Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ánh sáng soi rọi” Kinh Thánh từ thư viện cổ kính nhất của Nga

“Ánh sáng soi rọi” Kinh Thánh từ thư viện cổ kính nhất của Nga

“Ánh sáng soi rọi” Kinh Thánh từ thư viện cổ kính nhất của Nga

HAI học giả đều săn tìm những bản Kinh Thánh chép tay cổ. Mỗi người tự lặn lội tới các vùng sa mạc, lùng sục khắp các hang động, tu viện và những ngôi nhà đục trong vách đá từng có người ở. Nhiều năm sau, con đường sưu tập của hai người gặp nhau tại thư viện quốc gia cổ kính nhất của Nga, nơi tìm thấy những bản chép tay Kinh Thánh quý nhất từ trước tới nay. Hai người này là ai? Tại sao những khám phá quý báu của họ lại tập trung về Nga?

Bản chép tay cổ—Chiến sĩ của Lời Đức Chúa Trời

Muốn gặp một trong hai học giả này, phải trở lại đầu thế kỷ 19, lúc Châu Âu bị ngọn gió cách mạng tri thức thổi qua. Đây là thời kỳ khoa học tiến bộ và thành tựu văn hóa, khi người ta cổ vũ quan điểm hoài nghi những niềm tin truyền thống. Một ngành trong môn phê bình Kinh Thánh tìm cách xoáy mòn thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. Thật thế, nhiều học giả lên tiếng nghi ngờ ngay cả tính xác thực của văn bản Kinh Thánh.

Một số người thành thật ủng hộ Kinh Thánh nhận ra rằng những chiến sĩ mới—như các bản chép tay cổ chưa được khám phá—sẽ chứng minh rõ ràng là Lời Đức Chúa Trời vẫn trung thực. Nếu có thể phát hiện những bản chép tay cổ hơn các bản đương thời, tức là đã có được những nhân chứng thầm lặng xác định văn bản Kinh Thánh vẫn được bảo toàn trung thực, dù nhiều lần bị người ta tìm cách tiêu hủy hoặc bóp méo. Ngoài ra, đôi chỗ dịch sai, nếu có bản chép tay thì sẽ được phát hiện.

Một số cuộc tranh luận gay gắt nhất về tính xác thực của Kinh Thánh đã diễn ra ác liệt ở Đức. Nơi đó, một giảng sư trẻ đã rời bỏ cuộc sống an nhàn để bắt đầu cuộc hành trình sẽ dẫn đến một trong những khám phá quý báu nhất về Kinh Thánh từ trước tới nay. Tên ông là Konstantin von Tischendorf. Ông là học giả chống lại ngành phê bình Kinh Thánh và gặt khá nhiều kết quả trong việc ủng hộ tính xác thực của Lời Đức Chúa Trời. Cuộc hành trình đầu tiên của ông đến vùng sa mạc Sinai vào năm 1844 đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Tình cờ nhìn vào giỏ giấy hỗn tạp tại một tu viện, ông phát hiện bản Septuagint cổ, tức phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được dịch sang tiếng Hy Lạp. Đó là bản chép tay tối cổ từng được khám phá!

Hoan hỉ, Tischendorf thương lượng mang đi được 43 tờ. Dù tin chắc là còn nhiều nữa, nhưng khi trở lại vào năm 1853, ông chỉ mang đi được thêm vài tờ. Phần còn lại ở đâu? Tài chính khánh kiệt, Tischendorf phải tìm người đỡ đầu. Ông quyết định rời quê hương lần nữa để săn lùng những bản chép tay cổ. Trước khi lên đường, ông xin sự giúp đỡ của Nga Hoàng.

Được sự chú ý của Nga Hoàng

Là học giả đạo Tin Lành tìm đến Nga, một quốc gia rộng lớn theo Giáo Hội Chính Thống Giáo, hẳn Tischendorf đã tự hỏi mình sẽ được tiếp đón như thế nào. May thay, Nga đã bước vào thời kỳ đổi mới và cải cách. Giáo dục được chú trọng dẫn đến việc Nữ Hoàng Catherine II (cũng mang tên là Catherine Đại Đế) thành lập Thư Viện Hoàng Gia St. Petersburg vào năm 1795. Là thư viện đầu tiên mở cho công chúng, đó là kho tàng tri thức để hàng triệu người tìm đến đọc.

