Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thật sung sướng được tham gia vào công việc giáo dục Kinh Thánh toàn cầu

Thật sung sướng được tham gia vào công việc giáo dục Kinh Thánh toàn cầu

Tự Truyện

Thật sung sướng được tham gia vào công việc giáo dục Kinh Thánh toàn cầu

DO ANNA MATHEAKIS KỂ LẠI

Chiếc phà bốc cháy. Nếu chìm, con tàu khổng lồ dài 171 mét này sẽ kéo tôi xuống mồ nước sâu. Tôi bơi một cách điên cuồng đến chỗ an toàn, chống chọi với làn sóng cuồn cuộn. Cách duy nhất để nổi trên mặt nước là bám chặt lấy cái áo phao của một người đàn bà kia. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tôi sức mạnh và can đảm. Đây là tất cả những gì tôi có thể làm được.

ĐÓ LÀ năm 1971 và là lần tôi trở lại nhiệm sở giáo sĩ thứ ba của tôi, ở nước Ý. Trong lần đắm tàu đó, tôi mất hết mọi sự nhưng không mất những gì quý giá nhất—mạng sống, tình anh em tín đồ Đấng Christ, và đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va. Đặc ân này đã đem tôi đến ba lục địa, và lần đắm tàu này chỉ là một biến cố trong cuộc đời đầy biến động.

Tôi sinh năm 1922. Gia đình tôi sống ở Rām Allāh, cách phía bắc Giê-ru-sa-lem khoảng 16 kilômét. Cả hai cha mẹ tôi đều quê ở đảo Crete, nhưng cha tôi lớn lên ở Na-xa-rét. Cha mẹ tôi có năm con, ba trai hai gái và tôi là con gái út. Gia đình tôi rất đau đớn vì cái chết của người anh thứ hai. Anh chết đuối ở Sông Jordan trong một cuộc du ngoạn do trường học tổ chức. Sau tai họa này, mẹ tôi không muốn ở Rām Allāh nữa, và chúng tôi dọn đến Athens, Hy Lạp vào lúc tôi mới ba tuổi.

Lẽ thật Kinh Thánh đến với gia đình

Chẳng bao lâu sau khi tới Hy Lạp, Nikos, anh cả tôi, lúc đó mới 22 tuổi, được tiếp xúc với Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời đó. Nhận được sự hiểu biết về Kinh Thánh đã đem lại cho anh niềm vui lớn và lòng nhiệt thành như lửa cháy đối với thánh chức tín đồ Đấng Christ. Điều này khiến cha tôi giận dữ, và cha đã đuổi anh Nikos ra khỏi nhà. Tuy nhiên, khi cha đi Palestine thì mẹ, chị và tôi theo anh Nikos đi dự nhóm họp. Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi hào hứng nói về những điều mẹ nghe được tại những buổi họp này. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, mẹ bị ung thư và chết khi được 42 tuổi. Trong thời gian khó khăn này, chị tôi là Ariadne đã yêu thương gánh vác gia đình chúng tôi. Mặc dù còn trẻ, chị giống như người mẹ đối với tôi trong những năm tháng kế đó.

Khi ở Athens, cha luôn luôn đem tôi đến Nhà Thờ Chính Thống Giáo. Sau khi cha qua đời, tôi tiếp tục đi nhà thờ nhưng không còn siêng năng như trước. Vì không thấy có bằng chứng về sự tin kính trong nhà thờ, cuối cùng tôi bỏ, không đi nhà thờ nữa.

Tôi kiếm được việc làm ổn định ở bộ tài chánh sau khi cha qua đời. Còn phần anh tôi, anh ấy đã dành trọn đời sống để rao giảng về Nước Trời, phụng sự nhiều năm ở Hy Lạp. Đến năm 1934, anh dọn đến Cyprus. Vào lúc đó, không có Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm báp têm nào trên đảo nên anh có cơ hội đẩy mạnh công việc rao giảng ở đảo này. Sau khi thành hôn, vợ anh là Galatia cũng bắt đầu phụng sự trọn thời gian và tiếp tục trong nhiều năm. * Anh Nikos thường gửi cho chúng tôi sách báo về Kinh Thánh, nhưng chúng tôi hiếm khi mở ra xem. Anh ấy tiếp tục ở tại Cyprus cho đến khi qua đời.

