Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ Đấng Christ phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va

Tín đồ Đấng Christ phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va

Tín đồ Đấng Christ phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va

“Phước cho mắt các ngươi, vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được!”—MA-THI-Ơ 13:16.

1. Câu hỏi nào được nêu lên liên quan đến phản ứng của dân Y-sơ-ra-ên đối với Môi-se tại Núi Si-na-i?

DÂN Y-sơ-ra-ên đang tụ họp tại Núi Si-na-i có đủ lý do để đến gần Đức Giê-hô-va. Suy cho cùng, Ngài đã giải cứu họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô bằng cánh tay quyền năng. Ngài đã chăm sóc nhu cầu của họ, cung cấp thực phẩm và nước uống trong đồng vắng. Tiếp đến, Ngài cho họ thắng lợi trước sự tấn công của quân A-ma-léc. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:26-31; 16:2–17:13) Khi đóng trại trước Núi Si-na-i trong đồng vắng, dân sự kinh hãi vì sấm vang và chớp nhoáng đến nỗi họ run rẩy. Sau đó, họ thấy Môi-se từ trên núi đi xuống, gương mặt ông phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Song, thay vì thán phục và cảm kích, họ né tránh. Họ “sợ không dám lại gần [Môi-se]”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:10-19; 34:30) Tại sao họ sợ không dám nhìn ánh sáng phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, Đấng đã làm rất nhiều điều cho họ?

2. Có lẽ vì lý do nào mà dân Y-sơ-ra-ên sợ không dám nhìn sự vinh hiển của Đức Chúa Trời phản chiếu qua gương mặt Môi-se?

2 Rất có thể, nỗi sợ hãi của dân Y-sơ-ra-ên trong trường hợp này phần lớn có nguyên nhân từ việc xảy ra trước đó. Khi họ cố ý bất tuân Đức Giê-hô-va qua việc đúc tượng bò con bằng vàng, Ngài đã sửa trị họ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:4, 35) Họ có học được gì từ sự sửa trị của Đức Giê-hô-va và biết ơn về điều đó không? Không, hầu hết là không. Gần cuối đời, Môi-se đã nhắc lại sự việc liên quan đến con bò vàng cùng với những lần dân Y-sơ-ra-ên bất tuân lời Ngài. Ông nói với dân sự: “Các ngươi đã bội-nghịch mạng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, không tin Ngài và không nghe theo tiếng Ngài. Từ ngày ta biết các ngươi cho đến bây giờ, các ngươi thường phản-nghịch cùng Đức Giê-hô-va”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:15-24.

3. Môi-se đã che mặt như thế nào?

3 Hãy xem Môi-se đã phản ứng thế nào trước nỗi sợ hãi của dân Y-sơ-ra-ên. Lời tường thuật cho biết: “Môi-se thôi nói chuyện cùng họ, liền lấy lúp che mặt mình lại. Khi Môi-se vào [đền tạm] trước mặt Đức Giê-hô-va đặng hầu-chuyện Ngài, thì dở lúp lên cho đến chừng nào lui ra; đoạn ra nói lại cùng dân Y-sơ-ra-ên mọi lời Ngài đã phán dặn mình. Dân Y-sơ-ra-ên nhìn mặt Môi-se thấy da mặt người sáng-rực, thì Môi-se lấy lúp che mặt mình cho đến khi nào vào hầu-chuyện Đức Giê-hô-va”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:33-35) Tại sao có lúc Môi-se che mặt? Chúng ta học được gì từ việc này? Lời giải đáp cho những câu hỏi này có thể giúp chúng ta đánh giá mối quan hệ của chính mình với Đức Giê-hô-va.

Bỏ lỡ cơ hội

4. Sứ đồ Phao-lô cho biết việc Môi-se che mặt nói lên điều gì?

4 Sứ đồ Phao-lô giải thích việc Môi-se che mặt có liên quan đến lòng và trí của chính dân Y-sơ-ra-ên. Ông viết: “Con-cái Y-sơ-ra-ên không có thể ngó trên mặt Môi-se, vì cớ sự sáng-láng trên mặt người... Lòng họ đã cứng-cỏi”. (2 Cô-rinh-tô 3:7, 14) Thật là một tình trạng tồi tệ! Y-sơ-ra-ên là dân được chọn của Đức Giê-hô-va, và Ngài muốn họ đến gần Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4-6) Song, họ lại ngại không dám nhìn ánh sáng phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thay vì hướng tâm và trí về Đức Giê-hô-va với lòng sùng kính yêu thương, theo một nghĩa nào đó họ đã từ bỏ Ngài.

5, 6. (a) Trường hợp nào trong thế kỷ thứ nhất CN tương đương với dân Y-sơ-ra-ên thời Môi-se ? (b) Có điểm tương phản nào giữa những người nghe lời của Chúa Giê-su và những người không nghe?