Được xem là một trong những thư viện phong phú nhất Châu Âu, nhưng Thư Viện Hoàng Gia vẫn có mặt hạn chế. Năm mươi năm sau khi được thành lập, thư viện vẫn chỉ có sáu bản chép tay bằng tiếng Hê-bơ-rơ, như vậy không đáp ứng kịp nhu cầu ngày một lớn về việc nghiên cứu các ngôn ngữ và bản dịch Kinh Thánh. Nữ Hoàng Catherine II gửi học giả đến các trường đại học ở Châu Âu để học tiếng Hê-bơ-rơ. Sau khi họ trở về, nhiều lớp dạy tiếng Hê-bơ-rơ được mở tại các chủng viện lớn của Giáo Hội Chính Thống Giáo, và lần đầu tiên, các học giả người Nga có thể bắt tay thực hiện một bản dịch Kinh Thánh chính xác từ tiếng Hê-bơ-rơ cổ sang tiếng Nga. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối phó với tình trạng tài chính eo hẹp và cả sự chống đối từ phía giới lãnh đạo giáo hội phe bảo thủ. Ánh sáng thật vẫn chưa đến với những người muốn tìm hiểu Kinh Thánh.

Nga Hoàng Alexander II mau chóng ý thức giá trị công việc của Tischendorf và nhận lời đỡ đầu. Bất chấp sự chống đối của những người cuồng tín và ghen ghét, Tischendorf từ Sinai trở về với phần còn thiếu của bản Septuagint. * Sau này được đặt tên là Codex Sinaiticus, tài liệu đó vẫn là một trong những bản Kinh Thánh chép tay cổ nhất từ trước đến nay. Trở lại St. Petersburg, ông Tischendorf mau chóng đến gặp Nga Hoàng tại Cung Điện Mùa Đông. Ông đề nghị Nga Hoàng tài trợ “một trong những dự án lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và bình luận Kinh Thánh”, đó là ấn hành bản chép tay mới được khám phá, và sau này sẽ được lưu giữ tại Thư Viện Hoàng Gia. Nga Hoàng liền chấp thuận và sau đó, Tischendorf phấn chấn viết: “Bản Kinh Thánh vùng Sinai đến tay chúng ta thời nay,... là do ý Chúa để làm ánh sáng soi rọi toàn diện văn bản trung thực của Lời Chúa, và qua việc xác định nội dung nguyên thủy, giúp chúng ta bênh vực cho lẽ thật”.

Kho báu từ vùng Crimea

Một học giả khác được đề cập ở đầu bài, cũng đi săn lùng những kho báu về Kinh Thánh. Ông là ai? Vài năm trước khi Tischendorf trở lại Nga, Thư Viện Hoàng Gia nhận một lời đề nghị khó tin đến nỗi chính Nga Hoàng cũng phải chú ý và ngay cả những học giả từ khắp Châu Âu đều đổ về Nga. Họ không thể tin nổi vào mắt mình. Trước mặt họ là bộ sưu tập đồ sộ những bản chép tay và những tư liệu khác. Tổng cộng lên đến con số khổng lồ là 2.412 tài liệu, gồm 975 cuộn và bản chép tay. Trong đó có 45 bản chép tay Kinh Thánh có từ trước thế kỷ thứ mười. Dù có vẻ khó tin, hầu như tất cả các tài liệu đó đều do một người đích thân sưu tập. Tên người ấy là Abraham Firkovich, học giả người Karaite lúc bấy giờ hơn 70 tuổi! Vậy, người Karaite là ai? *

