những công trình xây dựng khác, có lẽ để cung cấp đầy đủ thông tin về các công trình thời ấy.—2 Sử-ký 5:1-3.

9:10-13—Việc Sa-lô-môn ban cho Hi-ram, vua nước Ty-rơ, 20 thành ở xứ Ga-li-lê có vi phạm Luật Pháp Môi-se không? Mệnh lệnh nơi Lê-vi Ký 25:23, 24 có thể được xem như là chỉ thị áp dụng cho một số vùng dân Y-sơ-ra-ên sinh sống mà thôi. Có lẽ các thành Sa-lô-môn ban cho Hi-ram, dù nằm trong vùng Đất Hứa, là nơi ở của dân ngoại. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:31) Cũng có thể là hành động này của Sa-lô-môn cho thấy ông không hoàn toàn tuân theo Luật Pháp, giống như việc ông “lo cho có nhiều ngựa” và “kén nhiều phi tần”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:16, 17) Dù gì đi nữa, Hi-ram không hài lòng với món quà này, có lẽ vì các thành không được dân ngoại ở đó coi sóc chu đáo, hoặc vì vị trí không thuận lợi.

11:4—Có phải vì tình trạng lão suy mà Sa-lô-môn trở nên bất trung? Hình như đó không phải là nguyên nhân. Sa-lô-môn bắt đầu lên ngôi khi còn khá trẻ, và dù ông đã cai trị 40 năm nhưng tuổi thọ ông không cao. Ngoài ra, ông không bỏ hẳn sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Hình như ông cố theo một hình thức nào đó của việc hòa đồng tôn giáo.

Bài học cho chúng ta:

2:26, 27, 35. Những gì Đức Giê-hô-va báo trước luôn ứng nghiệm. Việc cách chức A-bia-tha, thuộc gia đình Hê-li, làm ứng nghiệm “lời của Đức Giê-hô-va đã phán về nhà Hê-li”. Việc Xa-đốc, thuộc gia đình Phi-nê-a, thay thế A-bia-tha làm ứng nghiệm Dân-số Ký 25:10-13.—Xuất Ê-díp-tô Ký 6:25; 1 Sa-mu-ên 2:31; 3:12; 1 Sử-ký 24:3.

2:37, 41- 46. Thật nguy hiểm biết bao khi nghĩ rằng chúng ta có thể vượt quá giới hạn của luật pháp mà tránh được sự trừng phạt! Ai cố ý rời khỏi “đường chật dẫn đến sự sống” phải gánh chịu hậu quả của quyết định thiếu khôn ngoan ấy.—Ma-thi-ơ 7:14.

3:9, 12-14. Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện thành thật của các tôi tớ Ngài khi họ cầu xin sự khôn ngoan, hiểu biết và sự hướng dẫn để tiếp tục phụng sự Ngài.—Gia-cơ 1:5.

8:22-53. Lời của Sa-lô-môn quả thật đã biểu lộ lòng quý trọng sâu xa đối với Đức Giê-hô-va—Đức Chúa Trời yêu thương nhân từ, Đấng Hoàn Thành lời hứa và Đấng nghe lời cầu nguyện! Suy ngẫm nội dung lời cầu nguyện của Sa-lô-môn vào buổi lễ khánh thành đền thờ sẽ làm vững mạnh lòng biết ơn của chúng ta về các đức tính trên, cũng như những khía cạnh khác của cá tính Đức Chúa Trời.

11:9-14, 23, 26. Lúc tuổi già, khi Sa-lô-môn trở nên bất trung, Đức Giê-hô-va dấy lên những kẻ thù nghịch ông. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”.—1 Phi-e-rơ 5:5.

11:30-40. Vua Sa-lô-môn tìm cách giết Giê-rô-bô-am vì cớ lời tiên tri của A-hi-gia về Giê-rô-bô-am. Phản ứng này của Sa-lô-môn quả là khác với quan điểm của ông trước đó 40 năm, khi ông quyết định không trả thù A-đô-ni-gia và những kẻ đồng lõa! (1 Các Vua 1:50-53) Thái độ ông thay đổi vì ông xa lìa Đức Giê-hô-va.

VƯƠNG QUỐC HỢP NHẤT BỊ PHÂN CHIA

(1 Các Vua 12:1–22:54)

Giê-rô-bô-am cùng dân sự đến gặp Vua Rô-bô-am và xin vua làm nhẹ bớt những gánh nặng mà Vua Sa-lô-môn, cha ông, đặt trên vai họ. Thay vì chấp nhận lời thỉnh cầu của họ, Rô-bô-am hăm dọa sẽ bắt họ gánh vác nhiều công việc hơn. Mười chi phái nổi loạn và phong Giê-rô-bô-am làm vua, do đó vương quốc Y-sơ-ra-ên bị phân chia. Rô-bô-am cai trị miền nam gồm chi phái Giu-đa và Bên-gia-min, còn Giê-rô-bô-am thì cai trị mười chi phái ở miền bắc.

