Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không?

Bạn có phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không?

Bạn có phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không?

“Chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa [Đức Giê-hô-va] như một bức gương”.—2 CÔ-RINH-TÔ 3:18, Tòa Tổng Giám Mục.

1. Môi-se được thấy gì, và điều gì xảy ra sau đó?

ĐÓ LÀ một trong những sự hiện thấy đáng kính sợ nhất, chưa ai từng chứng kiến. Một mình trên đỉnh Núi Si-na-i, Môi-se xin một điều khác thường và đã được nhậm. Ông được thấy một điều chưa ai từng thấy, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, Môi-se không trực tiếp thấy Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời uy nghi đến nỗi không người nào thấy Ngài mà còn sống. Vì vậy, Đức Giê-hô-va lấy “tay” che Môi-se cho đến chừng Ngài đi qua. Trong trường hợp này, hiển nhiên đó là một thiên sứ đại diện cho Đức Giê-hô-va. Sau đó Môi-se được thấy ánh sáng còn lưu lại sau khi Ngài biểu hiện sự vinh hiển Ngài. Đức Giê-hô-va cũng thông tri với Môi-se qua một thiên sứ. Kinh Thánh miêu tả điều xảy ra sau đó: “Khi Môi-se... đi xuống núi Si-na-i,... da mặt mình sáng-rực bởi vì mình hầu-chuyện Đức Giê-hô-va”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18–34:7, 29.

2. Sứ đồ Phao-lô nói gì về sự vinh hiển mà tín đồ Đấng Christ phản chiếu?

2 Hãy tưởng tượng bạn cũng có mặt trên ngọn núi ấy cùng với Môi-se. Thật nức lòng làm sao khi được thấy sự uy nghi rực rỡ của Đấng Toàn Năng và nghe Ngài nói! Được xuống núi cùng với Môi-se, người trung bảo của giao ước Luật Pháp, quả là một đặc ân! Dầu vậy, theo một nghĩa nào đó, bạn có biết tín đồ thật của Đấng Christ phản chiếu sự vinh hiển Đức Chúa Trời theo cách quan trọng hơn cách của Môi-se không? Điểm đáng suy nghĩ này được đề cập trong một lá thư của sứ đồ Phao-lô. Ông nói những tín đồ Đấng Christ được xức dầu “phản chiếu vinh quang của Chúa [Đức Giê-hô-va] như một bức gương”. (2 Cô-rinh-tô 3:7, 8, 18, T TGM ) Và có thể nói, những tín đồ Đấng Christ với hy vọng được sống trên đất cũng phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Cách tín đồ Đấng Christ phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

3. Chúng ta được biết Đức Giê-hô-va qua những cách khác với Môi-se như thế nào?

3 Làm sao chúng ta có thể phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời? Chúng ta không được thấy Đức Giê-hô-va cũng chẳng được nghe tiếng Ngài như Môi-se. Thế nhưng chúng ta biết Đức Giê-hô-va qua những cách mà Môi-se không biết. Sau khi Môi-se qua đời gần 1.500 năm, Chúa Giê-su mới xuất hiện với tư cách là Đấng Mê-si. Vì thế, Môi-se không được biết Luật Pháp đã ứng nghiệm thế nào nơi Chúa Giê-su, đấng đã chịu chết để chuộc nhân loại khỏi sự cai trị tàn ác của tội lỗi và sự chết. (Rô-ma 5:20, 21; Ga-la-ti 3:19) Ngoài ra, Môi-se chỉ có cái nhìn hạn hẹp về ý định tuyệt vời của Đức Giê-hô-va, ý định ấy tập trung vào Nước của Đấng Mê-si và Địa Đàng do Nước ấy mang lại. Như vậy chúng ta nhận thấy sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, không phải theo mắt thường, mà theo con mắt đức tin dựa trên sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Hơn nữa, chúng ta được nghe tiếng của Đức Giê-hô-va, không phải qua thiên sứ nhưng qua Kinh Thánh, đặc biệt các sách Phúc Âm miêu tả sống động sự dạy dỗ và thánh chức của Chúa Giê-su.