Quyết định chọn lẽ thật

Vào năm 1940, George Douras, một Nhân Chứng sốt sáng ở Athens và là bạn của anh Nikos, đến thăm và mời chúng tôi tham gia nhóm nhỏ học hỏi Kinh Thánh tại nhà anh ấy. Chúng tôi vui mừng nhận lời. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi bắt đầu nói cho người khác những gì mình học được. Nhận được sự hiểu biết về Kinh Thánh đã khiến tôi và chị tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Chị Ariadne báp têm năm 1942, và tôi năm 1943.

Khi Thế Chiến II chấm dứt, anh Nikos mời chúng tôi đến Cyprus, vì vậy chúng tôi dọn đến Nicosia năm 1945. Khác với Hy Lạp, ở Cyprus công việc rao giảng không bị cấm đoán. Chúng tôi không những rao giảng từ nhà này sang nhà kia mà còn làm chứng ngoài đường phố nữa.

Hai năm sau, chị Ariadne phải trở về Hy Lạp. Tại đây chị gặp người chồng tương lai, một người thờ phượng Đức Giê-hô-va, vì vậy chị ở tại Athens. Chẳng bao lâu sau đó, anh rể và chị tôi khuyến khích tôi trở lại Hy Lạp và phụng sự trọn thời gian ở thủ đô Athens. Vì tiên phong luôn luôn là mục tiêu của tôi nên tôi trở lại Athens, nơi có nhu cầu lớn hơn.

Những cánh cửa mới được mở ra

Vào ngày 1-11-1947, tôi bắt đầu tiên phong, dành ra 150 giờ mỗi tháng để rao giảng. Khu vực rao giảng của hội thánh chúng tôi rất rộng nên tôi phải đi bộ nhiều. Tuy vậy, tôi được nhiều ân phước. Cảnh sát thường bắt bất cứ Nhân Chứng nào họ gặp đi rao giảng hoặc dự nhóm họp, vì thế chẳng bao lâu sau đó, tôi bị bắt.

Tôi bị kết tội xúi người ta đổi đạo, một tội nặng vào thời đó. Tôi bị tù hai tháng trong Nhà Tù Phụ Nữ Averof ở Athens. Có một chị Nhân Chứng khác bị tù ở đây rồi nên mặc dù trong tù, cả hai chúng tôi được hưởng tình bằng hữu đầy thích thú và xây dựng giữa tín đồ Đấng Christ. Sau khi mãn tù, tôi sung sướng tiếp tục làm tiên phong. Nhiều người học Kinh Thánh với tôi thời đó vẫn tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va và điều đó đem lại cho tôi niềm vui lớn.

Vào năm 1949, tôi nhận được thư mời tham dự khóa 16 Trường Ga-la-át của Hội Tháp Canh ở Hoa Kỳ, nơi những tôi tớ phụng sự trọn thời gian được huấn luyện để làm giáo sĩ. Gia đình tôi và tôi đều mừng rỡ. Tôi dự trù tham dự đại hội quốc tế ở Thành Phố New York vào mùa hè năm 1950 và rồi nhập Trường Ga-la-át.