Đây là câu hỏi quan trọng đối với Nga Hoàng. Nga đã mở rộng biên giới và sát nhập những lãnh thổ trước đây thuộc các nước khác, vì vậy những sắc tộc mới đã được thu nhóm vào đế chế này. Vùng Crimea thuộc ven Biển Đen mang nét đẹp độc đáo là nơi cư trú của một dân tộc dường như gốc Do Thái, nhưng chịu ảnh hưởng của tập tục Thổ Nhĩ Kỳ và ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hung Nô. Người Karaite lần ra nguồn gốc của mình là người Do Thái bị đày sang Ba-by-lôn sau khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN. Tuy nhiên, khác với các thầy đạo Do Thái, họ không tin sách Talmud nhưng lại nhấn mạnh việc đọc Kinh Thánh. Người Karaite thuộc vùng Crimea rất mong muốn tấu trình lên Nga Hoàng những bằng chứng của sự khác biệt giữa họ và các thầy đạo Do Thái, hầu được nhìn nhận riêng. Khi trình lên những bản chép tay cổ do họ sở hữu, họ mong có thể chứng minh mình là con cháu của người Do Thái đã di cư đến vùng Crimea sau thời lưu đày ở Ba-by-lôn.

Đầu tiên, Firkovich săn lùng những tài liệu cổ trong những ngôi nhà đục trong vách đá ở Chufut-Kale, vùng Crimea. Ở đó, nhiều thế hệ người Karaite đã sống và thờ phượng Chúa tại những ngôi nhà nhỏ được xây bằng đá đục từ vách núi. Người Karaite không bao giờ hủy những bản Kinh Thánh cũ, vì trong đó có danh Đức Chúa Trời nên làm thế bị xem là phạm thượng. Các bản cũ được cẩn thận lưu giữ trong những phòng nhỏ gọi là genizah, nghĩa là “nơi cất giữ” trong tiếng Hê-bơ-rơ. Vì người Karaite kính trọng sâu xa danh Đức Chúa Trời, nên những bản trên giấy da được cất giữ này hiếm có ai đụng tới.

Không quản ngại bao lớp bụi thời gian, Firkovich lần ra những nơi có genizah. Tại một trong những địa điểm ấy, ông phát hiện bản chép tay nổi tiếng, có từ năm 916 CN, được đặt tên là Petersburg Codex of the Latter Prophets, đến nay vẫn là một trong những bản chép tay cổ nhất của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.

Theo thời gian, Firkovich góp nhặt rất nhiều bản chép tay, và năm 1859, ông quyết định giới thiệu bộ sưu tập khổng lồ này với Thư Viện Hoàng Gia. Vào năm 1862, Nga Hoàng Alexander II tài trợ thư viện mua bộ sưu tập với giá rất cao lúc bấy giờ là 125.000 đồng rúp. Thời ấy, ngân quỹ của cả thư viện cho một năm không tới 10.000 đồng rúp! Bộ sưu tập gồm có cuốn Leningrad Codex (B 19A) nổi tiếng. Có từ năm 1008, đó là bản chép cổ nhất thế giới của trọn phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Một học giả cho biết, đó “có lẽ là bản chép tay riêng biệt quan trọng nhất của Kinh Thánh, vì nó được dùng làm văn bản gốc cho hầu hết các bản Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ dành cho giới chuyên môn thời hiện đại”. (Xem khung). Cũng trong năm 1862 đó, cuốn Codex Sinaiticus của Tischendorf được ấn hành và được cả thế giới hoan nghênh.

Ánh sáng về thiêng liêng vào thời nay

Thư viện, nay là Thư Viện Quốc Gia của Nga, sở hữu một trong những bộ sưu tập lớn nhất thế giới về bản chép tay cổ. * Phản ánh những biến động của lịch sử Nga, tên thư viện đã được đổi đến bảy lần trong thời gian hai trăm năm. Một trong những tên quen thuộc nhất là Thư Viện Quốc Gia Saltykov-Shchedrin. Dù trong thế kỷ 20 đầy biến động, thư viện không khỏi bị thiệt hại phần nào, nhưng các bản chép tay đều được bảo tồn nguyên vẹn qua hai cuộc thế chiến và cuộc vây hãm thành Leningrad. Những bản chép tay này mang lại lợi ích nào cho chúng ta?