5 Về khía cạnh này, chúng ta thấy có một trường hợp tương đương trong thế kỷ thứ nhất CN. Đến lúc Phao-lô cải đạo để trở thành tín đồ Đấng Christ, giao ước Luật Pháp đã được thay thế bởi giao ước mới do Chúa Giê-su làm đấng Trung Bảo, tức Môi-se Lớn. Trong lời nói lẫn việc làm, Chúa Giê-su phản chiếu tuyệt hảo sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Về Chúa Giê-su sau khi đã sống lại, Phao-lô viết: “[Chúa Giê-su] là sự chói-sáng của sự vinh-hiển Đức Chúa Trời và hình-bóng của bổn-thể Ngài”. (Hê-bơ-rơ 1:3) Dân Do Thái có một cơ hội thật tuyệt diệu! Họ có thể lắng nghe chính Con của Đức Chúa Trời giảng những lời của sự sống đời đời! Đáng buồn thay, đa số người Do Thái được Chúa Giê-su rao giảng đã không lắng nghe. Nói về họ, Chúa Giê-su trích dẫn lời báo trước của Đức Giê-hô-va qua Ê-sai: “Lòng dân nầy đã cứng-cỏi; đã làm cho nặng tai và nhắm mắt mình lại, e khi mắt mình thấy được, tai mình nghe được, lòng mình hiểu được, họ tự hối-cải lại, và ta chữa họ được lành chăng”.—Ma-thi-ơ 13:15; Ê-sai 6:9, 10.

6 Có điểm tương phản rõ rệt giữa những người Do Thái này và các môn đồ của Chúa Giê-su. Về các môn đồ, ngài nói: “Phước cho mắt các ngươi, vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được!” (Ma-thi-ơ 13:16) Tín đồ Đấng Christ chân chính khao khát biết về Đức Giê-hô-va và phụng sự Ngài. Họ thích thú thi hành ý muốn Ngài được tiết lộ qua những trang Kinh Thánh. Như vậy những tín đồ Đấng Christ được xức dầu phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va trong chức vụ của giao ước mới, và những người thuộc lớp chiên khác cũng thế.—2 Cô-rinh-tô 3:6, 18, Tòa Tổng Giám Mục.

Tại sao tin mừng bị che khuất?

7. Tại sao việc đa số người ta chối bỏ tin mừng không làm chúng ta ngạc nhiên?

7 Như chúng ta thấy, thời của Chúa Giê-su cũng như thời của Môi-se, đa số dân Y-sơ-ra-ên đã bỏ qua cơ hội độc nhất dành cho họ. Thời của chúng ta cũng thế. Đa số người ta chối bỏ tin mừng chúng ta rao giảng. Điều này không có gì lạ. Phao-lô viết: “Nếu Tin-lành của chúng tôi còn che-khuất, là chỉ che-khuất cho những kẻ hư-mất, cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ”. (2 Cô-rinh-tô 4:3, 4) Ngoài những nỗ lực của Sa-tan nhằm che khuất tin mừng, nhiều người tự che mắt mình vì không muốn thấy.

8. Việc thiếu hiểu biết làm cho nhiều người mù quáng như thế nào, và làm sao chúng ta có thể tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự?

8 Theo nghĩa bóng, mắt của nhiều người bị mù bởi thiếu sự hiểu biết. Kinh Thánh nói dân các nước “bởi sự ngu-muội ở trong họ,... nên trí-khôn tối-tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời”. (Ê-phê-sô 4:18) Trước khi trở thành tín đồ Đấng Christ, Phao-lô—một người thông thạo Luật Pháp—mù quáng vì thiếu sự hiểu biết chính xác đến mức bắt bớ hội thánh của Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 15:9) Song, Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho ông biết lẽ thật. Phao-lô giải thích: “Ta đã đội ơn thương-xót, hầu cho Đức Chúa Jêsus-Christ tỏ mọi sự nhịn-nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời”. (1 Ti-mô-thê 1:16) Như Phao-lô, nhiều người trước đây chống đối lẽ thật của Đức Chúa Trời, nay đang phụng sự Ngài. Điều này thôi cũng đủ lý do để chúng ta tiếp tục làm chứng ngay cả với người chống đối. Đồng thời, bằng cách đều đặn học Lời Đức Chúa Trời và nắm vững những điều học được, chúng ta tránh được những hành động thiếu hiểu biết không làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va.

9, 10. (a) Người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất đã tỏ ra không chịu học hỏi và vẫn giữ quan điểm bảo thủ như thế nào? (b) Có trường hợp tương đương nào trong khối đạo xưng theo Đấng Christ ngày nay không? Hãy giải thích.

