Khi nào có lý do chính đáng để giận?
Khi nào có lý do chính đáng để giận?
KINH THÁNH nói nơi Truyền-đạo 7:9: “Sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội”. Câu Kinh Thánh này cho thấy chúng ta không nên quá nhạy cảm khi người nào đó xúc phạm đến mình; thay vì thế, chúng ta nên bỏ qua.
Tuy nhiên, phải chăng Truyền-đạo 7:9 có ý nói rằng chúng ta không bao giờ nên giận bất cứ ai hoặc về bất cứ điều gì, rằng chúng ta phải bỏ qua tất cả những xúc phạm, dù nghiêm trọng hoặc thường xảy ra tới mức nào, và chẳng làm gì cả hay sao? Chúng ta có nên vô tư về việc mình gây ra xúc phạm qua lời nói hoặc hành động vì biết rằng người bị xúc phạm phải tha thứ không? Chắc chắn không.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời là mẫu mực về yêu thương, thương xót, tha thứ và chịu đựng. Thế nhưng, Kinh Thánh nhiều lần nói Ngài bị “chọc giận”, hay bị xúc phạm. Nếu đó là xúc phạm nghiêm trọng, Ngài trừng phạt kẻ gây xúc phạm. Hãy xem xét một vài trường hợp.
Xúc phạm đến Đức Giê-hô-va
Lời tường thuật nơi 1 Các Vua 15:30 có đề cập đến tội của Giê-rô-bô-am “đã phạm làm cho Y-sơ-ra-ên cũng phạm tội, và chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Nơi 2 Sử-ký 28:25, Kinh Thánh nói về Vua A-cha của Giu-đa: “Người dựng lên những nơi cao đặng xông hương cho các thần khác, mà chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ-phụ người”. Một trường hợp khác được tìm thấy nơi Các Quan Xét 2:11-14: “Dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu việc các thần-tượng của Ba-anh... [Họ] chọc giận Đức Giê-hô-va... Cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên cùng Y-sơ-ra-ên, Ngài phó chúng vào tay kẻ cướp-bóc”.
Có những điều khác “chọc giận” hoặc xúc phạm đến Đức Giê-hô-va, khiến Ngài phải hành động quyết liệt. Chẳng hạn, nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 22:18-20, chúng ta đọc: “Ngươi chớ để các đồng-cốt sống. Kẻ nào nằm cùng một con vật sẽ bị xử-tử. Kẻ nào tế các thần khác hơn một mình Đức Giê-hô-va sẽ bị diệt”.
Đức Giê-hô-va không tha thứ mãi những tội nghiêm trọng của dân Y-sơ-ra-ên xưa khi họ cứ xúc phạm đến Ngài mà không tỏ ra thật lòng ăn năn. Nếu những kẻ xúc phạm không thật lòng ăn năn và không có hành động cho thấy họ quay trở lại để vâng lời Đức Giê-hô-va, họ sẽ bị Ngài hủy diệt. Điều này đã xảy ra cho cả một dân tộc vào năm 607 TCN khi bị rơi vào tay người Ba-by-lôn và rồi vào năm 70 CN, vào tay quân La Mã.
Đúng vậy, Đức Giê-hô-va giận về những điều gian ác mà người ta nói và làm, thậm chí Ngài còn xử tử những kẻ phạm tội nặng mà không ăn năn. Nhưng có phải câu Truyền-đạo 7:9 áp dụng cho trường hợp của Ngài không? Hoàn toàn không. Ngài có lý do chính đáng khi nổi giận về những tội nặng và luôn luôn phán xét công bằng. Kinh Thánh nói về Đức Giê-hô-va: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4.
Tội nặng phạm đến người khác
Dưới Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa, tội nặng phạm đến người khác đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, nếu kẻ trộm đột nhập vào nhà lúc ban đêm và bị chủ nhà đánh chết thì chủ nhà không phạm tội làm đổ máu. Chủ nhà là nạn nhân vô tội đối với trọng tội này. Vì thế, chúng ta đọc: “Nếu kẻ trộm đương cạy cửa mà bị bắt và đánh chết đi, thì kẻ đánh chết [chủ nhà] chẳng phải tội sát-nhân”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 22:2.
