Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin mừng cho mọi dân

Tin mừng cho mọi dân

Tin mừng cho mọi dân

‘Các ngươi sẽ làm chứng về ta cho đến cùng trái đất’.—CÔNG-VỤ 1:8.

1. Là người dạy Kinh Thánh, chúng ta chú ý đến điều gì, và tại sao?

NHỮNG người dạy giỏi không chỉ chú ý đến những gì họ dạy mà cả cách dạy. Là người dạy lẽ thật Kinh Thánh, chúng ta cũng chú ý đến cả thông điệp lẫn phương pháp rao giảng. Thông điệp của chúng ta, tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, không có gì thay đổi nhưng phương pháp thì có sự linh động. Tại sao? Để tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt.

2. Khi linh động trong phương pháp rao giảng, chúng ta noi theo gương của ai?

2 Khi có sự linh động trong phương pháp rao giảng, chúng ta noi theo các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Ông nói: “Với người Giu-đa, tôi ở như một người Giu-đa;... với những người không luật-pháp,... tôi cũng ở như người không luật-pháp... Tôi ở yếu-đuối với những người yếu-đuối, hầu được những người yếu-đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu-chuộc được một vài người không cứ cách nào”. (1 Cô-rinh-tô 9:19-23) Phương pháp linh động của Phao-lô đã mang lại kết quả. Chúng ta cũng sẽ gặt hái kết quả nếu lưu tâm điều chỉnh cách trình bày cho phù hợp với những người mình nói chuyện.

Đến “đầu-cùng đất”

3. (a) Chúng ta gặp phải thách đố nào trong công việc rao giảng? (b) Ngày nay những lời nơi Ê-sai 45:22 đang được ứng nghiệm ra sao?

3 Một thách đố lớn cho những người rao truyền tin mừng là phạm vi rộng lớn của khu vực hoạt động—“khắp đất”. (Ma-thi-ơ 24:14) Trong suốt thế kỷ qua, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã làm việc cật lực để mang tin mừng đến những nước chưa được nghe. Kết quả là gì? Công việc rao giảng phát triển cách đáng kinh ngạc trên khắp thế giới. Theo báo cáo vào đầu thế kỷ 20, công việc này chỉ mới được thực hiện ở vài nước nhưng đến nay Nhân Chứng Giê-hô-va hoạt động tại 235 xứ! Thật vậy, tin mừng về Nước Trời đang được công bố đến “đầu-cùng đất”.—Ê-sai 45:22.

4, 5. (a) Những ai đã góp phần quan trọng trong việc rao truyền tin mừng? (b) Một số văn phòng chi nhánh đã nói gì về các anh chị từ nước ngoài đến phục vụ trong khu vực chi nhánh của họ?

4 Điều gì góp phần mang lại sự phát triển này? Có nhiều nhân tố. Những giáo sĩ được đào tạo tại Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh và gần đây hơn, trên 20.000 anh tốt nghiệp Trường Huấn Luyện Thánh Chức đã góp phần lớn vào đó. Ngoài ra, nhiều Nhân Chứng đã tự túc dọn đến những xứ cần nhiều người công bố hơn. Những tín đồ Đấng Christ có tinh thần hy sinh như thế—nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, độc thân cũng như người đã lập gia đình—có vai trò quan trọng trong việc rao truyền thông điệp Nước Trời ra khắp đất. (Thi-thiên 110:3; Rô-ma 10:18) Họ rất được quý trọng. Hãy xem một số văn phòng chi nhánh đã viết thế nào về những anh chị từ nước ngoài đến phục vụ trong khu vực của chi nhánh, ở những vùng có nhu cầu lớn.