9 Nhiều người khác không thể hiểu những điều thuộc về tâm linh vì không chịu học hỏi và vẫn giữ quan điểm bảo thủ. Nhiều người Do Thái chối bỏ Chúa Giê-su và những lời dạy dỗ của ngài vì họ khăng khăng bám vào Luật Pháp Môi-se. Dĩ nhiên có trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, sau khi Chúa Giê-su sống lại, “cũng có rất nhiều thầy tế-lễ vâng-theo đạo nữa”. (Công-vụ 6:7) Tuy nhiên, nói về đa số người Do Thái, Phao-lô viết: “Cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ”. (2 Cô-rinh-tô 3:15) Rất có thể Phao-lô biết những lời mà trước đó Chúa Giê-su đã nói với các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo: “Các ngươi dò-xem Kinh-thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh-thánh làm chứng về ta vậy”. (Giăng 5:39) Đáng lẽ Kinh Thánh mà họ dò xem kỹ lưỡng phải giúp họ nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Tuy nhiên, người Do Thái đã có quan điểm riêng, thế nên ngay cả Con Đức Chúa Trời với biết bao phép lạ cũng không thể thuyết phục họ.

10 Điều ấy cũng đúng đối với nhiều người trong khối đạo xưng theo Đấng Christ ngày nay. Như người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, “họ sốt-sắng về Đức Chúa Trời, nhưng không phải là theo tri-thức đầy-đủ”. (Rô-ma 10:2, Ghi-đê-ôn) Dù một số người học Kinh Thánh, nhưng họ không muốn tin những gì Kinh Thánh nói. Họ không chấp nhận rằng Đức Giê-hô-va dạy dỗ dân Ngài qua lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan gồm các tín đồ đấng Christ được xức dầu. (Ma-thi-ơ 24:45) Tuy nhiên, chúng ta thì biết Đức Giê-hô-va đang dạy dỗ dân Ngài và sự hiểu biết về lẽ thật của Ngài luôn được làm sáng tỏ dần. (Châm-ngôn 4:18) Khi để cho Đức Giê-hô-va dạy dỗ, chúng ta được ban sự hiểu biết về ý muốn và ý định của Ngài.

11. Việc tin theo ý riêng làm cho lẽ thật bị che khuất như thế nào?

11 Những người khác mù quáng vì tin theo ý riêng. Kinh Thánh đã báo trước rằng sẽ có một số người chế giễu dân của Đức Chúa Trời và thông điệp liên quan đến sự hiện diện của Chúa Giê-su mà họ rao truyền. Sứ đồ Phi-e-rơ viết “chúng nó có ý quên lửng đi” chuyện Đức Chúa Trời giáng trận Nước Lụt xuống thế gian thời Nô-ê. (2 Phi-e-rơ 3:3-6) Cũng thế, nhiều người xưng là tín đồ Đấng Christ sẵn sàng thừa nhận rằng Đức Giê-hô-va hay thương xót, nhân từ và tha thứ; song họ lờ đi hay chối bỏ sự kiện là Ngài không miễn sự trừng phạt. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Trái lại, tín đồ Đấng Christ chân chính cẩn thận tìm hiểu Kinh Thánh thật sự dạy gì.

12. Truyền thống làm người ta mù quáng như thế nào?

12 Nhiều giáo dân mù quáng vì theo truyền thống. Chúa Giê-su nói với những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời ngài: “Các ngươi đã vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 15:6) Dân Do Thái sốt sắng khôi phục sự thờ phượng thanh sạch sau khi từ xứ phu tù Ba-by-lôn trở về, nhưng chính các thầy tế lễ trở nên người kiêu ngạo và tự xưng công bình. Các lễ hội tôn giáo trở thành có tính cách hình thức, thiếu lòng sùng kính chân thật đối với Đức Chúa Trời. (Ma-la-chi 1:6-8) Đến thời Chúa Giê-su, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã thêm vô số truyền thống vào Luật Pháp Môi-se. Chúa Giê-su đã vạch mặt những kẻ giả hình đó vì họ không để ý đến những nguyên tắc công bình là nền tảng của Luật Pháp. (Ma-thi-ơ 23:23, 24) Tín đồ thật của Đấng Christ phải cẩn thận, không để những truyền thống tôn giáo do loài người đặt ra làm họ đi trệch sự thờ phượng thanh sạch.

“Thấy Đấng không thấy được”

13. Môi-se đã thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời theo hai cách nào?

13 Trên Núi Si-na-i, Môi-se đã xin Đức Chúa Trời cho ông thấy sự vinh hiển của Ngài, và ông quả đã thấy ánh sáng còn lưu lại sau khi Đức Giê-hô-va biểu hiện sự vinh hiển của Ngài. Khi vào đền tạm, ông đã không che mặt. Môi-se là người có đức tin sâu đậm, ông ao ước làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Dù ông được đặc ân thấy một phần ánh sáng phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va, có thể nói trước đó ông đã thấy Đức Chúa Trời bằng cặp mắt đức tin. Kinh Thánh nói Môi-se “đứng vững như thấy Đấng không thấy được”. (Hê-bơ-rơ 11:27; Xuất Ê-díp-tô Ký 34:5-7) Ông phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va không những qua gương mặt tỏa sáng một thời gian mà còn qua nỗ lực giúp dân Y-sơ-ra-ên dần hiểu biết và phụng sự Đức Giê-hô-va.