4. (a) Tín đồ Đấng Christ được xức dầu phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Những người có hy vọng được sống trên đất phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời theo những cách nào?

4 Tuy không phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời qua gương mặt tỏa sáng như Môi-se, nhưng gương mặt của tín đồ Đấng Christ sáng rỡ khi nói với người khác về những cá tính và ý định tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Về thời chúng ta, nhà tiên tri Ê-sai báo trước dân Đức Chúa Trời “sẽ rao-truyền sự vinh-hiển [Đức Giê-hô-va] ra trong các nước”. (Ê-sai 66:19) Ngoài ra, 2 Cô-rinh-tô 4:1, 2 nói: “Được chức-vụ nầy, thì chúng tôi... từ-bỏ mọi điều hổ-thẹn giấu-kín. Chúng tôi chẳng theo sự dối-gạt, và chẳng giả-mạo lời Đức Chúa Trời, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi tỏ-bày lẽ thật, khiến lương-tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng”. Phao-lô đặc biệt muốn nói đến tín đồ Đấng Christ được xức dầu là những người nhận chức vụ “giúp việc giao-ước mới”. (2 Cô-rinh-tô 3:6) Nhưng chức vụ của họ ảnh hưởng đến vô số người có hy vọng được sống đời đời trên đất. Chức vụ của hai lớp người này bao hàm việc phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va không những qua điều họ dạy mà còn qua cách họ sống. Phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời Tối Cao quả là một đặc ân và là một trách nhiệm của chúng ta!

5. Sự dư dật về thiêng liêng của chúng ta là bằng chứng cho điều gì?

5 Ngày nay, như Chúa Giê-su đã báo trước, tin mừng tuyệt diệu về Nước của Đức Chúa Trời đang được giảng ra khắp đất. (Ma-thi-ơ 24:14) Những người từ mọi nước, chi phái, dân tộc và mọi tiếng nhiệt thành hưởng ứng tin mừng và thay đổi lối sống để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (Rô-ma 12:2; Khải-huyền 7:9) Như các tín đồ thời ban đầu, họ không thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe. (Công-vụ 4:20) Ngày nay, trên sáu triệu người—hơn bất cứ thời nào trong lịch sử nhân loại—đang phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bạn có ở trong số họ không? Sự dư dật về thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời là bằng chứng rõ ràng cho thấy họ được Đức Giê-hô-va ban phước và bảo vệ. Bằng chứng thánh linh của Đức Giê-hô-va ở với chúng ta càng được thấy rõ khi nghĩ đến những thế lực đang chống lại chúng ta. Hãy xem tại sao.

Dân Đức Chúa Trời không nín lặng

6. Để đứng về phía Đức Giê-hô-va, tại sao cần có đức tin và lòng can đảm?

6 Giả sử bạn được mời làm nhân chứng trong phiên tòa xét xử một phạm nhân vô cùng tàn ác. Bạn biết tên tội phạm ấy có một tổ chức rất có thế lực và hắn sẽ tìm mọi cách buộc bạn không được khai tội hắn. Để làm chứng tố giác hắn, hẳn bạn cần can đảm và tin chắc rằng chính quyền sẽ bảo vệ bạn. Chúng ta cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Khi làm chứng về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài là chúng ta làm chứng tố giác Sa-tan Ma-quỉ, vạch trần hắn là kẻ giết người và là kẻ nói dối đang dỗ dành cả thiên hạ. (Giăng 8:44; Khải-huyền 12:9) Để đứng về phía Đức Giê-hô-va và chống lại Ma-quỉ, chúng ta cần có đức tin và lòng can đảm.

7. Ảnh hưởng của Sa-tan lớn như thế nào, và hắn cố làm gì?

7 Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Cao. Quyền năng Ngài hơn hẳn quyền năng của Sa-tan. Chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va không những có khả năng mà còn hết lòng mong muốn bảo vệ chúng ta khi chúng ta trung thành phụng sự Ngài. (2 Sử-ký 16:9) Tuy vậy, Sa-tan là chúa của các quỉ và của nhân loại xa cách Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 12:24, 26; Giăng 14:30) Bị hạn chế ở vùng phụ cận trái đất và lòng đầy “giận hoảng”, Sa-tan chống đối gay gắt tôi tớ của Đức Giê-hô-va và dùng thế gian dưới quyền cai trị của hắn để cố làm im tiếng những người rao truyền tin mừng. (Khải-huyền 12:7-9, 12, 17) Hắn cố làm điều này qua cách nào? Ít nhất qua ba cách.

8, 9. Sa-tan khiến người ta yêu thích những điều không đáng nào, và tại sao chúng ta phải cẩn thận trong việc chọn bạn?

8 Cách thứ nhất Sa-tan cố làm chúng ta sao lãng là những nỗi lo lắng trong cuộc sống. Trong thời kỳ sau rốt này, người ta đều yêu tiền, yêu bản thân và yêu thích sự vui chơi. Họ không yêu mến Đức Chúa Trời. (2 Ti-mô-thê 3:1-4) Bận rộn với công việc hàng ngày, đa số người ta đều “không ngờ”, hoặc không để ý đến tin mừng chúng ta giảng cho họ. Đơn giản là họ hoàn toàn không quan tâm đến việc học hỏi lẽ thật trong Kinh Thánh. (Ma-thi-ơ 24:37-39) Thái độ này hay lây và có thể dần dần đưa chúng ta vào tình trạng thờ ơ về thiêng liêng. Nếu nuôi dưỡng lòng yêu thích của cải và thú vui trong cuộc sống, tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Chúa Trời sẽ dần nguội lạnh.—Ma-thi-ơ 24:12.

9 Vì vậy, tín đồ Đấng Christ cẩn thận trong việc chọn bạn. Vua Sa-lô-môn viết: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. (Châm-ngôn 13:20) Mong rằng chúng ta “giao-tiếp” với những người phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Như thế thật tốt đẹp thay! Khi kết hợp với anh chị em đồng đạo tại các buổi nhóm họp và những dịp khác, chúng ta được khích lệ qua tình yêu thương, đức tin, sự vui vẻ và khôn ngoan của họ. Mối giao tiếp lành mạnh như thế giúp chúng ta càng bền chí thi hành thánh chức.

10. Sa-tan dùng sự chế giễu để chống lại những người phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời qua những cách nào?

10 Cách thứ nhì Sa-tan cố làm cho các tín đồ Đấng Christ ngừng phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là sự chế giễu. Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên về thủ đoạn này. Trong thời gian thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su Christ đã bị chế giễu: Ngài bị nhạo báng, chê cười, mắng nhiếc, và thậm chí bị nhổ vào mặt. (Mác 5:40; Lu-ca 16:14; 18:32) Các tín đồ thời ban đầu cũng bị nhạo báng. (Công-vụ 2:13; 17:32) Tôi tớ ngày nay của Đức Giê-hô-va cũng bị đối xử tồi tệ như thế. Trên thực tế họ bị gán là “tiên tri giả” như lời sứ đồ Phi-e-rơ báo trước: “Trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt... mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?... Muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế”. (2 Phi-e-rơ 3:3, 4) Dân Đức Chúa Trời bị chế giễu là những người không thực tế. Các tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh bị xem là lỗi thời. Đối với nhiều người, thông điệp chúng ta rao giảng là điên dại hay ngớ ngẩn. (1 Cô-rinh-tô 1:18, 19) Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có thể bị chế giễu ở trường, sở làm, và đôi lúc thậm chí trong vòng gia đình. Không hề nao núng, chúng ta tiếp tục phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời qua công việc rao giảng, vì như Chúa Giê-su, chúng ta biết Lời Đức Chúa Trời là lẽ thật.—Giăng 17:17.

11. Sa-tan dùng sự bắt bớ như thế nào hầu làm tín đồ Đấng Christ nín lặng?

11 Thủ đoạn thứ ba Ma-quỉ dùng để cố làm chúng ta nín lặng là sự chống đối hoặc bắt bớ. Chúa Giê-su nói với những người theo ngài: “Người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn-nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta”. (Ma-thi-ơ 24:9) Quả vậy, là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta gặp phải sự bắt bớ hiểm độc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta biết Đức Giê-hô-va đã tiên báo từ lâu rằng sẽ nảy sinh sự ghen ghét hay thù địch giữa những người phụng sự Ngài và những người theo Sa-tan Ma-quỉ. (Sáng-thế Ký 3:15) Chúng ta cũng biết rằng qua lòng trung kiên trước thử thách, chúng ta bênh vực cho quyền tối thượng chính đáng của Đức Giê-hô-va trong vũ trụ. Ý thức được điều này giúp chúng ta vững mạnh ngay cả trong những hoàn cảnh vô cùng gay go. Không sự bắt bớ nào làm chúng ta mãi mãi nín lặng nếu chúng ta quyết chí phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

12. Tại sao chúng ta vui mừng khi giữ lòng trung thành trước sự chống đối của Sa-tan?

12 Bạn có kháng cự sức lôi cuốn của thế gian đồng thời tỏ ra trung thành dù bị chế giễu và chống đối không? Nếu vậy, bạn có lý do để vui mừng. Chúa Giê-su đoan chắc với những người theo ngài: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt-bớ các đấng tiên-tri trước các ngươi như vậy”. (Ma-thi-ơ 5:11, 12) Sự bền đỗ của bạn chứng tỏ thánh linh mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va ở cùng bạn, trợ sức cho bạn để phản chiếu sự vinh hiển của Ngài.—2 Cô-rinh-tô 12:9.

Bền đỗ nhờ Đức Giê-hô-va

13. Vì lý do chính nào chúng ta bền đỗ trong thánh chức?

13 Một lý do chính để chúng ta bền đỗ trong thánh chức là vì chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và vui thích phản chiếu sự vinh hiển của Ngài. Con người thường có khuynh hướng bắt chước người họ yêu thương và kính trọng, và không ai xứng đáng hơn để chúng ta noi gương ngoài Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vì tình yêu thương cao cả của Ngài, Đức Giê-hô-va đã phái Con Ngài xuống trái đất để làm chứng cho lẽ thật và chuộc tội cho những người biết vâng lời. (Giăng 3:16; 18:37) Noi gương Đức Chúa Trời, chúng ta mong muốn mọi người ăn năn và được cứu; đó là lý do chúng ta rao giảng cho mọi người. (2 Phi-e-rơ 3:9) Mong muốn này, cùng với quyết tâm noi gương Đức Chúa Trời, thúc đẩy chúng ta bền chí trong việc phản chiếu sự vinh hiển của Ngài qua thánh chức.

14. Đức Giê-hô-va trợ lực bằng cách nào để chúng ta bền đỗ trong thánh chức?

14 Tuy nhiên, nguồn trợ lực chính giúp chúng ta bền đỗ trong thánh chức đến từ Đức Giê-hô-va. Ngài nâng đỡ và trợ lực chúng ta qua thánh linh, tổ chức và Lời Ngài là Kinh Thánh. Những người sẵn lòng phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va ‘nhờ quyền-phép vinh-hiển Ngài, được có sức-mạnh mọi bề mà chịu mọi sự ’. Ngài nhậm lời cầu nguyện và ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đương đầu với những thử thách. (Cô-lô-se 1:11; Gia-cơ 1:5) Hơn thế nữa, Đức Giê-hô-va cũng không để chúng ta phải chịu đựng những thử thách quá sức. Nếu chúng ta tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ mở đàng cho chúng ta hầu có thể tiếp tục phản chiếu sự vinh hiển của Ngài.—1 Cô-rinh-tô 10:13.

15. Điều gì giúp chúng ta bền đỗ?

15 Sự bền đỗ trong thánh chức là bằng chứng cho thấy thánh linh của Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Để minh họa: Giả sử, có người yêu cầu bạn đi từng nhà để phân phát miễn phí một loại bánh. Bạn được chỉ thị là làm công việc này bằng chi phí cá nhân và thời giờ riêng. Hơn nữa, bạn cũng sớm nhận ra rằng chỉ có vài người thật sự muốn nhận loại bánh đó; thậm chí một số người phản đối việc bạn đi phân phát loại bánh ấy. Bạn có nghĩ mình sẽ tiếp tục làm công việc đó tháng này qua tháng khác, năm này qua năm nọ không? Có lẽ không. Thế nhưng, bạn đã nỗ lực rao truyền tin mừng bằng thời giờ và chi phí riêng trong nhiều năm qua, thậm chí nhiều thập niên. Tại sao thế ? Chẳng phải vì bạn yêu mến Đức Giê-hô-va và được Ngài thưởng cho công khó của bạn bằng cách ban thánh linh giúp bạn bền đỗ sao? Chắc chắn là thế!

Một công việc sẽ được nhớ mãi

16. Khi chúng ta bền đỗ trong thánh chức, điều đó có nghĩa gì đối với chúng ta và những người lắng nghe chúng ta?

16 Chức vụ của giao ước mới là một món quà không gì sánh bằng. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Cũng vậy, thánh chức rao giảng mà lớp chiên khác đang thực hiện trên toàn cầu là một của quý. Khi tiếp tục bền đỗ trong thánh chức, bạn sẽ được như lời Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Con và kẻ nghe con sẽ được cứu”. (1 Ti-mô-thê 4:16) Hãy nghĩ xem những lời ấy có nghĩa gì. Tin mừng mà bạn rao giảng đem đến cho người khác cơ hội được nhận sự sống vĩnh cửu. Bạn có thể tạo một tình bạn thắm thiết với những người bạn giúp đỡ về thiêng liêng. Hãy tưởng tượng, thật thích thú biết bao khi được sống đời đời trong Địa Đàng cùng với những người mình giúp học biết về Đức Chúa Trời! Chắc chắn họ sẽ không quên công khó của bạn đã giúp họ. Quả là một điều mang lại thỏa lòng!

17. Tại sao thời kỳ của chúng ta là thời kỳ có một không hai trong lịch sử nhân loại?

17 Bạn đang sống trong thời kỳ có một không hai trong lịch sử nhân loại. Công việc rao giảng tin mừng giữa một thế gian xa cách Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ được lặp lại. Nô-ê từng sống giữa một thế gian như thế, và ông đã chứng kiến thế gian ấy qua đi. Hẳn ông vui mừng biết bao vì biết ông đã trung thành thực thi ý muốn Đức Chúa Trời qua việc đóng tàu, nhờ thế ông và cả gia đình được bảo toàn! (Hê-bơ-rơ 11:7) Bạn cũng có thể cảm nhận được niềm vui ấy. Hãy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào khi được vào thế giới mới và nhớ lại công việc mình đã làm trong thời kỳ cuối cùng này, biết rằng mình đã tham gia hết sức vào việc thúc đẩy quyền lợi Nước Trời.

18. Đức Giê-hô-va dành cho các tôi tớ Ngài lời đoan chắc và khích lệ nào?

18 Vì vậy, hãy tiếp tục phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đó là điều chúng ta sẽ nhớ mãi. Đức Giê-hô-va cũng nhớ công việc chúng ta làm. Kinh Thánh chứa đựng lời khích lệ: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa. Nhưng chúng ta mong rằng mỗi người trong anh em tỏ lòng sốt-sắng như vậy, đặng giữ lòng đầy-dẫy sự trông-cậy cho đến cuối-cùng; đến nỗi anh em không trễ-nải, nhưng cứ học-đòi những kẻ bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục mà được hưởng lời hứa”.—Hê-bơ-rơ 6:10-12.

Bạn có thể giải thích không?

• Tín đồ Đấng Christ phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như thế nào?

• Sa-tan dùng những thủ đoạn nào để cố làm cho dân Đức Chúa Trời phải nín lặng?

• Điều gì chứng tỏ thánh linh của Đức Chúa Trời ở với chúng ta?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Gương mặt Môi-se phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

[Các hình nơi trang 16, 17]

Chúng ta phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời qua thánh chức