5 “Các anh chị yêu quý này dẫn đầu công việc rao giảng tại những vùng hẻo lánh, giúp thành lập những hội thánh mới và góp phần vào sự tiến bộ về thiêng liêng của các anh chị địa phương”. (Ecuador) “Nếu hàng trăm anh chị người nước ngoài rời khỏi đây, sự ổn định của các hội thánh sẽ bị ảnh hưởng. Thật là một ân phước khi có họ”. (Cộng Hòa Dominican) “Trong nhiều hội thánh của chúng tôi, đa số là các chị, có khi tỉ lệ lên tới 70 phần trăm. (Thi-thiên 68:11) Phần đông đều mới vào lẽ thật nhưng họ có được sự hướng dẫn và giúp đỡ quý báu của các chị tiên phong độc thân từ xứ khác đến. Các chị ấy thật là một món quà quý cho chúng tôi!” (Một nước ở Đông Âu) Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc phục vụ ở một nước khác chưa? *Công-vụ 16:9, 10.

“Mười người từ mọi thứ tiếng”

6. Theo Xa-cha-ri 8:23, công việc rao giảng sẽ gặp phải thách đố nào về mặt ngôn ngữ?

6 Một thách đố lớn khác là sự đa dạng ngôn ngữ trên toàn cầu. Lời Đức Chúa Trời báo trước: “Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi”. (Xa-cha-ri 8:23) Trong sự ứng nghiệm vào thời hiện đại của lời tiên tri này, “mười người” tượng trưng cho đám đông vô số người được nói đến nơi Khải-huyền 7:9. Tuy nhiên, xin lưu ý là theo lời tiên tri của Xa-cha-ri, “mười người” này không chỉ đơn thuần ra từ các nước mà là “từ mọi thứ tiếng trong các nước”. Chúng ta đã nhìn thấy sự ứng nghiệm của chi tiết quan trọng này trong lời tiên tri chưa? Câu trả lời là rồi.

7. Những con số thống kê nào cho thấy tin mừng đang được truyền ra cho người “từ mọi thứ tiếng”?

7 Hãy xem một số thống kê. Năm mươi năm trước, ấn phẩm của chúng ta được xuất bản trong 90 ngôn ngữ, nhưng nay con số đó đã lên tới hơn 400. Lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã vận dụng mọi nỗ lực để cung cấp sách báo trong cả những ngôn ngữ có khá ít người sử dụng. (Ma-thi-ơ 24:45) Chẳng hạn, hiện đã có ấn phẩm bằng tiếng của các dân tộc sống trên các đảo Greenland (47.000 người sử dụng), Palau (15.000 người) và Yap (chưa tới 7.000 người).

“Một cái cửa lớn” mở ra nhiều cơ hội mới

8, 9. Sự biến chuyển nào mở ra “một cái cửa lớn” cho chúng ta, và hàng ngàn Nhân Chứng đã ứng phó ra sao?

8 Tuy nhiên, ngày nay có lẽ chúng ta không cần phải ra nước ngoài để rao giảng tin mừng cho người thuộc mọi thứ tiếng. Trong những năm gần đây, hàng triệu người nhập cư và tị nạn đổ đến các nước có nền kinh tế phát triển và hình thành ở các nước đó nhiều cộng đồng nói tiếng nước ngoài. Chẳng hạn, ở Paris, Pháp, có khoảng 100 ngôn ngữ được sử dụng. Tại Toronto, Canada, con số này là 125, và tại Luân Đôn, Anh Quốc, có tới hơn 300 ngôn ngữ nước ngoài! Sự có mặt của những người đến từ các nước khác trong khu vực rao giảng của nhiều hội thánh là “một cái cửa lớn” mở ra cơ hội mới để chúng ta chia sẻ tin mừng với mọi dân.—1 Cô-rinh-tô 16:9.

9 Hàng ngàn Nhân Chứng đang ứng phó với thách đố này bằng cách học ngoại ngữ. Đây là một công việc khó khăn đối với phần đông trong số họ, nhưng bù lại họ tìm được niềm vui lớn khi giúp những người nhập cư và tị nạn học biết lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Trong một năm gần đây, gần 40 phần trăm người làm báp têm tại đại hội địa hạt ở một nước Tây Âu là những người gốc nước ngoài.

10. Các anh chị đã dùng sách Tin mừng cho mọi dân như thế nào? (Xem khung “Những đặc điểm của sách nhỏ Tin mừng cho mọi dân”, trang 26).

