Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va đã đếm “tóc trên đầu của các ngươi”

Đức Giê-hô-va đã đếm “tóc trên đầu của các ngươi”

Đức Giê-hô-va đã đếm “tóc trên đầu của các ngươi”

“Ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con [chim sẻ] nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi”.—MA-THI-Ơ 10:29, 30.

1, 2. (a) Tại sao Gióp cảm thấy bị Đức Chúa Trời bỏ rơi? (b) Phải chăng lời lẽ của Gióp có nghĩa là ông đã xoay bỏ Đức Giê-hô-va? Hãy giải thích.

“TÔI kêu-la cùng Chúa, song Chúa chẳng đáp lời; tôi đứng tại đó, và Chúa chỉ ngó xem tôi. Chúa trở nên dữ-tợn đối với tôi, lấy năng-lực tay Chúa mà rượt-đuổi tôi”. Người đàn ông thốt lên những lời ấy ắt hẳn thống khổ vô cùng! Điều đó chẳng có gì lạ vì ông đã mất phương kế sinh nhai, các con ông mất mạng trong một tai họa bất ngờ, và giờ đây ông mang một căn bệnh làm hao mòn sức khỏe. Tên người ấy là Gióp, và thảm kịch của ông được ghi lại trong Kinh Thánh nhằm mang lại lợi ích cho chúng ta.—Gióp 30:20, 21.

2 Lời lẽ của Gióp có vẻ như ông xoay bỏ Đức Chúa Trời, nhưng không phải thế. Gióp chỉ nói lên nỗi đau khổ tận đáy lòng. (Gióp 6:2, 3) Không biết Sa-tan là kẻ gây ra những tai họa ấy, ông kết luận cách sai lầm rằng Đức Chúa Trời đã từ bỏ ông. Thậm chí, Gióp thưa cùng Đức Giê-hô-va: “Nhân sao Chúa giấu mặt Chúa, và cầm bằng tôi là kẻ cừu-địch Chúa?” *Gióp 13:24.

3. Khi gặp nghịch cảnh, chúng ta có thể nảy sinh ý nghĩ nào?

3 Ngày nay, nhiều người trong dân của Đức Giê-hô-va khổ sở vì những khó khăn triền miên do chiến tranh, biến động chính trị hoặc xã hội, thiên tai, tuổi già, bệnh tật, nghèo túng và sự ngăn cấm của nhà cầm quyền. Rất có thể bạn cũng đang trải qua thử thách dưới một hình thức nào đó. Đôi lúc, có lẽ bạn nghĩ rằng Đức Giê-hô-va đang giấu mặt, hoặc không đoái đến bạn. Bạn biết rất rõ lời nơi Giăng 3:16: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài”. Nhưng, khi đau khổ và hầu như không thấy lối thoát, bạn có thể tự hỏi: ‘Đức Chúa Trời có thật sự yêu thương tôi không? Ngài có để ý đến tình cảnh mà tôi đang chịu đựng không? Ngài có quan tâm đến cá nhân tôi không?’

4. Phao-lô phải chịu đựng tình cảnh dai dẳng nào, và tình cảnh tương tự có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

4 Hãy xem xét trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Ông viết: “Một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ-sứ của Sa-tan, để vả tôi”. Ông nói thêm: “Đã ba lần tôi cầu-nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi”. Đức Giê-hô-va đã nghe lời nài xin của ông. Tuy nhiên, Ngài cho Phao-lô biết Ngài sẽ không can thiệp bằng một giải pháp nhiệm mầu. Thay vì thế, Phao-lô phải nương cậy nơi sức mạnh của Đức Chúa Trời để giúp ông đối phó với “cái giằm xóc vào thịt”. * (2 Cô-rinh-tô 12:7-9) Như Phao-lô, có thể bạn đang gặp một thử thách dai dẳng nào đó. Có lẽ bạn tự hỏi: ‘Phải chăng việc Đức Giê-hô-va dường như không làm gì để giải quyết khó khăn của tôi có nghĩa là Ngài không biết đến tình cảnh của tôi hoặc không quan tâm đến tôi?’ Câu trả lời khẳng định là không! Lời nói của Chúa Giê-su không lâu sau khi chọn các sứ đồ cho thấy rõ Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến các tôi tớ trung thành của Ngài. Chúng ta hãy xét xem những lời này khích lệ chúng ta như thế nào ngày nay.

