Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Sự chết đã bị nuốt mất”

“Sự chết đã bị nuốt mất”

“Sự chết đã bị nuốt mất”

HÃY tưởng tượng bạn đang đọc nhật báo với đầu đề trên thay vì dòng chữ nói về một bé gái tự tử. Dĩ nhiên, chưa nhật báo nào đăng được một tin như thế. Nhưng những lời trên quả được ghi trong một cuốn sách có từ hàng ngàn năm—Kinh Thánh.

Trong Kinh Thánh, sự chết được giải thích rõ ràng. Ngoài ra, Kinh Thánh không chỉ tiết lộ nguyên nhân tại sao chúng ta chết mà còn giải thích tình trạng của người chết và mang lại hy vọng cho những người thân đã mất của chúng ta. Cuối cùng, Kinh Thánh nói về một thời điểm trọng đại khi chúng ta có thể nói: “Sự chết đã bị nuốt mất”.—1 Cô-rinh-tô 15:54.

Kinh Thánh giải thích sự chết bằng những từ ngữ quen thuộc thay vì những từ ngữ bí ẩn. Chẳng hạn, Kinh Thánh nhiều lần ví sự chết với giấc “ngủ”, và miêu tả người chết như “người đã ngủ”. (Thi-thiên 13:3; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13; Giăng 11:11-14) Sự chết cũng bị xem là “kẻ thù”. (1 Cô-rinh-tô 15:26) Quan trọng hơn, Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu tại sao sự chết giống như một giấc ngủ, tại sao nhân loại phải chết, và kẻ thù này cuối cùng sẽ bị đánh bại như thế nào.

Tại sao chúng ta chết?

Sách đầu tiên của Kinh Thánh thuật lại việc Đức Chúa Trời đã tạo người đàn ông đầu tiên là A-đam và đặt ông vào tổ ấm địa đàng. (Sáng-thế Ký 2:7, 15) Sau khi được tạo ra, A-đam được giao những công việc, kèm với một lệnh cấm nghiêm ngặt. Nói về một cây trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời phán với ông: “[Ngươi] chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. * (Sáng-thế Ký 2:17) Thế nên, A-đam hiểu sự chết là điều có thể tránh được. Đó chẳng qua là hậu quả trực tiếp của sự vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời.

Đáng buồn thay, vợ chồng A-đam và Ê-va đã không vâng lời. Họ lờ đi ý muốn của Đấng Tạo Hóa và gặt lấy những hậu quả. Nêu ra hậu quả tội lỗi của họ, Ngài phán: “Ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”. (Sáng-thế Ký 3:19) Từ lúc đó, họ mang một khiếm khuyết trầm trọng—sự bất toàn. Sự bất toàn của họ, hay tình trạng có tội, dẫn đến sự chết.

Khiếm khuyết này, tức tội lỗi, đã truyền cho con cháu của A-đam và Ê-va, tức toàn thể nhân loại. Điều đó tương tự như một bệnh di truyền. Không những A-đam đánh mất cơ hội hưởng đời sống không có bóng của sự chết mà ông còn truyền sự bất toàn cho con cháu. Cả gia đình nhân loại bị tội lỗi bắt làm con tin. Kinh Thánh nói: “Cho nên, như bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.—Rô-ma 5:12.

“Tội-lỗi vào trong thế-gian”

Khiếm khuyết di truyền này, tức tội lỗi, không thể thấy được qua kính hiển vi. “Tội-lỗi” ám chỉ sự khiếm khuyết về đạo đức và tâm linh mà tổ phụ đầu tiên đã truyền cho chúng ta, và nó có những hậu quả về mặt thể chất. Tuy nhiên, Kinh Thánh tiết lộ rằng Đức Chúa Trời đã cung cấp một phương thuốc cứu chữa. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”. (Rô-ma 6:23) Trong lá thư thứ nhất gửi cho tín hữu ở thành Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô nói thêm một điểm củng cố lòng tin cậy, và điểm đó rất có ý nghĩa đối với ông: “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại”.—1 Cô-rinh-tô 15:22.

Rõ ràng, Chúa Giê-su Christ đóng vai trò trọng yếu trong việc loại trừ tội lỗi và sự chết. Ngài nói rằng ngài xuống trái đất để “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Tình cảnh này có thể được ví với một vụ bắt cóc, qua đó việc giải thoát con tin chỉ có thể thực hiện được bằng số tiền chuộc được định rõ. Trong trường hợp chúng ta, giá chuộc để giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết là mạng sống của Chúa Giê-su, mạng sống của một con người không có tội lỗi. *Công-vụ 10:39-43.