10 Đúng là phần đông trong chúng ta không có điều kiện để học ngoại ngữ. Dầu vậy, chúng ta có thể góp phần giúp những người nhập cư bằng cách sử dụng sách nhỏ mới phát hành Good News for People of All Nations (Tin mừng cho mọi dân). * Sách này chứa đựng thông điệp rất hấp dẫn của Kinh Thánh trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. (Giăng 4:37) Các anh chị đã sử dụng sách này trong thánh chức chưa?

Khi người ta không hưởng ứng

11. Một số khu vực rao giảng phải đối phó với thách đố nào khác?

11 Khi ảnh hưởng của Sa-tan trên đất càng gia tăng, chúng ta càng phải đối phó nhiều hơn với một thách đố khác nữa, đó là ít người hưởng ứng trong một số khu vực rao giảng. Dĩ nhiên, điều này không làm chúng ta ngạc nhiên vì Chúa Giê-su đã báo trước tình trạng này. Ngài nói về thời kỳ chúng ta: “Lòng yêu-mến của phần nhiều người sẽ nguội lần”. (Ma-thi-ơ 24:12) Thật vậy, nhiều người đã mất đi niềm tin nơi Đức Chúa Trời và lòng tôn trọng Kinh Thánh. (2 Phi-e-rơ 3:3, 4) Bởi thế, tại một số nơi trên thế giới, khá ít người trở thành môn đồ của Đấng Christ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là công khó của các anh chị yêu dấu đã trung thành rao giảng ở những khu vực như thế là vô ích. (Hê-bơ-rơ 6:10) Tại sao? Hãy xem xét điều sau đây.

12. Hai mục tiêu của công việc rao giảng là gì?

12 Phúc Âm theo Ma-thi-ơ nêu bật hai mục tiêu chính của hoạt động rao giảng. Một là “đi dạy-dỗ muôn-dân,... làm phép báp-têm cho họ”, tức là đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 28:19) Hai là thông điệp Nước Trời được rao ra để “làm chứng”. (Ma-thi-ơ 24:14) Cả hai đều quan trọng nhưng mục tiêu thứ hai có ý nghĩa rất đặc biệt. Tại sao?

13, 14. (a) Một nét nổi bật của điềm về sự hiện diện của Đấng Christ là gì? (b) Chúng ta nên ghi nhớ điều gì, đặc biệt là khi rao giảng ở những khu vực có ít người hưởng ứng?

13 Người viết Kinh Thánh, Ma-thi-ơ, ghi lại rằng các sứ đồ đã hỏi Chúa Giê-su: “Điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”? (Ma-thi-ơ 24:3) Khi trả lời, Chúa Giê-su nói một nét nổi bật của điềm là công việc rao giảng trên toàn cầu. Phải chăng ngài muốn nói đến việc đào tạo môn đồ? Không. Ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”. (Ma-thi-ơ 24:14) Qua câu này Chúa Giê-su cho thấy chỉ riêng công việc rao giảng về Nước Trời là một nét quan trọng của điềm.

14 Vì thế khi rao giảng tin mừng về Nước Trời, chúng ta nên nhớ rằng dù không luôn luôn thành công trong việc đào tạo môn đồ, chúng ta vẫn thành công trong việc “làm chứng”. Dù người ta phản ứng thế nào đi nữa, họ đều biết công việc chúng ta đang làm, và như thế chúng ta đang góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su. (Ê-sai 52:7; Khải-huyền 14:6, 7) Anh Jordy, một Nhân Chứng trẻ ở Tây Âu nói: “Khi hiểu rằng mình đang được Đức Giê-hô-va dùng để góp phần làm ứng nghiệm Ma-thi-ơ 24:14, tôi rất vui mừng”. (2 Cô-rinh-tô 2:15-17) Chắc chắn các anh chị cũng cảm thấy như thế.

Khi thông điệp gặp sự chống đối

15. (a) Chúa Giê-su đã cảnh báo môn đồ về điều gì? (b) Điều gì giúp chúng ta rao giảng dù bị chống đối?