Sau khi tới Hoa Kỳ, tôi được đặc ân làm công việc dọn dẹp tại trụ sở trung ương Nhân Chứng Giê-hô-va ở Thành Phố New York. Môi trường ở đây sạch sẽ, vui vẻ và xây dựng, chung quanh tôi toàn là các anh chị luôn tươi cười. Tôi nhớ mãi với lòng trìu mến sáu tháng làm việc tại đó. Rồi đến ngày nhập học Trường Ga-la-át, nơi mà khóa học đào sâu về Kinh Thánh dài năm tháng trôi qua mau chóng. Các học viên chúng tôi ý thức sự hiểu biết về Kinh Thánh thật quý giá và tốt đẹp. Điều đó làm chúng tôi vui hơn và thúc đẩy chúng tôi có ước muốn mạnh mẽ hơn trong việc chia sẻ sự hiểu biết lẽ thật dẫn đến sự sống với người khác.

Nhiệm sở giáo sĩ đầu tiên

Tại Trường Ga-la-át, chúng tôi được phép chọn một học viên khác làm bạn cộng sự trước khi nhận nhiệm sở. Ruth Hemmig (nay là Bosshard), một chị tuyệt vời là bạn cộng sự của tôi. Ruth và tôi thật vui mừng khi nhận được nhiệm sở ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ—một giao điểm giữa Châu Á và Châu Âu! Chúng tôi biết công việc rao giảng ở nước đó chưa được công nhận, nhưng chúng tôi không hồ nghi gì về việc Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng tôi.

Istanbul là một thành phố quốc tế đẹp. Ở đây, chúng tôi thấy khu chợ đầy hàng hóa, nơi tập trung các món ăn ngon nhất từ khắp nơi trên thế giới, các viện bảo tàng phong phú, khu xóm dễ thương và cảnh biển hữu tình. Quan trọng hơn, chúng tôi tìm được những người thành thật muốn học hỏi về Đức Chúa Trời. Một nhóm nhỏ Nhân Chứng ở Istanbul gồm phần lớn là người Armenia, Do Thái và Hy Lạp. Tuy nhiên, còn có nhiều người thuộc quốc tịch khác nữa và thật là hữu ích khi biết sơ nhiều thứ tiếng kể cả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi rất thích gặp những người thuộc quốc tịch khác nhau đang khao khát lẽ thật. Nhiều người trong số này tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.

Chẳng may, Ruth không thể gia hạn giấy phép cư trú và buộc phải rời nước. Chị tiếp tục phụng sự trọn thời gian ở Thụy Sĩ. Sau nhiều năm, tôi vẫn còn nhớ tình bạn nồng thắm và đầy khích lệ của chị.

Dọn đến vùng khác

Vào năm 1963, giấy cư trú của tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ không được gia hạn. Thật khó để chia tay với anh em tín đồ Đấng Christ, những người mà tôi được chứng kiến đã cố gắng vượt nhiều khó khăn để tiến bộ về thiêng liêng. Nhằm nâng đỡ tinh thần tôi, gia đình đã rộng rãi trả chi phí chuyến đi Thành Phố New York để tôi dự đại hội. Lúc đó tôi chưa nhận được nhiệm sở mới.

Sau đại hội, tôi được chỉ định đến Lima, Peru. Cùng với một chị trẻ là bạn cộng sự của tôi, tôi đi thẳng từ New York đến nhiệm sở mới. Tôi học tiếng Tây Ban Nha và sống trong nhà giáo sĩ, trên lầu văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Thật là thích thú được rao giảng ở đây và được biết các anh chị địa phương.

Nhiệm sở khác, ngôn ngữ khác

Với thời gian người nhà tôi ở Hy Lạp bắt đầu trải qua hậu quả của tuổi già và sức khỏe suy sụp. Họ không bao giờ gợi ý tôi bỏ công việc phụng sự trọn thời gian và trở về đời sống mà nhiều người cho là bình thường để giúp đỡ họ. Tuy nhiên, sau khi đắn đo và cầu nguyện, tôi nhận thức rằng phụng sự tại nơi gần gia đình là tốt hơn cho tôi. Các anh có trách nhiệm cũng rộng lượng đồng ý và bổ nhiệm tôi tới Ý, và người nhà tôi đài thọ chi phí thuyên chuyển. Kết cuộc thì ở Ý có nhu cầu cao về người rao giảng.

