Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Luật pháp của tình yêu thương được ghi vào lòng

Luật pháp của tình yêu thương được ghi vào lòng

Luật pháp của tình yêu thương được ghi vào lòng

“Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng”.—GIÊ-RÊ-MI 31:33.

1, 2. (a) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này? (b) Trên Núi Si-na-i, Đức Giê-hô-va đã biểu hiện chính Ngài như thế nào?

NHƯ chúng ta đã học trong hai bài trước, khi Môi-se từ trên Núi Si-na-i xuống, gương mặt ông tỏa sáng vì phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng thảo luận về việc Môi-se che mặt. Trong bài này, chúng ta xem xét một vấn đề kế tiếp có ý nghĩa đối với tín đồ Đấng Christ ngày nay.

2 Khi ở trên núi, Môi-se nhận những mạng lệnh từ Đức Giê-hô-va. Dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại trước Núi Si-na-i và chứng kiến sự biểu hiện vô cùng ấn tượng về chính Đức Chúa Trời. “Có sấm vang chớp nhoáng, một áng mây mịt-mịt ở trên núi, và tiếng kèn thổi rất vang-động; cả dân-sự ở trong trại-quân đều run hãi... Vả bấy giờ, khắp núi Si-na-i đều ra khói, vì Đức Giê-hô-va ở trong lửa giáng-lâm nơi đó; khói ra khác nào khói của lò lửa lớn kia, và cả hòn núi đều rung-động cách kịch-liệt”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16-18.

3. Đức Giê-hô-va ban Mười Điều Răn cho dân Y-sơ-ra-ên bằng cách nào, và dân ấy hiểu ra điều gì?

3 Qua một thiên sứ, Đức Giê-hô-va đã thông tri với dân sự, ban cho họ những điều luật sau này được gọi là Mười Điều Răn. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17) Vì vậy, không nghi ngờ gì, những điều luật này chắc chắn đến từ Đấng Toàn Năng. Đức Giê-hô-va ghi những điều luật ấy trên hai bảng đá—hai bảng đá bị Môi-se đập vỡ khi ông thấy dân Y-sơ-ra-ên đang thờ phượng tượng bò bằng vàng. Đức Giê-hô-va viết lại những điều răn trên hai bảng đá khác. Lần này, khi Môi-se cầm hai bảng đá đi xuống núi, gương mặt ông tỏa sáng. Bấy giờ, cả dân sự hiểu rằng những điều luật ấy vô cùng quan trọng.—Xuất Ê-díp-tô Ký 32:15-19; 34:1, 4, 29, 30.

4. Tại sao Mười Điều Răn vô cùng quan trọng?

4 Hai bảng đá có khắc Mười Điều Răn được đặt trong hòm giao ước và để nơi Chí Thánh của đền tạm, và sau này là của đền thờ. Các điều luật ấy nêu ra những nguyên tắc cốt yếu cho giao ước Luật Pháp Môi-se và làm nền tảng cho thể chế thần quyền của nước Y-sơ-ra-ên. Việc Đức Giê-hô-va ban hành bộ luật này là bằng chứng cho thấy kể từ đó Ngài liên lạc với một dân đặc biệt, dân tộc được chọn.

5. Những điều luật Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên biểu lộ tình yêu thương của Ngài như thế nào?

5 Những điều luật đó cho chúng ta biết nhiều về Đức Giê-hô-va, đặc biệt về tình yêu thương của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên. Ấy quả là một món quà quý giá cho những người chịu tuân theo! Một học giả viết: “Từ trước đến nay chưa hề có nền luân lý nào do con người lập ra... có thể sánh kịp, nói gì đến ngang hàng hoặc trội hơn, Mười Điều Răn của Chúa”. Về trọn bộ Luật Pháp Môi-se, Đức Giê-hô-va phán: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế-gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh cho ta”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6.