“Đừng sợ chi hết”—Tại sao?

5, 6. (a) Chúa Giê-su giúp các sứ đồ không sợ hãi về những điều sẽ xảy ra như thế nào? (b) Phao-lô đã biểu lộ thế nào về niềm tin Đức Giê-hô-va quan tâm đến ông?

5 Chúa Giê-su đã ban cho các sứ đồ quyền phép phi thường, kể cả “quyền-phép trừ tà-ma, và chữa các thứ tật-bịnh”. Song, điều này không có nghĩa là họ sẽ được miễn những khó khăn và thử thách. Ngược lại, Chúa Giê-su miêu tả cụ thể một số vấn đề sẽ xảy đến với họ. Tuy nhiên, ngài khích lệ: “Đừng sợ kẻ giết thân-thể mà không giết được linh-hồn”.—Ma-thi-ơ 10:1, 16-22, 28.

6 Để giúp các sứ đồ hiểu tại sao họ không cần phải sợ hãi, Chúa Giê-su đã đưa ra hai minh họa. Ngài nói: “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý-muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. (Ma-thi-ơ 10:29-31) Hãy lưu ý, Chúa Giê-su liên kết sự không sợ hãi trước nghịch cảnh với lòng tin cậy rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến mỗi cá nhân chúng ta. Hẳn sứ đồ Phao-lô đã có niềm tin như thế. Ông viết: “Nếu Đức Chúa Trời vùa-giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:31, 32) Bất kể phải đương đầu với vấn đề nào, bạn cũng có thể tin chắc Đức Giê-hô-va quan tâm đến cá nhân bạn, miễn là bạn giữ lòng trung thành với Ngài. Điều này càng rõ hơn khi chúng ta xem xét kỹ lời Chúa Giê-su khuyên các sứ đồ.

Giá trị của một con chim sẻ

7, 8. (a) Vào thời Chúa Giê-su, người ta nghĩ gì về những con chim sẻ? (b) Có lẽ vì lý do nào Ma-thi-ơ 10:29 dùng từ Hy Lạp có nghĩa “con chim sẻ nhỏ”?

7 Lời minh họa của Chúa Giê-su miêu tả sống động mối quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với mỗi tôi tớ Ngài. Trước hết hãy xem xét về những con chim sẻ. Vào thời Chúa Giê-su, chim sẻ được dùng làm thực phẩm, nhưng vì chúng là một mối đe dọa cho mùa màng nên thường bị xem là loài vật gây hại. Chim sẻ có rất nhiều và rẻ đến mức người ta có thể mua hai con với giá chưa tới 5 xu Mỹ. Với số tiền gấp đôi, bạn sẽ mua được không phải bốn, mà là năm con chim sẻ—con thứ năm được cho thêm như thể không có chút giá trị nào!—Lu-ca 12:6.

8 Cũng hãy nghĩ đến hình dạng của loài chim tầm thường này. So với nhiều loài chim khác, chim sẻ dù trưởng thành vẫn khá nhỏ. Vậy mà từ Hy Lạp được dịch “con chim sẻ” nơi Ma-thi-ơ 10:29 đặc biệt chỉ về chim sẻ nhỏ. Hẳn Chúa Giê-su muốn các môn đồ ngài hình dung đến một con chim kém giá trị nhất.

9. Lời so sánh của Chúa Giê-su về con chim sẻ nhấn mạnh trọng điểm nào?

9 Lời so sánh của Chúa Giê-su về con chim sẻ nhấn mạnh một trọng điểm: Có những điều dường như vô giá trị đối với loài người nhưng lại quan trọng đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su làm nổi bật thêm lẽ thật này bằng cách nói rằng không một con chim sẻ nhỏ nào “rơi xuống đất” mà không được Đức Giê-hô-va để ý đến. * Bài học thật rõ ràng. Nếu Giê-hô-va Đức Chúa Trời để ý đến loài chim nhỏ nhất và kém giá trị nhất, huống chi những người đã chọn phụng sự Ngài hẳn sẽ được Ngài quan tâm nhiều hơn biết bao!