Một lần nữa, tôi phải học ngôn ngữ mới—tiếng Ý. Nhiệm sở đầu tiên là thành phố Foggia. Sau đó, tôi được thuyên chuyển đến Naples, nơi có nhu cầu lớn hơn. Khu vực rao giảng của tôi là Posilipo, một trong những vùng đẹp nhất ở Naples. Khu vực rao giảng thật rộng lớn mà chỉ có một người công bố Nước Trời. Tôi rất thích công việc rao giảng, và Đức Giê-hô-va đã giúp tôi khởi đầu nhiều học hỏi Kinh Thánh. Với thời gian, một hội thánh lớn được phát triển ở vùng đó.

Trong số những người địa phương đầu tiên học Kinh Thánh với tôi có một bà mẹ và bốn con. Chị này và hai người con gái hiện vẫn trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi cũng học với một cặp vợ chồng có đứa con gái nhỏ. Cả gia đình tiến bộ trong lẽ thật, dâng mình và làm báp têm. Nay người con gái kết hôn với một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, và tất cả đều sốt sáng phụng sự Ngài. Trong khi học Kinh Thánh với một gia đình đông người, tôi được cảm kích về quyền lực của Lời Đức Chúa Trời. Khi chúng tôi đọc một vài câu Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời không chấp nhận việc thờ hình tượng, người mẹ liền hành động ngay, không chờ đến khi buổi học chấm dứt. Bà vứt các hình tượng trong nhà đi hết!

Nguy hiểm trên biển

Khi đi lại giữa Ý và Hy Lạp, tôi luôn dùng phương tiện tàu thủy. Chuyến hành trình thường rất thích thú. Nhưng một chuyến vào mùa hè năm 1971 thì khác. Tôi trở lại Ý bằng phà Heleanna. Vào sáng sớm ngày 28 tháng 8, lửa bộc phát từ nhà bếp trên phà. Ngọn lửa lan ra làm cho hành khách hoảng loạn. Phụ nữ thì tái mặt, trẻ em thì la khóc, còn đàn ông thì trách móc và la lối dọa dẫm. Người ta nhốn nháo tìm kiếm xuồng cứu đắm hai bên boong tàu. Tuy nhiên, có quá ít áo phao và máy hạ xuồng cứu đắm xuống biển bị trục trặc. Tôi không có áo phao, nhưng vì ngọn lửa mỗi lúc mỗi lớn hơn nên điều khôn ngoan duy nhất phải làm là nhảy xuống biển.

Ngay sau khi nhảy xuống nước, tôi thấy một người đàn bà mặc áo phao nổi ở gần tôi. Hình như bà ta không biết bơi, nên tôi với tay nắm lấy bà và kéo ra xa khỏi chiếc phà đang chìm. Biển động hơn và việc vùng vẫy để nổi trên mặt nước làm tôi rất mệt. Tình trạng dường như tuyệt vọng, nhưng tôi tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va sự can đảm, và điều này đem lại cho tôi sức mạnh. Tôi không khỏi nhớ đến kinh nghiệm đắm tàu của sứ đồ Phao-lô.—Công-vụ, chương 27.

Nắm chặt lấy người đồng nạn, tôi phấn đấu với sóng vỗ trong bốn giờ, bơi khi có sức và kêu cầu Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Cuối cùng, tôi thấy lờ mờ một chiếc thuyền nhỏ đang tiến lại. Tôi được cứu nhưng người đồng nạn với tôi đã chết. Khi vào tới thị trấn Bari, Ý, người ta chở tôi vào bệnh viện để chăm sóc về y tế. Tôi phải nằm ở bệnh viện vài ngày, và nhiều Nhân Chứng đã đến thăm và ân cần cung cấp những thứ tôi cần. Tình yêu thương giữa tín đồ Đấng Christ mà các anh chị bày tỏ đã gây một ấn tượng sâu sắc cho những người ở trong bệnh viện. *

Sau khi hoàn toàn bình phục, tôi được bổ nhiệm đến Rome. Tôi được chỉ định rao giảng trong khu vực thương mại ở trung tâm thành phố. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, tôi làm được năm năm. Trong thời gian tổng cộng 20 năm, tôi vui với thánh chức rao giảng ở Ý và tôi yêu mến người Ý.