Luật pháp được chép vào lòng

6. Luật pháp nào tỏ ra có giá trị hơn những điều luật khắc trên đá?

6 Quả vậy, những điều luật ấy đến từ Đức Chúa Trời và rất có giá trị. Dầu vậy, bạn có biết các tín đồ Đấng Christ được xức dầu sở hữu một điều có giá trị hơn hẳn những điều luật được khắc trên đá không? Đức Giê-hô-va nói trước rằng Ngài sẽ lập một giao ước mới khác với giao ước Luật Pháp được thiết lập với dân Y-sơ-ra-ên. “Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng”. (Giê-rê-mi 31:31-34) Chúa Giê-su, Đấng Trung Bảo của giao ước mới, không để lại cho các môn đồ một văn bản pháp luật. Nhưng qua lời nói và hành động, Ngài khắc sâu luật pháp của Đức Giê-hô-va vào lòng và trí họ.

7. “Luật-pháp của Đấng Christ” được ban trước tiên cho những ai, và sau đó lớp người nào cùng tuân theo luật pháp ấy?

7 Luật pháp này gọi là “luật-pháp của Đấng Christ” không được ban cho dân Y-sơ-ra-ên theo nghĩa đen tức con cháu của Gia-cốp, nhưng được ban trước tiên cho một dân theo nghĩa bóng, đó là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:2, 16; Rô-ma 2:28, 29) Dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời gồm các tín đồ Đấng Christ được xức dầu. Sau đó, một đám đông “vô-số người” từ mọi nước cũng tìm đến để cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 7:9, 10; Xa-cha-ri 8:23) Hợp thành “một bầy” thuộc về “một người chăn”, cả hai lớp người này đều tuân theo “luật-pháp của Đấng Christ” và để luật pháp ấy chi phối mọi việc làm của họ.—Giăng 10:16.

8. Có sự khác biệt nào giữa Luật Pháp Môi-se và luật pháp của Đấng Christ?

8 Khác với người gốc Y-sơ-ra-ên là những người bị ràng buộc bởi Luật Pháp Môi-se, các tín đồ tuân theo luật pháp của Đấng Christ là những người tình nguyện, bất kể chủng tộc và gốc gác. Họ học biết về Đức Giê-hô-va và đường lối Ngài, khao khát làm theo ý muốn Ngài. Có luật pháp Đức Chúa Trời “trong bụng”, hay được ghi “vào lòng”, tín đồ Đấng Christ được xức dầu vâng phục Đức Giê-hô-va không phải chỉ vì Ngài có thể trừng phạt những kẻ không vâng lời, cũng chẳng phải chỉ vì trách nhiệm. Sự vâng phục của họ xuất phát từ một điều cơ bản và mạnh mẽ hơn nhiều, và đó cũng là điều thúc đẩy lớp chiên khác vâng phục vì họ cũng có luật pháp Đức Chúa Trời ghi trong lòng.

Luật pháp dựa trên tình yêu thương

9. Chúa Giê-su cho thấy tình yêu thương là cốt lõi của luật pháp Đức Giê-hô-va như thế nào?

9 Cốt lõi của toàn bộ các luật pháp và mạng lệnh của Đức Giê-hô-va được đúc kết trong ba chữ: tình yêu thương. Đó luôn và mãi mãi là khía cạnh chính yếu trong sự thờ phượng thanh sạch. Khi có người hỏi điều răn nào lớn hơn hết trong Luật Pháp, Chúa Giê-su trả lời: “Hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến [Đức Giê-hô-va], là Đức Chúa Trời ngươi”. Kế đến là: “Hãy yêu kẻ lân-cận như mình”. Rồi ngài nói: “Hết thảy luật-pháp và lời tiên-tri đều bởi hai điều-răn đó mà ra”. (Ma-thi-ơ 22:35-40) Qua đó, Chúa Giê-su cho thấy không phải chỉ riêng Luật Pháp và Mười Điều Răn mà toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ đều dựa trên tình yêu thương.