15 Sự chống đối cũng là một thách đố cho việc rao truyền tin mừng về Nước Trời. Chúa Giê-su cảnh báo môn đồ: “Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta”. (Ma-thi-ơ 24:9) Như các tín đồ thời ban đầu, các môn đồ Chúa Giê-su thời nay cũng bị ghen ghét, chống đối và bắt bớ. (Công-vụ 5:17, 18, 40; 2 Ti-mô-thê 3:12; Khải-huyền 12:12, 17) Ở một số nước, họ hiện đang bị nhà cầm quyền cấm đoán. Tuy nhiên vì vâng lời Đức Chúa Trời, các tín đồ thật ở các nước ấy vẫn tiếp tục rao truyền tin mừng về Nước Trời. (A-mốt 3:8; Công-vụ 5:29; 1 Phi-e-rơ 2:21) Điều gì đã giúp họ, cũng như toàn thể Nhân Chứng trên toàn cầu làm được như vậy? Đức Giê-hô-va thêm sức cho họ qua thánh linh Ngài.—Xa-cha-ri 4:6; Ê-phê-sô 3:16; 2 Ti-mô-thê 4:17.

16. Chúa Giê-su cho thấy mối liên hệ giữa thánh linh Đức Chúa Trời và công việc rao giảng như thế nào?

16 Chúa Giê-su nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa thánh linh Đức Chúa Trời và công việc rao giảng khi nói với môn đồ: “Khi Đức Thánh-Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép, làm chứng về ta... cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8; Khải-huyền 22:17) Trình tự của các diễn biến trong câu Kinh Thánh này rất đáng lưu ý. Trước hết, các môn đồ nhận được thánh linh, rồi sau đó họ mới thực thi công việc làm chứng trên toàn cầu. Chỉ với sự hỗ trợ của thánh linh Đức Chúa Trời, họ mới đủ sức bền chí “làm chứng cho muôn dân”. (Ma-thi-ơ 24:13, 14; Ê-sai 61:1, 2) Vì thế, thật thích hợp khi Chúa Giê-su gọi thánh linh là “Đấng Yên-ủi”. (Giăng 15:26) Ngài nói thánh linh sẽ dạy dỗ và hướng dẫn các môn đồ.—Giăng 14:16, 26; 16:13.

17. Chúng ta được thánh linh giúp đỡ thế nào khi phải đương đầu với sự chống đối gay gắt?

17 Ngày nay thánh linh giúp chúng ta như thế nào khi công việc rao giảng tin mừng bị chống đối gay gắt? Bằng cách thêm sức cho chúng ta và chống lại những ai bắt bớ chúng ta. Để thí dụ, hãy xem một sự kiện trong cuộc đời Vua Sau-lơ.

Đối đầu với thánh linh Đức Chúa Trời

18. (a) Từ một người tốt, Sau-lơ ngày càng trở nên tồi tệ ra sao? (b) Sau-lơ dùng những cách nào để hãm hại Đa-vít?

18 Sau-lơ đã có một khởi đầu tốt đẹp khi trở thành vị vua đầu tiên của nước Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, về sau ông không còn vâng lời Đức Giê-hô-va nữa. (1 Sa-mu-ên 10:1, 24; 11:14, 15; 15:17-23) Và hậu quả là ông mất sự trợ giúp của thánh linh Đức Chúa Trời. Ông trở nên vô cùng tức giận với Đa-vít, người được xức dầu để kế vị ông và được thánh linh Đức Chúa Trời trợ giúp. (1 Sa-mu-ên 16:1, 13, 14) Đa-vít có vẻ là một con mồi dễ tấn công. Suy cho cùng, trong tay chàng trai này chỉ có cây đàn cầm, còn trong tay Sau-lơ là một cây giáo. Vì thế, một ngày nọ khi Đa-vít đang chơi đàn, Sau-lơ “bèn phóng Đa-vít, mà rằng: Ta sẽ đóng đinh nó nơi vách. Nhưng Đa-vít tránh hai lần khỏi mũi giáo”. (1 Sa-mu-ên 18:10, 11) Sau đó, Sau-lơ nghe theo lời con trai là Giô-na-than, bạn của Đa-vít, và thề: “Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, Đa-vít sẽ chẳng chết!” Nhưng rồi ông lại “muốn lấy giáo đâm Đa-vít dính vào vách”. May thay, Đa-vít “tránh khỏi, giáo của Sau-lơ găm trong vách”. Đa-vít bỏ trốn nhưng Sau-lơ đuổi theo. Vào lúc nguy nan đó, thánh linh của Đức Chúa Trời đã chống lại Sau-lơ. Như thế nào?—1 Sa-mu-ên 19:6, 10.

