Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”

“Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”

“Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”

KHI những chú chim thức giấc vào buổi sáng, chúng thường kêu chiêm chiếp một lúc rồi bay đi tìm mồi. Lúc xế chiều, chúng trở về tổ, kêu chiêm chiếp một chút rồi đi ngủ. Có mùa trong năm, chúng kết đôi, đẻ trứng và nuôi con nhỏ. Các loài thú khác cũng sống theo khuôn mẫu tương tự đã được định trước.

Con người chúng ta thì khác. Thật vậy, hầu hết chúng ta không chỉ thỏa mãn với việc ăn, ngủ, sinh con cái. Chúng ta muốn biết tại sao mình hiện hữu. Chúng ta tìm kiếm ý nghĩa của đời sống. Chúng ta cũng khát khao hy vọng cho tương lai. Những nhu cầu sâu sắc này cho thấy một nét độc đáo của con người—nhu cầu tâm linh, hay khả năng nhận biết những điều thiêng liêng.

Được tạo ra như hình Đức Chúa Trời

Kinh Thánh giải thích tại sao con người có khả năng hướng về những điều thiêng liêng khi nói rằng: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”. (Sáng-thế Ký 1:27) Chúng ta được dựng nên “như hình Đức Chúa Trời”, nghĩa là chúng ta có khả năng phản ánh một số đức tính của Ngài mặc dù chúng ta bị ảnh hưởng bởi tội lỗi và sự bất toàn. (Rô-ma 5:12) Chẳng hạn, chúng ta có khả năng sáng tạo. Chúng ta cũng có phần nào sự khôn ngoan, ý thức về công lý, và khả năng biểu lộ tình yêu thương quên mình. Ngoài ra, chúng ta có thể ngẫm nghĩ về quá khứ và lập kế hoạch cho tương lai.—Châm-ngôn 4:7; Truyền-đạo 3:1, 11; Mi-chê 6:8; Giăng 13:34; 1 Giăng 4:8.

Khả năng về thiêng liêng của chúng ta thể hiện rõ nhất qua bản năng mong muốn thờ phượng Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể nào tìm được hạnh phúc thật và lâu dài trừ phi chúng ta thỏa mãn cách thích đáng nhu cầu đến gần Đấng Tạo Hóa. Chúa Giê-su nói: “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận đáp ứng nhu cầu đó với lẽ thật, tức những sự thật về Đức Chúa Trời, các tiêu chuẩn và ý định của Ngài đối với nhân loại. Chúng ta có thể tìm lẽ thật này ở đâu? Trong Kinh Thánh.

“Lời Cha tức là lẽ thật”

Sứ đồ Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Những lời của Phao-lô hòa hợp với những gì Chúa Giê-su cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Lời Cha tức là lẽ thật”. Ngày nay chúng ta biết Lời ấy là Kinh Thánh, và điều khôn ngoan là chúng ta kiểm tra xem niềm tin và tiêu chuẩn của mình có hòa hợp với Kinh Thánh không.—Giăng 17:17.

Khi so sánh niềm tin của mình với Lời Đức Chúa Trời, chúng ta theo gương những người ở thành Bê-rê xưa, muốn biết chắc những dạy dỗ của Phao-lô có phù hợp với Kinh Thánh không. Thay vì chỉ trích người Bê-rê, Lu-ca khen thái độ của họ. Ông viết: “[Họ] sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh, để xét lời giảng có thật chăng”. (Công-vụ 17:11) Ngày nay, vì những dạy dỗ về tôn giáo và luân lý mâu thuẫn nhau đang lan tràn, điều quan trọng là chúng ta theo gương những người đáng khen ở thành Bê-rê.

Một cách khác để nhận biết lẽ thật đến từ Đức Chúa Trời là xem nó tác động thế nào trên đời sống con người. (Ma-thi-ơ 7:17) Chẳng hạn, sống theo lẽ thật của Kinh Thánh phải làm cho một người trở nên người chồng, người cha, người vợ hoặc người mẹ tốt hơn, do đó góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình và gia tăng sự thỏa lòng. Chúa Giê-su nói: “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời... có phước”.—Lu-ca 11:28.