10. Làm sao chúng ta biết tình yêu thương là trọng tâm luật pháp của Đấng Christ?

10 Phải chăng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận cũng là trọng tâm của luật pháp trong lòng tín đồ Đấng Christ? Hẳn là vậy! Luật pháp của Đấng Christ bao gồm lòng yêu mến Đức Chúa Trời cách chân thành và một điều răn mới, ấy là tín đồ Đấng Christ phải có tình yêu thương quên mình. Họ phải yêu thương nhau như Chúa Giê-su đã sẵn lòng vì bạn hữu mà phó sự sống mình. Ngài dạy các môn đồ yêu Đức Chúa Trời và yêu thương nhau, như ngài đã yêu họ. Tình yêu thương nổi bật mà họ thể hiện với nhau là đặc điểm chính để nhận diện tín đồ chân chính của Đấng Christ. (Giăng 13:34, 35; 15:12, 13) Chúa Giê-su còn dạy họ phải yêu kẻ thù của mình.—Ma-thi-ơ 5:44.

11. Chúa Giê-su đã bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và nhân loại như thế nào?

11 Chúa Giê-su nêu gương mẫu hoàn hảo về việc bày tỏ tình yêu thương. Là tạo vật thần linh mạnh mẽ ở trên trời, ngài sẵn lòng đón nhận cơ hội đẩy mạnh quyền lợi của Cha ngài ở trên đất. Ngoài việc hy sinh mạng sống để nhân loại có cơ hội được sống đời đời, ngài còn chỉ họ lối sống nên theo. Ngài khiêm nhường, tử tế và ân cần, giúp đỡ những người bị áp bức và nặng gánh. Ngài cũng truyền dạy “những lời của sự sống đời đời”, không quản công giúp người khác học biết về Đức Giê-hô-va.—Giăng 6:68.

12. Tại sao có thể nói tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận có liên quan chặt chẽ với nhau?

12 Thật ra, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận có liên quan chặt chẽ với nhau. Sứ đồ Giăng nói: “Sự yêu-thương đến từ Đức Chúa Trời... Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được”. (1 Giăng 4:7, 20) Đức Giê-hô-va vừa là nguồn vừa là hiện thân của tình yêu thương. Mọi việc Ngài làm đều vì tình yêu thương. Chúng ta biết yêu thương vì được dựng nên theo hình ảnh Ngài. (Sáng-thế Ký 1:27) Khi bày tỏ tình yêu thương với người lân cận là chúng ta biểu lộ tình yêu thương với Đức Chúa Trời.

Yêu thương đồng nghĩa với vâng phục

13. Muốn yêu thương Đức Chúa Trời, trước hết chúng ta phải làm gì?

13 Làm sao có thể yêu mến Đức Chúa Trời, Đấng chúng ta không thấy được? Bước đầu tiên không thể thiếu là học biết về Ngài. Chúng ta không thể thật lòng yêu thương hay tin cậy một người lạ. Vì vậy, Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta học biết về Đức Chúa Trời qua việc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và kết hợp với những người đã biết và yêu mến Ngài. (Thi-thiên 1:1, 2; Phi-líp 4:6; Hê-bơ-rơ 10:25) Bốn sách Phúc Âm đặc biệt hữu ích vì những sách này cho biết cá tính của Đức Giê-hô-va được phản ánh qua đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su Christ. Ước muốn vâng lời và noi theo các đức tính Đức Chúa Trời càng mãnh liệt hơn khi chúng ta dần học biết về Ngài và quý trọng tình thương Ngài thể hiện với chúng ta. Quả vậy, lòng yêu thương Đức Chúa Trời đòi hỏi sự vâng phục.