Trở lại nơi bắt đầu

Cuối cùng, sức khỏe của chị Ariadne và chồng suy xụp. Tôi ý thức là nếu sống gần hơn với họ, tôi sẽ có thể trả ơn phần nào những gì họ đã yêu thương làm cho tôi. Tôi phải thú nhận rằng tôi thật đau lòng khi rời nước Ý. Tuy nhiên, được các anh có trách nhiệm chấp thuận, kể từ mùa hè năm 1985, tôi làm tiên phong ở Athens, nơi tôi bắt đầu thánh chức trọn thời gian mãi hồi năm 1947.

Tôi rao giảng ở khu vực được chỉ định cho hội thánh của tôi, và tôi xin văn phòng chi nhánh cho phép giảng ở khu vực thương mại trong trung tâm thành phố. Tôi rao giảng như thế trong ba năm với một chị tiên phong khác. Chúng tôi đã có cơ hội làm chứng kỹ lưỡng cho những người mà ít khi gặp được ở nhà.

Với thời gian trôi qua, dù ước muốn phụng sự mạnh hơn, nhưng sức khỏe về thể chất lại không mạnh hơn. Bây giờ anh rể tôi đã mất. Chị Ariadne, người tôi coi như mẹ, đã mù lòa. Còn tôi, vốn mạnh khỏe trong những năm phụng sự trọn thời gian nhưng mới đây, bị ngã từ cầu thang bằng đá cẩm thạch, bị gẫy tay phải. Rồi lại bị ngã và gãy xương chậu. Tôi phải mổ và nằm trên giường bệnh một thời gian dài. Nay tôi không còn đi lại dễ dàng nữa. Tôi phải chống gậy, và chỉ có thể đi ra ngoài nếu có người đi theo. Tuy nhiên, tôi cố gắng hết sức, mong rằng sức khỏe sẽ khá hơn. Tham gia vào công việc giáo dục về Kinh Thánh, dù giới hạn, tiếp tục là nguồn hạnh phúc và thỏa lòng chính của tôi.

Khi hồi tưởng những năm hạnh phúc trong thánh chức trọn thời gian, lòng tôi tràn trề biết ơn Đức Giê-hô-va. Ngài và tổ chức trên đất của Ngài đã không ngừng cung cấp sự hướng dẫn khôn ngoan và sự trợ giúp quý báu, nhờ đó, tôi có thể dùng trọn vẹn khả năng của đời mình để phụng sự Ngài. Niềm ao ước tận đáy lòng tôi là Đức Giê-hô-va ban cho tôi sức mạnh để tiếp tục phụng sự Ngài. Tôi hạnh phúc vì đã đóng góp phần rất nhỏ vào công việc giáo dục Kinh Thánh toàn cầu do Ngài hướng dẫn.—Ma-la-chi 3:10.

[Chú thích]

^ đ. 10 Xem 1995 Yearbook of Jehovah’s Witnesses (Niên giám 1995 của Nhân Chứng Giê-hô-va) trang 73-89, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 34 Để biết thêm, xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ngày 8-2-1972, trang 12-16.

[Hình nơi trang 9]

Với chị Ariadne và chồng chị, anh Michalis, khi tôi rời nhà để đi Trường Ga-la-át

[Hình nơi trang 10]

Ruth Hemmig và tôi được bổ nhiệm đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

[Hình nơi trang 11]

Ở Ý, vào đầu thập niên 1970

[Hình nơi trang 12]

Hiện nay, với chị Ariadne