19. Thánh linh của Đức Chúa Trời đã bảo vệ Đa-vít ra sao?

19 Đa-vít trốn đến chỗ nhà tiên tri Sa-mu-ên nhưng Sau-lơ sai người đi bắt ông. Tuy nhiên, khi những người lính tới nơi Đa-vít trốn, “Thần của Đức Chúa Trời cảm-động họ, họ cũng khởi nói tiên-tri”. Thánh linh hoạt động mạnh mẽ đến độ khiến họ hoàn toàn quên đi sứ mạng của mình. Sau-lơ sai lính đi bắt Đa-vít thêm hai lần nữa và cả hai lần, sự việc đều xảy ra như trước. Cuối cùng, đích thân Vua Sau-lơ đi nhưng ông cũng không thể cưỡng lại thánh linh Đức Chúa Trời. Thật thế, thánh linh khiến ông bất động “trọn ngày và đêm đó”, nhờ vậy Đa-vít có thời gian trốn thoát.—1 Sa-mu-ên 19:20-24.

20. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ lời tường thuật về việc Sau-lơ hãm hại Đa-vít?

20 Lời tường thuật này về Sau-lơ và Đa-vít chứa đựng một bài học thật khích lệ: Những kẻ bắt bớ tôi tớ của Đức Chúa Trời không thể thành công khi bị thánh linh Ngài chống lại. (Thi-thiên 46:11; 125:2) Một khi Đức Giê-hô-va đã có ý định chọn Đa-vít làm vua Y-sơ-ra-ên thì không ai có thể thay đổi. Vào thời chúng ta, Đức Giê-hô-va đã định là ‘tin mừng về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra’. Không một ai có thể cản trở điều đó.—Công-vụ 5:40, 42.

21. (a) Một số người chống đối thời nay hành động ra sao? (b) Chúng ta tin tưởng điều gì?

21 Một số nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị dùng lời dối trá, thậm chí bạo lực nhằm cố cản trở chúng ta. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ dân Ngài ngày nay như đã bảo vệ Đa-vít về mặt thiêng liêng. (Ma-la-chi 3:6) Vì thế, chúng ta có thể tin tưởng nói như Đa-vít: “Tôi đã để lòng tin-cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi; người đời sẽ làm chi tôi?” (Thi-thiên 56:11; 121:1-8; Rô-ma 8:31) Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, mong sao chúng ta tiếp tục đương đầu với mọi thách đố trong khi thi hành phận sự mà Đức Chúa Trời giao phó: rao truyền tin mừng về Nước Trời cho mọi dân.

[Chú thích]

^ đ. 5 Xem khung “Một sự thỏa nguyện sâu xa”, trang 22.

^ đ. 10 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao chúng ta linh động trong phương pháp rao giảng?

• “Một cái cửa lớn” đã mở ra những cơ hội mới nào?

• Ngay cả tại những khu vực có ít người hưởng ứng, công việc rao giảng đạt được mục tiêu nào?

• Tại sao những người chống đối không thể ngăn chặn việc rao truyền tin mừng về Nước Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 22]

Một sự thỏa nguyện sâu xa

“Họ thật hạnh phúc và vui vẻ cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va”. Đó là lời mô tả về một gia đình từ Tây Ban Nha đến phục vụ ở Bolivia. Một người con trai của gia đình này đã đến đây trước để hỗ trợ cho một nhóm lẻ loi. Niềm vui tràn trề của anh đã làm cha mẹ hào hứng đến độ chẳng bao lâu sau cả gia đình, với bốn cậu con trai tuổi từ 14 đến 25, đều đến đó phụng sự. Hiện nay ba cậu đang làm tiên phong, còn người mở đường cho gia đình đến đó thì vừa mới tham dự Trường Huấn Luyện Thánh Chức.