10. Câu “tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi” có nghĩa gì?

10 Bổ túc cho minh họa về những con chim sẻ, Chúa Giê-su nói thêm: “Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi”. (Ma-thi-ơ 10:30) Lời nói tuy ngắn gọn nhưng súc tích này nhấn mạnh thêm điểm Chúa Giê-su đã nêu trong minh họa. Hãy nghĩ xem: Trung bình mỗi người có khoảng 100.000 sợi tóc. Hầu hết sợi nào cũng như sợi nấy, không sợi tóc nào đáng được để ý đặc biệt. Tuy nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã để ý và đếm từng sợi. Nếu vậy, có chi tiết nào của đời sống chúng ta mà Ngài chẳng biết không? Chắc chắn Đức Giê-hô-va hiểu các đặc điểm của mỗi tôi tớ Ngài. Thật vậy, Ngài “nhìn-thấy trong lòng”.—1 Sa-mu-ên 16:7.

11. Lời nào của Đa-vít nói lên lòng tin cậy Đức Giê-hô-va để ý đến cá nhân ông?

11 Ông Đa-vít, người từng trải qua nhiều gian khổ, tin chắc rằng Đức Giê-hô-va để ý đến ông. Ông viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò-xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi”. (Thi-thiên 139:1, 2) Bạn cũng có thể tin chắc Đức Giê-hô-va biết rõ cá nhân bạn. (Giê-rê-mi 17:10) Đừng vội kết luận rằng bạn quá tầm thường, không đáng cho Đức Giê-hô-va, Đấng nhìn thấu mọi việc, để mắt đến!

“Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa”

12. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va thấy hết mọi nghịch cảnh dân Ngài phải chịu?

12 Đức Giê-hô-va không những biết từng tôi tớ Ngài mà còn thấy hết nghịch cảnh mỗi người phải chịu. Chẳng hạn, khi dân Y-sơ-ra-ên bị áp bức dưới ách nô lệ, Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu vì cớ người đốc-công của nó; phải, ta biết được nỗi đau-đớn của nó”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7) Thật an ủi biết bao khi nhận thức được lúc chúng ta chịu đựng thử thách, Đức Giê-hô-va thấy sự việc đang xảy ra và nghe tiếng chúng ta kêu cầu! Chắc chắn Ngài không dửng dưng trước nỗi đau khổ của chúng ta.

13. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va thật sự thấu cảm các tôi tớ Ngài?

13 Việc Đức Giê-hô-va quan tâm đến những người có mối quan hệ với Ngài còn được thấy rõ hơn qua cảm xúc của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên. Dù sự đau khổ mà họ chịu thường là do tính ương ngạnh của chính họ, Ê-sai viết về Đức Giê-hô-va: “Hễ khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ”. (Ê-sai 63:9) Vậy, là tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, bạn có thể tin chắc rằng khi bạn đau khổ, Đức Giê-hô-va cũng đau khổ. Điều đó không thôi thúc bạn dũng cảm đương đầu với nghịch cảnh và tiếp tục phụng sự Ngài hết sức mình sao?—1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

14. Bài Thi-thiên 56 được sáng tác trong bối cảnh nào?

14 Lòng tin cậy của Vua Đa-vít về việc Đức Giê-hô-va quan tâm và đồng cảm với ông được thể hiện rõ qua bài Thi-thiên 56 do Đa-vít sáng tác trong thời gian chạy trốn Vua Sau-lơ đang truy sát ông. Đa-vít trốn sang xứ Gát, nhưng ông sợ bị bắt khi dân Phi-li-tin nhận ra mình. Ông viết: “Trọn ngày kẻ thù-nghịch tôi muốn ăn nuốt tôi: Vì những kẻ đánh giặc cùng tôi cách kiêu-ngạo là nhiều thay”. Lâm vào hoàn cảnh hiểm nghèo, Đa-vít tìm cầu Đức Giê-hô-va. Ông nói: “Hằng ngày chúng nó trái ý lời tôi, các tư-tưởng chúng nó đều toan hại tôi”.—Thi-thiên 56:2, 5.