14. Chúa Giê-su thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như thế nào, và ngài đã vui thích điều gì?

14 Ở trên trời, Chúa Giê-su đã tận mắt thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời qua bao thời đại, ngay cả trước khi vũ trụ được dựng nên. (Châm-ngôn 8:22, 30) Trong suốt thời gian đó, một tình yêu thương sâu đậm và trìu mến đã phát triển. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã biểu lộ tình yêu thương dịu dàng và trìu mến nhất đối với người Con này, là đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. Chúa Giê-su đáp lại bằng cách biểu lộ tình yêu thương sâu đậm và trìu mến đối với Đức Chúa Trời, Đấng Ban Sự Sống cho ngài. (Giăng 14:31; 17:24) Tình yêu thương giữa Cha và Con là tình yêu thương hoàn hảo. Chúa Giê-su, như Môi-se, vui thích phản chiếu sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va qua những điều ngài dạy dỗ.

15. Tín đồ Đấng Christ ngắm nhìn sự vinh hiển của Đức Chúa Trời theo cách nào?

15 Như Môi-se và Chúa Giê-su, Nhân Chứng Giê-hô-va trên đất ngày nay phấn khích khi ngắm nhìn sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va. Họ không ngoảnh mặt làm ngơ tin mừng vinh hiển. Sứ đồ Phao-lô viết: “Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa [để làm theo ý muốn Ngài], thì màn ấy mới cất khỏi”. (2 Cô-rinh-tô 3:16) Chúng ta học Kinh Thánh vì ước ao làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta thán phục sự vinh hiển phản chiếu trên gương mặt của Chúa Giê-su Christ, Con Đức Giê-hô-va và là Vua được xức dầu, và chúng ta noi gương ngài. Như Môi-se và như Chúa Giê-su, chúng ta được giao chức vụ giúp người khác tìm hiểu về Đức Chúa Trời vinh hiển mà chúng ta thờ phượng.

16. Nhờ biết lẽ thật, chúng ta được phước như thế nào?

16 Chúa Giê-su cầu nguyện: “Tôi khen-ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay”. (Ma-thi-ơ 11:25) Đức Giê-hô-va ban cho những người có lòng thành thật và khiêm nhường hiểu biết ý định và cá tính của Ngài. (1 Cô-rinh-tô 1:26-28) Chúng ta được Ngài chăm nom, che chở và dạy dỗ để chính chúng ta hưởng lợi ích hầu đạt được đời sống thỏa nguyện nhất. Mong sao chúng ta tận dụng mọi cơ hội để đến gần Đức Giê-hô-va, biết ơn Ngài đã có những sắp đặt để chúng ta biết về Ngài tường tận hơn.

17. Làm sao chúng ta có thể biết đầy đủ hơn về các đức tính của Đức Giê-hô-va?

17 Sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ Đấng Christ được xức dầu: “Mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa [Đức Giê-hô-va] như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó”. (2 Cô-rinh-tô 3:18, TTGM) Dù hy vọng của chúng ta là lên trời hay ở trên đất, càng hiểu biết về Đức Giê-hô-va—các đức tính và cá tính của Ngài được tỏ lộ qua Kinh Thánh—chúng ta càng noi gương Ngài nhiều hơn. Nếu chúng ta suy ngẫm với lòng biết ơn về đời sống, chức vụ và những dạy dỗ của Chúa Giê-su Christ, chúng ta sẽ phản ánh đầy đủ hơn các đức tính của Đức Giê-hô-va. Thật vui sướng xiết bao khi biết chúng ta được ca ngợi Đức Chúa Trời, Đấng chúng ta cố gắng phản chiếu sự vinh hiển Ngài!

Bạn có nhớ không?

• Tại sao dân Y-sơ-ra-ên sợ nhìn sự vinh hiển của Đức Chúa Trời phản chiếu qua gương mặt Môi-se?

• Tin mừng bị “che-khuất” như thế nào vào thế kỷ thứ nhất? vào thời chúng ta?

• Làm thế nào chúng ta phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 19]

Dân Y-sơ-ra-ên không dám nhìn mặt Môi-se

[Các hình nơi trang 21]

Như Phao-lô, nhiều người trước đây chống đối lẽ thật của Đức Chúa Trời, nay đang phụng sự Ngài

[Các hình nơi trang 23]

Tôi tớ Đức Giê-hô-va vui thích phản chiếu sự vinh hiển của Ngài