Nhằm ngăn chặn dân Y-sơ-ra-ên đi đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng, Giê-rô-bô-am dựng hai con bò vàng, đặt một con ở Đan và một con ở Bê-tên. Trong số các vua cai trị nước Y-sơ-ra-ên sau Giê-rô-bô-am thì có Na-đáp, Ba-ê-sa, Ê-la, Xim-ri, Típ-ni, Ôm-ri, A-háp và A-cha-xia. Những vua cai trị ở Giu-đa sau Rô-bô-am là A-bi-giam, A-sa, Giô-sa-phát và Giô-ram. Các nhà tiên tri hoạt động vào thời các vua này bao gồm A-hi-gia, Sê-ma-gia, và một người của Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh không cho biết tên, cũng như Giê-hu, Ê-li và Mi-chê.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

18:21—Tại sao dân sự lặng im khi Ê-li hỏi họ muốn theo Đức Giê-hô-va hay theo thần Ba-anh? Có lẽ nhận thức rằng họ đã không dành cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng chuyên độc mà Ngài đòi hỏi, do đó họ có mặc cảm tội lỗi. Cũng có thể là lương tâm họ chai lì đến mức họ không thấy gì sai khi thờ thần Ba-anh trong khi họ tuyên bố mình phụng sự Đức Giê-hô-va. Chỉ sau khi Đức Giê-hô-va chứng minh quyền năng của Ngài thì họ mới lên tiếng: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!”—1 Các Vua 18:39.

20:34—Sau khi Đức Giê-hô-va cho A-háp thắng quân Sy-ri, tại sao ông lại tha Bên-Ha-đát, vua nước này? Thay vì hành quyết Bên-Ha-đát, Vua A-háp lập giao ước với vị vua này để hưởng các đường phố của thủ đô Đa-mách, rõ ràng là để mở khu chợ buôn bán. Tương tự thế, trước đó cha của Bên-Ha-đát cũng dành cho mình những đường phố của Sa-ma-ri nhằm mục đích thương mại. Như vậy, A-háp thả Bên-Ha-đát nhằm hưởng quyền lợi về thương mại ở Đa-mách.

Bài học cho chúng ta:

12:13, 14. Khi đối phó với những quyết định quan trọng trong đời sống, chúng ta nên tìm lời khuyên của những người khôn ngoan, thành thục, hiểu rõ Kinh Thánh và coi trọng các nguyên tắc của Đức Chúa Trời.

13:11-24. Những lời khuyên, dù đến từ anh chị đồng đức tin và có thiện ý nhưng có vẻ đáng ngờ, cần phải được cân nhắc với sự hướng dẫn khôn ngoan của Lời Đức Chúa Trời.—1 Giăng 4:1.

14:13. Đức Giê-hô-va nhìn thấu trong lòng chúng ta để tìm những ưu điểm. Dù điều tốt nơi chúng ta nhỏ đến đâu đi nữa, nếu chúng ta cố gắng hết sức để phụng sự Ngài thì Ngài có thể làm cho nó phát triển.

15:10-13. Chúng ta phải cương quyết bác bỏ sự bội đạo và trái lại, đẩy mạnh sự thờ phượng thật.

17:10-16. Người đàn bà góa ở Sa-rép-ta nhận ra Ê-li là một nhà tiên tri và tiếp đón ông, do đó Đức Giê-hô-va ban phước cho hành động đầy đức tin của bà. Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng nhìn thấy những hành động đến từ đức tin của chúng ta, và Ngài ban thưởng cho những ai ủng hộ công việc Nước Trời theo nhiều cách.—Ma-thi-ơ 6:33; 10:41, 42; Hê-bơ-rơ 6:10.

19:1-8. Khi đương đầu với sự chống đối khắc nghiệt, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ trợ giúp.—2 Cô-rinh-tô 4:7-9.

19:10, 14, 18. Những người thờ phượng chân thật không bao giờ đơn độc. Họ có Đức Giê-hô-va và đoàn thể anh em quốc tế.

19:11-13. Đức Giê-hô-va không phải là một thần của thiên nhiên hoặc một quyền lực thiên nhiên được nhân cách hóa.

20:11. Khi Bên-Ha-đát kiêu ngạo tuyên bố việc hủy phá Sa-ma-ri, vua nước Y-sơ-ra-ên đáp lại: “Người mặc áo giáp [để ra trận] chớ khoe mình như người cổi nó ra” sau khi thắng trận. Khi nhận một nhiệm vụ mới, chúng ta nên tránh thái độ quá tự tin của kẻ kiêu ngạo.—Châm-ngôn 27:1; Gia-cơ 4:13-16.

Có nhiều ích lợi cho chúng ta

Khi nhắc lại việc Đức Chúa Trời ban Luật Pháp tại Núi Si-na-i, Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Kìa, ngày nay ta đặt trước mặt các ngươi sự phước-lành và sự rủa-sả: sự phước-lành, nếu các ngươi nghe theo các điều-răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, mà ta truyền cho ngày nay; sự rủa-sả, nếu các ngươi không nghe theo các điều-răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, nhưng xây bỏ đường ta chỉ cho ngày nay”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:26-28.

Sách 1 Các Vua lưu ý chúng ta đến lẽ thật này cách rõ ràng biết bao! Như chúng ta đã thấy, sách này cũng dạy chúng ta nhiều bài học quý giá khác. Thông điệp trong sách này thật sống động và linh nghiệm.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Hình nơi trang 29]

Đền thờ và những công trình kiến trúc khác do Sa-lô-môn xây dựng

[Hình nơi trang 30, 31]

Sau khi Đức Giê-hô-va chứng minh quyền năng của Ngài thì dân sự lên tiếng rằng: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!”