Nhằm cung cấp giá chuộc, Đức Chúa Trời đã phái Chúa Giê-su xuống trái đất để hy sinh mạng sống. “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy... được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16) Trước khi hy sinh mạng sống, Đấng Christ đã “làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37) Trong thời gian thực hiện sứ mạng trên đất, ngài đã tận dụng một số biến cố cụ thể để tiết lộ lẽ thật về sự chết.

“Con gái nhỏ nầy... ngủ”

Khi sống trên đất, Chúa Giê-su không lạ gì về sự chết. Ngài từng thấm thía nỗi đau buồn vì mất người thân, và ý thức rõ chính ngài sẽ chết sớm. (Ma-thi-ơ 17:22, 23) Dường như vài tháng trước khi Chúa Giê-su bị hành hình, bạn thân của ngài là La-xa-rơ chết. Sự kiện này giúp chúng ta hiểu quan điểm của Chúa Giê-su về sự chết.

Không lâu sau khi nhận được tin La-xa-rơ chết, Chúa Giê-su nói: “La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người”. Các sứ đồ cho rằng nếu La-xa-rơ đang ngủ, hẳn ông sẽ khỏe thôi. Vì vậy, Chúa Giê-su nói rõ: “La-xa-rơ chết rồi”. (Giăng 11:11-14) Rõ ràng, Chúa Giê-su xem sự chết như giấc ngủ. Sự chết có thể là điều khó hiểu đối với chúng ta, nhưng giấc ngủ thì chúng ta hiểu. Ban đêm, khi ngủ say chúng ta không ý thức được thời gian và những điều đang xảy ra chung quanh vì bấy giờ chúng ta đang ở trạng thái tạm thời mất ý thức. Kinh Thánh giải thích chính xác tình trạng của người chết giống như thế. Truyền-đạo 9:5 nói: “Kẻ chết chẳng biết chi hết”.

Chúa Giê-su cũng so sánh sự chết với giấc ngủ vì người chết có thể được đánh thức, nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời. Vào dịp nọ, Chúa Giê-su đến thăm một gia đình quẫn trí vì con gái nhỏ của họ vừa qua đời. Chúa Giê-su phán: “Con gái nhỏ nầy chẳng phải chết đâu, nhưng nó ngủ”. Rồi khi ngài đến bên thi hài và cầm tay bé gái, em “chờ dậy”. Nói cách khác, em sống lại.—Ma-thi-ơ 9:24, 25.

Tương tự như thế, Chúa Giê-su làm cho bạn ngài là La-xa-rơ sống lại. Nhưng trước khi thực hiện phép lạ đó, ngài an ủi Ma-thê: “Anh ngươi sẽ sống lại”. Bà ấy vững tin trả lời: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại”. (Giăng 11:23, 24) Rõ ràng, bà tin rằng tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ được sống lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Sự sống lại thật sự là gì? Từ Hy Lạp được dịch “sự sống lại” (a·naʹsta·sis) có nghĩa đen là “đứng dậy”. Đây nói đến việc người chết đứng dậy. Đối với một số người, điều này không thể tin được, nhưng sau khi nói người chết sẽ nghe tiếng ngài kêu, Chúa Giê-su phán: “Chớ lấy điều đó làm lạ”. (Giăng 5:28) Những phép lạ về sự sống lại do chính Chúa Giê-su thực hiện khi ngài sống trên đất tạo cho chúng ta lòng tin cậy nơi lời hứa trong Kinh Thánh rằng người chết, nếu được giữ trong ký ức của Đức Chúa Trời, thì sẽ thức dậy sau giấc “ngủ” dài. Sách Khải-huyền 20:13 tiên tri: “Biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và Âm-phủ [mồ mả chung của nhân loại] cũng đem trả những người chết mình có”.

Phải chăng những người chết này được sống lại để rồi già và chết một lần nữa như La-xa-rơ ? Đó không phải là ý định của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cam đoan với chúng ta là một ngày kia ‘sẽ không có sự chết nữa’, vì vậy sẽ không có ai già và chết.—Khải-huyền 21:4.