14. Tại sao có thể nói luật pháp Đức Chúa Trời chẳng phải là nặng nề?

14 Khi yêu thương người khác, chúng ta biết họ thích hoặc không thích gì, và chúng ta cư xử sao cho phù hợp. Chúng ta không muốn làm buồn lòng người chúng ta yêu thương. Sứ đồ Giăng viết: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Những điều răn ấy không là gánh nặng, cũng chẳng phải quá nhiều. Tình yêu thương làm kim chỉ nam cho đường lối của chúng ta. Chúng ta không cần phải nhớ một văn bản gồm vô số luật lệ để hướng dẫn mọi hành động của mình, vì tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời sẽ là kim chỉ nam. Nếu chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời thì làm theo ý muốn Ngài lại là một niềm vui. Nhờ đó chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận và cũng nhận được lợi ích vì sự hướng dẫn của Ngài luôn hữu ích cho chúng ta.—Ê-sai 48:17.

15. Động lực nào thúc đẩy chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va? Hãy giải thích.

15 Lòng yêu thương Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta noi theo các đức tính của Ngài. Khi yêu thương một ai, chúng ta ngưỡng mộ những đức tính của người ấy và cố gắng làm theo. Hãy xem mối quan hệ giữa Đức Giê-hô-va và Con Ngài. Chúa Giê-su ở trên trời cùng với Cha ngài có lẽ đã hàng tỷ năm. Giữa hai đấng ấy đã nảy nở một tình yêu thương sâu đậm và trọn vẹn. Vì vậy Chúa Giê-su đã giống Cha ngài một cách hoàn hảo đến nỗi ngài nói với các môn đồ: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”. (Giăng 14:9) Khi có sự hiểu biết và biết ơn Đức Giê-hô-va cùng Con Ngài, chúng ta được thôi thúc muốn trở nên giống như hai đấng ấy. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va, kèm theo sự giúp đỡ của thánh linh, giúp chúng ta có thể “lột bỏ người cũ cùng công-việc nó, mà mặc lấy người mới”.—Cô-lô-se 3:9, 10; Ga-la-ti 5:22, 23.

Tình yêu thương qua hành động

16. Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận được biểu hiện thế nào qua công việc rao giảng và dạy dỗ của chúng ta?

16 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta để cho tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận thúc đẩy chúng ta góp phần trong công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. Bởi công việc đó, chúng ta làm đẹp lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng “muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:3, 4) Vì thế, chúng ta tìm được niềm vui khi giúp người khác tiếp nhận luật pháp của Đấng Christ, ghi luật pháp ấy vào lòng. Chúng ta vui thích khi thấy họ thay đổi nhân cách để phản ánh những đức tính thánh thiện của Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 3:18, Tòa Tổng Giám Mục) Thật vậy, giúp người khác học biết về Đức Chúa Trời là món quà quý báu nhất chúng ta có thể cho họ. Những người trân trọng tình bạn với Đức Giê-hô-va có thể vui hưởng tình bạn ấy mãi mãi.

17. Tại sao vun trồng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận thay vì yêu chuộng của cải vật chất là điều khôn ngoan?

17 Chúng ta sống trong một thế gian xem trọng, thậm chí yêu của cải vật chất. Tuy nhiên, của cải vật chất không tồn tại mãi. Chúng có thể bị đánh cắp hoặc mục nát. (Ma-thi-ơ 6:19) Kinh Thánh cảnh báo chúng ta: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. (1 Giăng 2:16, 17) Quả thế, Đức Giê-hô-va tồn tại muôn đời, những người yêu mến và phụng sự Ngài cũng thế. Do vậy, thay vì theo đuổi mọi sự chỉ có giá trị nhất thời ở thế gian, chúng ta vun trồng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại chẳng phải là khôn ngoan hơn sao?

