Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!”

“Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!”

“Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!”

CHÚNG kéo đến đông như đàn cào cào, biến đồng cỏ tươi tốt thành đất hoang. Chuyện xảy ra vào thời các quan xét cai trị nước Y-sơ-ra-ên, lúc ấy dân sự lâm vào tình trạng khốn khổ. Trong bảy năm, cứ vào đầu vụ mùa, những toán cướp người Ma-đi-an, A-ma-léc và người phương Đông cưỡi lạc đà kéo đến xứ Y-sơ-ra-ên. Bầy súc vật của họ tràn ra tàn phá mọi đồng cỏ xanh tốt. Trong khi ấy người Y-sơ-ra-ên lại không có lừa, không có bò, mà cũng chẳng có cừu. Dân Ma-đi-an trở thành nỗi kinh hoàng đối với dân Y-sơ-ra-ên nghèo khổ đến nỗi họ phải ẩn náu và cất giấu lương thực trên núi, trong các hầm và đồn.

Sao dân Y-sơ-ra-ên lại rơi vào cảnh ngộ khốn cùng đến thế ? Vì dân bội nghịch ấy quay sang thờ các thần giả. Thế nên Đức Giê-hô-va bỏ mặc họ rơi vào tay kẻ thù. Khi không chịu đựng được nữa, họ lại kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va. Ngài có lắng nghe lời kêu van của họ không? Chúng ta học được gì qua kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên?—Các Quan Xét 6:1-6.

Người nông dân thận trọng hay “dõng-sĩ”?

Nông dân người Y-sơ-ra-ên thường dùng bò và tấm gỗ có gắn đá nhọn hay răng sắt ở mặt dưới trong quá trình tách lúa mì, sau đó họ sẩy lúa ở nơi có gió, vỏ trấu bị gió thổi bay đi và còn lại lúa mì. Nhưng cách này không thể làm được vì sẽ bị những toán cướp phát hiện. Để tránh sự chú ý của người Ma-đi-an, ông Ghê-đê-ôn đập lúa trong một bồn ép nho—rất có thể là một bồn đục trên đá và được che kín. (Các Quan Xét 6:11) Vì vậy chỉ có thể bỏ từng ít lúa mì vào đó để đập. Trong hoàn cảnh này, Ghê-đê-ôn đã linh động.

Hãy tưởng tượng nỗi kinh ngạc của Ghê-đê-ôn khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng ông lúc ấy và nói: “Hỡi người dõng-sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi”. (Các Quan Xét 6:12) Đang kín đáo giã lúa nơi ép nho, hẳn ông không nghĩ mình là dõng sĩ. Tuy nhiên, những lời trên cho thấy Đức Chúa Trời tin chắc Ghê-đê-ôn có thể trở thành một nhà lãnh đạo dõng mãnh của nước Y-sơ-ra-ên. Dầu vậy, ông cần được trấn an.

Khi Đức Giê-hô-va giao ông sứ mạng “giải-cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an”, Ghê-đê-ôn khiêm tốn đáp: “Than ôi! hỡi Chúa, tôi sẽ lấy chi giải-cứu Y-sơ-ra-ên? Kìa, trong chi-phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi”. Ghê-đê-ôn thận trọng xin một dấu xác định rằng Đức Chúa Trời sẽ cùng ông đánh bại dân Ma-đi-an, và Ngài sẵn lòng đáp ứng yêu cầu hợp lý của ông là cần được trấn an. Vì thế Ghê-đê-ôn dâng thức ăn cho thiên sứ của Đức Chúa Trời, và lửa từ nơi hòn đá bốc lên thiêu hóa của-lễ. Sau khi được Đức Giê-hô-va trấn an, Ghê-đê-ôn lập tại đó một bàn thờ.—Các Quan Xét 6:12-24.

“Ba-anh phải tranh-luận”

Ách áp bức của dân Ma-đi-an không phải là vấn đề lớn nhất của dân Y-sơ-ra-ên mà là việc họ nô lệ cho thần Ba-anh. Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời kỵ-tà”, Ngài không chấp nhận những người vừa phụng sự Ngài vừa thờ phượng các thần khác. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:14) Vì thế Đức Giê-hô-va ra lệnh cho Ghê-đê-ôn phải phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh của cha ông và đánh hạ trụ hình tượng A-sê-ra. Vì sợ cha và người trong thành, Ghê-đê-ôn không dám thi hành lệnh vào ban ngày, ông cùng mười người đầy tớ làm việc ấy vào ban đêm.

Sự thận trọng của Ghê-đê-ôn là chính đáng, vì khi khám phá ra hành động “phạm thượng” của ông, dân thờ thần Ba-anh tại đó đã đòi mạng ông. Song, với lý lẽ đanh thép, cha của Ghê-đê-ôn là Giô-ách đã lập luận với họ rằng, nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời thì hắn phải tự tranh luận lấy. Lúc ấy, Giô-ách đã hợp lý khi gọi con mình là Giê-ru-ba-anh, nghĩa là “Ba-anh phải tranh-luận lấy”.—Các Quan Xét 6:25-32, cước chú.