Sự chết là kẻ thù. Nhân loại có nhiều kẻ thù chung khác, chẳng hạn như bệnh tật và tuổi già cũng gây nhiều đau khổ. Đức Chúa Trời hứa sẽ chế ngự tất cả những điều ấy, và cuối cùng Ngài thi hành án trên kẻ thù lớn nhất của nhân loại. “Kẻ thù bị hủy-diệt sau-cùng, tức là sự chết”.—1 Cô-rinh-tô 15:26.

Khi lời hứa đó được thực hiện, loài người sẽ hưởng một đời sống hoàn toàn, tức đời sống không còn tội lỗi và sự chết nữa. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta được an ủi khi biết những người thân đã qua đời hiện đang yên ngủ, và nếu họ được giữ trong ký ức của Đức Chúa Trời thì đến kỳ định họ sẽ được sống lại.

Hiểu về sự chết giúp đời sống có ý nghĩa

Hiểu rõ về sự chết và hy vọng cho người chết có thể thay đổi nhân sinh quan của chúng ta. Anh Ian được đề cập trong bài trước đã học biết lời giải thích của Kinh Thánh về sự chết khi anh độ 20 tuổi. Anh nói: “Tôi luôn có hy vọng mơ hồ rằng cha tôi đang hiện hữu ở một nơi nào đó. Vì vậy, khi được biết ông chỉ đang ngủ trong sự chết, thoạt tiên tôi cảm thấy thất vọng”. Dù vậy, khi anh Ian đọc được lời hứa của Đức Chúa Trời về việc Ngài làm người chết sống lại, anh vui mừng khôn xiết vì biết có thể gặp lại cha. Anh nhớ lại: “Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy bình an”. Hiểu biết đúng về sự chết đã mang lại bình an nội tâm và xoa dịu tâm hồn anh.

Ông bà Clive và Brenda đã mất người con trai 21 tuổi tên Steven trong tai nạn xe được đề cập trong bài trước. Dù biết Kinh Thánh nói gì về sự chết nhưng họ vẫn đau lòng khi mất con một cách đột ngột. Dù sao, sự chết vẫn là một kẻ thù, và cái nọc của nó gây đau đớn. Sự hiểu biết Kinh Thánh về tình trạng người chết dần dần làm họ vơi đi nỗi đau. Bà Brenda nói: “Hiểu biết về sự chết giúp chúng tôi nhặt nhạnh lại những vụn vỡ của tâm hồn và tiếp tục sống. Dĩ nhiên, không ngày nào mà chúng tôi không nghĩ đến lúc Steven sẽ thức dậy sau giấc ngủ say”.

“Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?”

Rõ ràng, hiểu được tình trạng của người chết giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về đời sống. Sự chết không còn là điều bí ẩn. Chúng ta có thể hưởng đời sống mà không có nỗi khiếp sợ về kẻ thù này lởn vởn trong trí. Khi ý thức rằng chết không phải là hết, chúng ta không cần theo đuổi lối sống hưởng thụ vì cho rằng “đời rất ngắn ngủi”. Chúng ta được an ủi và cảm thấy muốn sống khi biết rằng người thân yêu quá cố, trong ký ức Đức Chúa Trời, hiện đang ngủ và đợi được sống lại.

Đúng thế, chúng ta vững tin nhìn về tương lai khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng ban sự sống, sẽ chôn vùi sự chết mãi mãi. Thật là một ân phước khi chúng ta có thế để hỏi: “Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?”—1 Cô-rinh-tô 15:55.

[Chú thích]

^ đ. 6 Đây là lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến sự chết.

^ đ. 11 Giá chuộc là mạng sống của một con người không có tội lỗi, vì đó là điều A-đam đã đánh mất. Tội lỗi đã truyền sang cả nhân loại, thế nên không một con người bất toàn nào có thể được dùng để làm giá chuộc. Vì vậy, nhằm mục đích này, Đức Chúa Trời đã phái Con Ngài từ trời xuống. (Thi-thiên 49:7-9) Để biết thêm về đề tài này, hãy xem chương 7 trong sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 5]

Việc A-đam và Ê-va không vâng lời đã dẫn đến sự chết

[Hình nơi trang 6]

Chúa Giê-su cầm tay bé gái đã chết, và em chờ dậy

[Hình nơi trang 7]

Nhiều người chờ đến thời kỳ người thân đã qua đời sẽ được đánh thức như La-xa-rơ