Những lời của Chúa Giê-su làm chúng ta nhớ lại lời Cha ngài ở trên trời phán với dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi. Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”. (Ê-sai 48:17, 18) Tất cả những ai yêu mến sự tốt lành và sự công bình hẳn sẽ được thôi thúc bởi lời kêu gọi nồng ấm ấy!

Một số người thích nghe những lời “êm tai”

Đức Chúa Trời kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên với những lời thiết tha ấy vì họ lầm đường lạc lối bởi những dạy dỗ sai lầm về tôn giáo. (Thi-thiên 106:35-40) Chúng ta cũng phải cảnh giác chống lại những lời dối trá. Nói về những người nhận mình là tín đồ Đấng Christ, Phao-lô viết: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư-dục mà nhóm-họp các giáo-sư xung-quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 4:3, 4.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo nói những lời làm êm tai người ta bằng cách dung túng những thực hành nhằm thỏa mãn các ham muốn xấu, như quan hệ ngoài hôn nhân, đồng tính luyến ái, và say sưa. Kinh Thánh cho biết rõ ràng là những ai tán thành và các người thực hành những việc ấy sẽ “chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời”.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; Rô-ma 1:24-32.

Tất nhiên phải can đảm để sống theo các tiêu chuẩn của Kinh Thánh, nhất là khi phải đương đầu với sự chế giễu, nhưng điều đó có thể làm được. Trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va, nhiều người trước kia từng nghiện ma túy, say sưa, tà dâm, là côn đồ ngoài phố, trộm cắp, và kẻ nói dối. Nhưng, khi để cho Lời Đức Chúa Trời thấm vào lòng, và nhờ thánh linh giúp đỡ, họ thay đổi lối sống hầu “ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa”. (Cô-lô-se 1:9, 10; 1 Cô-rinh-tô 6:11) Khi hòa thuận với Đức Chúa Trời, họ cũng đạt được bình an nội tâm và, như chúng ta sẽ thấy, có được hy vọng đích thật cho tương lai.

Hy vọng về Nước Trời

Nước Đức Chúa Trời sẽ mang lại hòa bình vĩnh cửu mà Kinh Thánh hứa cho những người biết vâng lời. Trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su đã nói: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời”. (Ma-thi-ơ 6:10) Thật vậy, chỉ có Nước Trời có thể chắc chắn thực hiện ý của Đức Chúa Trời trên đất. Tại sao? Bởi vì Nước ở trên trời, tức chính phủ trong tay Chúa Giê-su Christ, là phương tiện để Đức Chúa Trời biểu lộ quyền tối thượng chính đáng của Ngài trên đất.—Thi-thiên 2:7-12; Đa-ni-ên 7:13, 14.

Là Vua của Nước Trời, Chúa Giê-su sẽ giải thoát những người biết vâng lời khỏi mọi hình thức nô lệ, kể cả sự kiềm tỏa của tội lỗi do A-đam truyền lại khiến chúng ta phải chịu bệnh tật và chết. Khải-huyền 21:3, 4 nói: “Này, đền-tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người!... Ngài [Đức Giê-hô-va] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.

Hòa bình vĩnh cửu sẽ lan rộng trên khắp đất. Tại sao chúng ta có thể tin chắc điều đó? Nơi Ê-sai 11:9 tiết lộ lý do: “Nó [thần dân của Nước Trời] chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”. Thật vậy, mỗi người trên đất sẽ có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài. Triển vọng đó không làm bạn ấm lòng sao? Nếu đúng như thế, giờ đây là lúc để bạn bắt đầu tiếp thu “sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va” thật quý giá này.

Bạn có lắng nghe thông điệp Nước Trời không?