Các bản chép tay cổ được dùng làm căn bản đáng tin cho nhiều bản dịch Kinh Thánh hiện đại. Nhờ đó, những người thành tâm tìm kiếm chân lý có được những bản dịch Kinh Thánh trong sáng. Các cuốn Codex Sinaiticus và Leningrad Codex đã góp phần đáng kể vào việc biên dịch cuốn New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới) do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, được ra mắt trọn bộ vào năm 1961. Thí dụ, cả cuốn Biblia Hebraica Stuttgartensia lẫn cuốn Biblia Hebraica của Kittel mà Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới sử dụng, đều dựa vào Leningrad Codex và đều có danh Đức Chúa Trời, được thể hiện bằng bốn chữ cái, vốn xuất hiện đến 6.828 lần trong bản gốc.

Tương đối ít độc giả Kinh Thánh biết đến vai trò âm thầm của thư viện St. Petersburg và các bản chép tay được lưu giữ ở đó, một số còn mang tên cũ của thành phố là Leningrad. Tuy nhiên, chúng ta hàm ơn nhiều nhất là đối với Tác Giả của Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va, Đấng ban ánh sáng về thiêng liêng. Vì thế nên tác giả của một bài Thi-thiên đã cầu xin Ngài như sau: “Cầu Chúa phát ánh-sáng và sự chân-thật của Chúa ra: Nó sẽ dẫn tôi”.—Thi-thiên 43:3.

[Chú thích]

^ đ. 11 Ông cũng mang về bản chép tay toàn bộ của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có từ thế kỷ thứ tư CN.

^ đ. 13 Muốn biết thêm thông tin về người Karaite, xin xem bài “Người Karaite và việc tìm kiếm chân lý”, đăng trong Tháp Canh, số ngày 15-7-1995.

^ đ. 19 Phần lớn cuốn Codex Sinaiticus đã được bán lại cho bảo tàng viện British Museum. Chỉ còn vài tờ được lưu lại tại Thư Viện Quốc Gia của Nga.

[Khung nơi trang 13]

DANH ĐỨC CHÚA TRỜI QUEN THUỘC VÀ THÔNG DỤNG

Đức Chúa Trời đã khôn ngoan chú ý bảo tồn Kinh Thánh, Lời Ngài, cho đến tận thời nay. Công việc cần mẫn của các người chuyên sao chép Kinh Thánh trong nhiều thế kỷ đã đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn này. Trong số đó, tỉ mỉ nhất là người Masorete, người Do Thái chuyên sao chép Kinh Thánh từ thế kỷ thứ sáu đến thể kỷ thứ mười CN. Chữ viết Hê-bơ-rơ cổ không có ký tự nguyên âm. Do đó, theo thời gian, nguy cơ mất đi cách phát âm chính xác ngày một lớn trong khi tiếng A-ram dần thay thế tiếng Hê-bơ-rơ. Người Masorete sáng chế một hệ thống dấu đặt thêm vào phụ âm trong Kinh Thánh nhằm chỉ cách phát âm chính xác từ ngữ tiếng Hê-bơ-rơ.

Điều thú vị là trong văn bản cuốn Leningrad Codex, hệ thống dấu của người Masorete cho phép phát âm bốn phụ âm Hê-bơ-rơ hợp thành danh Đức Chúa Trời như sau: Yehwah’, Yehwih’, Yeho·wah’. Ngày nay, “Giê-hô-va” là cách phát âm phổ biến nhất. Danh Đức Chúa Trời là từ thông dụng và quen thuộc với những người viết Kinh Thánh và người thời xưa. Ngày nay, danh Đức Chúa Trời vẫn quen thuộc và thông dụng với hàng triệu người nhìn nhận ‘Đức Giê-hô-va là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất’.—Thi-thiên 83:18.

[Hình nơi trang 10]

Phòng lưu giữ các bản chép tay tại Thư Viện Quốc Gia

[Hình nơi trang 11]

Nữ Hoàng Catherine II

[Các hình nơi trang 11]

Konstantin von Tischendorf (giữa) và Nga Hoàng Alexander II

[Hình nơi trang 12]

Abraham Firkovich

[Nguồn tư liệu nơi trang 10]

Hai hình: Thư Viện Quốc Gia của Nga, St. Petersburg

[Nguồn tư liệu nơi trang 11]

Catherine II: Thư Viện Quốc Gia của Nga, St. Petersburg; Alexander II: Lấy từ sách Spamers Illustrierte Weltgeschichte, Leipzig, 1898