Phụ nữ bị hãm hiếp có quyền để hết sức nổi giận vì sự xúc phạm này là một tội nặng dưới mắt Đức Chúa Trời. Theo Luật Pháp Môi-se, người nam nào hiếp một phụ nữ phải bị xử tử “giống như sự một người dấy lên cùng kẻ lân-cận mình và giết người đi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:25, 26) Mặc dù chúng ta không còn ở dưới Luật Pháp đó, nhưng điều luật này giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về tội hãm hiếp ghê tởm này.
Vào thời chúng ta, hãm hiếp cũng là trọng tội bị trừng phạt nặng nề. Nạn nhân có toàn quyền báo cáo sự việc cho cảnh sát. Bằng cách này, cơ quan có thẩm quyền có thể trừng phạt kẻ phạm tội. Nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên, cha mẹ có thể khởi tố.
Tội nhẹ hơn
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi tội đều cần giới chức có thẩm quyền xử lý. Do Ma-thi-ơ 18:21, 22.
đó, chúng ta không nên giận quá mức đối với những lỗi tương đối nhẹ người khác gây ra, mà nên tha thứ. Chúng ta phải tha thứ bao nhiêu lần? Sứ đồ Phi-e-rơ hỏi Đức Chúa Giê-su: “Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” Chúa Giê-su trả lời: “Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.—Mặt khác, chúng ta luôn luôn cần vun trồng nhân cách tín đồ Đấng Christ để cố tránh gây xúc phạm. Chẳng hạn, trong việc giao tiếp với người khác, đôi khi bạn có thiếu ý tứ, thiếu tế nhị và làm người khác bực mình không? Cách cư xử như thế dễ gây xúc phạm. Thay vì trách người kia hay giận và nghĩ rằng người ấy bắt buộc phải tha thứ, thì người gây xúc phạm cần ý thức chính mình là nguyên nhân làm cho người kia giận. Người gây xúc phạm cần tập kiềm chế hành động và lời nói của mình sao cho không là người đầu tiên gây sự xúc phạm. Nỗ lực này sẽ giúp chúng ta bớt gây tổn thương cho người khác. Kinh Thánh nhắc chúng ta: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. (Châm-ngôn 12:18) Khi xúc phạm đến người khác, ngay cả khi vô tình, lời xin lỗi cứu vãn được tình thế rất nhiều.
Lời Đức Chúa Trời cho thấy chúng ta phải “tìm cách làm nên hòa-thuận và làm gương sáng cho nhau”. (Rô-ma 14:19) Khi tế nhị và tử tế, chúng ta áp dụng câu Châm-ngôn: “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”. (Châm-ngôn 25:11) Lời này quả tạo ra một ấn tượng thích thú và dễ chịu làm sao! Lời nói dịu dàng và tế nhị thậm chí có thể thay đổi được thái độ cứng rắn của người khác: “Lưỡi mềm-dịu bẻ gãy các xương”.—Châm-ngôn 25:15.
Vì thế, Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”. (Cô-lô-se 4:6) “Nêm thêm muối” có nghĩa là nói sao cho người khác dễ nghe, và do đó giảm được khả năng gây xúc phạm. Trong cả lời nói lẫn việc làm, tín đồ Đấng Christ cố áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh là “phải... tìm sự hòa-bình mà đuổi theo”.— 1 Phi-e-rơ 3:11.
Do đó, Truyền-đạo 7:9 rõ ràng có nghĩa là chúng ta không nên giận về những lỗi tương đối nhỏ của người khác. Những lỗi này có lẽ là do sự bất toàn của con người hoặc có thể ngay cả cố ý nhưng không phải lỗi nặng. Tuy nhiên, khi sự xúc phạm là một trọng tội thì việc người bị xúc phạm nổi giận và có hành động thích đáng cũng là điều dễ hiểu.—Ma-thi-ơ 18:15-17.
[Hình nơi trang 14]
Vì không ăn năn, dân Y-sơ-ra-ên đã bị Đức Giê-hô-va để cho quân La Mã hủy diệt vào năm 70 CN
[Hình nơi trang 15]
“Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng”