Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bản Kinh Thánh Hoàng Gia—Một bước tiến quan trọng trong nền học thuật

Bản Kinh Thánh Hoàng Gia—Một bước tiến quan trọng trong nền học thuật

Bản Kinh Thánh Hoàng Gia—Một bước tiến quan trọng trong nền học thuật

CON THUYỀN giương buồm rời Tây Ban Nha để đến bán đảo Ý vào đầu thế kỷ 16. Bên trong khoang thuyền là một lượng hàng vô cùng quý giá—hầu hết số lượng bản Kinh Thánh Đa Ngữ Complutum, in từ năm 1514 đến năm 1517. Bất ngờ, một cơn bão lớn ập đến. Thủy thủ đoàn chống chọi quyết liệt với cơn bão để cứu thuyền, nhưng vô hiệu. Cả con thuyền lẫn lượng hàng vô giá ấy đều bị chìm.

Tai họa ấy dẫn đến nhu cầu cần in lại bản Kinh Thánh Đa Ngữ. Cuối cùng, ông Christophe Plantin, bậc thầy của ngành in đã đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này. Ông cần một nhà tài trợ giàu có để đỡ đầu cho công trình vĩ đại này, vì thế ông xin Vua Philip II của nước Tây Ban Nha làm nhà tài trợ chính thức. Trước khi đi đến quyết định, vua tham khảo ý kiến của nhiều học giả người Tây Ban Nha, trong số đó có ông Benito Arias Montano là một học giả Kinh Thánh nổi tiếng. Ông tâu với Vua Philip: “Ngoài việc phụng vụ Thiên Chúa và mang lại lợi ích cho giáo hội công giáo, công trình này còn đem đến vinh dự cao cả cho Bệ Hạ và cho danh tiếng của chính Đức Ngài”.

Thực hiện một bản nhuận sắc của bản Kinh Thánh Đa Ngữ Complutum sẽ là một thành tựu đáng kể về văn hóa, vì vậy Vua Philip quyết định ủng hộ tích cực dự án của ông Plantin. Vua giao cho Arias Montano trọng trách làm chủ biên của bản ấy, sau này được gọi là Kinh Thánh Hoàng Gia, hay bản Đa Ngữ Antwerp. *

Vua Philip quan tâm đến tiến trình in ấn bản Kinh Thánh Đa Ngữ đến nỗi yêu cầu được nhận bản in thử của mỗi trang sách. Dĩ nhiên, ông Plantin không sẵn lòng đợi các trang in thử được gửi đến Tây Ban Nha để quốc vương đọc qua và chỉnh sửa, rồi mới trở về tay ông. Trên thực tế, vua chỉ nhận được tờ đầu tiên ra khỏi máy in và có lẽ vài trang kế tiếp. Trong lúc ấy, ông Montano tiến hành công việc chỉnh sửa thật sự, với sự giúp đỡ đắc lực của ba học giả ở Louvain và cô con gái trẻ của người thợ in.

Một người yêu mến Lời Đức Chúa Trời

Ông Arias Montano làm việc hòa đồng với các học giả ở Antwerp. Quan điểm cởi mở khiến ông được lòng ông Plantin, và từ đó trở đi họ trở thành đôi bạn làm việc ăn ý. Ông Montano là người xuất chúng không những vì có học thuật uyên bác mà còn vì hết mực yêu mến Lời Đức Chúa Trời. * Thời trẻ, ông mong hoàn tất việc học để dành hết cuộc đời cho việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Ông Arias Montano cho rằng một bản dịch Kinh Thánh càng theo sát chữ càng tốt. Ông cố gắng dịch sát văn bản gốc, nhờ vậy tạo thuận lợi cho độc giả được đọc Lời thật của Đức Chúa Trời. Montano theo phương châm của Erasmus, người khuyến khích các học giả “giảng về Chúa Ky-tô dựa trên ngôn ngữ gốc”. Trong nhiều thế kỷ, người ta không lĩnh hội được nội dung Kinh Thánh vì các bản dịch tiếng La-tinh rất khó hiểu.

Bố cục của kiệt tác

Ông Arias Montano nhận được toàn bộ bản thảo do ông Alfonso de Zamora biên soạn và chỉnh sửa để in bản Đa Ngữ Complutum, và ông dùng các bản thảo này cho việc in ấn bản Kinh Thánh Hoàng Gia. *

Theo dự định ban đầu, bản Kinh Thánh Hoàng Gia chỉ là ấn bản lần thứ nhì của bản Đa Ngữ Complutum, nhưng kết quả thì không chỉ là một bản in lại có hiệu đính. Văn bản tiếng Hê-bơ-rơ và văn bản tiếng Hy Lạp (dựa trên bản dịch Septuagint) đều được lấy từ Kinh Thánh Complutum, sau đó những văn bản mới được thêm vào, cùng với phần phụ lục phong phú. Rốt cuộc bản Đa Ngữ mới này có tới tám tập. Quá trình ấn loát mất 5 năm, từ năm 1568 đến năm 1572, một thời gian rất ngắn so với tính chất phức tạp của công việc. Cuối cùng, 1.213 bản đã được ấn hành.

Tuy bản Đa Ngữ Complutum được ấn hành năm 1517 quả là một “kỳ công trong nghệ thuật ấn loát”, nhưng bản Đa Ngữ Antwerp thì hơn hẳn về kỹ thuật và nội dung. Đây là một bước tiến lớn lao khác trong lịch sử ngành in, và quan trọng hơn nữa là trong việc soạn những văn bản chuẩn được nhuận sắc của Kinh Thánh.

Kẻ thù tấn công Lời Đức Chúa Trời

Chẳng lạ gì khi sau đó không lâu, xuất hiện kẻ thù phản đối việc dịch thuật trung thực. Dù bản Đa Ngữ Antwerp được sự chấp thuận của giáo hoàng, và ông Arias Montano nổi tiếng là một học giả có uy tín, nhưng ông bị truy tố ra Tòa Án Dị Giáo. Theo kẻ chống đối, tác phẩm của ông ngụ ý rằng bản dịch mới của ông Santes Pagninus—bằng tiếng La-tinh có hiệu đính—sát nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp hơn bản dịch Vulgate đã được dịch trước đây nhiều thế kỷ. Họ cũng buộc tội ông Montano, vì muốn thực hiện một bản dịch trung thực của Kinh Thánh ông đã đối chiếu với các văn bản trong nguyên ngữ, một hành động họ cho là thuộc về dị giáo.

Thậm chí Tòa Án Dị Giáo còn khẳng định rằng: “Đức vua chẳng được vinh dự gì qua việc tài trợ cho công việc này”. Họ bất mãn vì ông Montano đã không tôn trọng đúng mức thẩm quyền của cuốn Vulgate, bản dịch tiếng La-tinh chính thức. Dù buộc tội ông như thế, họ không đủ chứng cớ để kết án ông và bản Kinh Thánh Đa Ngữ. Cuối cùng, bản Kinh Thánh Hoàng Gia được hoan nghênh và trở thành một tác phẩm tham khảo chuẩn trong nhiều trường đại học.

Công cụ hữu ích cho việc dịch Kinh Thánh

Dù không phải là một tác phẩm dành cho công chúng, nhưng bản Đa Ngữ Antwerp mau chóng trở thành công cụ hữu ích cho các dịch giả Kinh Thánh. Như bản trước là bản Đa Ngữ Complutum, bản này góp phần vào việc giúp nhuận sắc các văn bản Kinh Thánh vào thời đó. Công cụ này cũng giúp các dịch giả trau dồi sự hiểu biết về các nguyên ngữ của Kinh Thánh. Những bản dịch Kinh Thánh trong một số ngôn ngữ chính ở Châu Âu cũng được tham khảo từ tác phẩm này. Chẳng hạn, cuốn The Cambridge History of the Bible cho biết các dịch giả của bản Kinh Thánh nổi tiếng King James Version, còn gọi là Authorized Version, được in năm 1611, đã tham khảo bản Đa Ngữ Antwerp và xem đó là một công cụ hữu ích trong quá trình dịch các ngôn ngữ cổ xưa. Bản Kinh Thánh Hoàng Gia cũng có ảnh hưởng đáng kể đến hai bản Kinh Thánh đa ngữ có uy tín được xuất bản vào thế kỷ 17.—Xem khung “Các bản Kinh Thánh đa ngữ”.

Bản Đa Ngữ Antwerp có rất nhiều đặc điểm quý báu, chẳng hạn như giúp cho các học giả ở Châu Âu lần đầu tiên được đọc bản dịch tiếng Sy-ri cổ của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Văn bản tiếng Sy-ri cổ được đặt song song với bản tiếng La-tinh dịch sát chữ. Đây là phần bổ sung rất hữu ích vì bản tiếng Sy-ri cổ này là một trong những bản dịch xưa nhất của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Bản tiếng Sy-ri cổ thuộc thế kỷ thứ năm CN được thực hiện trên những bản chép tay sao lại vào thế kỷ thứ hai CN. Theo cuốn The International Standard Bible Encyclopedia, “người ta thường công nhận bản Peshitta [bằng tiếng Sy-ri cổ] rất hữu dụng trong việc phân tích văn bản Kinh Thánh. Đó là một trong những nguồn thông tin quan trọng và cổ nhất về những phong tục xưa”.

Bão táp và sự tấn công của Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha đều vô hiệu vì vào năm 1572, ấn bản mới của bản Đa Ngữ Complutum—được cải thiện và bổ sung—là bản Kinh Thánh Hoàng Gia đã xuất hiện. Lịch sử của bản Kinh Thánh Đa Ngữ Antwerp là một thí dụ khác về nỗ lực của những người có lòng thành thật nhằm bênh vực Lời của Đức Chúa Trời.

Dù họ có nhận thức được điều ấy hay không, công khó của những người tận tâm này đã chứng thực lời của nhà tiên tri Ê-sai. Cách nay gần ba ngàn năm, ông đã viết: “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!”—Ê-sai 40:8.

[Chú thích]

^ đ. 4 Bản này gọi là Kinh Thánh Hoàng Gia vì được tài trợ bởi Vua Philip và cũng có tên là bản Đa Ngữ Antwerp vì được in ở thành phố Antwerp, bấy giờ thuộc Đế Chế Tây Ban Nha.

^ đ. 7 Ông thông thạo tiếng Ả-rập, Hê-bơ-rơ, Hy Lạp, La-tinh và tiếng Sy-ri cổ, năm ngôn ngữ chính được dùng trong bản Kinh Thánh Đa Ngữ. Ông cũng có kiến thức sâu rộng về ngành khảo cổ, y khoa, khoa học tự nhiên và thần học, và vận dụng lượng kiến thức đó để soạn thảo phần phụ lục.

^ đ. 10 Muốn biết về tầm quan trọng của bản Kinh Thánh Đa Ngữ Complutum, xin xem Tháp Canh ngày 15-4-2004.

[Câu nổi bật nơi trang 13]

“Lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!”

[Khung/​Các hình nơi trang 12]

CÁC BẢN KINH THÁNH ĐA NGỮ

Học giả người Tây Ban Nha Federico Pérez Castro giải thích: “Kinh Thánh đa ngữ là một bản Kinh Thánh gồm nhiều thứ tiếng. Tuy nhiên, thông thường từ này chỉ về những bản Kinh Thánh có chứa văn bản nguyên ngữ. Theo định nghĩa hạn hẹp này thì có rất ít bản được gọi là Kinh Thánh đa ngữ”.

1. Bản Đa Ngữ Complutum (1514-1517), được sự bảo trợ của Hồng Y Cisneros và in ở Alcalá de Henares, Tây Ban Nha. Trọn bộ có sáu tập, gồm bốn ngôn ngữ: Hê-bơ-rơ, Hy Lạp, A-ram và La-tinh. Nhờ bản này, các dịch giả của thế kỷ 16 có được một văn bản chuẩn của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và A-ram.

2. Bản Đa Ngữ Antwerp (1568-1572), do học giả Benito Arias Montano biên tập. Ngoài văn bản của cuốn Complutum, có thêm bản Peshitta bằng tiếng Sy-ri cổ của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, và bản diễn ý Targum bằng tiếng A-ram của Jonathan. Bản tiếng Hê-bơ-rơ, có những dấu thế cho mẫu âm và dấu nhấn, được hiệu đính theo bản chuẩn bằng tiếng Hê-bơ-rơ của Jacob ben Hayyim. Vì vậy, đây là bản chuẩn của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ cho các dịch giả.

3. Bản Đa Ngữ Paris (1629-1645), do luật sư người Pháp là Guy Michel le Jay bảo trợ. Bản dịch này được phỏng theo bản Đa Ngữ Antwerp nhưng gồm thêm một vài văn bản bằng tiếng Sa-ma-ri và tiếng Ả-rập.

4. Bản Đa Ngữ Luân-đôn (1655-1657), do Brian Walton biên tập, cũng dựa trên bản Đa Ngữ Antwerp. Bản Đa Ngữ này gồm thêm các bản dịch Kinh Thánh cổ xưa bằng tiếng Ê-thi-ô-pi và tiếng Ba Tư, tuy vậy những bản dịch này không giúp gì nhiều cho việc hiểu rõ Kinh Thánh hơn.

[Nguồn tư liệu]

Biểu ngữ và bản Đa Ngữ Antwerp (hai hình dưới cùng): Biblioteca Histórica. Universidad Complutense de Madrid; bản Đa Ngữ Antwerp (hình trên): Với sự cho phép của Museum Plantin-Moretus/Stedelijk Prentenkabinet Antwerpen; bản Đa Ngữ Luân-đôn: Lấy từ sách The Walton Polyglot Bible, Tập III, 1655-1657

[Hình nơi trang 9]

Vua Philip II của Tây Ban Nha

[Nguồn tư liệu]

Philip II: Biblioteca Nacional, Madrid

[Hình nơi trang 10]

Arias Montano

[Nguồn tư liệu]

Ông Montano: Biblioteca Histórica. Universidad Complutense de Madrid

[Hình nơi trang 10]

Máy in xưa ở Antwerp, Bỉ

[Nguồn tư liệu]

Máy in: Với sự cho phép của Museum Plantin-Moretus/Stedelijk Prentenkabinet Antwerpen

[Các hình nơi trang 11]

Trái: Christophe Plantin và trang bìa của bản Đa Ngữ Antwerp

[Nguồn tư liệu]

Trang bìa và ông Plantin: Với sự cho phép của Museum Plantin-Moretus/Stedelijk Prentenkabinet Antwerpen

[Hình nơi trang 11]

Trên: Chương 15 của sách Xuất Ê-díp-tô Ký được in thành bốn cột

[Nguồn tư liệu nơi trang 9]

Trang bìa và ông Plantin: Với sự cho phép của Museum Plantin-Moretus/Stedelijk Prentenkabinet Antwerpen

[Nguồn tư liệu nơi trang 13]

Biblioteca Histórica. Universidad Complutense de Madrid