Chị Angelica, 30 tuổi, người Canada đang phục vụ tại Đông Âu, nói: “Có rất nhiều khó khăn, nhưng trong thánh chức tôi tìm được niềm vui khi giúp người ta. Tôi cũng cảm động vì các anh chị địa phương thường biểu lộ lòng biết ơn qua nhiều cách về việc tôi đến giúp họ”.

Hai chị em ruột người Mỹ gần 30 tuổi, đang phục vụ tại Cộng Hòa Dominican, tâm sự: “Có quá nhiều tập tục mới lạ mà chúng tôi phải làm quen. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng kiên trì trong nhiệm vụ và nay bảy học viên Kinh Thánh của chúng tôi đã tham dự nhóm họp”. Hai chị đóng vai trò quan trọng trong việc lập một nhóm người công bố tại một thị trấn chưa có hội thánh.

Laura là một chị gần 30 tuổi đã phục vụ hơn bốn năm nay ở hải ngoại. Chị nói: “Tôi cố gắng giữ đời sống đơn giản. Điều này giúp những người công bố nhận thấy lối sống khiêm tốn là một sự lựa chọn và là điều khôn ngoan, chứ không phải do hoàn cảnh bắt buộc. Có thể giúp đỡ người khác, đặc biệt là các em trẻ, là một nguồn vui cho tôi. Niềm vui đó bù đắp lại những khó khăn thật sự trong việc phục vụ ở cánh đồng nước ngoài. Tôi sẽ không đánh đổi đặc ân này với bất kỳ cuộc sống nào khác, và sẽ tiếp tục ở lại đây cho đến chừng nào Đức Giê-hô-va còn cho phép”.

[Khung/​Hình nơi trang 26]

Những đặc điểm của sách nhỏ Tin mừng cho mọi dân

Nội dung sách nhỏ Tin mừng cho mọi dân là một trang thông điệp được trình bày trong 92 ngôn ngữ. Thông điệp trong sách được viết theo lối nói chuyện trực tiếp. Thế nên khi đọc, chủ nhà sẽ cảm thấy như anh chị đang nói với họ vậy.

Mặt trong của hai trang bìa có hình bản đồ thế giới. Hãy dùng bản đồ này để tạo mối giao tiếp với chủ nhà. Anh chị có thể chỉ trên bản đồ quốc gia mình đang sống và ngỏ ý muốn biết người đó ở nước nào đến. Bằng cách ấy, anh chị có thể khuyến khích người đó nói về mình, tạo bầu không khí thân thiện và thoải mái.

Lời mở đầu của sách liệt kê một số bước chúng ta có thể áp dụng nhằm đạt hiệu quả trong việc giúp những người nói thứ tiếng mà chúng ta không hiểu. Xin hãy đọc kỹ và cố gắng áp dụng các bước này.

Bảng mục lục không những liệt kê các ngôn ngữ mà còn có các ký hiệu ngôn ngữ tương ứng. Đặc điểm này giúp anh chị nhận ra những ký hiệu ngôn ngữ được in trên các tờ giấy mỏng và ấn phẩm trong các thứ tiếng.

[Hình]

Bạn đã sử dụng sách nhỏ này trong thánh chức chưa?

[Các hình nơi trang 23]

Các ấn phẩm dạy Kinh Thánh hiện có trong hơn 400 ngôn ngữ

GHANA

LAPLAND (THỤY ĐIỂN)

PHI-LÍP-PIN

[Các hình nơi trang 24, 25]

Bạn có thể đến phục vụ tại những nơi cần nhiều người công bố Nước Trời hơn không?

ECUADOR

CỘNG HÒA DOMINICAN