Đức Chúa Trời luôn ban phước cho tôi tớ nào của Ngài mạnh dạn bênh vực sự thờ phượng thật. Vì thế khi dân Ma-đi-an và đồng minh của họ lại tấn công xứ Y-sơ-ra-ên, “thần của Đức Giê-hô-va cảm-hóa Ghê-đê-ôn”. (Các Quan Xét 6:34) Dưới sự tác động bởi “thần”, tức thánh linh hay sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, Ghê-đê-ôn tập trung quân binh từ các chi phái Ma-na-se, A-se, Sa-bu-lôn và Nép-ta-li.—Các Quan Xét 6:35.

Chuẩn bị hành động

Dù lúc này Ghê-đê-ôn có một đạo quân gồm 32.000 binh sĩ, ông vẫn xin Đức Chúa Trời cho một dấu. Nếu sương chỉ đóng trên lốt, hay bộ lông chiên mà ông để trong sân đạp lúa, còn đất lại khô ráo, thì đó là dấu hiệu Đức Chúa Trời dùng tay ông để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va đã làm phép lạ ấy. Ghê-đê-ôn lại xin một dấu ngược lại để làm chắc—lốt chiên phải khô, còn sương lại đóng khắp trên đất—và ông đã nhận được. Phải chăng Ghê-đê-ôn quá thận trọng? Hẳn là không, vì Đức Giê-hô-va đã đáp ứng mong muốn cần được trấn an của ông. (Các Quan Xét 6:36-40) Ngày nay chúng ta không kỳ vọng sẽ nhận được phép lạ như thế. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận được sự hướng dẫn và lời trấn an của Đức Giê-hô-va trong Lời Ngài.

Giờ thì Đức Chúa Trời bảo rằng đạo quân của Ghê-đê-ôn đông quá. Nếu chiến thắng quân thù bằng một đạo binh đông như vậy, dân Y-sơ-ra-ên có thể tự mãn cho rằng họ đã tự giải cứu mình. Nhưng chiến công sắp tới phải thuộc về Đức Giê-hô-va. Giải pháp nào đây? Ghê-đê-ôn phải áp dụng một điều khoản trong Luật Pháp Môi-se là cho những người sợ hãi trở về nhà. Lúc này, quân số còn lại 10.000 vì 22.000 người đã rút lui.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 20:8; Các Quan Xét 7:2, 3.

Theo Đức Chúa Trời, quân số như vậy vẫn quá đông. Ghê-đê-ôn được lệnh phải bảo họ xuống mé nước. Theo lời sử gia Do Thái Josephus, Đức Chúa Trời bảo Ghê-đê-ôn dẫn quân tới một dòng sông vào giữa trưa. Dù vào lúc nào đi nữa, điều quan trọng là Ghê-đê-ôn nhìn cách họ uống nước. Chỉ có 300 người vừa bụm nước trong tay rồi kê miệng hớp vừa đề phòng kẻ thù có thể tấn công. Chỉ 300 dõng sĩ thận trọng ấy được ra trận cùng với Ghê-đê-ôn. (Các Quan Xét 7:4-8) Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Vì quân thù có đến 135.000 binh sĩ, chắc chắn bạn phải kết luận rằng chiến công ấy nếu có được là nhờ quyền năng của Đức Giê-hô-va, chứ không phải của bạn!

Đức Chúa Trời bảo Ghê-đê-ôn dẫn theo một người đầy tớ cùng đi do thám trại quân Ma-đi-an. Trong khi đang đi do thám, Ghê-đê-ôn nghe lỏm một người thuật cho bạn mình một điềm chiêm bao. Người bạn ấy giải điềm chiêm bao một cách quả quyết rằng Đức Chúa Trời đã phó dân Ma-đi-an vào tay Ghê-đê-ôn. Đó đúng là những lời Ghê-đê-ôn cần được nghe. Ông tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giúp ông và 300 binh sĩ đánh bại dân Ma-đi-an.—Các Quan Xét 7:9-15.

Chiến lược

Đạo quân 300 binh được chia làm ba đội, mỗi đội 100 người. Mỗi người được phát một cái kèn, một bình không, và đuốc dấu ở trong bình. Lệnh đầu tiên của Ghê-đê-ôn là: ‘Hãy ngó ta, và làm y như ta làm. Khi ta thổi kèn, thì các ngươi cũng hãy thổi kèn, và reo lên: “Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!” ’.—Các Quan Xét 7:16-18, 20.

