Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Dựa vào đâu để kết luận rằng các cụm từ “một mình Ngài có sự không hề chết” và ‘đấng chẳng người nào từng thấy và cũng không thấy được’ ám chỉ Chúa Giê-su chứ không phải Giê-hô-va Đức Chúa Trời?

Sứ đồ Phao-lô viết: “Sự [hiện ra] mà Đấng Chủ-tể hạnh-phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa, một mình Ngài có sự không hề chết, ở nơi sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được”.—1 Ti-mô-thê 6:15, 16.

Các nhà bình luận Kinh Thánh thường lý luận: ‘Làm thể nào mà những cụm từ—“một mình Ngài có sự không hề chết”, ‘Đấng Chủ-tể có một’ và ‘đấng chẳng người nào từng thấy và cũng không thấy được’—lại nói về đấng nào khác ngoài Đấng Toàn Năng?’ Đành rằng những cụm từ trên có thể được dùng khi nói về Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, theo văn cảnh của 1 Ti-mô-thê 6:15, 16, thì Phao-lô nói rõ ràng về Chúa Giê-su.

Nơi cuối câu 14, ông đề cập đến “sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. (1 Ti-mô-thê 6:14) Vì vậy, khi viết nơi câu 15 “là sự mà Đấng Chủ-tể hạnh-phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra”, ông nói đến sự hiện ra của Chúa Giê-su, chứ không phải của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vậy ‘Đấng Chủ-tể có một’ là đấng nào? Dường như hợp lý để kết luận rằng Phao-lô ám chỉ Chúa Giê-su là Đấng Chủ Tể. Dựa vào đâu? Văn cảnh cho thấy rõ ràng Phao-lô đang so sánh Chúa Giê-su với các nhà cai trị của loài người. Theo lời Phao-lô, Chúa Giê-su quả thật là “Vua của mọi vua [loài người], Chúa của mọi chúa [loài người]”. * Thật thế, so với họ, Chúa Giê-su là ‘Đấng Chủ-tể có một [‘Đấng độc nhất quyền năng’, Nguyễn Thế Thuấn]’. Chúa Giê-su đã được ban “quyền-thế, vinh-hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu-việc [ngài]”. (Đa-ni-ên 7:14) Không nhà cai trị nào của loài người, dù có quyền năng, có thể tự nhận là được ban những điều này!

Còn cụm từ “một mình Ngài có sự không hề chết” thì sao? Đây cũng là một sự so sánh giữa Chúa Giê-su và các vua của loài người. Không nhà cai trị nào trên đất có thể tự nhận là “có sự không hề chết”, hay bất tử, nhưng Chúa Giê-su thì có thể. Sứ đồ Phao-lô viết: “[Chúng ta] biết rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai-trị trên Ngài”. (Rô-ma 6:9) Thế thì Chúa Giê-su là nhân vật đầu tiên được miêu tả trong Kinh Thánh là được ban sự bất tử. Quả thật, vào thời điểm Phao-lô viết lá thư này, Chúa Giê-su là đấng duy nhất được nhận sự sống bất diệt.

Cũng hãy nhớ rằng nếu Phao-lô nói một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời có sự bất tử thì không đúng, vì khi ông viết những lời ấy, Chúa Giê-su cũng là đấng bất tử. Nhưng khi so sánh với những nhà cai trị trên đất thì Phao-lô có thể nói chỉ mình Chúa Giê-su là bất tử.

Hơn nữa, miêu tả Chúa Giê-su là ‘đấng chẳng người nào từng thấy và cũng không thấy được’ sau khi ngài sống lại và lên trời là điều hoàn toàn đúng. Đành rằng các môn đồ được xức dầu sẽ nhìn thấy Chúa Giê-su sau khi họ chết và sống lại để lên trời với thân thể thần linh. (Giăng 17:24) Nhưng không người nào trên đất được thấy Chúa Giê-su trong sự vinh hiển. Do đó, từ khi Chúa Giê-su sống lại và lên trời, việc nói rằng “chẳng người nào” thật sự được thấy ngài là phù hợp với sự thật.

Đúng vậy, lời miêu tả nơi 1 Ti-mô-thê 6:15, 16 khi mới đọc có vẻ ám chỉ về Đức Chúa Trời. Nhưng theo văn cảnh lời nói của Phao-lô, cộng với những câu Kinh Thánh khác, thì Phao-lô ám chỉ về Chúa Giê-su.

[Chú thích]

^ đ. 5 Những cụm từ tương tự nói về Chúa Giê-su cũng được dùng nơi 1 Cô-rinh-tô 8:5, 6; Khải-huyền 17:12, 14; 19:16.