15. (a) Đa-vít ngụ ý gì khi ông xin Đức Giê-hô-va chứa nước mắt ông trong ve hoặc ghi lại trong sổ? (b) Khi chịu đựng một thử thách về đức tin, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

15 Sau đó, như được ghi nơi Thi-thiên 56:8, Đa-vít đã viết những câu lý thú này: “Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi: Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” Thật là một lời miêu tả cảm động về sự quan tâm dịu dàng của Đức Giê-hô-va! Khi gặp áp lực, chúng ta có thể khóc lóc kêu cầu Đức Giê-hô-va. Ngay cả người hoàn toàn là Chúa Giê-su cũng đã làm thế. (Hê-bơ-rơ 5:7) Đa-vít tin chắc rằng Đức Giê-hô-va quan sát và nhớ đến nỗi đau đớn cùng cực của ông như thể Ngài cất giữ những giọt nước mắt của ông trong một cái ve hoặc ghi vào một cuốn sổ. Có lẽ bạn cảm thấy những giọt nước mắt của mình hẳn sẽ chứa gần đầy ve hoặc chiếm nhiều trang giấy. Nếu đúng thế, bạn hãy yên tâm. Kinh Thánh quả quyết với chúng ta: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”.—Thi-thiên 34:18.

Trở nên bạn thiết với Đức Chúa Trời

16, 17. (a) Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va không thờ ơ đối với các vấn đề mà dân Ngài phải đối phó? (b) Đức Giê-hô-va đã làm gì để cho dân Ngài được kết bạn thiết với Ngài?

16 Việc Đức Giê-hô-va đã đếm hết ‘tóc trên đầu chúng ta’ giúp chúng ta hình dung được Đức Chúa Trời mình có đặc ân phụng sự là Đấng ân cần và quan tâm. Dù chúng ta phải chờ đợi thế giới mới theo lời hứa để mọi đau đớn và khổ sở được xóa tan, nhưng ngay ngày nay Đức Giê-hô-va đang thực hiện một điều kỳ diệu cho dân Ngài. Đa-vít viết: “Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính-sợ Ngài, tỏ cho người ấy biết giao-ước của Ngài”.—Thi-thiên 25:14.

17 ‘Kết bạn thiết với Đức Giê-hô-va’. Ý tưởng đó có vẻ viển vông đối với loài người bất toàn! Nhưng Đức Giê-hô-va mời những người kính sợ Ngài vào ngụ trong đền tạm. (Thi-thiên 15:1-5) Đức Giê-hô-va làm gì cho những người ấy? Theo lời của Đa-vít, Ngài cho họ biết giao ước của Ngài. Đức Giê-hô-va bộc lộ với họ, tỏ “sự kín-nhiệm” cho các nhà tiên tri để họ có thể biết ý định của Ngài là gì và họ phải làm gì để sống hòa hợp với các ý định ấy.—A-mốt 3:7.

18. Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va muốn chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Ngài?

18 Đúng vậy, thật ấm lòng khi biết loài người bất toàn chúng ta có thể trở thành bạn thiết của Đấng Chí Cao, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Quả thực, Ngài thúc giục chúng ta làm điều đó. Kinh Thánh nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. (Gia-cơ 4:8) Đức Giê-hô-va muốn chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Thật ra, Ngài đã chủ động làm những bước để chúng ta có thể đạt được mối quan hệ ấy. Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su đã mở đường để chúng ta có được tình bạn với Đức Chúa Trời Toàn Năng. Kinh Thánh nói: “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”.—1 Giăng 4:19.