Qua Nước Trời, Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ mọi công việc của Sa-tan và dạy dỗ người ta theo đường lối công bình của Ngài. Vì vậy, không lạ gì đề tài Nước Trời là trọng tâm sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Ngài phán: “Ta cũng phải rao Tin-lành của nước Đức Chúa Trời... vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến”. (Lu-ca 4:43) Chúa Giê-su ra lệnh cho các môn đồ rao truyền thông điệp này cho người khác. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Ngài báo trước: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14) Sự cuối cùng ấy đang nhanh chóng đến gần. Vì thế, thật quan trọng làm sao để những người có lòng thành nghe được tin mừng cứu mạng!

Anh Albert được đề cập trong bài trước đã nghe thông điệp Nước Trời khi vợ con anh bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Thoạt tiên, Albert hoài nghi. Thậm chí anh còn yêu cầu mục sư địa phương đến thăm vợ con anh nhằm phơi bày sự sai lầm của Nhân Chứng. Nhưng ông mục sư không muốn dính líu vào việc này. Vì vậy, Albert quyết định ngồi nghe một buổi thảo luận Kinh Thánh để tìm ra bất cứ điều sai lầm nào. Nhưng chỉ sau một buổi học, anh tham gia cuộc học hỏi và háo hức muốn hiểu nhiều hơn. Sau này, anh giải thích tại sao mình thay đổi thái độ. Anh nói: “Đây chính là điều tôi luôn luôn tìm kiếm”.

Cuối cùng, Albert đã thỏa mãn nhu cầu về thiêng liêng của mình và không bao giờ hối hận. Lẽ thật Kinh Thánh đã ban cho Albert điều mà suốt đời anh tìm kiếm—giải pháp cho sự bất công và tham nhũng tràn lan trong xã hội, và một hy vọng cho tương lai. Lẽ thật Kinh Thánh đã cho anh bình an nội tâm. Bạn có được thỏa mãn nhu cầu về thiêng liêng không? Tại sao bạn không dành thời gian để xem qua những câu hỏi được liệt kê nơi trang 6? Nếu muốn có thêm thông tin, Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ vui lòng giúp bạn.

[Khung/​Các hình nơi trang 6]

BẠN CÓ THỎA MÃN NHU CẦU VỀ THIÊNG LIÊNG KHÔNG?

Nhu cầu về thiêng liêng của bạn có được thỏa mãn không? Chúng tôi mời bạn đọc những câu hỏi sau đây và đánh dấu những câu bạn có thể trả lời đúng.

□ Đức Chúa Trời là ai, và danh Ngài là gì?

□ Chúa Giê-su Christ là ai? Tại sao ngài phải chết? Sự chết của ngài mang lại cho bạn lợi ích nào?

□ Có Ma-quỉ không? Nếu có, hắn từ đâu đến?

□ Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?

□ Đức Chúa Trời có ý định gì đối với trái đất và loài người?

□ Nước Đức Chúa Trời là gì?

□ Những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về mặt đạo đức là gì?

□ Trong gia đình, Đức Chúa Trời cho người chồng và người vợ giữ vai trò nào? Một số nguyên tắc nào trong Kinh Thánh làm tăng thêm hạnh phúc gia đình?

Nếu câu nào bạn không chắc đúng, bạn có thể xin nhận một sách mỏng Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta? Sách mỏng này, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản trong gần 300 ngôn ngữ, bàn về 16 đề tài căn bản của Kinh Thánh và cung cấp câu trả lời dựa trên Kinh Thánh cho tất cả các câu hỏi nêu trên.

[Các hình nơi trang 4]

Không như các loài vật, con người có nhu cầu tâm linh

[Hình nơi trang 5]

“Họ ham nghe những lời êm tai... nhóm-họp các giáo-sư xung-quanh mình”.—2 Ti-mô-thê 4:3

[Hình nơi trang 7]

Nước của Đấng Mê-si sẽ mang lại hòa bình vĩnh cửu