18. Một chị giáo sĩ đã biểu lộ tình yêu thương quên mình như thế nào?

18 Những người theo đuổi đường lối yêu thương mang lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va. Hãy xem trường hợp của chị Sonia, một giáo sĩ ở Senegal, Phi Châu. Chị có một học viên Kinh Thánh tên là Heidi, một phụ nữ bị nhiễm HIV từ người chồng không tin đạo. Sau khi người chồng qua đời, Heidi làm báp têm, nhưng chẳng bao lâu tình trạng sức khỏe của chị xấu đi và chị được đưa vào bệnh viện vì bệnh AIDS (SIDA). Chị Sonia kể: “Các y công đã làm việc hết sức nhưng họ chỉ có vài người, nên các anh chị trong hội thánh tình nguyện thay phiên chăm sóc chị ấy tại bệnh viện. Vào đêm thứ hai chị ấy nhập viện, tôi ngủ lại trên chiếc chiếu cạnh giường và giúp chăm sóc cho đến khi chị nhắm mắt. Vị bác sĩ chủ trị nói: ‘Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là ngay cả người thân cũng thường bỏ mặc bệnh nhân khi biết người ấy mắc bệnh AIDS. Nhưng cô, không phải bà con thân thích, không phải người đồng hương, cũng chẳng cùng màu da với bệnh nhân, sao lại liều mình đến thế?’ Tôi giải thích rằng Heidi thật sự là người chị em của tôi, thân thiết như thể cùng cha cùng mẹ. Vì xem chị ấy như chị ruột nên tôi sẵn lòng chăm sóc chị ấy”. Điều tốt là chị Sonia vẫn vô sự sau thời gian hết lòng chăm sóc chị Heidi.

19. Có luật pháp Đức Chúa Trời ở trong lòng, chúng ta nên tận dụng mọi dịp làm gì?

19 Trong vòng tôi tớ Đức Giê-hô-va có nhiều tấm gương về tình yêu thương quên mình. Ngày nay, điều giúp nhận diện dân Đức Chúa Trời không phải là một bộ luật thành văn. Thay vì thế, chúng ta thấy sự ứng nghiệm của lời được ghi nơi Hê-bơ-rơ 8:10: “Chúa lại phán: Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó: Ta sẽ để luật-pháp ta trong trí họ và ghi-tạc vào lòng; ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, họ sẽ làm dân ta”. Mong sao chúng ta luôn trân trọng luật pháp của tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va chép vào lòng chúng ta, tận dụng mọi dịp để bày tỏ tình yêu thương.

20. Tại sao luật pháp của Đấng Christ là một gia sản vô giá?

20 Phụng sự Đức Chúa Trời vai kề vai với một đoàn thể anh em quốc tế chan chứa yêu thương quả là niềm vui! Những người có luật pháp Đấng Christ trong lòng được sở hữu một gia sản vô giá giữa thế gian vô cảm ngày nay. Họ không những được hưởng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va mà còn hưởng tình yêu thương gắn bó với anh em đồng đạo. “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” Dù khác nhau về quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa, Nhân Chứng Giê-hô-va được hưởng sự hợp nhất về tôn giáo không đâu sánh bằng. Sự hợp nhất này mang lại ân phước của Đức Giê-hô-va. Người viết Thi-thiên ghi: “Tại đó [giữa anh em hợp nhất trong tình yêu thương] Đức Giê-hô-va đã ban phước, tức là sự sống cho đến đời đời”.—Thi-thiên 133:1-3.

Bạn có thể trả lời không?

• Mười Điều Răn quan trọng đến mức nào?

• Luật pháp được chép vào lòng là gì?

• Tình yêu thương đóng vai trò nào trong “luật-pháp của Đấng Christ”?

• Chúng ta biểu lộ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận qua những cách nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 25]

Dân Y-sơ-ra-ên có luật pháp khắc trên bảng đá

[Các hình nơi trang 26]

Tín đồ Đấng Christ có luật pháp Đức Chúa Trời khắc ở trong lòng

[Hình nơi trang 28]

Chị Sonia và một bé gái người Senegal tại đại hội địa hạt năm 2004