19. Làm thế nào sự chịu đựng có thể củng cố mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va?

19 Mối quan hệ mật thiết đó được củng cố khi chúng ta chịu đựng những nghịch cảnh. Môn đồ Gia-cơ viết: “Sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào”. (Gia-cơ 1:4) Khi nhịn nhục hay chịu đựng thử thách gay go, “việc” nào được làm trọn? Hãy nhớ lại việc Phao-lô bị “một cái giằm xóc vào thịt”. Trong trường hợp này, sự chịu đựng làm trọn việc gì? Về thử thách này, Phao-lô nói: “Tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu-đuối tôi, hầu cho sức-mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu-đuối, nhuốc-nhơ, túng-ngặt, bắt-bớ, khốn-khó; vì khi tôi yếu-đuối, ấy là lúc tôi mạnh-mẽ”. (2 Cô-rinh-tô 12:9, 10) Qua kinh nghiệm, Phao-lô tin Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp sức mạnh cần thiết—ngay cả “quyền-phép lớn” vượt quá mức bình thường nếu cần—để ông có thể chịu đựng. Điều đó giúp ông đến gần Đấng Christ và Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn.—2 Cô-rinh-tô 4:7; Phi-líp 4:11-13.

20. Làm sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ trợ giúp và an ủi khi chúng ta đương đầu với nghịch cảnh?

20 Có lẽ Đức Giê-hô-va để cho những thử thách của bạn kéo dài. Nếu thế, hãy nhớ lời Ngài hứa với những người kính sợ Ngài: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. (Hê-bơ-rơ 13:5) Bạn có thể cảm nghiệm được sự trợ giúp và an ủi ấy. Đức Giê-hô-va đã đếm ‘tóc trên đầu bạn’ hết rồi. Ngài thấy sự chịu đựng của bạn. Ngài cảm nhận được nỗi đau của bạn. Ngài chân thành quan tâm đến bạn. Ngài sẽ không bao giờ “bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của [bạn] đã tỏ ra vì danh Ngài”.—Hê-bơ-rơ 6:10.

[Chú thích]

^ đ. 2 Người công bình Đa-vít và các con trai trung thành của Cô-rê cũng đã thốt lên những lời tương tự.—Thi-thiên 10:1; 44:24.

^ đ. 4 Kinh Thánh không nói rõ “cái giằm xóc vào thịt” của Phao-lô là gì. Đó có thể là vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như mắt kém. Hoặc cụm từ “cái giằm xóc vào thịt” có thể ám chỉ những sứ đồ giả và những kẻ tỏ ra nghi ngờ cương vị sứ đồ và thánh chức của Phao-lô.—2 Cô-rinh-tô 11:6, 13-15; Ga-la-ti 4:15; 6:11.

^ đ. 9 Một số học giả gợi ý rằng việc con chim sẻ rơi xuống đất có thể không chỉ nói về cái chết của nó. Họ cho rằng trong nguyên ngữ câu này có thể nói đến việc nó sà xuống đất để tìm thức ăn. Nếu đúng thế, điều đó hẳn ngụ ý Đức Chúa Trời để ý và quan tâm đến con chim sẻ trong sinh hoạt hàng ngày của nó, chứ không phải chỉ khi nó chết.—Ma-thi-ơ 6:26.

Bạn có nhớ không?

• Những yếu tố nào có thể làm cho một người cảm thấy mình bị Đức Chúa Trời bỏ rơi?

• Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ minh họa của Chúa Giê-su về những con chim sẻ và về việc tóc trên đầu chúng ta đã được đếm hết rồi?

• Nước mắt của một người được chứa trong “ve” hoặc ghi trong “sổ” của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì?

• Làm thế nào chúng ta có thể ‘kết bạn thiết với Đức Giê-hô-va’?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 22]

Tại sao Đức Giê-hô-va không loại bỏ “cái giằm xóc vào thịt” của Phao-lô?

[Hình nơi trang 23]

Chúng ta có thể học được gì từ minh họa của Chúa Giê-su về những con chim sẻ?

[Nguồn tư liệu]

© J. Heidecker/VIREO

[Hình nơi trang 25]

Qua việc đọc Kinh Thánh đều đặn, chúng ta có thể được trấn an rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến mỗi người chúng ta