Đạo binh 300 quân Y-sơ-ra-ên lẻn đến đầu trại quân của kẻ thù. Lúc này là vào khoảng mười giờ đêm, ngay sau khi vừa đổi phiên gác. Dường như đây là thời điểm thuận lợi nhất để tấn công, vì một lúc sau thì mắt của toán lính gác mới quen với bóng tối.

Dân Ma-đi-an thật kinh hoàng! Không gian tĩnh mịch bỗng chốc bị khuấy động bởi tiếng đập bể 300 cái bình, tiếng thổi 300 cái kèn và tiếng reo hò của 300 người. Đặc biệt tiếng thét “Gươm của Đức Giê-hô-va và của Ghê-đê-ôn!” làm cho họ hoảng loạn. Thêm vào đó là tiếng la hét của chính họ càng làm không gian trở nên huyên náo hơn. Trong cơn hỗn loạn, họ không còn phân biệt được quân ta, quân địch. Đạo binh 300 quân ai cứ chỗ nấy tại vị trí được chỉ định, trong khi ấy Đức Chúa Trời khiến quân địch trở gươm chém lẫn nhau. Cả trại quân đều chạy tán loạn, mọi lối thoát đều bị chặn, và một cuộc truy quét gay go được tiến hành, xóa bỏ vĩnh viễn mối đe dọa từ dân Ma-đi-an. Cuối cùng, sự quấy phá lâu dài và tàn bạo của dân Ma-đi-an không còn nữa.—Các Quan Xét 7:19-25; 8:10-12, 28.

Ngay cả sau chiến công này, Ghê-đê-ôn vẫn khiêm tốn. Dường như cảm thấy bị mất mặt vì không được gọi cùng ra trận, người Ép-ra-im cãi cọ với ông, nhưng Ghê-đê-ôn đã ôn tồn đáp lời họ. Lời đáp êm nhẹ của ông làm họ nguôi cơn giận.—Các Quan Xét 8:1-3; Châm-ngôn 15:1.

Giờ đây, khi xứ được hòa bình thì dân Y-sơ-ra-ên muốn tôn Ghê-đê-ôn lên làm vua. Quả là một cám dỗ! Nhưng Ghê-đê-ôn đã từ chối. Ông không bao giờ quên ai đã chiến thắng quân Ma-đi-an. Ông tuyên bố: “Ta chẳng quản-trị các ngươi, con trai ta cũng không quản-trị các ngươi đâu; Đức Giê-hô-va sẽ quản-trị các ngươi”.—Các Quan Xét 8:23.

Nhưng vì bất toàn, không phải lúc nào Ghê-đê-ôn cũng suy xét sáng suốt. Vì lý do nào đó không được đề cập trong Kinh Thánh, ông làm một cái ê-phót từ những chiến lợi phẩm và trưng ê-phót ấy trong thành mình. Theo lời tường thuật, cả Y-sơ-ra-ên đều “cúng-thờ” cái ê-phót đó, và nó thậm chí trở thành một cái bẫy ngay cả cho Ghê-đê-ôn và nhà ông. Tuy vậy, ông không hẳn là người thờ hình tượng vì theo Kinh Thánh, ông vẫn được liệt kê trong số những người trung thành với Đức Giê-hô-va.—Các Quan Xét 8:27; Hê-bơ-rơ 11:32-34.

Bài học cho chúng ta

Lời tường thuật về Ghê-đê-ôn cho chúng ta bài học vừa cảnh báo vừa khích lệ. Bài học cảnh báo là: Nếu hạnh kiểm xấu của chúng ta khiến Đức Giê-hô-va rút lại thánh linh và ân phước của Ngài, tình trạng thiêng liêng của chúng ta sẽ giống như dân nghèo trong xứ bị cào cào tàn phá. Chúng ta sống trong thời kỳ khó khăn và đừng bao giờ quên rằng “phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”. (Châm-ngôn 10:22) Khi “hết lòng vui ý mà phục-sự Ngài”, chúng ta được hưởng ân phước của Đức Chúa Trời. Nếu không, Ngài sẽ từ bỏ chúng ta.—1 Sử-ký 28:9.

Qua lời tường thuật về Ghê-đê-ôn, chúng ta cũng rút ra một bài học khích lệ: Câu chuyện này chứng tỏ Đức Giê-hô-va có thể giải thoát dân Ngài khỏi bất kỳ hiểm họa nào, thậm chí Ngài dùng những người có vẻ yếu đuối và không đủ sức tự vệ. Việc Ghê-đê-ôn và 300 binh sĩ của ông đánh bại đạo binh 135.000 quân Ma-đi-an đã chứng thực quyền năng vô song của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể rơi vào hoàn cảnh vô vọng và kẻ thù dường như đông đảo hơn chúng ta bội phần. Tuy nhiên, lời tường thuật trong Kinh Thánh về Ghê-đê-ôn khuyến khích chúng ta tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Đấng sẽ ban ân phước và giải thoát những ai thực hành đức tin nơi Ngài.